Cuối thập niên
60, tôi chuyển trường từ Ban Mê Thuột sang trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, học năm
Đệ Nhất (ngày nay là lớp 12). Tôi trọ học tại đường Võ Tánh, đoạn gần với trường
Chiến tranh Chính trị, Đại học Đà Lạt và trường nữ Bùi Thị Xuân.
Xin bắt đầu “Chuyện tình Lê Uyên & Phương” với
câu chuyện “Đà Lạt sương mù: Năm tháng
ngao du” đã đăng trên Blogspot, Nguyễn Ngọc Chính’s Hồi ức một đời người, https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/a-lat-suong-mu-nam-thang-ngao-du.html:
“Ở Đà Lạt, tôi quen với Lê Thị Tuyết Lan,
nhà ở cuối dốc Võ Tánh, phía gần hồ Xuân Hương. Tuyết Lan là em của Lộc mà sau
này nổi tiếng qua cặp song ca Lê Uyên Phương tại Sài Gòn, một phiên bản của
Sonny & Cher của Mỹ vào thời 60-70.
“Tuyết Lan vóc người cao ráo, tóc dài, má
lúc nào cũng hây hây hồng, một điển hình của các cô gái Đà Lạt. Tuyết Lan chưa
phải là người tình vì hai chúng tôi đối xử với nhau như những người bạn thân
thiết dù có hai đứa có lần đi chơi trên Vallé d’Amour, Thung lũng tình yêu.
“Trên thung lũng vắng lặng, chúng tôi hồn
nhiên hái doa dại, đuổi bắt nhau và rồi nằm bên nhau ngắm bầu trời xanh lơ của
Đà Lạt, chuyện trò vu vơ. Thế nhưng, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện yêu
đương, chỉ biết mỗi khi bên nhau cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Bảo thế là tình
yêu thì quá sớm, chắc chỉ ở mức trên tình bạn”.
(hết trích)
Nhưng, chủ đề của
bài viết này không phải là chuyện thuở học trò của tôi với Tuyết Lan mà là chuyện
tình của anh nàng, nhạc sĩ Lê Văn Lộc (sau này được biết đến qua tên Phương) với
một ca sĩ có tên Lê Uyên (tên thật là Lâm Phúc Anh).
Lê
Văn Lộc (Phương)
Tôi rất ít khi gặp
anh Lộc tại nhà Tuyết Lan, đó là một căn nhà nhỏ, bằng gỗ… nằm ở ngã ba đầu dốc
Võ Tánh, nơi có đường lên chùa Linh Sơn và nếu rẽ trái là đường ra hồ Xuân
Hương.
Ngày đó, anh Lộc
dậy học, trước mắt tôi, anh có vóc dáng một thanh niên gầy gò với bộ ria mép lởm
chởm, không được thường xuyên cắt tỉa. Tôi lại càng không biết anh là một nhạc
sĩ nhưng trong nhà có đàn guitar và một chiếc vĩ cầm (violon).
Ngày quen với Tuyết Lan tôi hiểu rất rõ về gia cảnh của
gia đình cô với căn nhà gỗ tuyềnh toàng, phải nói là thuộc tầng lớp xã hội… dưới
mức trung lưu. Mãi sau này, qua báo chí tôi mới biết đó là một gia thế hoàng tộc.
Mẹ của anh Lộc và Tuyết Lan là con gái thứ 9 của vua
Thành Thái, có tên Công Tôn Nữ Phương Nhi. Đó cũng là lý do sau này anh lấy tên
Phương khi bước vào làng ca nhạc. Trong khi đó, bố của họ lại là một “công tử”
đã bỏ xứ Thần Kinh ra đi và sống một cuộc đời lãng tử, nếu muốn nói theo ngôn
ngữ thời đó là… “đi bụi đời”.
Anh bị một cục u
ở ngón tay và cả ngón chân, mọi người cứ nghĩ anh bị ung thư xương. Thậm chí có
người sau này còn ác ý bảo anh bị… cùi! Anh có giọng nói đặc biệt mà tôi gọi là
“giọng Đà Lạt”, một giọng nói của người miền Trung pha lẫn giọng miền Nam.
Nhạc
sĩ kiêm ca sĩ Lê Văn Lộc
Trong một cuộc
phỏng vấn, Lâm Phúc Anh (mà sau này được biết đến qua tên ca sĩ Lê Uyên) xác nhận
cô đã yêu anh Lộc (tức nhạc sĩ Phương sau này) từ rất sớm:
“15 tuổi, tôi yêu
anh. Tôi là con của một gia đình thương gia khá giả và nề nếp ở khu người Hoa,
Sài Gòn, được gia đình đưa lên Đà Lạt để học trường Tây nội trú… Anh hơn tôi 10
tuổi và trước khi đến với tôi, anh không hề có ý định lập gia đình”.
…
“Một hôm trên đường
ra phố, tôi thấy có một chàng trai ngồi trên tảng đá đầu con dốc nhìn tôi với
ánh mắt rất lạ. Anh cất tiếng “Chào cô”. Tôi nhớ mãi ánh mắt đó.
“Hai ngày sau, tôi
cùng bạn học xem buổi hòa nhạc tại lữ quán Thanh niên. Khi tôi đến, buổi hòa nhạc
rất đông, khoảng 200 người, tôi vẫn cố gắng chen vào. Tôi giật mình, người con
trai mình gặp hôm qua đang ngồi kéo violon say sưa.
“Lúc đó, tôi cũng mới
được biết anh là một người chơi nhạc nổi tiếng ở thành phố Đà Lạt…. Chúng tôi gặp
gỡ nhau thường xuyên hơn. Những tháng ngày yêu đương cứ thế được bắt đầu”.
(hết trích)
Lê
Uyên & Phương
Ban đầu, cuộc
tình của họ gặp rất nhiều trắc trở từ phía gia đình của Lâm Phúc Anh. Theo cô,
không phải vì gia đình của Lộc nghèo mà là vì bố mẹ nghĩ cô còn quá trẻ để yêu!
Bố mẹ của cô biết chuyện yêu đương của hai người nên Tết năm đó không
cho cô tiếp tục học trên Đà Lạt.
Để bảo vệ tình yêu, cô gái 15 tuổi quyết định tự vẫn.
Theo lời cô kể:
“Tôi đã đi mua thuốc
ngủ, chọn tối Thứ Bảy để uống, để quyết ra đi chứ không phải là dọa (vì ngày
khác sẽ có người lên đánh thức dậy đi học). Chết còn hơn là sống mà không được
yêu anh. 8 giờ sáng, mẹ tôi lên hỏi tôi một việc gì đó. Gọi không thấy tôi trả
lời, thấy cửa khóa bên trong nên cho người leo qua cửa sổ vào phòng, đưa tôi đến
bệnh viện súc ruột”.
Cô gái vẫn chưa chịu đầu hàng và cô thực hiện một biện
pháp táo bạo hơn: bỏ nhà ra đi với người mình yêu. Họ sống tại Bảo Lộc một tuần…
có điều, cô nói thêm: “Anh đứng đắn,
không vượt quá giới hạn gì trong suốt một tuần lễ sống chung”.
Bà mẹ hốt hoảng, tìm cách thỏa hiệp nhưng vẫn tiếp tục ngấm
ngầm ngăn cấm. Lâm Phúc Anh lại đi nước cờ mạnh hơn nữa để bảo vệ tình yêu của
mình. Cô quyết định phải có con với người mình yêu, cô giải thích: “Không chỉ để tạo áp lực cho gia đình mà còn
để anh thấy tôi yêu anh đến mức nào”.
Kết quả là hai tháng sau cô có thai. Mẹ cô đưa cô đi khám
và kiên quyết bắt cô phải phá thai. Bà đưa ra một “tối hậu thư” đe dọa: “Nếu
con không phá thai thì thằng Lộc sẽ phải ở tù… vì con còn đang trong tuổi vị
thành niên!”.
Cô gái quay sang cầu cứu với ông bố vốn lâu nay ý kiến của
ông rất có “trọng lượng” với bà mẹ. Và cuối cùng, ông ủng hộ con vì theo ông,
con gái đã yêu thương một chàng trai hiền lành, học thức và lại tài hoa. Ông
nói phân tích với vợ:
“Chúng đã thương
yêu nhau đến thế thì cho chúng đến với nhau… vì nhỡ có chuyện gì thì mình lại mất
đi một đứa con”.
Thế là cô gái 15 tuổi báo tin mừng cho Lộc. Anh đi mượn
tiền đủ để sắm hai chiếc nhẫn cưới nhỏ và tức tốc về Sài Gòn cưới vợ. Sau lễ cưới,
cả hai quay về Đà Lạt để… hưởng tuần trăng mật.
Những
ngày hạnh phúc bên nhau tại Đà Lạt
Nhạc của Lê Văn Lộc không mang tính cách triết lý với những
ca từ khó hiểu như của Trịnh Công Sơn, ngược lại, Lộc dùng những lời rất đơn giản
trong cuộc sống hàng ngày để nói lên tậm trạng khắc khoải về tình yêu. Trong bản
nhạc đầu tiên anh sáng tác tặng vợ, bài “Tình khúc cho em”, có đoạn:
“… Thương em khi
yêu lần đầu
Thương em lo âu
tình sau
Dù gương xưa không
được lau
Soi lấy bóng mối
duyên sầu
Cho tôi yêu em nồng
nàn
Dù biết yêu… tình
yêu muộn màng…”
Anh tập cho Lâm
Phúc Anh hát và luôn nhắc nhở: “Phải
hát hết lòng. Hát trung thực với chính mình. Thích thì hát, không thì thôi, đừng
bao giờ… hát giả bộ”. Và họ đã hát cho tình yêu mà chẳng bao giờ nghĩ rằng
sau này họ trở thành đôi song ca nổi tiếng Lê Uyên & Phương.
Mãi đến năm 1970, nhà thơ Đỗ Quý Toàn từ Sài Gòn lên Đà Lạt
họp Hướng đạo và được nghe băng cassette tự thâu của hai người. Nhà thơ nói với
Lộc một câu thật tình cảm: “Bất cứ lúc
nào anh xuống Sài Gòn thì gặp tôi nhé”.
Đôi song ca về Sài Gòn vào dịp Tết. Họ gặp lại Đỗ Quý
Toàn và nhà thơ giới thiệu họ với nhà báo Đỗ Ngọc Yến, người hoạt động trong
phong trào văn nghệ sinh viên. Lần đầu tiên họ ra mắt Sài Gòn tại trường Quốc
gia Âm nhạc. Đôi song ca hát liên tiếp 3 bài chỉ với cây đàn guitar và được
khán giả ủng hộ nhiệt tình.
Ngay sau đó là các buổi trình diễn cho sinh viên các trường
Văn khoa, Luật khoa, Y khoa, Sư phạm… với đông nghẹt những khán giả trẻ. Khi đó
là thời của Sonny & Cher đang “làm mưa, làm gió” trên sân khấu nhạc trẻ ở
Hoa Kỳ (*). Thế là Sài Gòn cũng nổi lên Lê Uyên & Phương không hề kém cạnh.
Lê Uyên nhớ lại:
“Trong suốt 19 ngày
ở Sài Gòn, chúng tôi xuất hiện dày đặc trên sân khấu, trên truyền hình và cả ở
Cà Phê Con Nai Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến. Hình ảnh của chúng tôi còn xuất hiện
khá nhiều trên mặt báo… Chúng tôi đã bước lên sân khấu ca nhạc với một tâm trạng
lâng lâng đến độ không thể nào ngờ là mình đã đứng trên đó và đã thuộc về nó…”
Chuyến lưu diễn Sài Gòn gần một tháng đã đem lại cho Lê
Uyên & Phương hợp đồng biểu diễn tại 5 phòng trà với thù lao 5.000 đồng, mỗi
đêm hát chỉ 3 bài. Lương giáo viên của Lộc khi đó chỉ khoảng 5 hay 6 ngàn một
tháng!
Lê Uyên & Phương trên sân khấu
Sống ở Sài Gòn, Lộc lại nhớ Đà Lạt và luôn muốn quay về.
Đà Lạt hình như đã thấm trong máu và tim anh. Cuộc sống bon chen nơi đô thành khiến
anh lo sợ nó làm vẩn đục những tình cảm trong trẻo của mình. Trong bài hát
“Vũng lầy của chúng ta” có đoạn anh viết:
“… Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết cơn… cơn ê chề…”
Bốn năm sau ngày
Sài Gòn sụp đổ, họ vẫn sống lay lứt trong thời điêu linh tại quê nhà. Và sau
này, ngay cả trên đất nước tạm dung chúng ta vẫn thấy tâm trạng khắc khoải của
người nhạc sĩ và ca sĩ tài hoa bên cạnh vợ. Lê Uyên đã có lần thổ lộ sau hơn 10
năm hạnh phúc bên người yêu:
“Sang Mỹ, anh sống
những ngày rất rỗng, rất sốc và nhớ Đà Lạt. Anh gần như mất hết cảm hứng sáng
tác… Cho đến ngày anh qua đời, tôi và anh vẫn một lòng một dạ yêu thương nhau,
chưa từng mang cho nhau một thương tổn gì...”
Họ có đứa con đầu lòng khi Lê Uyên 16 tuổi và hơn 10 năm
sau mới có đứa thứ 2. Cô nhận xét Lộc là người đạo đức nên “nhu cầu xác thịt”
không nhiều. Vả lại, anh vốn là người ốm yếu nên “không đủ sức” và “không cạn
tình” để bỏ người tri kỷ, chạy theo một “người thứ ba”.
Nói về tin đồn trong đám tang của Lộc có tới “hai người
phụ nữ đội khăn tang”, Lê Uyên xác nhận đó là em gái của mình:
“Cô em bất hạnh
trong gia đình tôi, người khờ khạo, chậm chạp và không có một người đàn ông nào
trong đời. Tôi rất thương em tôi và em tôi cũng thương tôi.
“Đứa con đầu của
tôi do em gái tôi một tay nuôi dưỡng như một người mẹ để chúng tôi đi hát hàng
đêm. Khi tôi qua Mỹ sinh đứa tiếp theo, cũng một tay cô ấy chăm sóc… Các con gọi
em tôi là má.
“Khi anh chết, tôi
để em tôi đội khăn tang, như một người thân gắn bó, như một tình cảm lớn của em
dành cho anh, tôi phải trân trọng.
(hết trích)
Một
cặp song ca “mùi mẫm” nhất trong làng ca nhạc Việt
Anh Lộc qua đời
năm 1999 tại California. Và phải đến 7 năm sau Lê Uyên mới tái giá với một người
đàn ông tên Mẫn. Cô nói, chính người chồng quá cố là người “mai mối” để cô đến
với Mẫn. Lê Uyên nói với người chồng đến sau:
“Hãy đến với em bằng
cả sự trân trọng anh Phương dù anh ấy không còn. Chứ đừng đến với em bằng tâm
thế của một người đàn ông bình thường, với những ghen tuông, giận dữ với quá khứ.
…
“Anh đến với tôi và
anh hiểu những trân trọng của tôi dành cho người chồng đã khuất của mình, anh
cùng tôi trân trọng quá khứ ấy.
(hết trích)
Chính Mẫn đã giúp
vợ xây một ngôi nhà gỗ bên hồ, cạnh đó là 5 gốc thông cổ thụ để Phương có thể
“về” ngồi viết nhạc trong khung cảnh của Đà Lạt sương mù ngày nào.
“Thành phố ngàn thông” này vốn có nhiều kỷ niệm với các văn nghệ
sĩ như Khánh Ly & Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng & Từ Dung… Nhưng sinh
ra và lớn lên tại Đà Lạt chỉ có mình anh Lộc, người nhạc sĩ đã gắn bó mật thiết
với xứ Hoa Đào, dù đó là ở Việt Nam hay Hoa Kỳ!
Nắm
tay nhau đi trọn đường đời
(Bài viết có sử
dụng một số tư liệu của Hoàng Nguyên Vũ - Trí Thức Trẻ)
***
Chú thích:
(*) Sonny &
Cher (Sonny & Cher Bono) là đôi vợ chồng song ca nhạc pop, diễn viên người
Mỹ vào thập niên 1960-1970. Cả hai bắt đầu sự nghiệp từ giữa những năm 1960
khi hát dòng nhạc R&B.
Trong những năm
1970, họ trở thành những người nổi tiếng trên giới truyền thông với hai chương
trình thành công tại Mỹ: “The Sonny & Cher Comedy Hour” và “The Sonny &
Cher Show”. Sau khi ly hôn, sự nghiệp của họ kết thúc năm 1975 với hơn 40 triệu
đĩa nhạc trên toàn cầu.
***
Một số tác phẩm
của Lê Uyên Phương trên YouTube:
·
“Tình
Khúc Cho Em”:
·
“Vũng Lầy Của Chúng Ta”:
·
“Những Tình Khúc để lại cho đời”:
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét