Don Quixote (tiếng
Tây Ban Nha: Don Quijote) còn có tên bằng tiếng Việt: “Đôn Kihôtê” hoặc “Đông Ki Sốt”,
là tiểu thuyết của nhà văn Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616).
Cuốn truyện gồm 2 phần, có nhan đề bằng tiếng Tây Ban Nha “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha” (Don Quijote, đại kị sĩ tài hoa xứ Mancha). Phần đầu được xuất bản năm 1605 và phần 2 năm 1615.
Ấn bản
đầu tiên Don Quixote bằng tiếng Tây Ban Nha, năm 1605
Nội dung cuốn tiểu thuyết xoay quanh những chuyến phiêu lưu của một quý tộc sống ở xứ Mancha tên là Alonso Quixano. Chàng đọc nhiều truyện hiệp sĩ đến mức mất trí và sau đó quyết định trở thành một kỵ sĩ để làm sống lại tinh thần hào hiệp và phụng sự cho quốc gia, dân tộc.
Don Quixote đổi tên mình thành “Don Quijote xứ Mancha” và nhận một gã nông dân quê mùa, Sancho Panza, làm người tháp tùng. Khác với chủ, Sancho Panza là người thường sử dụng sự lanh lợi, “tinh ranh một cách trần tục” để đối phó với những lời độc thoại hùng tráng của chủ về vấn đề hiệp sĩ đã quá lỗi thời.
Tượng
đồng hai thầy trò Don Quijote và Sancho Panza tại Madrid, Tây Ban Nha
Thật tình Don Quixote không phân biệt được đâu là thực đâu là ảo, mà chỉ đắm chìm trong “thế giới hiệp sĩ” mà mình tưởng tượng ra. Câu chuyện được diễn tiến theo bước chân của chàng, với những chuyện hoang đường phi lý về các hiệp sĩ rất thịnh hành hồi thế kỷ thứ 15.
Đầu óc Don Quixote lúc nào cũng đầy những ý tưởng về sự mê hoặc, đánh nhau, thách đấu, thương vong, oán trách, tình tứ, dằn vặt, những người khổng lồ, những lâu đài tráng lệ, những thiếu nữ bị bắt cóc và các cuộc giải cứu người đẹp hào hùng.
Mọi sự tầm thường trong con mắt mọi người bỗng trở thành “thi vị” với Quixote: mỗi chủ quán là một vị đại thần, mỗi người cưỡi la là một chàng hiệp sĩ, mỗi có gái điếm trở thành công nương và quán trọ là lâu đài tráng lệ…
Vì danh dự bản thân và vì nhiệm vụ đối với dân chúng, Quixote quyết định trở thành hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy, diệt trừ yêu quái và những lũ khổng lồ hung bạo, thiết lập trật tự và công lý, thử thách mình bằng các hiểm nguy như trong các truyện kiếm hiệp.
Chàng Don Quixote xứ Mancha đã phải bán nhà và vay một số tiền khổng lồ từ một người bạn để đi “hành hiệp giang hồ”. Chàng đem bộ áo giáp của ông cha để lại đã bị han rỉ và thủng lỗ chỗ ra đánh bóng và đội vào, phong cho con ngựa gầy còm cao lênh khênh của mình cái tên rất kêu Rocinante.
Đôn
Kihôtê xứ Mantra và con ngựa Rocinante (tranh của Honoré Daumier)
Và để đúng mốt của một hiệp sĩ lang thang phải có một người tình xinh đẹp, chàng nghĩ đến một phụ nữ nông dân mà chàng thầm yêu từ hồi tuổi trẻ và đặt cho cô ta cái tên Công nương Dulcinea làng Toboso.
Trong chuyến hành hiệp lần thứ nhất, Don Quixote nói với những người lái buôn phải công nhận nàng Dulcinea là người đẹp nhất trần gian, những người này không tin vì họ chưa từng thấy nàng. Kết quả của cuộc tranh luận là chàng hiệp sĩ bị đánh bại xiểng liểng sau một cuộc giao đấu!
Hiệp sĩ cao kều Don Quixote cùng “người hầu” Sancho Panza lùn tịt cưỡi lừa lẽo đẽo theo sau. Tất cả cũng chỉ vì “ông thầy” hứa hẹn sẽ giao cho “đệ tử” cai trị vùng đất mà Quixote… sẽ chiếm được vào một ngày nào đó từ tay bọn “địa chủ” trong tương lai!
Trận đối đầu quan trọng nhất của hiệp sĩ là cuộc chiến với những cối xay gió nhưng trong mắt Don Quixote là bọn người khổng lồ hung ác! Chàng nói với những cối xay gió: "Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay, các ngươi cũng sắp phải đền tội!".
Vừa dứt lời, hiệp sĩ lăm lăm ngọn giáo, thúc ngựa thẳng tiến tới tấn công cối xay gió. Ngọn giáo đâm vào cánh quạt của cối xay gió bị gãy tan tành còn người và ngựa của Don Quixote bị văng ra xa!
Don
Quixte đánh nhau với cối xay gió
Chàng tiếp tục ra đi và chợt gặp một đám tang nhà quý tộc thuộc dòng họ Segovia. Nghĩ ngay tới việc một hiệp sĩ bị tử thương và chàng phải có bổn phận thay mặt đám hiệp sĩ trả thù cho bạn, chàng đi theo tiễn đám một đoạn mới đi tiếp.
Cuộc phiêu lưu tiếp tục với việc chàng đánh một anh thợ cạo đội chiếc chậu thau bằng đồng mà chàng tưởng là chiếc mũ bằng vàng. Sở dĩ tôi nhắc lại chuyện anh thợ cạo vì câu chuyện này có liên quan đến một đồng nghiệp và đồng ngũ là anh Tôn Thất Lan mà tôi đã nói đến trong những bài viết trước.
Anh Lan dạy tại Đaị học TP. HCM và có soạn một tuyển tập nhạc kịch mang tên “Man of la Mancha”, lời của các ca khúc được trích từ nguyên bản tiếng Anh của Dale Wasserman, anh chỉ phổ thành nhạc.
Tập nhạc
kịch “Man of la Mancha” do anh Tôn Thất Lan soạn
Nhân ngày Nhà Giáo 21/11/1987 tập nhạc kịch này được các giáo sư và sinh viên của trường trình diễn tại giảng đường. Trong vở kịch này, anh Lan chỉ đóng một vai khiêm tốn của anh “thợ cạo”!
Nhạc
sĩ Tôn Thất Lan trong vai Thợ Cạo
Câu chuyện về Don Quixote kết thúc khi một người hàng xóm của anh cải trang thành hiệp sĩ để thách đấu với chàng. Điều kiện đặt ra là: “Nếu ta đánh thua, ta sẽ không làm hiệp sĩ nữa và nếu nhà ngươi thua thì ngươi cũng phải giải nghệ!”.
Cuối cùng, Don Quixote thua nên chàng phải trở về nhà với giấc mơ làm hiệp sĩ vẫn còn giang dở. Đến khi gần chết, Don Quixote nhận thức được tai hại và sự nhảm nhí của những cuốn truyện hiệp sĩ mà mình từng đọc. Ông ta viết di chúc rồi qua đời!
Đêm diễn
“Man of la Mancha” tại HCMC University Auditorium
Thông điệp của nhà văn Cervantes là gì? Ông chế giễu những tàn dư của lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu thời phong kiến bằng một giọng văn trào phúng. Ông đả kích thị hiếu tầm thường đang phổ biến trong công chúng lúc nào cũng muốn làm người hùng. Ngoài ra, ông thể hiện khát khao hướng đến một xã hội hậu phong kiến công bằng và nhân đạo hơn.
Tác phẩm Don Quixote đã được dịch sang rật nhiều thứ tiếng, người ta còn nói số bản dịch này chỉ đứng sau bộ Kinh Thánh. Trong tiếng Anh, tĩnh từ "quixotic" ngày nay được hiều là "duy tâm và thiếu thực tế" hay "lãng mạn" lấy từ tên nhân vật Quixote.
Ngoài ra, còn có thành ngữ "fighting windmills" (đánh nhau với cối xay gió) cũng bắt nguồn từ một trong những câu chuyện trong tác phẩm nhằm chỉ những ảo tưởng của con người.
Ở Don Quixote người ta thấy rõ là “thực” và “ảo” là hai chuyện khác hẳn nhau. Cái “tinh thần Don Quixote”, cho đến nay, hình như vẫn còn hiện diện trong một số người không phân biệt được đâu là sự thật và đâu là ảo vọng!
Nhạc kịch
“Man of la Mancha” của Tôn Thất Lan với thủ bút của tác giả
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét