Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Nhạc xưa… Người Viết & Người Ca

Người Viết” ở đây là những nhạc sĩ sáng tác những nhạc phẩm để rồi sau đó được những “Người Ca” trình diễn trước công chúng. Họ gắn bó với nhau như hình với bóng. Cũng vì vậy, một khi bản nhạc đã được quần chúng chấp nhận cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ đều trở thành “thần tượng” của đám đông.

Trong tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) tuy không phải là người tài năng nhất, cũng không phải là người được hâm mộ nhất, nhưng có điều chắc chắn ông là người có đóng góp nhiều nhất cho âm nhạc nếu xét về số lượng ca khúc nổi tiếng được đông đảo công chúng biết tới.

Phạm Duy cũng là người duy nhất sáng tác tất cả các thể loại âm nhạc và ông cũng là người duy nhất hiện diện trong tất cả các giai đoạn lịch sử của đất nước. Ông đã theo Việt Minh vào sống trong chiến khu và cũng đã diện kiến những lãnh tụ quốc gia thuộc nhiều xu thế chính trị khác nhau như vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, và Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Phạm Duy cũng được nhiều người biết đến với một gia đình nổi tiếng trong lãnh vực ca nhạc ở Hà Nội, từ ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) , Hoải Trung đến thế hệ con em như ca sĩ Thái Hiền, Duy Quang, Thái Thảo, Julie Quang…

Là con người “hào hoa”, cuộc đời tình ái của Phạm Duy cũng nổi bật không thua gì cuộc đời nghệ thuật. Ông tâm sự:

“Sống rất phóng túng và nhất là sống trong một thời đại rất náo động thì – hoặc ít hay nhiều – tôi có thể đã làm nên những điều lầm lỗi. Tôi rất muốn được xin lỗi nhiều người”.

Ông lại còn được mệnh danh là “người hát rong của thế kỷ” và đã có lần tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn:

“Người hát rong đã suốt đời không nhận làm một chú hề cho vua chúa (bouffon du roi), đã chọn người dân là đối tượng, rồi trong một thời loạn lạc chia ly đã tự nguyện làm người “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” thì làm sao mà im tiếng hát trước những buồn vui của dân tộc được?

“Trong một nước có quá nhiều biến cố chính trị như nước ta, tôi cũng công nhận rằng nhiều phen tôi bị chính trị bủa vây, nhưng tôi đã cố gắng tránh nó… Không biết tôi có tránh nổi nó chưa? Hay cứ bị người ta đeo vào mình hết nhãn hiệu này tới nhãn hiệu khác?”

(hết trích)

 

Bức ảnh vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy - Thái Hằng ở chiến khu Việt Bắc năm 1949

 

Trên trang web của nhacxua.vn có nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người sinh ra tại Quảng Trị năm 1929 và kết hôn với ca sĩ trẻ đẹp Thuý Nga năm 1957.

“Một trong những bản nhạc mà khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta không thể không nhớ đến, đó là “Đường Xưa Lối Cũ”. Trong tờ nhạc xuất bản trước 1975, đề bút dưới tựa đề của bài hát này, nhạc sĩ đã ghi: “Kính tặng Mẹ và tặng Em”. Từ khi ra đời cho đến nay, bài hát đã được nhiều người yêu thích, dễ đi vào lòng người nghe nhờ những giai điệu và ca từ buồn thương tiếc nhớ về hình bóng của những người thân yêu đã không còn nữa trên lối cũ về làng xưa. Bài hát này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác khi ông trở về làng Bích Khê ở Quảng Trị sau nhiều năm xa cách vì đất nước loạn lạc”.

Theo nhacxua.vn, trong bài hát có câu: “Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn…” lâu nay đã có nhiều người tưởng rằng nhạc sĩ nói về nỗi buồn người yêu sang ngang, tuy nhiên theo chính lời kể của nhạc sĩ thì đó là người em gái yêu dấu của ông, đã lấy chồng biệt xứ trong hoàn cảnh đất nước đã chia đôi.

Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và đa dạng của mình, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã để lại cho đời hàng trăm ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu nhất là “Đường Xưa Lối Cũ”, “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi”, “Túp Lều Lý Tưởng”… và đặc biệt là những ca khúc viết về quê hương như “Gạo Trắng Trăng Thanh”, “Trăng Rụng Xuống Cầu”, “Rước Tình Về Với Quê Hương”…

 

Hoàng Thi Thơ - Thuý Nga và các con

 

Kho tàng âm nhạc trước 1975 còn rất nhiều nhạc sĩ đã góp phần không nhỏ vào lịch sử âm nhạc Miền Nam. Điển hình là các tên tuổi như:

- Y Vân (1933-1992), nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ như “Lòng Mẹ” năm 1957 và hiện vẫn được trình diễn bởi các thế hệ ca sĩ đương thời. Ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu cha cha cha, disco, twist như “Sài Gòn”, “Ảo Ảnh”, “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời”, “Thôi”...

 

Y Vân (1933-1992)

 

- Đỗ Lễ (1941-1997) với những nhạc phẩm nổi tiếng “Chia Ly”, “Sang Ngang” và “Tình Phụ”. Năm 1994, sang định cư tại Mỹ và trở về Việt Nam năm 1996. Ông đã kết liễu đời mình bằng một liều Quinine cực mạnh tại Sài Gòn năm 1997.

 

Đỗ Lễ (1941-1997)

 

- Trịnh Công Sơn (1939-2001) những tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi là khoảng 236 ca khúc. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly với “Diễm Xưa”, “Ướt Mi”, “Gia Tài Của Mẹ”…

 

Trịnh Công Sơn (1939-2001)

 

Về phần ca sĩ, Khánh Ly vốn nổi tiếng một thời với danh hiệu “nữ hoàng chân đất” đã thằng thắn nhìn nhận:

“Chúng tôi, lớp người đã được quần chúng chấp nhận trước 75, thật sự đã trải qua bao nhiêu khó khăn, bằng chính năng khiếu của mình. Chỉ có một ít may mắn đủ trình độ văn hoá Đại học và tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Đức Huy, Quỳnh Giao, Mai Hương…. Còn lại, đa số chỉ đến Trung học, chưa bao giờ bước chân vào Quốc Gia Âm Nhạc. Lên sân khấu, với năng khiếu Trời cho và may mắn được chấp nhận”.

 

Khánh Ly (sinh năm 1945)

 

- Ca sĩ Thanh Thuý (sinh năm 1943) đã một thời nổi tiếng với những tác phẩm như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, “Mưa Nửa Đêm”, “Phố Buồn”... Bà cũng là một ca sĩ được khán giả đặt cho nhiều biệt danh nhất, như “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát Lúc 0 Giờ”, “Tiếng Hát Về Khuya”.

Thanh Thuý còn được một số nhạc sĩ viết tặng nhiều bài hát, như “Uớt Mi”, “Thúy Đã Đi Rồi”, “Được Tin Em Lấy Chồng”… cùng rất nhiều bài thơ của các thi nhân viết để tặng bà.

Năm 1961, bà được phong danh hiệu "Hoa hậu Nghệ sĩ" tại phòng trà Anh Vũ. Bà trở thành một ngôi sao trên các đại nhạc hội, làn sóng điện đài phát thanh và những hãng băng dĩa lớn thời đó. Bà còn lập cả trung tâm băng nhạc Thanh Thúy, do chính bà thực hiện và do nhạc sĩ Ngọc Chánh hòa âm và thành công với số lượng trên dưới 30 băng nhạc.

Sau năm 1975, bà sang Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình. Tại đây, bà thành lập một trung tâm băng nhạc mang tên "Thanh Thúy Productions". Bà cũng cộng tác với một số trung tâm băng nhạc tại hải ngoại, điển hình là trung tâm Asia.

 

Thanh Thuý, trong đêm “Một thời đề nhớ”, Melbourrne, 2013

 

- Thanh Lan (sinh năm 1948) là một nghệ sĩ hiếm hoi đã thành công trong cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Ngay từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức và tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà.

Ca sĩ Thanh Lan, nổi tiếng với các ca khúc nhạc Pháp, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn. Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên.

Với điện ảnh, bà đã tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như “Tiếng Hát Học Trò”, “Ván Bài Lật Ngửa”… Ngay từ khi vào năm thứ nhất Đại học Văn khoa, Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Bà tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi.

Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp. Bà cũng đi lưu diễn ở một số nước trên thế giới.

Năm 1973, tại Nhật Bản, Thanh Lan đã trình bày ca khúc "Tuổi biết buồn" được vào chung kết tại Đại hội Âm nhạc Quốc tế Yamaha tại Tokyo. Bà còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài "Ai no hio Kesanaide""Tuổi mộng mơ" của Phạm Duy, được dịch sang tiếng Nhật là "Yume o Miruno".

Sau vài năm gián đoạn từ 1975, Thanh Lan lại tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc, nổi tiếng với các bài hát như: "Phượng hồng", "Em đi chùa Hương", "Khi xưa ta bé” (Bang bang), "Trở về mái nhà xưa” (Come back to Sorrento), "Búp bê không tình yêu", "Giàn thiên lý đã xa", "Trưng Vương khung cửa mùa thu"…

Cuối thập niên 1980 Thanh Lan tìm cách vượt biển và vượt biên bằng đường bộ theo các nhóm ra Vũng Tàu, rồi Bến Tre, lên thuyền ra khơi, nhưng kém may mắn, mấy lần vượt biển thất bại, bị công an bắt giam.

Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm bộ phim điện ảnh đầu tay với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc đóng vai chính, nhưng chưa kịp thực hiện. Cũng trong năm đó, trong một chuyến đi quảng bá phim, Thanh Lan đã chọn ở lại Hoa Kỳ và định cư từ đó đến nay.

 

Nữ danh ca Thanh Lan và hồi ký “Bão Tố Cuộc Đời”

 

Trước năm 1975, Miền Nam có loại “tờ nhạc” hay “bìa nhạc” (music sheet) gồm 4 trang với kích thước 30x22cm, được gấp lại thành khổ giấy A4 và bày bán trên thị trường với giá tương đối rẻ. Vì vậy có thể nói một trong những nguồn thu lớn của các nhạc sĩ và nhà xuất bản âm nhạc thời đó đến từ việc bán… tờ bài hát.

Trang đầu có thể là bức tranh vẽ hoặc hình chụp ca sĩ nổi tiếng, in tựa đề bản nhạc và tác giả sáng tác bài hát. Hai trang giữa là bản nhạc, ký âm với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung bậc. Thậm chí sau này, trên mỗi khuông nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn guitar hoặc piano…

Trang cuối là phần quảng cáo của nhà xuất bản, liệt kê những tờ nhạc đã phát hành. Có rất nhiều nhà xuất bản tờ nhạc, nổi tiếng nhất là Minh Phát, Tinh Hoa Miền Nam, Sống Chung, Á Châu, An Phú….

Cũng phải nói thêm, phần trỉnh bày do các hoạ sĩ đảm nhận, có những hoạ sĩ chuyên sống bằng nghề thiết kế hình bìa tờ nhạc. Trong phần hình ảnh, chúng tôi trích dẫn một số “music sheet” trước năm 1975.

 

“Bảy ngày đợi mong” - Trần Thiện Thanh

 

“Chiều Hành quân” - Lam Phương

 

“Chiều mưa biến giới” - Nguyễn Văn Đông

 

“Cô hàng hoa” - Thẩm Oánh

 

“Hè về” - Hùng Lân

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts