Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Từ “Ly rượu mừng” đến “Nửa hồn thương đau”

Cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương - và cũng là ca sĩ Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long - có thể được tóm gọn trong hai ca khúc để đời: “Ly rượu mừng”“Nửa hồn thương đau”. Trong số hơn 50 bài hát ông sáng tác, chúng tôi chọn hai bài điển hình này vì nhiều lý do.

Phạm Đình Chương viết nhạc cho đời theo hai tâm trạng của mình: từ hoan lạc đến buồn tủi, hay nói rộng ra là từ lạc quan đến bi quan.  Trong suốt cuộc đời “chìm nổi” của mình, người nhạc sĩ luôn sống trong 2 thái cực và đó cũng là lý do người hát cũng như người nghe nhận ra ngay cuộc đời của ông: vui ít, buồn nhiều. Thế cho nên, “Ly rượu mừng”  và “Nửa hồn thương đau” được chọn cho hai tâm trạng đó.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991)

Phạm Đình Chương xuất thân từ một gia đình văn nghệ nổi tiếng tại Hà Nội. Cha ông, Phạm Đình Phụng, lấy người vợ đầu và có hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung trong ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Ba anh em: Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh) và Phạm Đình Viêm (Hoài Trung)

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Sơn Tây, trong một gia đình mang huyết thống nghệ sĩ và có cuộc đời gắn bó cùng âm nhạc. Phạm Đình Chương đã đến với âm nhạc từ những nỗ lực tự học hỏi tìm hiểu bằng chính tâm hồn nhạy cảm của mình.

Hầu như những sáng tác của ông trong giai đoạn đầu đều chất chứa những đặc tính: phiêu lãng nhưng chân thật, lãng mạn nhưng hiện thực và nhất là nét đằm thắm, trữ tình đầy tình yêu quê hương, con người và đất nước. Ông đã từng tham gia ban văn nghệ quân đội Liên Khu 4 trong những ngày đầu tiên kháng chiến chống Pháp theo tiếng gọi của non sông.

Sau một thời gian, gia đình Phạm Đình Chương quay trở về Hà Nội. Tại đây, năm 1949, gia đình họ Phạm thành lập Ban hợp ca Thăng Long với ba giọng ca chính là Hoài Bắc, Hoài Trung và Thái Thanh.

Khi di cư vào Nam, ban Thăng Long được tăng cường thêm các anh em, dâu rể một nhà và được xem là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn, gắn liền với phòng trà “Đêm Màu Hồng”, trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy.

Ban hợp ca Thăng Long (Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Khánh Ngọc, Thái Hằng)

Một trong những sáng tác của Phạm Đình Chương đã đi sâu vào lòng người miền Nam mỗi độ xuân về là ca khúc “Ly rượu mừng”. Tuy nhiên, kể từ 1975 bài hát này không nằm trong danh mục các nhạc phẩm cũ được trình diễn trước công chúng. Hình như, theo quan điểm chính trị của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, lời của bản nhạc có câu “chúc người binh sĩ lên đàng” rồi lại vinh danh họ là “người vì nước quên thân mình”… được hiểu là quân nhân VNCH.

Phải chờ sau 41 năm sau bản nhạc tưởng chừng như “vô tội vạ” mới được “cởi trói”.   Báo Thanh Niên giải thích lý do: mãi đến năm 2016 “Ly rượu mừng” mới được cởi trói là vì người lính được ca tụng trong đó là “người lính chống Pháp” trong cuộc kháng chiến. Thế cho nên, đêm 31/12/2016 bài hát được chính thức xuất hiện trước công chúng trong Chương trình “Giai điệu Tự hào” trên Truyền hình Quốc gia.

Bản nhạc được sáng tác với âm điệu tươi vui như một lời chúc Tết tốt đẹp theo truyền thống dân tộc. Lời chúc đó gửi tới mọi thành phần xã hội: từ “anh nông phu”, “người công nhân”, “đôi uyên ương”, “người nghệ sĩ” cho đến các thương gia và binh sĩ. Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã được lòng khán thính giả và là tác phẩm được nghe và hát nhiều nhất trong mỗi dịp xuân về tại Miền Nam.

Theo Wikipedia, bản cập nhật tháng 9/2016, “Ly Rượu Mừng” được Phạm Đình Chương sáng tác vào năm 1952 cùng với hai bản “Đợi chờ” và “Hò leo núi”. Cũng theo nguồn này, nhạc sĩ “dinh tê” về Hà Nội năm 1951 và thành lập ban hợp ca Thăng Long trong đó có ca sĩ Hoài Bắc. Người ta không khỏi thắc mắc tại sao nhạc sĩ Phạm Đình Chương tại sao lại lấy tên Hoài Bắc trong khi vẫn ở miền Bắc?

Tại miền Nam, tờ nhạc "Ly Rượu Mừng" được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành lần thứ nhất năm 1956 và ghi rõ “Ấn quyền 1956 của Tinh Hoa”. Có lẽ đây là bằng chứng chính xác nhất vì nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã từ trần ngày 22/8/1991 tại California nhưng lại có nguồn ghi vào năm 1993. Quả là “Ly rượu mừng” và người nhạc sĩ sáng tác ra nó vẫn còn nhiều bí ẩn.

Bìa nhạc “Ly rượu mừng” với “Ấn quyền 1956 của Tinh Hoa” và “Ấn hành lần thứ nhất”

Có thể nói, cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đượm nhiều uẩn khúc và nhiều bi kịch. Năm 1953 ông lập gia đình với ca sĩ và sau này là diễn viên nổi tiếng, Khánh Ngọc. Những người thuộc lứa đầu bạc chắc không thể nào quên ca sĩ Khánh Ngọc của thập niên 50 trong bản nhạc Pháp “Cerisier Roses et Pommiers Blances” với lời Việt “Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta…” .

Vào năm 1955, một đoàn làm phim Mỹ-Phi đến Sài Gòn để tìm diễn viên cho bộ phim “Ánh sáng miền Nam” và Khánh Ngọc đã được chọn đóng vai chính. Cuộc đời tình ái của đôi trai tài-gái sắc Phạm Đình Chương-Khánh Ngọc tràn trề hạnh phúc… cho đến khi xảy ra chuyện “loạn luân” trong đại gia đình nhạc sĩ.

Bi kịch có liên quan đến nhiều thành viên: Nhạc sĩ Phạm Duy là chồng của Thái Hằng, Thái Hằng là chị của Phạm đình Chương và cũng là chị của Thái Thanh. Khánh Ngọc là vợ của Phạm đình Chương, Phạm Duy trong vai trò anh rể lại “tằng tịu” với Khánh Ngọc, em dâu của mình.

Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh dư luận. Với tình yêu nồng thắm buổi ban đầu, ông không thể nào tin vào sự ngoại tình đã được đồn thổi. Điều thương tâm nhất là ông vẫn yêu thương, tin tưởng vợ và bỏ ra ngoài tai những điều không tốt lành của giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn.

Cho đến một buổi tối “định mệnh”, Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân "bắt tại trận" cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè - Gia Định. Sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng được tung ra trên tờ nhật báo “Sài Gòn Mới" của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" khiến cả Sài Gòn đều biết.

Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra, phóng sự nhưng "hoạ vô đơn chí", trong cuộc đời này, cái gì càng dấu diếm bao nhiêu, càng được "bùng nổ" và thêu dệt bấy nhiêu. Suy cho cùng, các cụ ta thường nói, và nói rất đúng: “Xướng ca vô loại”!

Nỗi đau dày xe tâm can và sự tan nát của một đại gia đình nghệ sĩ đã "đánh gục' nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi ông phát hiện chuyện vượt ra ngoài luân lý. Đã có lúc Phạm Đình Chương nghĩ đến chuyện tự tử nhưng tiếng khóc của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Ông gạt nước mắt đau thương, nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 5 tuổi.
  
Ca sĩ Khánh Ngọc

Biến cố đó là một động lực cho sáng tác “Nửa hồn thương đau” với những ca từ như nức nở:

“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…”

“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu ?
Em ở đâu ?”

“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.

Đôi khi anh muốn tin.
Đôi khi anh muốn tin.
Ôi những người, ôi những người.
Khóc lẻ loi một mình...”

“Nửa hồn thương đau” chính thức ra đời năm 1970 để chấm dứt một thời kỳ sáng tác u uẩn và quạnh quẽ của một người chồng vẫn một lòng thương yêu người vợ đã phản bội mình. Bản nhạc như rút ruột lòng người và bản nhạc cũng đánh dấu một giai đoạn sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc phận.

Khi ra nước ngoài, Phạm Đình Chương vẫn sáng tác một số ca khúc mang tính cách hoài niệm: “Bên trời phiêu lãng”, “Cho một thành phố mất tên”, “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”… Và trong khi “Ta ở trời tây” Phạm Đình Chương có lời nhắn nhủ:  “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”.

“Nửa hồn thương đau”

***

* Xem video clip “Ly rượu mừng”:

* Nghe “Nửa hồn thương đau”:


***

1 nhận xét:

  1. Wao! :( Chuyện này đem ra làm phim hay cực luôn.

    Trả lờiXóa

Popular posts