Năm
2017 là năm con gà. Nói chính xác và văn hoa hơn là năm Đinh Dậu. Một người không
có cái hân hạnh được sống trong năm con gà là Bùi Bảo Trúc vì anh đã “ra đi” vào
cuối năm con khỉ, trước khi con gà lên “nhậm chức”.
Bùi
Bảo Trúc có một cuộc đời đầy biến động. 1954 anh theo gia đình di cư vào Nam học
tại trường Chu Văn An, Sài Gòn, rồi đi du học Tân Tây Lan và trở về năm 1965 để
dậy Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc
Linh.
Anh
còn đảm nhận chức vụ “Phát ngôn viên Chính phủ” năm 1973, dưới thời ông Nguyễn
Văn Thiệu. Đến năm 1974 anh theo ngành ngoại giao và làm việc cho Tòa Đại sứ Việt
Nam ở Anh quốc. Sau biến cố tháng 4/1975 anh định cư tại Canada. Năm 1977 anh làm
việc tại đài VOA ở Washington cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu.
Bùi
Bảo Trúc viết văn, viết báo và làm thơ với tên thật của mình và còn có những bút
danh như Bảo Lâm và “Ký Giả Hạng Bét”! Thời gian hưu trí anh viết một loạt bài mang tên
“Thư gửi bạn ta” cho rất nhiều báo và cũng cộng tác với đài Little Saigon, Hồn
Việt TV qua chương trình “Ngày này năm xưa” và “Chào hoàng hôn”.
Bùi Bảo Trúc (1944-2016)
Ngay
sau khi nhà văn-nhà báo Bùi Bảo Trúc qua đời ngày 16/12/2016 tại California, nhà
xuất bản Vietstream phát hành một cuốn sách mang tựa đề “Thư gửi bạn ta - Chuyện thật mà như đùa” gồm những bài viết ngắn
mang tính cách thời sự trong năm 2015-2016 bằng một giọng văn hài hước nhưng lại thâm thúy.
Ngay đầu trang sách có bài “Huyền thoại –
Gà trống nuôi con” với lối văn tự thuật của một chị gà mái dầu đã đẻ ít nhất
3 hay 4 lứa:
“Khi lũ con tôi vừa đủ
lớn, là chúng bị mang ra chợ bán liền nên mẹ con chúng tôi không có gì nhiều để
nói về nhau. Lũ con tôi, chúng nó về đâu, nhiều khi tôi cũng không muốn nghĩ tới
nữa. Chúng nó đã vào những nồi phở nào, những nồi cháo nào, những đĩa gỏi nào,
những lò quay nào… chỉ tưởng tượng ra mà cũng đủ thấy thương chúng đứt ruột”.
Bằng
cách tự sự, chị gà mái kể lại số phận “đẻ thuê, ấp mướn” trong một trang trại
nuôi gà. Dù đã đẻ và ấp nhiều lứa nhưng chị vẫn còn là “gà mái hoa mơ”, vóc dáng
hãy còn “nhiễn” lắm. Nói theo ngôn ngữ loài người thì chị vẫn còn “điện nước đầy
đủ”, “ngực vẫn còn tấn công, mông vẫn còn phòng thủ”. Chị tâm sự:
“Chẳng gì bộ “zú”
(chúng tôi có “zú”, tiếng Mỹ gọi là “breast”, không như tiếng Việt gọi là “ức”
vẫn là đồ “gin”, chưa có dao kéo, hay silicone đụng vào bao giờ, còn “mông
phòng thủ” mà người ta gọi là “phao câu” thì vẫn còn tốt lắm, hai chữ “phao
câu” đẹp và thanh tao hơn là hai chữ “đít gà” nhiều”.
“Thư gửi bạn ta - Chuyện thật mà như đùa”
Chị
gà mái biết rõ điều đó vì mấy chàng gà trống lúc nào cũng lấm lét nhìn trộm rồi
đòi nhảy lên lưng để… “đạp” một cái. Mà tài “đạp” của mấy chú thì chị rành quá.
Chị diễn tả bằng ngôn ngữ con người:
“Chỉ được cái làm
“phách chó”, “nhanh như… gà”, như người ta vẫn nói. Nhiều khi tôi chưa… xong,
chưa tới đỉnh cao trí tuệ (?) thì chúng nó đã “tuột xích”, có khi còn “khóc
ngoài biên ải”, mà vẫn nhảy xuống rồi gáy te te khoe rùm trời đất. Thêm vào đó,
sao chữ nghĩa chúng nó lại dã man, tàn bạo như vậy, chúng nó dùng chữ “đạp”
nghe không được chút nào…”
(Xin
kể thêm một truyện thuộc loại “tiếu lâm” của con người chứ không phải con gà. Ông
tài xế xe lam đang chạy ngon trớn bỗng xe trở chứng. Bác tài bèn yêu cầu hai bà
hành khách ngồi hai bên trong cabin tài xế: “Hai
bà cảm phiền xuống xe để tôi… đạp “má..y”. Khách là người Bắc di cư nên khi
nghe bác tài người Nam nói “đạp máy” thành “đạp mái” mới lẩm bẩm: “Ông này dê đạo lộ… xe chết máy không lo sửa
mà lại đòi “đạp mái”!)
Theo
chị gà mái, gà trống nào cũng chỉ có.. “một bài bản giống nhau”: xòe đôi cánh,
rề rề kẹp sát rồi bất ngờ phóng lên lưng, lấy mỏ kẹp vào đầu rồi nhún nhẩy vài
cái là… xong chuyện!. Rồi thì mỗi đứa một nơi, gà trống thật… vô tích sự. Xong
việc chúng chỉ biết rề rề đi “thả dê” mấy em mái ngây thơ, dại dột khác!
Đạp mái!
Giai
đoạn ấp trứng chị gà mái phải tự lo toàn bộ từ A đến Z vì gà trống còn bận đi
“chinh phục” những em khác. Sau 21 ngày, lũ con nở ra thì chúng cũng phải tự lo
lấy, lon ton chạy theo gà mẹ để kiếm ăn.
Chị
mái dầu than thở: “Chúng tôi trở thành gà
mái “mang con” là thế. Trong khi mấy thằng trống vẫn thừa cơ là đòi… đạp chúng
tôi một vài cái… Chúng tôi nhảy ổ đẻ rồi cũng chính chúng tôi ấp cho trứng nở
ra con”.
Bọn
gà trống thì không một lần ngó lại mà chỉ lo lấy cái thân của chúng như làm sao
giữ được bộ mã cho đẹp, lông đuôi, lông cánh không xác xơ sau những lần xáp trận.
Chúng chỉ lo cặp cựa cho sắc, cho bén để chọi nhau, giành nhau mấy con mái dầu,
mái tơ, mái ghẹ khác!
Gà mẹ & gà con
Bùi
Bảo Trúc kết thúc bài “kê luận” bằng những lời của gà mái:
“Đó, như thế mà gọi chúng nó là “gà trống nuôi con sao?
Đả đảo bọn mạo danh “gà trống nuôi con”!
Gà mái đá gà cồ muôn năm!”
Đại gia đình gà
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét