Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Phi Luật Tân thời hậu SARS

SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome - Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng) là một căn bệnh về đường hô hấp, rất giống với bệnh viêm phổi, được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 11.2002 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tháng 3.2003, dịch SARS tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, số người nhiễm lên đến 4000 người và gần 200 người tử vong. Bắc Kinh và Hồng Kông là hai nơi dịch bệnh hoành hành nặng nhất. Nhiều trường học, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa. Nhiều người nước ngoài tìm cách về nước trong đó có du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Từ đó, SARS bắt đầu lây truyền qua các nước khác trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Phi Luật Tân…

Tôi đến Phi Luật Tân năm 2003 khi hội chứng SARS vừa mới lắng đọng sau một thời gian gần như làm tê liệt mọi hoạt động du lịch trong khu vực Đông Nam Á. Khẩu hiệu được ngành du lịch Phi Luật Tân đề ra là giới thiệu một đất nước Philipin thời hậu SARS với tham vọng biến quốc gia này thành một thiên đàng mua sắm của châu Á.

Theo tài liệu của Bộ du lịch Phi Luật Tân, chế độ giảm giá sẽ được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc và mức giảm giá sẽ lên đến 60%. Những chương trình biểu diễn thời trang, các hoạt động văn hóa, ca-vũ-nhạc-kịch, những cuộc triển lãm thương mại tiến hành song song với chương trình Hòa bình qua Du lịch tại các điểm nóng trên đảo Mindanao, chủ yếu là các thành phố Lanao và Basilan, nơi trước đây đã từng xảy ra những vụ bạo động của người Hồi giáo.  

Cũng cần nhắc lại, Phi Luật Tân là nước có đến 90% người theo đạo Công giáo và chỉ khoảng 6% theo đạo Hồi, chủ yếu ở các hòn đảo phía Nam. Tuy nhiên, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), nhóm phiến quân ly khai lớn nhất Philipin, luôn luôn là mối đe dọa thường trực đối với một nước đông dân xấp xỉ Việt Nam. 

Thủ đô Manila

Quần đảo Phi Luật Tân được mệnh danh là Thủ đô Bờ biển của châu Á nhưng đây cũng là đất nước phải ghánh chịu nhiều cơn bão nhất vì vị trí ‘đầu sóng, ngọn gió’ nằm án ngữ Thái Bình Dương với hơn 7.000 hòn đảo.

Có rất nhiều điều đặc biệt về đất nước này: Philipin cùng với Đông Timor là hai quốc gia tại châu Á có cộng đồng Công giáo La Mã chiếm đa số dân và là một trong những nước có mức độ Tây phương hoá cao, một sự hòa trộn độc nhất giữa Đông và Tây.

Tây Ban Nha và Hoa Kỳ là những nước có ảnh hưởng văn hóa lớn nhất tới nước này vì quần đảo Phi Luật Tân đã từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong hơn 350 năm và tiếp tục là thuộc địa của Hoa Kỳ trong gần 50 năm.

Tuy hầu hết diện tích vẫn là nông nghiệp, Phi Luật Tân là một địa chỉ quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho thế giới: từ những người giúp việc trong gia đình (ở Việt Nam có danh từ Oshin) cho đến các chuyên viên trong ngành công nghệ thông tin. Số tiền người Phi ở nước ngoài chuyển về chiếm một phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội.

Không thành phố nào trên hành tinh này có những chiếc xe đặc biệt như ở Phi Luật Tân. Đó là những chiếc xe jeep của quân đội Mỹ để lại từ hồi thế chiến thứ hai được người Phi ‘o bế’ lại thành phương tiện chở khách như những chiếc xe buýt. Tuy nhiên, giá tiền đi loại xe này còn bình dân hơn cả xe buýt.

Mỗi chiếc xe được chủ nhân trang trí theo một cách riêng. Nói chung là sặc sỡ và rất ‘cải lương’ cho phù hợp với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Người Phi gọi những chiếc xe ‘bình dân’ này là jeepney và đường phố tại thủ đô Manila sinh động hẳn lên với những chiếc jeepney sặc sỡ chạy khắp hang cùng ngõ hẻm.

Jeepney tại Manila

Ngoài jeepney, Manila còn có những loại xe 3 bánh thuộc loại xe gắn máy hoặc xe đạp có chỗ ngồi cho hành khách ở bên cạnh người lái, khác với kiểu cyclo của ta để hành khách ngồi phía trước. Loại xe này cũng được trang trí một cách diêm dúa và hoạt động theo các tuyến đường ngắn, phổ biến tại những vùng ngoại ô.

Ở Manila, phương tiện giao thông chủ yếu là xe hơi. Hệ thống các xa lộ và siêu xa lộ có thể sánh ngang với tầm vóc của Malaysia hoặc Thái Lan. Tuy nhiên, điều nổi bật là sự ‘phân cực’ giữa giàu và nghèo quá rõ ràng. Trong khi người giàu có cả du thuyền để đi nghỉ mát thì người nghèo sống chen chúc tại những khu ổ chuột ngay giữa lòng thủ đô hoa lệ.

Khu lao động tại Manila

Makati được coi là trung tâm tài chính, kinh tế và thương mại của Phi Luật Tân bên cạnh các hoạt động chính trị quốc tế của các tòa đại sứ. Con đường huyết mạch của Makati là Đại lộ Ayala, nơi tập trung trụ sở của các công ty đa quốc gia, ngân hàng thương mại và Thị trường Chứng khoán Phi Luật Tân.

Hầu hết những tòa nhà chọc trời đều nằm trên đường Ayala, trong số đó phải kể đến PBCom TowerG.T. International Tower. Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Makati giữa những khu mua sắm sang trọng như Ayala Center, Rockwell Center bên cạnh những khách sạn nổi tiếng như Shangri-La Hotel Makati, Peninsula Manila và Intercontinental Hotel.  

Trung tâm Makati

Makati được coi là thành phố mới, sang trọng và xa hoa nằm ở phía Tây, tương phản với khu vực phía Đông, nghèo nàn và rách rưới với những khu nhà ổ chuột. Cựu đệ nhất phu nhân của Tổng thống Ferdinand Marcos, bà Imelda Marcos, là một ví dụ điển hình cho cuộc sống xa hoa tại Phi Luật Tân. Bà sở hữu một bộ sưu tập lên tới 3.000 đôi giày mà chắc cả đời bà cũng chưa đi hết!

Ngành công nghiệp giày là một phần quan trọng trong nền kinh tế của thành phố Marikina và một số trang web tại đây đã đưa ra khẩu hiệu “Quê hương của chiếc giày lớn nhất thế giới” để quảng bá cho thành phố.

Tổng thống Ferdinand Marcos bị lật đổ trong một cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng năm 1986. Ông Marcos đã phải ra đi sau hơn 20 năm lãnh đạo chế độ độc tài với thiết quân luật kéo dài hàng thập kỷ. Ông và vợ bị cáo buộc đã biển thủ hàng tỷ đô la tiền công quỹ trong thời gian tại chức. Phải chăng đó là nguyên nhân của sự phân cực giàu nghèo và cũng là một bài học điển hình mà các nhà lãnh đạo, trong đó có Việt Nam, cần… rút kinh nghiệm.

Cuộc sống khó khăn của người dân ngay tại Manila

Phi Luật Tân là một quốc gia có nhiều cuộc đảo chính nhất châu Á sau khi dành được độc lập vào năm 1946. Tình hình chính trị tại đây rất phức tạp kể từ sau vụ binh biến vào cuối tháng 7.2003 của một số khoảng 300 tướng lãnh và binh sĩ khiến Bộ trưởng Quốc phòng Angelo Reyes phải từ chức. Đương kim Tổng thống, bà Gloria Arryo, đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị và đó cũng là lý do khiến nền kinh tế Philippin trong những năm gần đây bị chựng lại. Mức GDP tính theo đầu người chỉ còn khoảng 1.000 USD.

Với dân số khoảng 78 triệu người, Philippin trước đây vẫn được coi là một trong những con rồng châu Á trong tương lai. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu Brussels (Bỉ), Phi Luật Tân là một nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới – động đất, bão lụt, núi lửa – bên cạnh đó là những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, xã hội và chính trị. Ngoài ra, tệ nạn tham nhũng của bộ máy chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương vẫn luôn là một vấn đề lớn đối với quốc gia này. Phải chăng đó là những lý do làm chậm tốc độ phát triển tại Philippin.

Nhân viên an ninh trong ngành du lịch Phi

Philippin là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á mang ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Ban Nha. Ngay cả tên nước Philippin cũng được đặt theo tên của vua Tây Ban Nha, Philip Đệ nhị, sau khi nhà hàng hải Ferdinand Magellan khám phá ra quần đảo này vào năm 1521.

Tại Manila, di tích của người Tây Ban Nha được bảo tồn tại khu Intramuros được xây dựng từ thập niên 1570, nằm ngay tại cửa ngõ sông Pasis giao tiếp với vịnh Manila. Intramuros rộng 64 hécta, được bao bọc bởi bức tường thành dài 4,5km, trong đó có trại lính Santiago, lâu đài Casa del Castellano và đền thờ Jose Rizal, vị anh hùng của Philippin đã bị hành quyết tại đây.

Intramuros

Phi Luật Tân cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ sau khi người Tây Ban Nha bị thua trong trận chiến tranh Hoa Kỳ-Tây Ban Nha năm 1898. Trên thực tế, nước Mỹ mua lại Philippin từ tay người Tây Ban Nha với giá 20 triệu đô la và họ đã để lại rất nhiều ảnh hưởng văn hóa tại đất nước này cho đến khi Philippin hoàn toàn độc lập vào năm 1946.

Do ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ, tiếng Anh ngày nay được dùng phổ biến tại Phi Luật Tân mặc dù trong nước có ngôn ngữ chính là Tagalog bên cạnh hơn 80 thổ ngữ khác được sử dụng trên quần đảo. Người Mỹ để lại tại Manila một đài kỷ niệm trong nghĩa trang dành cho hơn 17.000 quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình tại Philippin và các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương trong trận thế chiến thứ hai.

Nghĩa trang Hoa Kỳ tại Manila

Cũng do ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ, môn thể thao được ưa chuộng nhất tại Philippin là bóng rổ. Trường học nào cũng có sân bóng rổ và học sinh chơi bóng rổ ngay từ khi còn học tiểu học.

Đá gà cũng là môn giải trí khá phổ biến tại Phi Luật Tân. Người Phi dựng rất nhiều trường đá gà, có cả chỗ ngồi cho người xem và dĩ nhiên đây là nơi tụ tập của dân cá độ. Hình như sự sát phạt, ăn thua được pháp luật công nhận nên các ‘võ đài’ gà được tổ chức rất bài bản. 
  
Đá gà

Trong số hơn 7.100 hòn đảo tại Phi Luật Tân chỉ khoảng 2.000 hòn đảo có người sinh sống. Đó cũng là lý do Philippin được ví như Thủ đô Bờ biển của châu Á. Nằm ở miền trung Philippin, hòn đảo Cebu được mệnh danh là Thành phố Nữ hoàng với những bãi biển cát trắng, dừa xanh nổi tiếng.

Nổi tiếng hơn cả là hòn đảo Boracay với danh hiệu Hòn đảo Thiên đường của vùng Nhiệt đới. Boracay có không khí trong lành, cát trắng mịn như bột và nước biển trong xanh, phẳng lặng. Nơi đây là một hòn đảo du lịch với bãi biển Tambisaan, thu hút nhiều du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.

Bãi biển Tambisaan

Nhà nghỉ và quán ăn mọc lên như nấm, trải dài theo suốt 7km bờ biển mang một cái tên rất Mỹ: Long Beach. Tại đây, ngoài các món ăn theo truyền thống Phi, khách có thể thưởng thức hương vị của các món ăn Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc… Hàng quán, nhà nghỉ mọc lên san sát. Tuy vậy, vào những lúc cao điểm vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tứ xứ.

Điều hơi phiền đối với du khách là để tới Boracay phải dùng đủ mọi phương tiện giao thông: từ Manila mất 40 phút di chuyển bằng đường hàng không tới thị trấn Kalibo, tiếp tục cuộc hành trình 1g30 bằng xe buýt để ra bến tàu và cuối cùng là 30 phút vượt biển để đến đảo Boracay. Dù sao đi nữa, mọi nhọc nhằn của cuộc hành trình dường như tan biến một khi khách du lịch đặt chân lên hòn đảo thần tiên này.

Boracay

Phía tây Philipin có hòn đảo Palawan, được coi là Biên giới Cuối cùng của Phi Luật Tân, với những vách đá thẳng đứng ở El Nido. Nơi đây, dân địa phương khai thác nước dãi của chim langay-langay, tương tự như chim yến ở Việt Nam ở Khánh Hòa, dùng để chế biến món yến xào.

Đảo Palawan cũng là nơi những người vượt biên từ Việt Nam được tập trung để chờ được định cư tại nước thứ ba. Palawan đã trở thành một hòn đảo kỷ niệm khó quên trong lòng một số người Việt hiện đang sống tại nước ngoài. Đó cũng là lý do khiến một số người Việt đi du lịch Phi Luật Tân để nhớ lại những ngày tạm dung trên đất lạ.

Một người tỵ nạn, Tí Tiều Tụy, ghi lại những kỷ niệm về Palawan: “… Trại tị nạn buồn nhất là những ngày mưa. Nhà nào cũng lợp tranh nên dễ bị dột. Đêm đang ngủ thấy nước mưa nhỏ lóc bóc vào mùng mền. Thỉnh thoảng người ngủ giật mình vì thấy con rít đang bò trên nóc mùng. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ai cũng mong chờ đợi ngày định cư…”

Tuy vậy, cũng không ít tiếng cười, dù méo mó, như khi đang đi cầu ngoài bãi trống thì thấy trực thăng lượn trên đầu nhìn xuống, mắc cỡ quá... bỏ chạy! Hay: “Gặp cô gái Phi thì chọc Magandaka (Cô xinh quá), Ma hay ki ta (I really like you),  Sa an an ba hay mo? (Nhà cô ở đâu?), Hindi kita ma li li mu tan (I never forget you) làm mấy cô gái Phi đỏ mặt, sung sướng”.

Ông Trần Đông, Giám đốc Văn khố Thuyền nhân Việt Nam có trụ sở tại Úc, cho biết về Làng Việt Nam tại Palawan: “Được sự trợ giúp của tổ chức thiện nguyện của anh Trịnh Hội thì khoảng từ năm 2000 trở về sau nầy, cơ quan của Trịnh Hội đã có những nỗ lực đáng kể trong việc giúp đỡ số người Việt tỵ nạn còn lại ở Phi đi định cư. Những người cư trú ở ngôi làng VN, về sau họ dần dần đi tứ tán tới những nơi khác - về Manila và những đảo ở Phi để sinh sống. Qua chương trình của anh Trịnh Hội thì những người này cũng đã được đi định cư. Hiện giờ, theo chỗ chúng tôi được biết, cũng còn khoảng 10 gia đình ở tại Phi thôi, trong số này, cũng có một vài người vì lý lịch không được tốt cho nên không được nhận. Lý do thứ hai là vì họ không muốn đi định cư, do họ đã có được tài sản, có gia đình…”.

[Tác giả xin quảng cáo không công cho luật sư Trịnh Hội, chồng cũ của MC Kỳ Duyên trên Paris By Night!!!]

Làng Việt Nam tại Palawan

Được biết, người Việt sinh sống tại Phi hiện giờ là những gia đình đã được chính phủ Phi Luật Tân tiếp nhận qua dạng đoàn tụ gia đình với lý do họ có con, hoặc là vợ của quân nhân Phi đã từng chiến đấu ở Việt Nam trong hàng ngũ quân đội đồng minh từ trước năm 1975.

Số người Việt này lên tới vài trăm gia đình, họ có đời sống tương đối ổn định tại Phi Luật Tân, quê hương thứ hai của mình. Đây là một trong những cộng đồng tỵ nạn người Việt nhỏ nhất định cư tại hải ngoại.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

1 Comment on Multiply

thomnx wrote on Mar 18, '11
Mình chưa qua Phillipne lần nào. Đọc bài này coi như bổ túc đất nước học Châu Á! Thank you.

2 nhận xét:

  1. Luôn thích xem bài viết của anh. Khoẻ nghen :)

    Trả lờiXóa
  2. May I simply just say what a relief to uncover someone who truly knows what they're discussing on the internet. You actually realize how to bring a problem to light and make it important. A lot more people really need to look at this and understand this side of your story. I was surprised that you're
    not more popular since you definitely possess the gift.


    Feel free to surf to my web site: friedrich nietzsche quotes

    Trả lờiXóa

Popular posts