Dịch giả: Ngọc Thứ Lang
Mario Puzo, nhà văn người Mỹ gốc Ý, xuất bản The
Godfather năm 1969. Cuốn sách đã nhanh chóng trở thành best-seller và được
giới phê bình sách coi là cuốn tiểu thuyết hay nhất về “thế giới ngầm” Mafia, trải dài từ
đảo Sicily bên Ý qua đến New York bên Mỹ.
Năm 1996, ông
viết The Last Don (Bố Già Cuối Cùng), nhưng không mấy ăn khách. Tác phẩm cuối cùng của Mario Puzo là Omerta (Luật Kín Miệng) được ấn hành năm 2000,
cuốn sách này tác giả không có
dịp nhìn thấy mặt mũi đứa con tinh thần của mình khi ông từ
trần ngày 1.7.1999 tại Bay Sore (New York), thọ 78 tuổi.
Mario Puzo (1920-1999)
Ngay khi The Godfather
ra đời, cuốn sách đã nằm trong danh sách best-seller suốt 67 tuần trên New York Times. Tác phẩm được dịch sang
nhiều thứ tiếng, nhiều đến nỗi chính Mario Puzo không thể liệt kê truyện của
ông đã được lưu hành tại bao nhiêu quốc gia và đã dịch sang bao nhiêu ngôn ngữ.
Tại miền Nam Việt Nam, vào năm 1970, nhật báo Chính Luận đã
đăng The Godfather dưới dạng tiểu
thuyết nhiều kỳ (feuilleton) với tựa đề Cha
Đỡ Đầu do nhà văn Trọng Tấu dịch từ bản tiếng Pháp. Bản dịch của Trọng Tấu
chỉ xuất hiện trên Chính Luận trong vài tháng rồi ngưng nửa chừng. Có lẽ vì
không hấp dẫn người đọc với lối hành văn quá chân phương, không hợp với loại
truyện gangster, giang hồ, súng đạn.
Phải đợi đến năm 1972, cuốn Bố Già do Ngọc Thứ Lang dịch từ The
Godfather (bản gốc từ tiếng Anh) mới bắt đầu thu hút sự chú ý của người
đọc. Dịch giả Ngọc Thứ Lang đã khiến người đọc say mê suốt 32 chương của cuốn
truyện với một giọng văn của giới côn đồ, du đãng, rất thật và rất đời thường.
Tôi tạm gọi đó là thứ “ngôn ngữ giang hồ”
hay “ngôn ngữ Mafia” mà người dịch
nếu là một học giả ngồi trong tháp ngà không thể nào có được bút pháp như vậy.
Tuy nhiên, những người đọc khó tính không khỏi nhíu mày khi
đọc những đoạn người dịch quá cường điệu đến độ tác phẩm dịch của Mario Puzo
trở thành… phóng tác qua tài “phóng bút” của Ngọc Thứ Lang. Đa số các nhân vật,
ngoại trừ Bố Già và các consigliere (cố vấn), đều bị Ngọc Thứ Lang gọi
bằng Thằng, Hắn, Mi… Ta hãy nghe Ngọc
Thứ Lang mô tả Santino "Sonny"
Corleone, cậu con trai trưởng của Bố Già:
“Khuôn mặt hắn đều đặn
và rõ nét đa tình, miệng rộng, môi dày và cằm lại lẹm vô một chút nên trông
càng dâm. Người hắn hùng hục như trâu đến nỗi mụ vợ khốn khổ cứ nhác thấy cái
giường là hết hồn! Người ta còn đồn rằng hồi còn nhỏ cậu Sonny đi chơi bời đã
vô động nào thì chỉ những em lỳ lợm, gân guốc nhất mới dám tiếp và chị em nào
cũng nằng nặc tăng giá gấp đôi hết”.
Bố Già và ba quý tử
Từ trái sang phải Micheal (em út), Bố Già, Sonny (anh cả) và Fred (anh
hai)
Hai bản dịch Cha Đỡ
Đầu và Bố Già có nhiều khác biệt:
(1) trong khi Trọng Tấu dịch từ bản tiếng Pháp năm 1970 thì
hai năm sau Ngọc Thứ Lang dịch từ nguyên bản tiếng Anh;
(2) văn phong của hai người dịch cũng khác hẳn nhau, bản
dịch của Ngọc Thứ Lang, như đã nói, có tính cách phóng khoáng bao nhiêu thì
Trọng Tấu lại chừng mực, theo sát nguyên bản tiếng Pháp bấy nhiêu;
(3) nội cái tựa đề của Godfather
cũng nói lên tất cả: trong khi Trọng Tấu chọn cái tên Cha Đỡ Đầu thì Ngọc Thứ Lang lại dùng hai chữ Bố Già mà ngày nay ta vẫn còn gặp trong ngôn ngữ hàng ngày. Bố Già là một cái tên “vô tiền khoáng
hậu” mà Ngọc Thứ Lang đã dùng để chỉ người đứng đầu thế giới ngầm…
Dù sao đi nữa, phải công nhận Ngọc Thứ Lang đã quá thành
công với Bố Già mặc dù ông còn chuyển
ngữ tác phẩm “Đất tiền đất bạc” (The
Pilgrim) cũng của Mario Puzo và một số sách khác. Tôi nghĩ người dịch truyện
thì rất nhiều nhưng những dịch giả mang lại cho người đọc cảm giác họ chính là
tác giả của tác phẩm thì rất hiếm. Ngọc Thứ Lang là một trong số ít những khuôn
mặt dịch giả hiếm hoi đó.
Sau 1975, hai nhà
xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang có lẽ một phần vì họ không phải trả tiền bản quyền, dù chỉ một
đồng, cho người dịch. Một nhà xuất
bản Việt ở hải ngoại cũng đã in Bố Già
và nay cũng miễn chi tiền bản quyền cho Ngọc Thứ Lang vì ông đã qua đời.
Theo Hoàng Hải
Thủy, Ngọc Thứ Lang qua đời tại trại cải tạo Phú Khánh năm 1979. Nếu
Hoàng Hải Thủy có bút hiệu Công Tử Hà
Đông thì Ngọc Thứ Lang lại có biệt danh Công
Tử Bắc Kỳ. Hai chàng Công Tử gặp
nhau năm 1951 tại Sài Gòn, khi đó họ còn đang ở độ tuổi đôi mươi.
Nguyễn Ngọc Tú, tức Ngọc Thứ Lang, thuộc loại “văn sĩ giang hồ”. Khi đó ông độ 25 tuổi
nhưng đã kiếm được nhiều tiền nhưng cũng là khách hàng thường xuyên của các
sòng roulette ở Kim Chung và những tiệm hút tại Sài Gòn. Ông ăn diện như một “tay chơi thứ thiệt”: áo sơ mi nhập từ
Paris chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Catinat, đồng hồ vuông mặt đen, mũ
mossant, cặp da, viết văn bằng máy đánh chữ, hút thuốc lá Phillip Morris vàng
loại king size, dùng bật lửa Dupont,
ăn cơm Tây, uống rượu chát…
Cũng như bao thanh niên khác, Ngọc Thứ Lang không tránh khỏi
“lưới tình” nhưng lại là loại “lưới tình khó gỡ”: người yêu của ông tự
tử vì tình duyên trắc trở. Cuộc đời nhà văn bắt đầu… xuống dốc không phanh kể
từ đó. Ông “ăn ngủ” trong một tiệm
thuốc phiện tại hẻm Monceaux, khu Tân Định, và mau chóng trở thành người nghiện
nặng. Những năm 70 ông viết cho Tuần san
Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang.
Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The
Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, nhà văn đã chọn ngay tên Bố Già cho bản dịch của mình.
Năm 1976, ông bị chính quyền mới bắt đi “phục hồi nhân phẩm” tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy nằm trong tòa
nhà Tu viện Fatima, Bình Triệu. Một nữ ký giả ngoại quốc có lần đến thăm Trung
tâm Cai nghiện kể lại, cô rất ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người
thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo.
Bố Già và cố vấn Tom Hagen
Trên danh nghĩa, Bố Già là cha nuôi của Tom Hagen (người giữ
vai trò xử lý thường vụ chức cố vấn pháp lý) nhưng lối xưng hô giữa hai người
lại là “Bác, Cháu”. Nghệ thuật chuyển ngữ của Ngọc Thứ Lang rất khéo. Trong
nguyên bản của Mario Puzo chỉ giới hạn qua hai từ “You” và “I” nhưng tiếng Việt
phong phú hơn nên dịch giả đã chọn Bác
và Cháu, một lối xưng hô đậm mối thân
tình.
Ở Chương 1, trong bản dịch của Ngọc Thứ Lang, ông chủ
nhà đòn Bonasera tại tòa xử vụ con gái ông bị hai tên vô lại làm
bậy, ông tự hỏi: “Vậy là tòa phường
tuồng còn gì?”. Mario Puzo chỉ viết: “It
had all been a farce”. Ngay sau đó là câu “Kìa, cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử”, nguyên
bản là “He watched the happy parents
cluster around their darling sons”. Có lẽ không cách nào tuyệt hơn là
dùng cụm từ “hai cậu quý tử” để dịch
“darling sons”.
Bonasera uất ức hét lên với bố mẹ chúng: “Được rồi! Tụi mày sẽ được khóc như tao. Con
cái tụi mày làm khổ tao thì tao sẽ cho tụi mày thử nếm mùi đau khổ!”. Quả
thật tôi thấy những lời Bonasera thống thiết hơn những gì Mario Puzo
viết: “You will weep as I have wept – I
will make you weep as your children make me weep”.
Có tìm hiểu, so sánh giữa nguyên tác và bản dịch ta
mới thấy nghệ thuật “phóng tác” của Ngọc Thứ Lang: không dịch từng
chữ nhưng cũng không đi ra ngoài ý của tác giả. Quan trọng hơn cả là
việc dùng những thuật ngữ tiếng Việt để chuyển tải ý của tiếng Anh
khiến người đọc cảm thấy gần gũi hơn và, như đã nói, người đọc có
cảm giác dịch giả chính là tác giả của cuốn truyện đang đọc.
Xin được bàn thêm về bút pháp của tác giả Mario Puzo
và dịch giả Ngọc Thứ Lang. Thế mạnh của cả hai là những đoạn mô tả
các cuộc đọ súng, đấm đá, đậm chất giang hồ nằm rải rác khắp 32
chương của cuốn truyện. Tuy nhiên, ở Chương 1 chỉ xoay quanh những diễn
biến trong đám cưới nhưng cũng nhờ đó người đọc được thưởng thức
tài năng đa dạng của tác giả và dịch giả. Lối hành văn đó không chỉ
giới hạn trong việc mô tả những hành động côn đồ của một tiểu
thuyết thuộc loại gangster.
Bố Già trong đám cưới của con gái
Cô phù dâu Lucy Mancini mà cậu cả Sonny theo đuổi là
một thí dụ điển hình cho lối mô tả rất “đời thường” nhưng cũng rất
ý nhị pha chút khôi hài. Mario Puzo viết về quá khứ của người đẹp
Lucy với hai người tình thời còn đi học: “In her two college love affairs she had felt nothing and neither of
them lasted more than a week. Quarreling, her second lover had mumbled
something about her being “too big down there.” Lucy had understood and for the
rest of the school term had refused to go out any date.”
Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ đoạn trên một cách phóng
khoáng nhưng vẫn giữ ý của tác giả: “Hồi
ở Đại học, Lucy có hai kép thật, song anh trước anh sau đều "chạy",
chỉ một tuần lễ du dương là tối đa. Thằng bồ thứ hai còn phê phán: "Đàn bà
con gái gì mà… vĩ đại kinh khủng thế" làm nàng hiểu ngay thân phận khác
người của mình, không bắt bồ thêm thằng nào nữa trong suốt cả một niên học.”
Cụm từ “too big down
there” trong tiếng Anh được thay thế bằng một câu cảm thán “Đàn bà con gái gì mà… vĩ đại kinh khủng
thế!”. Cả hai cách viết đều có cái hay riêng. Rõ ràng là một bên
tiếng Anh và một bên tiếng Việt đều nhắm vào ý lột tả một bộ phận
“thái quá” của Lucy mà không cần phải nói huỵch tẹt bộ phận đó là
gì.
Thật là kỳ phùng
địch thủ: Lucy “quá khổ” gặp
Sonny “quá cỡ”. Ta hãy nghe Mario
Puzo tả đoạn Sandra, vợ Sonny, kể với cô dâu Connie về ông anh Sonny
trong đêm động phòng: “My God, when I
saw that pole of Sonny’s for the first time and realized he was going to stick
it ito me, I yelled bloody murder. After the first year my inside felt as mushy
as marcoroni boiled for an hour. When I heard he was doing the job on other
girls I went to church and lit a candle…”.
Có điều dò lại bản dịch của Ngọc Thứ Lang tôi thấy
dịch giả không chuyển ngữ đoạn đối thoại trên mà chỉ vỏn vẹn có
một câu: “Sandra dọa dẫm cô em chồng
Connie về vụ động phòng kinh khủng”. Tôi không nghĩ Ngọc Thứ Lang vô
tình bỏ sót mà chắc vì dịch giả cố ý “tự kiểm duyệt”, e rằng phạm “thuần phong mỹ tục” chăng?
Ở một đoạn ngay sau đó, Mario Puzo tả lại cảm giác
của Lucy lúc lén lút gặp gỡ Sonny ngay trong lễ cưới:: “… she
felt his hand come up beneath her bridesmaid’s gown, heard the rustle of
material giving way, felt his large warm hand between her legs, ripping aside
the satin panties to caress her vulva…”.
Đoạn này Ngọc Thứ Lang cũng không dịch theo nguyên
bản mà thay vào đó là câu: “Nàng hé
môi nín thở vì dưới lớp lụa mát dịu, bàn tay hắn bỗng nóng như lửa, tới chỗ nào
là nhột nhạt, khó chịu chỗ ấy…”. Phải chăng đây cũng là cách dịch giả
né tránh những đoạn Mari Puzo “tả
chân” nên… tự kiểm duyệt?
Ở Chương 6, Ngọc Thứ Lang dùng thuật ngữ giang hồ “Trải Nệm” chuyển ngữ từ nguyên
bản tiếng Anh “mattress”. Trải nệm
là một truyền thống của Mafia và có “trải
nệm” là có đổ máu. Các tay giang hồ trước khi thanh toán lẫn nhau cần
tìm một địa điểm bí mật, kín đáo, thường là một căn nhà trống để các
tay súng tập hợp lại… “trải nệm” ngủ
trước khi ra tay. Mafia “trải nệm”
để giữ bí mật tuyệt đối cho các cuộc thanh toán và một lần nữa ta
thấy Ngọc Thứ Lang là một dịch giả có tài dùng chữ để chuyển tải
ý chính của nguyên tác. Sau này, “trải
nệm” trở thành một thuật ngữ trong giới giang hồ Sài Gòn.
Dịch giả còn sử dụng những thuật ngữ bình dân một cách khéo
léo như “nhà quê” (paisan), “chọc quê” (tease), “đi thưa lính” (report to the police), “đĩ bán trôn” (whore), “ăn
nên làm ra” (prosper)… Nhưng nổi bật hơn cả là cụm từ “nói chuyện phải quấy” mà Ngọc Thứ Lang dùng để diễn tả câu “I want
to make an offer that he can't refuse” trong nguyên tác. Rất nhiều lần
trong suốt cuốn truyện, câu “nói chuyện
phải quấy” xuất hiện, nhiều lúc chỉ để dịch động từ “to reason” trong tiếng Anh. Thiết nghĩ, đó là sự khéo léo của
người dịch, sử dụng “thủ pháp văn hóa
Việt” khi chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Bố Già, Trí Dũng xuất bản 1974, 624 trang
“Đằng sau mọi gia sản
kếch sù là một tội ác” (Balzac) là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu
Chương I của tiểu thuyết. Tác giả còn cẩn thận ghi chú: “Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào
nếu có… đều là ngẫu nhiên”. Tuy nhiên, tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa
trên những chi tiết thật về những con người có thực.
Nhân vật Bố Già ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro,
một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ.
Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm Mano Nero (Bàn tay đen), tiền thân của
giới Mafia Mỹ, còn được gọi là tổ chức La
Cosa Nostra (Chuyện làm ăn của chúng ta).
Don Vito Cascio Ferro (1862 - 1943)
Ngoài Bố Già thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có
một nhân vật thực khác: “Kép” Johnny Fontane chính là Frank Sinatra, ca sĩ và
tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và
là một trong những nghệ sĩ giàu có ở Mỹ. Nhân vật “kép” Johnny Fontane chính là
bản sao của danh ca Frank Sinatra được Mario Puzo tiểu thuyết hóa dù
tác giả đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Sự thật thì Frank Sinatra khi đang xuống dốc nhưng
cuối cùng vẫn nhận vai Maggio trong phim “From Here to Eternity” là do áp lực của Mafia. Kép Fontane
trong The Godfather cũng vậy: dưới
bàn tay “đạo diễn” của Bố Già,
ông chủ hãng phim Jack Woltz đã phải cắn răng để Fontane đóng phim của
mình dù hắn đã “phỗng tay trên đệ
nhất đào văm” đáng yêu nhất. Đòn phép của Bố Già rất đơn giản,
chỉ cần “khủng bố” Wolf bằng
thủ cấp của con ngựa Khartoum trị giá 600.000 đô la.
Báo chí cũng đã đề cập đến vụ Frank Sinatra gặp
rắc rối qua hợp đồng trình diễn ký với trưởng ban nhạc Tommy Dorsey.
Theo hợp đồng đã ký, ban nhạc của Dorsey được hưởng 1/3 doanh thu từ
các buổi trình diễn của Sinatra lúc mới vào nghề ca hát. Đến khi
Sinatra trở thành ca sĩ được nhiều người ưa thích, bản hợp đồng suốt
đời trở thành một ràng buộc miễn cưỡng đối với danh ca gốc Ý.
Vào năm 1943, Sinatra đề nghị một khoản tiền bồi
thường 60.000 đô la với Dorsey để “thanh
lý’ hợp đồng. Dorsey không chấp nhận việc để “mỏ vàng” Sinatra
vọt khỏi tầm tay. Ông Trùm Willie Moretti thuộc nhóm Mafia New Jersey vào cuộc với 3 đại diện đến để…“nói chuyện phải quấy” bằng một
khẩu súng. Cuối cùng, Sinatra đạt được mục đích: hợp đồng bị xé bỏ
với giá… “1 đô la danh dự”. Ông
Trùm Corleone trong Bố Già của Mario Puzo cũng giải quyết chuyện của
thằng con nuôi Johnny Fontane bằng một cách tương tự: khi súng đạn lên
tiếng, mọi chuyện sẽ êm đẹp!
Ca sĩ Frank Sinatra trên tem Mỹ
Ở Bố Già, người đọc học được rất nhiều cách xử thế, tuy nhỏ
nhặt, vụn vặt nhưng lại rất tinh tế. Anthony Coppola, con của một người bạn
từ thuở hàn vi, cần 500 đô để mở tiệm làm ăn, Bố Già móc túi chỉ có 400 nên
phải “vay” Hagen 100 cho đủ để giúp cháu. Ông còn vỗ vai thân mật: “Cháu thông cảm. Đám cưới tốn quá xá nên bác
hết tiền mặt”.
Thật đúng là “của
cho không bằng cách cho”. Coppola và những người đến cầu cạnh Bố Già trong
ngày cưới của cô út chắc sẽ… đời đời nhớ ơn Bố Già! Trong thâm tâm Bố Già, việc
thi ân cũng tựa như người ta chôn lương thực dọc đường đi thám hiểm Bắc Cực, cứ
để đó nhưng biết đâu có lúc dùng tới!
Ngoài những chuyện giang hồ Mafia rùng rợn, Bố Già là cả một
kho xử thế hiệu nghiệm mà ai cũng có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Với
ông chủ nhà đòn Bonasera là bài học về tình bạn, tình bạn là trên hết, trên cả
tiền bạc và tình bạn là tất cả. Với kép hát Johnny, Bố Già dạy thằng con nuôi
một thứ triết lý rất đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng: “Có con mà không làm cha thì làm người đâu
được”.
Bố Già
Ở phần đầu Chương 2, Mario Puzo dẫn người đọc đến
cách Bố Già thực hiện lời hứa với những kẻ đến nhờ vả trong ngày
đám cưới con gái út. Hai cậu công tử con nhà giàu trót sàm sỡ với con gái
rượu của ông chủ nhà đòn Bonasera đã lãnh một trận đòn “không đến nỗi chết nhưng nằm nhà thương cả mấy tháng và còn phải nhờ giải
phẩu chỉnh hình vá víu nhiều chỗ”. Bố Già đã thực thi công lý của ông theo
yêu cầu của ông “bạn” đồng hương Sicily .
Bonasera uất ức vì bản án 3 măn tù treo dành cho hai cậu tại tòa bao nhiêu thì
hể hả với trận đòn “ăn miếng trả miếng”
(Ngọc Thứ Lang dịch từ nguyên văn: An
eye for an eye) bấy nhiêu.
Vụ đóng phim của kép hát Johnny Fontane cũng được thu
xếp nột cách “êm đẹp” dù trước đó cố vấn Hagen đã thất bại trong
việc cất công sang tận Hollywood “thuyết khách” ông chủ hãng phim Jack
Woltz. Chỉ một ngày sau khi về lại New York , Hagen
được Bố Già hướng dẫn cách cách giải quyết lão Woltz vừa cứng đầu
vừa kênh kiệu.
Màn cắt đầu ngựa của Ông Trùm để “khủng bố” Jack Woltz là quá “hiểm”. Chỉ cần xáng một búa cái rụp là
có thế lực váng trời cũng phải mở mắt. Ông chủ hãng phim đã phải thốt lên sau vụ đầu con ngựa cưng
bị cắt: “Mười lần độc hơn Cộng Sản!”.
Bối cảnh khi Mario Puzo viết truyện Bố Già là năm 1969, cuộc
chiến tranh lạnh giữa Tư bản và Cộng sản đang trong giai đoạn quyết
liệt. Chủ nghĩa Cộng sản bị phe Tư bản đánh giá là không từ bỏ bất
cứ hành động khủng bố nào để đạt được mục đích thôn tính Tư bản.
Điển hình trong thời kỳ này là cuộc chiến giữa hai
miền Nam và Bắc Việt Nam khi đó đang trong giai đoạn khốc liệt. Nước
Mỹ đã bắt đầu đưa quân sang Việt Nam để giúp miền Nam ngăn chặn “làn sóng đỏ”. Mario Puzo và Ngọc
Thứ Lang đã để Jack Woltz đưa ra một nhận xét rất “thời thượng” về
cách giải quyết vấn đề của Ông Trùm: âm mưu khủng bố của Mafia qua
vụ cắt đầu ngựa còn “độc” hơn những hoạt động khủng bố diễn ra
hàng ngày của VC trên lãnh thổ miền Nam. Tôi nghĩ, đây là lối ví von
mà chắc chắn người đọc bản dịch cảm thấy “xúc tích” hơn cả người bản xứ đọc nguyên tác.
Sau giấc ngủ, lão Woltz tỉnh dậy và sững sờ khi thấy chiếc
đầu của con ngựa đua Khartoum trị giá 600.000 đô nằm cạnh, máu me còn đẫm ướt
tấm drap của chiếc giường rộng đến nỗi “10
người nằm cũng vừa”. Đó là đòn “khủng
bố” của Bố Già. Lập tức ngay hôm đó Woltz họp báo để tuyên bố kép Johnny
Fontane sẽ ký hợp đồng đóng cuốn phim mà trước đó lão đã thẳng thừng loại
Johnny ra khỏi danh sách diễn viên chỉ vì cái tội… phỗng tay trên đào non của
lão!
Vào đầu thế kỷ 20, khi những người Ý nhập cư vào
nước Mỹ, họ sống quần tụ với nhau như hầu hết các cộng đồng thiểu
số khác như người Tàu, người Ấn, người Nhật và sau này là người
Việt từ năm 1975. Đặc điểm của người Ý tại Mỹ là họ không thích
học tiếng Anh để giao tiếp với người bản địa, mọi việc liên quan đến
tiếng Anh đã có những “padrone”phụ
trách giao dịch. Padrone là những
người gốc Ý được giáo dục theo kiểu Mỹ, rành tiếng Anh và đóng vai
trò thông ngôn giữa người Ý và người Mỹ. Padrone làm đủ mọi việc qua thù lao, từ những dịch vụ đơn
giản như đóng hóa đơn tiền điện, nước cho đến các vụ kiện cáo tại
tòa.
Michael Corleone, con trai út của Bố Già, đã tự chọn cho
mình một tương lai theo con đường làm “padrone”
trong cộng đồng người Ý tại New York, “đứng
ngoài” chuyện làm ăn của gia đình. Nếu không có những biến cố đẫm máu
trong gia đình Corleone, cậu cả Sonny sẽ là người kế vị Bố Già. Sonny nóng nẩy
và vắn số nên sớm từ giã cõi đời khi bị phe Đường
Thổ (Ngọc Thứ Lang dịch từ nguyên bản “The Turk”) hạ gục… và cuộc đời Michael bước sang một ngã rẽ quan
trọng.
Bố Già bên xác “cậu cả” Sonny
Ngay từ khi Ông Trùm bị bắn, ta thấy thái độ của
Michael đã bắt đầu thay đổi, không còn dửng dưng trước những diễn
biến của tình hình. “Máu chảy,
ruột mềm” là vậy. Michael đã làm giới giang hồ Mafia tại New York
phải sửng sốt vì “chiến tích vô
tiền khoáng hậu” trong việc giết một đại úy cảnh sát người Mỹ
tên McCluskey. Đây là điều cấm kỵ của giới Mafia Mỹ: có thể “xin tý huyết” bất cứ ai nhưng chớ
bao giờ đụng đến cảnh sát, dù là “cớm
bẩn” như McCluskey. Từ hình ảnh một padrone trong tương lai, Michael đã trở thành một Ông Trùm sau
một thời gian trở về Ý để ẩn náu.
Ở đầu cuốn truyện, Michael vừa trở về sau thời gian
phục vụ trong binh chủng Thủy quân lục chiến. Anh xuất hiện trong đám
cưới với bộ quân phục, ăn nói nhỏ nhẹ bên cô bạn gái “Mỹ rặc” Kay. Thế mà sau này
Michael nối nghiệp cha trong trường hợp bất khả kháng, “thời thế tạo anh hùng”. Ông Trùm
Michael tượng trưng cho thế hệ Mafia được “Mỹ hóa”.
Michael và cô bạn gái “Mỹ rặc”
Đến lúc này, Michael hiểu anh không thể thờ ơ với những gì
đang xảy ra với gia đình mình. Trong tình thế người anh thứ hai, Freddo,
quá mềm yếu để đương đầu với thế giới ngầm, sự nhập cuộc “bất đắc dĩ” của Michael trong vai
trò Ông Trùm là cách giải quyết tốt nhất cho gia đình nhà Corleone.
Bố cục của câu chuyện rất chặt chẽ và tác giả
Mario Puzo đã dẫn người đọc đến những tình tiết éo le. Có ý kiến
cho rằng trong The Godfather, ông
Trùm “con” xuất sắc hơn ông Trùm “bố” về những đòn phép nhưng vẫn
còn phải “học” từ bố tính cách
điềm đạm, lạnh lùng của một người từng trải.
Ông Trùm “con” Micheal và Cố vấn Hagen
Thomas Hagen được Bố Già chính thức bổ nhiệm vai trò
consigliori của gia đình Corleone sau khi cố vấn
Genco Abbandando qua đời vì bệnh ung thư. Hagen được coi là con nuôi nhưng Bố Già lại
quan niệm “bắt con nhà người ta đổi họ,
đổi tên đi là hỗn xược, nhất là đối với những người đã khuất”. Tuy nhiên,
Hagen, dù có nguồn gốc Đức-Ireland, hoàn toàn không có dòng máu Sicily, vẫn
được Bố Già coi là người thân cận nhất trong gia đình, thậm chí còn được coi
trọng hơn cả “cậu hai vô tích sự”
Freddo.
Vai trò của Hagen
trong The Godfather rất quan trọng
kể từ đó. Là đứa trẻ lang thang không nhà, đau mắt kinh niên, năm 12
tuổi, Hagen được gia đình Corleone nuôi cho ăn học để trở thành một
luật sư. Đó cũng là lý do Hagen trung
thành với Bố Già và dòng họ Corleone dù ông không hề đổi họ của Hagen để chính thức
làm con nuôi. Hơn nữa, Hagen cũng không có
dòng máu Sicily
mà là một kẻ “ngoại đạo”.
Chương 2 có quá nhiều kịch tính. Quan trọng nhất là
việc Ông Trùm bị phe Sollozzo thanh toán ngay trong đêm Giáng Sinh nhưng
ông không chết. Từ đó trở đi, ông giải quyết nhiều vấn đề “làm ăn” ngay trên giường bệnh. Lệnh
của ông được thực hiện qua cố vấn Hagen
và công việc điều hành “việc nhà”
vẫn trôi chảy, bình thường.
Cố vấn Thomas Hagen
Chương 3 rất ngắn. Chuyện chỉ xoáy quanh vụ Hagen bị Solozzo bắt
cóc sau khi đã nổ súng thanh toán Bố Già. Những tưởng Ông Trùm không
thể nào chịu nổi 5 viên đạn nên gã Đường
Thổ móc nối với Hagen
để làm "cây cầu hoà bình"
giữa Sonny và phe ma túy của hắn.
Trong đoạn này ta thấy tình cảm thắm thiết giữa
Hagen và Bố Già khi nghe Solozzo báo tin “Ông Trùm của bạn chết rồi” và hắn đã phải kinh ngạc khi
thấy… “Hagen đầm đìa nước mắt”. Dù sao đi nữa,
Hagen cũng chỉ là “quan văn”,
không có tính cách võ biền, lạnh lùng của các tay anh chị nên người
đọc cũng thông cảm với phản ứng có phần ủy mị, “sợ run rẩy cả chân tay”!
Bố Già đã từng nói: “Một
trăm thằng cướp có súng ‘làm ăn’ đâu có lại một thằng luật sư xách chiếc
cặp-táp ranh con!”. Vào cuối truyện, Michael Corleone nối ngôi Ông
Trùm và Hagen không còn là consigliori
nữa mà trở về với vai trò “Cố vấn
pháp lý” thuần túy kiêm “chuyên
viên gỡ rối tơ lòng” để Michael và Kay trở lại với nhau vào hồi
kết.
Đường dây hoạt động trong thế giới ngầm của Bố Già rất đa
dạng: từ cờ bạc, cá độ, số đề đến bảo kê, đĩ điếm, cho vay nặng lãi và bất kỳ
loại dịch vụ phi pháp nào, chúng được ông coi như “những tội ác vô hại” (harmless vices). Nhưng ông không bao giờ
đụng đến ma túy.
Triết lý làm ăn của Bố Già rất minh bạch và ông đã thực hiện
trong suốt một cuộc đời sóng gió, dứt khoát không bao giờ bước sang lãnh
vực ma túy: “Chuyện đó bẩn [nguyên
bản: dirty business], không thể dính vô”. Đó cũng là điều
khiến người đọc cảm phục một con người của tội ác, một Mafiosi biết phân biệt
phải trái, ý thức được “chuyện xấu”
và tránh “chuyện xấu hơn”.
Tuy nhiên, “nói không”
với việc bảo kê cho các đường dây buôn bán “vàng
trắng” cũng là lý do khiến Bố Già bị “Ngũ
Đại Gia” (the Five Families) trong giới Mafia New York liên kết với nhau để
khử ông. Cái giá phải trả là sinh mạng của “cậu
cả” Sonny nhưng bản thân Bố Già, dù đạn bắn tới tấp từ cánh “Đường Thổ” Sollozzo, chỉ khiến ông bị
thương nặng.
Bố Già bị khử nhưng không chết
Bố Già vào cuối đời “hạ
cánh an toàn” và “truyền ngôi”
lại cho “cậu út” Michael để rồi đột
ngột từ biệt cõi đời sau một cơn đau tim trong khi đang hưởng những ngày vui
thú điền viên tại Long Beach. Câu cuối cùng của Bố Già khi bị đột qụy rất thanh
thản nhưng có phần cường điệu: “Đời đẹp
quá!”. Có thể nói, Mario Puzo đã thành công trong việc tô điểm cho một gương
mặt của tội ác,“một bàn tay vấy máu bọc
nhung”. Tập đoàn Mafia đã được… “lãng
mạn hóa”.
Dĩ nhiên Mario Puzo không phải là người đầu tiên đề cao
Mafia. Trước đó, vào năm 1950 tại Ý, những dòng chữ khắc trên mộ của Ông Trùm
huyền thoại vùng Villalba, Calogero Vizzini, đã có câu: “Những việc ông làm khi là mafia
không phải là tội ác mà là sự tôn trọng luật danh dự, là sự bảo vệ mọi
loại quyền và đỉnh cao của tinh thần cao cả: đó là tình yêu”.
Trong suốt cuốn truyện, Bố Già đã ra tay giải quyết
nhiền vấn đề nan giải một cách bất ngờ. Đó chính là ưu điểm (và
cũng đồng thời là khuyết điểm) của người được mệnh danh là Ông Trùm
Mafia New York .
Đối với bạn bè, thân quyến, Bố Già gần
như là một “đấng toàn năng” có thể
cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và những nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng
chịu thua. Ông đúng là Mafia theo nghĩa nguyên thủy của nó từ thuở ban đầu
hình thành: nơi ẩn náu.
Thực ra thì Mafia là những từ viết tắt từ tiếng Ý
của tổ chức yêu nước mang tên Morta
Alla Francia Italia Anela, có nghĩa một tổ chức đánh đuổi người
Pháp ra khỏi đất Ý. Mafia xuất hiện đầu tiên ở đảo Sicilia thuộc miền Nam
Italia. Theo Capierne và Groneff, Mafia ra đời năm 1282 với tư cách là tổ chức
tự vệ của người nghèo chống lại áp bức, bất công chống người Pháp chiếm đóng
lúc đó.
Sau này, phạm vi hoạt động của Mafia mở rộng sang nhiều
nước, Mafia ngày càng thay đổi về bản chất và đến thế kỉ 20, danh từ Mafia dùng
để chỉ tổ chức hoạt động bí mật, chuyên sử dụng biện pháp bạo lực, khủng bố, ám
sát, tống tiền, buôn lậu ma túy, cờ bạc...
Ngày nay, thuật ngữ Mafia thường còn được dùng để chỉ bất
kì một “nhóm lợi ích” có dính líu
đến những hoạt động làm tiền bất hợp pháp hoặc tham nhũng. Mafia xuất hiện khắp
thế giới: Mafia Nga, Mafia Mexico, Yakuza Nhật Bản, Băng đảng Ireland, Hội Tam
Hoàng (Trung Quốc), Mafia Albania, Mafia Cuba, Mafia Ấn Độ, Mafia Đen (tại Việt
Nam ngày nay lại có Mafia Đỏ!) và một
số băng đảng tội phạm có tổ chức quy mô khác.
Báo chí Mỹ cho rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong The Godfather nhưng giới giang hồ
được tác giả Mario Puzo bao phủ một màu sắc lãng mạn nào đó. Những nhân vật
chính không chỉ là gangster mà còn
mang dáng dấp của những anh hùng hay cao hơn nữa là những hảo hớn. Họ có
những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý được xây dựng
trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ là những người sùng đạo, thường
xuyên đi nhà thờ để cầu nguyện cho những tội ác của chồng…
New York Times nhận xét:“Chính sự lãng mạn hoá các Ông Trùm Mafia và giới giang hồ đã khiến cho
nó trở thành một hiện tượng được xã hội chấp nhận và giúp nó phát triển”.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét