Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

Nghi vấn quanh bài thơ Đừng Tưởng của Bùi Giáng

Thi sĩ Bùi Giáng mất chiều ngày 7/10/1998, trong một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy sau những năm tháng mà ông gọi là “sống điên rồ lừng lẫy…” hay “chết đi sống lại vẻ vang”.

 

Tượng trên mộ Bùi Giáng

 

Những người yêu thơ rất thích bài thơ Đừng Tưởng… từng được “coi như là” của nhà thơ “lúc điên, lúc tỉnh” Bùi Giáng:


“Đừng tưởng cứ núi là cao.

Cứ sông là chảy, cứ ao là tù.

Đừng tưởng cứ dưới là ngu.

Cứ trên là sáng, cứ tu là hiền.

 

“Đừng tưởng cứ đẹp là tiên.

Cứ nhiều là được, cứ tiền là xong.

Đừng tưởng không nói là câm.

Không nghe là điếc, không trông là mù.

 

“Đừng tưởng cứ trọc là sư.

Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan.

Đừng tưởng có của đã sang.

Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây.

 

“Đừng tưởng cứ uống là say.

Cứ chân là bước, cứ tay là sờ.

Đừng tưởng cứ đợi là chờ.

Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.

 

“Đừng tưởng cứ mới là tân.

Cứ hứa là chắc, cứ ân là tình.

Đừng tưởng cứ thấp là khinh.

Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to.

 

“Đừng tưởng cứ quyết là nên.

Cứ mạnh là thắng, cứ mềm là thua.

Đừng tưởng cứ lớn là khôn,

Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng !

 

“Đừng tưởng giàu hết cô đơn.

Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo.

Đừng tưởng cứ gió là mưa.

Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè.

 

“Đừng tưởng cứ hạ là ve,

Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…

Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn,

Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu…

 

“Đừng tưởng cứ thích là yêu,

Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay…

Đừng tưởng trong lưỡi có đường,

Nói lời ngon ngọt mười phương chết người.

 

“Đừng tưởng cứ chọc là cười,

Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?

Đừng tưởng khó nhọc gian lao,

Vượt qua thử thách tự hào lắm thay !

 

“Đừng tưởng cứ giỏi là hay,

Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần.

Đừng tưởng nắng gió êm đềm,

Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng.

 

“Đừng tưởng góp sức là chung,

chỉ là lợi dụng lòng tin của người.

Đừng tưởng cứ tiến là lên,

Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm.

 

“Đừng tưởng rằm sẽ có trăng,

Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu.

Đừng tưởng cứ khóc là sầu,

Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng.

 

“Đừng tưởng cứ nghèo là hèn,

Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.

Đừng tưởng quan chức là rồng,

Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.

 

“Đời người lúc thịnh, lúc suy,

Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.

Bên nhau chua ngọt đã từng,

Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.

 

“Ở đời nhân nghĩa làm đầu,

Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.

Ai ơi, nhớ lấy đừng quên…

 


 

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 12/5/2016 đăng hồi ký của nghệ sĩ Kim Cương về mối tình kỳ dị mà thi sĩ Bùi Giáng dành cho bà, trong đó có bài thơ Đừng Tưởng ký tên ông… nhiều người đọc thắc mắc và cho rằng bài thơ không phải là của Bùi Giáng.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ chiều 12/5/2016, nghệ sĩ Kim Cương cho biết một người bạn gửi cho bà bài thơ này, ký tên Bùi Giáng sau khi thi sĩ mất. Sau đó bà cũng tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, thấy nhiều nguồn ký tên Bùi Giáng dưới bài thơ. Bà tâm đắc với bài thơ nhưng không xác minh thêm độ xác thực của thông tin.

Kim Cương biết Bùi Giáng lúc khoảng 19 tuổi khi còn theo đoàn cải lương của bà Bảy Nam. Thật ra, ông chú ý đến KC trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo KC: "Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị". KC trả lời: "Ừ, thì mời ổng tới".

Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có "điên điên" như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời KC lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi lại cầu hôn... Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó "kỳ kỳ", bất bình thường, nên bà sợ.

Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: "Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn KC mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi".

Kim Cương ngần ngừ: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính...". Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới.

Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. KC hết hồn. Thôi rồi, ổng đúng là không bình thường!

 

“Kính thưa công chúa Kim Cương,

Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây.

Tờ thư rất mực móng dày,

Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?

(Kính thưa)

 

Kỳ nữ Kim Cương và Bùi Giáng

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hoài (người giữ gìn di cảo của Bùi Giáng) cho biết trước đây đã có vài người hỏi ông “Đừng Tưởng có phải là thơ của Bùi Giáng?”.

Câu trả lời của ông là… “không chắc”, vì Bùi Giáng để lại quá nhiều thơ và đã có nhiều trường hợp gán tên ông vào những bài thơ không phải do ông sáng tác từ thời ông còn sống.

Theo ý kiến cá nhân của ông Thanh Hoài, Đừng Tưởng khó có thể là thơ của Bùi Giáng vì ngôn ngữ đời thường của bài này không giống với ngôn ngữ nhiều tầng và ý nghĩa ẩn dụ của thơ ông.

 

Bùi Giáng qua nét vẽ của Trần Vĩnh Thế

 

Sau khi đọc hết bài thơ mang ý nghĩa Đừng Tưởng, người đọc có cảm giác đây là một bải thơ mang tính “triết lý phản biện” về những chuyện bình thường của người đời. Những điều mà người ta cứ nghĩ là “thường tình” lại có một luồng tư tưởng “mới lạ pha chút khôi hài” theo kiểu… “thấy vậy nhưng lại không phải vậy”.

Đó cũng là một lý do mà người yêu thơ đặt vấn đề về “bản quyền tác giả”: Phải chăng tác giả là nhà thơ Bùi Giáng, người nổi tiếng với những vần thơ “lúc điên, khi tỉnh” ngoài nghệ thuật dùng chữ nghĩa thâm trầm, đôi khi lại rất “thoát tục” nhưng có lúc lại “bình dị” như cuộc sống của ông!

"Mưa Nguồn” là tập thơ đầu tay của Bùi Giáng được in năm 1962, gồm nhiều bài làm từ 1948. Lời thơ bí ẩn, tươi thắm và tha thiết, mở đầu cho cả một tập thơ: Chẳng hạn như trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân”, Bùi Giáng đã dùng hai chữ “miên trường” một cách bí ẩn, nếu không muốn nói là… lập dị:

 

“Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng”

 

Xuân không mùa, Xuân là duy nhất, là tuyệt đối cho nên ông gọi là “nguyên xuân”, có thể hiểu là “Mùa Xuân Nguyên Thủy” và cũng có thể hiểu là “Mùa Xuân Viên Mãn”… hoặc là cả hai! Mùa xuân đó kéo dài từ thủa hồng hoang cho đến muôn muôn đời.

 

“Thưa rằng ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”

 

Bùi Giáng là một thi sĩ dùng chữ cầu kỳ cộng thêm “nghệ thuật đảo ngữ” một cách xuất thần như trong “Bài ca quần đảo”:

 

“Người viết mãi một màu xanh cho cỏ,

Người viết hoài một màu cỏ cho xuân”

 

Tập thơ “Mưa Nguồn” (1962)

 

Bài thơ Đừng Tưởng mang tính triết lí cao được tác giả Hà Sỹ Liêm cho là thuộc bản quyền của mình khi lên tiếng về việc ai là tác giả thật sự khi có nhiều ý kiến cho rằng đây là bài thơ đứng tên Bùi Giáng.

Bài thơ lục bát Đừng Tưởng được đăng trên Báo Gia đình & Xã hội vào ngày 29/3/2016 với tên tác giả là Hà Sỹ Liêm. Ông Liêm đã cung cấp bản viết tay mà ông nói là bản nháp gốc bài thơ và Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.

 

Giấy chứng nhận bản quyền do ông Hà Sỹ Liêm cung cấp

 

Với việc chứng minh như vậy, tác giả Hà Sỹ Liêm khẳng định, bài thơ này được ông sáng tác vào năm 1992 khi 29 tuổi đang sống tại Pháp và do bị mất bản thảo cho đến nay vẫn chưa tìm thấy lại được. Sau đó, vô tình nhìn thấy bài thơ của mình trên mạng, nhận ra đó là bài thơ mình sáng tác, ông đã xin Giấy chứng nhận vào ngày 5/10/2015.

 

Tác giả Hà Sỹ Liêm

 

Người ta chú ý đến một nhân vật khác là Trần Văn Sỹ (thời điểm 2008 là cán bộ ngành thông tin và truyền thông), ông đã sáng tác khá nhiều thơ, nhạc, vẽ tranh… Trong đó có nhiều bài thơ đăng trên báo An ninh Thế giới, Tạp chí Phụ nữ

Ông Trần Văn Sỹ bày tỏ, ông ít sáng tác nhưng những bài thơ của ông mang tính chiêm nghiệm và đầy triết lí. Ông đã gửi lời bình luận ngay dưới bài viết của Hà Sỹ Liêm với nội dung:

“Thực ra có nhiều bài thơ Đừng Tưởng.... Vấn đề là những câu trong bài thơ Đừng Tưởng của tác giả Sỹ Liêm là những câu nào, có phải là những câu thơ gây sốt trên mạng thời gian qua hay không.

“Từ 2009, tôi có viết một bài cũng đề là Đừng Tưởng, bạn bè đọc chơi rồi tung lên mạng, nay thấy những câu ấy phần nhiều cũng được người ta bảo là của nhà thơ Bùi Giáng, song người nhà thơ Bùi Giáng không nói gì, nên tôi không nêu ý kiến của mình.

“Nay thấy có người là tác giả của bài thơ Đừng Tưởng, song tôi chưa biết là những câu thơ như thế nào. Rất mong tác giả Sỹ Liêm cho đăng nguyên văn bài thơ của ông đã sáng tác nói trên để tránh nhầm lẫn”.

(hết trích)


Ông Sỹ cũng đã gửi thêm cho ông Hà Sỹ Liêm những câu sau đây mà ông khẳng định chưa ai có thể thấy ở đâu cả, vì nó do ông ngẫu hứng sáng tác nhân sự kiện bị đạo thơ này:

 

“Đừng tưởng giỏi lừa là tài

Giỏi giấu là kín, giỏi bài là an

Đừng tưởng thơ của dân gian

Thì dễ ắn cắp để làm của ta

 

“Đừng tưởng người xử hiền hòa

Mà người chẳng thể vùi ta xuống bùn

Đừng tưởng ta nói nhơn nhơn

Người im không nói ta hơn được người

 

“Đừng tưởng lừa được triệu người

Chỉ một người biết mà đời ta yên

Đừng tưởng…

 

Sau sự kiện bị “đạo thơ” này, ông Trần Văn Sỹ cho biết tới đây có thể ông sẽ xuất bản các sáng tác lâu nay của mình để… “sau này đỡ phải đi bắt trộm”.

 

Tác giả Trần Văn Sỹ

 

Chỉ tiếc một điều, thi sĩ Bùi Giáng tài hoa của chúng ta không còn hiện diện trên cõi đời này để lên tiếng giữa những tranh cãi về quyền tác giả của một bài thơ!

Chúng tôi kết thúc bài viết “những nghi vấn quanh một bài thơ…” với những lời thơ dựa theo tinh thần… đừng tưởng:

 

“Đừng tưởng nằm xuống là yên

Thế gian từ tạ về miền hư vô

Ngờ đâu từ giã cõi đời

Xuôi tay, nhắm mắt… khó rời trần gian!”

 

Mộ phần Bùi Giáng

 

***

 

Tham khảo thêm:


“Xuân trong thơ Bùi Giáng”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../xuan-trong-tho-bui...


“Bùi Giáng – thơ Tiên hay thơ Điên (1)?”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../bui-giang-tho-tien-hay...

 

“Bùi Giáng – thơ Tiên hay thơ Điên (2)?”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../bui-giang-tho-tien-hay...

 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts