Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Báo chí Sài Gòn thời Pháp thuộc

Lịch sử báo chí Sài Gòn đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trong đó các yếu tố về chính trị và xã hội chi phối từng thời kỳ. Loạt bài về báo chí Sàu Gòn chỉ có tham vọng đi sâu vào hai giai đoạn: (1) thời Pháp thuộc và (2) thời VNCH. Riêng báo chí miền Bắc từ năm 1954 đến giai đoạn sau 1975 chúng tôi sẽ đề cập đến vào một dịp khác.

Báo chí thời Pháp thuộc được khởi đầu bằng tờ báo quốc ngữ mang tên Gia Định báo với ấn bản đầu tiên phát hành ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau đó. Trên manchette của Gia Định báo còn có dòng chữ Hán 嘉定報 (Gia Định báo) cho thấy sự chuyển đổi từ Nho học sang Tây học vào thời kỳ này.

Gia Định báo được phát hành sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa (1862) và sau đó là ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1867). Tờ báo này được coi như thuộc dạng công báo của chính quyền Pháp tại Sài Gòn, về sau Gia Định báo được tăng cường thêm mảng văn hóa-xã hội nhằm thu hút người đọc.

Gia Định báo

Gia Định báo số đầu tiên có khuôn khổ 25x32 cm và được bán với giá 0$97 đồng mỗi tờ. Thoạt đầu, báo ra mỗi tháng một kỳ vào ngày 15 như dạng nguyệt san, sau đó mỗi tháng 2 kỳ (bán nguyệt san) rồi tăng kỳ lên hàng tuần (tuần san). Ngày phát hành Gia Định báo cũng không cố định, khi thì Thứ Ba hoặc Thứ Tư, có lúc lại vào ngày Thứ Bảy. Số trang cũng thay đổi theo tình hình thông tin thời sự, lúc thì 4 trang nhưng cũng có khi dày đến 12 trang.

Về nội dung, Gia Định báo được chia thành hai phần chính: (1) Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền qua các bài đăng công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền và (2) Phần tạp vụ gồm tin tức địa phương và giải trí thuộc các lĩnh vực kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội.

“Gia Định báo” khởi đầu chỉ là một loại công báo

Giấy phép ra tờ Gia Định báo được cấp ngày 1/4/1865 cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux vốn là một viên thông ngôn người Việt quốc tịch Pháp làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Chuẩn đô đốc Roze, khi đó đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, ký tên trên giấy phép ra báo.

Đến ngày 16/5/1869 có Nghị định mới của Thủy sư Đô đốc Ohier bàn giao Gia Định báo cho Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký (sau đổi tên đệm thành Pétrus Trương Vĩnh Ký, gọi tắt là Pétrus Ký) làm Giám đốc [1] và Paulus Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút [2].

Dưới thời Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc, Gia Định báo có thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: (1) Truyền bá chữ quốc ngữ, (2) cổ động tân học và (3) khuyến học trong dân. Từ đó, Gia Định báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần mà trở thành một tờ báo theo đúng nghĩa báo chí: thông tin và giải trí.

Pétrus Trương Vĩnh Ký

Quảng cáo lần đầu tiên xuất hiện trên Gia Định báo từ đầu năm 1882. Tờ báo đã dành toàn bộ trang cuối để đăng quảng cáo cho Nhà thuốc Pharmacie Reynaud. Từ đó trở đi, quảng cáo trở thành một trang cố định, xuất hiện thường kỳ trên Gia Định báo và hoạt động quảng cáo cũng dần phổ biến ở nhiều báo khác cho đến ngày nay.

***

Sau khi Gia Ðịnh Báo ra đời năm 1865, một loạt các báo khác xuất hiện tại Sài Gòn theo thứ tự thời gian dưới đây:

Phan Yên Báo xuất bản năm 1868, do ông Diệp Văn Cương chủ trương biên tập. Tên “Phan Yên” là một cách nói lái từ chữ Phiên An, tên cũ của thành Gia Định. Tuần báo Phan Yên Báo ngoài nội dung tương tự như Gia Định báo còn có những bài mang tính cách chính trị, chống đối lại sự hiện diện của người Pháp ở Việt Nam, chẳng hạn như bài “Đòn cân Archimede” của Cuồng Sĩ nên chỉ một thời gian ngắn bị chính phủ bảo hộ ra lệnh đóng cửa.

Nhựt trình Nam Kỳ (Le Journal de Cochinchine) là tuần báo ra ngày Thứ Năm, số ra mắt xuất bản vào năm 1883. Nhựt trình Nam Kỳ có địa chỉ tại số 53 đường Nationale do ông A. Schreiner làm Giám đốc (Directeur). Giá bán báo tại Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Mên và Lào là 5$ một năm trong khi độc giả tại Langsa (Pháp) vào ngoại quốc phải trả 6$/năm. Giá bán lẻ là 0$15 mỗi số.

Ngay trên trang nhất Nhựt trình Nam Kỳ có giới thiệu: “Giá in lời rao báo” (quảng cáo): “Giá in một phân tây xen vô giữa mấy trương nhựt trình, thì là… 1$25. Giá in một phân tây vào mấy trương lời rao ở phía sau, thì là… 1$00”.

Phần chính giữa giá báo và giá quảng cáo trên manchette có rao: “Ai muốn mua, hay là muốn in việc chi vào nhựt-trình này thì phải gởi bạc cho ông A. SCHREINER, Directeur…”

Nam Kỳ Nhựt Trình

Thông loại khóa trình (Miseellanées): Số 1 và 2 không ghi tháng phát hành, số 3 có ghi Juillet 1888 (Tháng bảy năm 1888) nhưng đến năm 1889 ngưng xuất bản sau khi ra được 18 số. Đây là loại nguyệt san do tư nhân xuất bản theo kiểu “sách đọc thêm”, khổ 16x23,5 cm, mang tính cách giáo dục và giải trí do Trương Vĩnh Ký chủ trương.  

Nông-Cổ Mín-Đàm (uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio, chủ đồn điền người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Chánh Sắt. Tuần báo này được coi là “báo kinh tế” đầu tiên tại Việt Nam với 8 trang, khổ 27x20 cm, số 1 ra ngày 1/8/1901.

Nông-Cổ Mín-Đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành ngày Thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kỳ. Sau khi phát hành số ra ngày 4/11/1921 thì báo bị đình bản.

Tờ báo này ra đời theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Ban đầu, trụ sở của tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Một thời gian sau, trụ sở thay đổi liên tục, cuối cùng tọa lạc tại số 12 đường Cap St–Jacques, Sài Gòn. Mục đích của việc xuất bản tờ báo được nói khá rõ ở lời "tự tự” số 1:

“Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ, nay đã tiệm thành cơ chỉ qui mô. Đường thiên lý lục tỉnh dẫu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cũng "Tạo doan hồ phu phu". Việc hiếu-sự nay đà rang rảnh tình thê nhi thêm lại rịch ràng. Vậy nên công sự từ hưu, vui theo thú thê trì nông-cổ. Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông-cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cọng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chổ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.

Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi.

Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông-cổ mín-đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp nhau nên việc.

Canavaggio cẩn tự

“Nông-Cổ Mín-Đàm” số ra mắt
với bài “Nông-Cổ Nhựt-Báo Tự Tự”

Nông-Cổ Mín-Đàm được phổ biến khá rộng rãi tại các vùng Lục tỉnh, tuy nhiên số người mua báo không nhiều. Theo mục “Bổn quán cẩn tín”  trang 6 số 39 (ngày 22/5/1902), thì sau gần 1 năm phát hành, đã có 325 người mua báo, chủ yếu là các quan chức và điền chủ ở các địa phương, như cai tổng, hội đồng, hương chủ, tri huyện, và các công chức nhà nước. Họ là những người biết đọc chữ quốc ngữ và quan tâm đến các vấn đề mà tờ báo đề cập.

So với tờ Gia Định báo thì số lượng phát hành của Nông cổ mín đàm tương đối khiêm tốn. Lý do chính: Gia Định báo là công báo được chính phủ Pháp tài trợ xuất bản, và buộc các làng các tổng phải mua, trong khi Nông-Cổ Mín-Đàm là tờ báo tư nhân, tự trang trải tài chính. Giá báo một năm dành cho người Việt (bổn quốc) là 5$, cho người Pháp (người Langsa) và người nước ngoài là 10$.

Ngoài tên báo Nông-Cổ Mín-Đàm được in bằng chữ quốc ngữ, ngay bên dưới có 4 chữ Hán 農賈茗談 (Nông cổ mín đàm), sau cùng là một hàng chữ Pháp “Causeries sur l'agriculture et le commerce” (đàm đạo về nông nghiệp và thương nghiệp). Báo có khổ 20x30 cm, với tổng cộng 8 trang, trong đó các trang giữa đăng truyện dịch (như Tam quốc chí tục dịch hay một số truyện ngắn khác của Anh, Pháp hoặc Trung Quốc), thơ ca do các cộng tác viên sáng tác, điểm báo châu Âu, hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt chăn nuôi, thông tin số lượng và giá lúa gạo bán đi các nước, 2 trang cuối dành cho quảng cáo và rao vặt.

“Thương cổ luận” là một mục quan trọng của tờ báo, thường được đăng trên trang nhất và nối tiếp đến trang sau. Mục này xuất hiện ngay từ số đầu tiên, và chỉ tạm thời đình bản trong 8 số (từ số 73 đến số 79) vì lý do tác giả là Lương Khắc Ninh đi dự đấu xảo tại Hà Nội. Đến năm 1906, “Thương cổ luận” chính thức giã từ Nông-Cổ Mín-Đàm.

Mục“Thương cổ luận” tồn tại trong suốt hơn 100 số báo, thẳng thắn tuyên chiến với tư tưởng “tứ dân”: sĩ nông công thương vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt. Tờ báo khẳng định “một trật tự mới”: “thương công nông sĩ”.

“Đại thương” là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường, đồng thời báo cũng hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Nông-Cổ Mín-Đàm được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam.

Nông-Cổ Mín-Đàm cũng là một trong các tờ báo đầu tiên thúc đẩy việc dịch thuật “truyện Tàu” ra chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ, mở đầu bằng truyện Tam quốc chí tục dịch với tên người dịch được ghi là của Chủ nhiệm Paul Canavaggio. Nông-Cổ Mín-Đàm còn là tờ báo lần đầu tiên có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết tại Việt Nam.

“Nông-Cổ Mín-Đàm”

Lục Tỉnh Tân văn xuất hiện năm 1907, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, phát hành hàng tuần. Tuần báo viết bằng chữ quốc ngữ số đầu tiên ra ngày 14/11/1907 do F.H. Schneider – một chủ nhà in người Pháp sáng lập và Trần Chánh Chiếu [3] làm chủ bút. Tờ Lục Tỉnh Tân văn nổi bật với Trần Chánh Chiếu, ông là người đề xướng phong trào Minh Tân nên hoạt động rất mạnh trên tờ báo để cổ súy phong trào này. Minh Tân xuất xứ từ sách Đại Học: “tác minh đức, tác tân dân” có nghĩa làm cho “Đức” sáng hơn, người dân mới có thể “Mới” hơn. Ngoài ra, Lục Tỉnh Tân văn còn có mối quan hệ đặc biệt với phong trào Đông Du và Duy Tân.

Trong thời kỳ này, các thuật ngữ như “Nam Trung” và “Lục Châu” được sử dụng với hàm ý đất và người phương Nam. Lục Tỉnh Tân văn dùng những cụm từ như “Xin chư vị lục châu phải rõ…”, “các vị cao minh trong Lục châu…”, “cúi xin Lục châu đồng tâm hiệp lực…”, “Kính cáo: Cùng Lục châu quí vị đặng rõ…”. “Nam Trung” cũng xuất hiện trên các bảng hiệu như Nam Trung khách sạn hoặc Nam Trung dược liệu…  

Lục Tỉnh Tân văn cũng chú ý đến vấn đề quảng cáo, được thực hiện qua tiêu đề Lời rao. Chẳng hạn như: “Tổng lý là G. Chiếu ra thông cáo cho biết ai có hùn vốn thì có quyền gởi con đến học nghề, thời hạn học là 7 năm, công ty nuôi cơm nước còn quần áo, mùng mền thì cha mẹ phải chịu. Công ty lo nhà ngủ, nhà ăn cho học trò, đứa nào học giỏi sẽ được hưởng lương tháng, sau đó, khi biết nghề rồi phải giúp việc cho công ty 7 năm”. Trong thời gian biểu học tập có ghi rõ các phần học nghề, học chữ quốc ngữ, học chữ “Lang sa” (tiếng Pháp), thời gian luyện tập thể thao và dọn dẹp vệ sinh...”

Lục Tỉnh Tân văn cũng có nhiều bài công kích chế độ thuộc địa, kêu gọi đồng bào đoàn kết chống quan lại tham nhũng khiến nhà cầm quyền Pháp phải chú ý. Cuối tháng 10/1908, Tổng lý là Trần Chánh Chiếu bị bắt và Lục Tỉnh Tân văn bị rút giấy phép.

Dưới áp lực của nhà cầm quyền, Lục Tỉnh Tân văn số 50 ra ngày 29/10/1908 chỉ loan tin về việc bắt bớ như sau: “Chủ bút Lục tỉnh tân văn đã bị giam cầm vì tội đại ác. Vậy chủ nhơn kính tỏ cùng tôn bằng quí khách đặng rõ rằng bổn quán thiệt vô cùng không hay không biết những việc Chủ bút (Gibert Chiếu) phản bạn, giao thông với người ngoại quốc. Nhà nước cũng cho bổn quán biết nhà nước chẳng chút nào tin dạ trung nghĩa của Gibert Chiếu, cho nên đã có ra lịnh kiềm thúc thám sát (ông) quá đỗi nhặt nghiêm…”

Lục Tỉnh Tân Văn

Nữ giới chung (tiếng chuông của nữ giới): Phát hành số đầu tiên ngày Thứ sáu, 1/2/1918. Chủ nhân tạp chí này là một người Pháp, Henri Blaquière, ông này còn làm giám đốc một tờ báo khác bằng tiếng Pháp, tờ Le Courrier Saigonnais. Ông Blaquière giao phó cho bà Sương Nguyệt Anh [4] phụ trách ban biên tập.

Nội dung Nữ giới chung đăng những bài xã luận, thơ, tiểu thuyết, một vài tin tức và có cả một phần dạy làm bếp. Trong số đầu, vị chủ bút, bà Sương Nguyệt Anh đã ghi rõ mục đích của tạp chí là chú trọng đến việc truyền bá chữ quốc ngữ và không đề cập đến vấn đề chính trị. Lời tựa đầu của Nữ giới chung có đoạn viết:

“… Bổn báo sự nghiệp thiệt mỏng như tờ giấy, trách nhiệm lại chuyên về đờn bà… đâu dám tự nhận là cô giáo sư mà theo trong qui củ, chương trình như trường học (…) Người xưa có câu thơ đề chuông rằng: “Một tiếng khua vang năm hồ bốn biển”… Nghĩa chỉ có ý muốn tỷ mình như chuông báo thức, kề tai mấy tiếng, kêu nhau trong chị em nhà. Bởi thế nên lấy tên Nữ Giới chung mà đặt hiệu báo”

Tờ Nữ giới chung là một tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, sự xuất hiện của nó quả là một biến cố quan trọng đối với người dân lúc bấy giờ, đặc biệt là đối với phụ nữ Việt Nam. Sau gần một năm ra mắt độc giả, tháng 7/1918, Nữ Giới Chung bị đình bản và biến thành một tờ báo khác: Đèn Nhà Nam.

Nữ-Giới-Chung

Dưới thời Pháp thuộc còn có một số báo khác như Nhật báo Tỉnh (tuần báo, phát hành vào ngày Thứ Năm hàng tuần, từ năm 1905 đến 1912), Công luận Báo (Lê Sum làm Chủ bút, phát hành vào ngày Thứ Ba và Thứ Sáu), Trung lập Báo (Phi Vân Trần Văn Chim tác giả Ðồng Quê làm chủ bút)…

Từ bước đầu sơ khai dưới thời Pháp thuộc, nền báo chí Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã tiến một bước dài sang thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa từ năm 1954 đến 1975 tại miền Nam Việt Nam. Đó là đề tài sẽ được bàn tới trong bài viết về giai đoạn báo chí Sài Gòn thời VNCH kế tiếp.

***

Chú thích:

[1] Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898): nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và nhà khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Ông có tri thức uyên bác, am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, có tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và đứng trong nhóm Toàn cầu bác học thập bát quân tử (18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19).

Ngoài ra, vì biết và sử dụng thông thạo 27 ngoại ngữ, nên ông trở thành nhà bác học biết nhiều thứ tiếng nhất ở Việt Nam, và đứng vào hàng những người biết nhiều ngoại ngữ bậc nhất trên thế giới. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, ... Riêng đối với nền báo chí Quốc ngữ Việt Nam, ông được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam", người đặt nền móng cho ngành báo chí với tờ Gia Định báo.

Tượng Pétrus Ký

Trước năm 1975, tại Sài Gòn có Tường trung học Pétrus Ký được thành lập năm 1927 là một trong những trường trung học đầu tiên tại Sài Gòn. Trường Pétrus Ký sau năm 1975 được đổi tên thành Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, tên của Tổng bí thư thứ 2, Đảng Cộng sản Đông Dương 1935-1936, vợ ông là Nguyễn Thị Minh Khai, một yếu nhân của Đảng trong thời kỳ đầu..

Trong số những nhân vật nổi tiếng của cả hai miền Nam-Bắc xuất thân từ trường Pétrus Ký phải kể đến Đỗ Cao Trí, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Minh Châu, Trần Văn Ơn, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Tô Văn Tuấn (nhà văn Bình Nguyên Lộc), Nguyễn Ngu Í…

Trường Pétrus Ký xưa

[2] Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834-1907): Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ Gia Ðịnh báo trong một thời gian ngắn. Mặc dù tinh thông cả Pháp văn lẫn Hán văn, đa số các tác phẩm của ông được viết bằng chữ quốc ngữ, vào thời bấy giờ vẫn chưa được coi trọng và bị đánh giá thấp hơn so với chữ Hán hay chữ Pháp. Huỳnh Tịnh Của từng đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và gửi một bản điều trần cho vua Tự Đức, yêu cầu cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng không được chấp nhận.

Huỳnh Tịnh Của sáng tác khá nhiều và đa dạng, nhưng trong số những tác phẩm của ông, nổi bật nhất là pho Đại Nam quốc âm tự vị. Qua tác phẩm đồ sộ đó, Huỳnh Tịnh Của đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng quốc văn mới. Ðại Nam quốc âm tự vị là quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do người Việt Nam biên soạn. Nghiên cứu của Huỳnh Tịnh Của được đánh giá là mang tính đột phá táo bạo khi phải đến hơn ba mươi năm sau mới lại có một hội văn học ở Bắc Kỳ, Hội khai trí Tiến Đức, nghĩ đến tiếp tục công việc đó và cho tới tận bây giờ, Đại Nam quốc âm tự vị vẫn được coi là pho sách kinh điển của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam. (Wikipedia)

[3] Gilbert Trần Chánh Chiếu (1868-1919) là nhà văn, nhà báo và là nhà cải cách tại Việt Nam với các bút danh như Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung, Mộng Trần… Năm 1906, ông thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín đàm. Nghe tiếng ông là người nhiệt tình yêu nước, Phan Bội Châu lúc bấy giờ đang ở Hương Cảng (Hồng Kông), liền mời sang gặp ông và sang Nhật Bản gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Để.

Trở về nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu, Trần Chánh Chiếu đã vận động nhiều thanh niên sang Nhật Bản học tập theo phong trào Đông Du và phổ biến các tác phẩm yêu nước của cụ Phan. Đồng thời, với vai trò chủ bút tờ tuần báo Lục tỉnh tân văn, Trần Chánh Chiếu công khai hô hào duy tân cứu nước, rồi cùng với bạn đồng chí hướng lập Nam Kỳ minh tân công nghệ xã (1908), và nhiều cơ sở kinh tài khác...

Những việc làm của ông được giới điền chủ và giới công chức hưởng ứng nhiệt liệt. Vì vậy, ông bị nhà cầm quyền cử người theo dõi. Tháng 10/1908 Trần Chánh Chiếu bị người Pháp bắt giam vì tội có quan hệ với phong trào Đông Du và viết báo chống lại mẫu quốc. Theo nhà văn Sơn Nam thì có đến 91 người bị bắt trong vụ này. (Wikipedia)

[4] Sương Nguyệt Anh (1864- 1921): tên thật là Nguyễn Thị Khuê nhưng tên ghi trên bia mộ lại là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh... Bà là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo Nữ giới chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn.

Bà sinh tại quê ngoại ở làng An Ðức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Quê quán bên nội ở làng Bồ Ðiền, quận Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nội tổ của bà là ông Nguyễn Ðình Huy vào miền Nam làm Thơ Lại trong dinh trấn của Tả Quân Lê văn Duyệt. Sau cụ Huy lấy người vợ thứ, quê ở Cầu Kho, thành Gia Định, sinh ra Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của tác phẩm: Lục Vân Tiên. Cụ Ðồ Chiểu có vợ là Lê thị Diên, người Cần Giuộc, tỉnh Tân An, hạ sinh được tất cả bảy người con. Bà Nguyệt Anh là người con gái thứ tư của cụ Ðồ Chiểu, nhưng theo cách gọi trong Nam nên người ta gọi bà là cô Năm Hạnh. (Wikipedia)

Sương Nguyệt Anh

*** 

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 8: Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

1 nhận xét:

  1. Xin phép anh cho tôi đăng loạt bài "Báo Chí Sài-Gòn" ỏ: https://nuocnha.blogspot.com

    Trả lờiXóa

Popular posts