Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Tình cha

Có tình mẫu tử thì cũng ắt có tình phụ tử. Trong văn học, người ta thường viết nhiều về tình mẫu tử, nôm na là tình mẹ. Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân. Bản nhạc đã thấm sâu vào lòng người hát cũng như người nghe [1].

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu…

Tôi không viết về tình mẹ và lòng mẹ vì có quá nhiều người đã làm, e nhàm chán. Ở một thái cực ngược lại, tôi viết về tình cha, quả là một đề tài mới hơn nhưng lại khô khan hơn. Người ta dễ ca tụng Mẹ vì sự gần gũi, thân thương nhưng đối với người cha luôn có một khoảng cách với con cái vì sự nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp còn đi đến mức lạnh lùng, khô khan.

Tìm trong ca dao cũng rất ít câu ca tụng tình phụ tử:

“Còn cha gót đỏ như son
Mai sau cha chết gót con đen xì”

“Con có cha như nhà có nóc
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi”



“Nòng nọc đứt đuôi” trong thời kỳ điêu linh thì nhiều lắm. Người cha trong thời kỳ này bị tập trung cải tạo, ít nhất cũng 3 năm và nhiều nhất đến 20 năm. Sợi dây liên lạc giữa cha và con hầu như bị cắt đứt. Con gần như ít khi nào nghĩ đến cha trong khi những người cha trong thân phận tù đày đêm đêm trằn trọc, âu lo cho tương lai của các con.

Cứ thế con lớn lên trong hoàn cảnh vắng cha, chỉ quanh quẩn bên người mẹ tảo tần để lây lất sống qua ngày. Cho đến khi ra khỏi trại cải tạo, hình ảnh người cha bỗng trở thành xa lạ đối với con cái. Người cha nào cũng ôm ấp biết bao tâm sự đắng cay, quá khứ của cha lại còn ảnh hưởng đến việc học hành của con cái vì cái bóng mờ lý lịch. Cha đã sống bên lề xã hội mới trong sự miệt thị, chia rẽ, bất công. Có người con nào hiểu được lòng cha?

Một món quà nhân Ngày Của Cha với 365 câu danh ngôn về tình phụ tử

Nếu may mắn, gia đình được định cư tại nước ngoài thì tuổi đời của cha đã bắt đầu bước sang thời kỳ xế bóng, sức khỏe hao mòn. Kiến thức dù có, kinh nghiệm sống cũng nhiều nhưng tuổi tác và văn hóa dị biệt đã khiến cha khó khăn hội nhập ở xứ người. “Lực bất tòng tâm”. Cha đã phải lao thân vào xã hội mới, không quản ngại công việc chân tay thấp hèn, khổ cực để nuôi sống cả gia đình vợ con nơi đất khách quê người…

Thế hệ của các con hiếm khi có dịp nhìn về quá khứ để hiểu biết về nguồn gốc di dân của mình. Các con chỉ biết tương lai trước mặt, học hành thành đạt, có việc làm ổn định. Sự cách biệt tình cảm giữa cha con càng thêm sâu đậm. Nhưng trong lòng cha bao giờ cũng âm thầm hãnh diện và hạnh phúc nhìn thấy con mình thành công ở xứ lạ mặc dù mình vẫn tiếp tục vất vả và đạm bạc sống hết chuỗi ngày còn lại của kiếp người.

Rồi đến một ngày nào đó, con cái có gia đình riêng. Con cái chu cấp cho cả cha lẫn mẹ sống trong viện dưỡng lão theo lối sống phương tây. Đó là nơi kết thúc một đời người nếu không muốn trở về Việt Nam, sống lại những kỷ niệm vui buồn bên họ hàng, bà con trên chính quê hương của mình.


Ở Việt Nam cũng có những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Đại đức Thiện Minh trong một bài thuyết giảng về tình phụ tử kể lại:

“Cách đây 5 năm, sư có đến thăm một gia đình phật tử. Sư đi xe ôm. Người đàn ông chạy xe ôm đưa sư đi hồi đó, nay đã mất rồi. Sư nhớ khi chạy gần đến nơi, người lái xe ôm đã nói với sư rằng: “Thưa sư, con xin sư một điều, con dừng lại ở đầu hẻm, sư chịu khó đi bộ khoảng 100 mét giùm con”. Lúc đó sư cũng hoan hỷ đi bộ vô nhà người phật tử nọ.

Sau đó khi ra về sư có hỏi người chạy xe ôm tại sao phải làm như vậy. Ông ta hạ giọng nói “Nhà này có một đứa con gái học chung với con của con. Nếu nó thấy con chạy xe ôm thì tội cho con của con lắm”.

Nghe câu chuyện tưởng chừng như đứt ruột, đứt gan. Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cho thấy lòng cha hy sinh cho con vô bờ bến. Người cha chạy xe ôm đã chắt chiu từng đồng bạc, quần quật trên những con đường ngược xuôi kiếm tiền nuôi con ăn học. Có người con nào hiểu được lòng cha phía sau bộ mặt nghiêm nghị đến độ lạnh lùng của cha?

Chạy giặc

Mới đây, trên Tuổi Trẻ Online có kể một câu chuyện mà tôi đọc trong nước mắt. Chuyện có tựa đề Con, cô giáo và cha. Sự nghiêm khắc, lạnh lùng của một người cha đã khiến con gái của ông, khi ấy mới bước vào lớp 11, uống thuốc tự tử. “Sao phải đến lúc giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con mới được ba nắm lấy bàn tay?” - cô nữ sinh xót xa tự hỏi khi nằm súc ruột ở bệnh viện. Chuyện xoay quanh một bài văn mà cô giáo chuyển cho người cha:

“...Với con, ngay từ nhỏ ba đã là người cha nghiêm khắc, một người luôn lạnh nhạt với mọi thành viên trong gia đình. Ba thường răn đe, la mắng nên trong tâm trí con, đối với ba, lúc nào cũng tồn tại một nỗi sợ hãi. Ngày con lên thành phố học, ba chỉ đưa ra xe mà không phải là người dẫn con vào trường. Ngôi trường mang tên Nhân Văn (THPT Nhân Văn, Q.Tân Phú - PV) đã gắn bó với con gần bốn năm nay. Ngày đầu tiên vào trường với bác mà lòng con đau thắt. Nhìn mọi người ai cũng có cha mẹ, ông bà hay cả anh chị đưa vào nhập học, con cũng như họ, sao con không được hưởng niềm hạnh phúc đó hở ba? Ba có thể trả lời cho con được không?

Những ngày đầu vào trường đêm nào con cũng khóc. Con trách: tại sao ba cho con vào một môi trường mà ở đó con xa lạ với tất cả mọi thứ, từ thầy cô, bạn bè đến nơi ăn chốn ở, sinh hoạt? Tại sao ba mẹ sinh con ra rồi lại bắt con xa gia đình, phải sống tự lập một mình? Những lần đầu về thăm nhà, nhìn nhà cửa bề bộn, bếp núc lạnh tanh chỉ toàn cơm nguội với mì xào, con thấy thương ba lắm. Nhưng ba vẫn lạnh nhạt, thờ ơ với con.

Nghĩ mà giận, nghĩ mà trách ba, con cố học giỏi như lời con nói. Ba năm liền, năm lớp 9, 10, 11 và cả học kỳ I lớp 12 con đều đạt học sinh giỏi và nhất khối cấp III. Nhưng rồi được gì hả ba? Nhiều lần mời họp phụ huynh, ba không xuống, con tủi thân lắm. Đã vậy, khi về nhà con khoe với ba những tờ giấy khen, những chiếc cúp thủy tinh mà con đã dồn bao công sức mới có được, chỉ mong nhận được ở ba một lời khen dù ngắn nhất, vậy mà con cũng không có được... Đã nhiều lần con viết thư nói lên tâm sự của mình cho ba nghe nhưng rồi lại thôi không gửi, con đem cất vào trong hộp. Nay cái hộp đó đã đầy rồi ba ạ. Vậy mà ba có bao giờ chịu hiểu con chưa hả ba?

Từ khi gia đình mình tan vỡ, chắc chưa lần nào con làm ba buồn phải không? Con nhớ có lần, vì quá áp lực nên con đã nghĩ dại mà đi tự tử. Con còn nhớ rất rõ lúc con nằm để súc ruột, con nắm rất chặt tay ba. Lúc đó, ba biết con đau lắm không? Sao phải đến lúc giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con mới được ba nắm lấy bàn tay?...”.

Cô giáo Hoàng Thị Minh Liên kể lại: “Đọc xong thư của Ngọc, tôi mời ba của em đến trường liền. Lúc ba Ngọc đến, tôi đưa bài viết cho ông ấy coi và nói ông về đọc. Sau đó, trường tổ chức lễ tri ân cho học sinh lớp 12 sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi xin phép Ngọc đưa bài viết của em đọc tại buổi lễ. Đọc để duyệt chương trình, Ngọc khóc như mưa. Mỗi lần đọc là một lần khóc”.

Ông Lê Đức Trọng (45 tuổi, ba của Ngọc) từ Bình Phước đến thành phố dự lễ tri ân của trường. Cô giáo Liên nói: “Ông Trọng hoàn toàn đồng ý khi tôi đề nghị đưa câu chuyện của Ngọc viết ra đọc tại lễ tri ân trước toàn thể học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường. Ông cũng xin một bó hoa để tặng con gái mình”.

Trong clip ghi lại lễ tri ân, Ngọc đã đọc những lời tự đáy lòng mình trong nước mắt. Phía dưới, ông Trọng cầm bó hoa để tặng con, mắt ông đỏ hoe. Không đợi đến khi con đọc hết lá thư, ông Trọng bước lên sân khấu chỉ nói “Ba hiểu rồi” và ôm lấy con.

Sáng 11/1/2013, phóng viên Tuổi Trẻ tìm đến nhà ông Trọng tại xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước để nghe tâm sự từ người cha. “Tôi dạy con lúc nào cũng nghiêm khắc từ khi con còn nhỏ - ông Trọng kể với chất giọng miền Trung - Tôi không bao giờ bộc lộ tình thương ra bên ngoài để con thấy mình yêu thương rồi chủ quan, không nghe lời. Khi cháu khoe giấy khen học sinh giỏi, tôi vui lắm. Nhưng tôi chỉ khoe với bạn bè, người thân rằng con mình ngoan, học giỏi chứ chưa bao giờ nói trước mặt cháu. Mình nghiêm khắc cũng chỉ muốn con đàng hoàng, nên người...

Đó là sai lầm lớn nhất đời tôi - ông nói tiếp - Tôi đã đi quá giới hạn của sự nghiêm khắc. Tôi bị áp lực vì đặt tất cả kỳ vọng vào con. Đời tôi khổ cực bao nhiêu tôi cũng đặt tâm nguyện, hi vọng con nên người, đỗ đạt”.

“Bài văn của cháu, tôi giữ suốt đời vì đó cũng là một kinh nghiệm của mình. Lúc cô hiệu trưởng đưa bài viết để tôi về nhà đọc, thật sự tôi chưa đọc liền lúc đó. Tôi cũng giữ, nhưng chỉ nghĩ đó là một bài văn xuất sắc của cháu, cô giáo thấy hay đưa cho mình. Lên xe ra về, tôi mở ra đọc. Từng dòng chữ lướt qua, tôi rơi nước mắt. Khi trường mời dự lễ tri ân, bằng mọi giá tôi phải “vứt” hết công việc để xuống với con. Tôi thật sự xúc động khi nghe con đọc những lời gửi cho mình tại lễ tri ân. Đó là buổi xúc động nhất trong đời tôi” [2].

Sau khi đọc xong chuyện của Ngọc và bố, người cha có nói: “Tôi đã đi quá giới hạn của sự nghiêm khắc. Tôi bị áp lực vì đặt tất cả kỳ vọng vào con. Đời tôi khổ cực bao nhiêu tôi cũng đặt tâm nguyện, hi vọng con nên người, đỗ đạt”.


Cha và con trong buổi lễ tri ân của trường
(Ảnh đăng trên Tuổi Trẻ Online)

Đúng là một kinh nghiệm làm cha cũng vì thương con mà hành động có phần “thái quá”. Để chấm dứt bài viết này, tôi viết lại kinh nghiệm của chính bản thân mình. Trong thời điêu linh tôi có dịp được tiếp cận với nhà văn Thụy An (Lưu Thị Yến) [3]. Tôi coi bà như người mẹ thứ hai và các con tôi gọi bà là Bà Nội. Những chuyện trong gia đình các con tôi đều kể lại với bà. Chắc chắn chúng thấy tôi quá nghiêm khắc.

Một hôm tôi nhận được tờ giấy viết trên vở học trò của bà, bắt đầu bằng câu: “Gửi người thầy nghiêm khắc”. (Bà gọi tôi là Thầy vì tôi kèm Anh văn cho bà). Ngày nay tờ giấy đã bi thất lạc nhưng tôi còn nhớ rõ nội dung. Đại khái bà Thụy An viết:

“Tôi biết anh thương các con lắm. Nhưng điểm yếu của anh là không muốn biểu lộ tình thương đó trước mặt con cái. Đó là một sai lầm của các ông bố từ ngàn xưa tới giờ. Phải thay đổi đi. Tại sao lại phải dấu tình thương của mình đối với con cái. Anh sẽ chẳng mất gì nếu anh biểu lộ và anh sẽ mất tất cả nếu anh cố dấu…” 

Kể từ đó, tôi cố làm theo lời bà.

***

Chú thích:

[1] Video clip Lòng Mẹ, nhạc và lời: Y Vân, Phạm Ngọc Lân đàn và hát:


[2] Theo Tuổi Trẻ Online: “Hiện Ngọc đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH FPT (TP.HCM). Hỏi lại chuyện cũ, cô sinh viên xinh xắn tâm sự trước đây sự nghiêm khắc, lạnh lùng của ba khiến bạn nghĩ ba không thương mình. Thêm vào đó, những áp lực học hành, thi cử, buồn bực... muốn kể cũng không dám dẫn đến ức chế nên hành động dại dột. “Khi người lớn không quá nghiêm khắc, lạnh lùng, thờ ơ... thì các ý nghĩ, hành động tiêu cực của lứa tuổi mới lớn cũng sẽ giảm đi” - Ngọc nói”.


[3] Đọc thêm về nhà văn Thụy An trong bài viết Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!    

4 nhận xét:

  1. Và đêm nay tôi ngồi đọc bài viết này của anh tôi cũng chảy nước mắt đó anh Chính ạ! còn tại sao ư! sẽ không nói được.

    Trả lờiXóa
  2. Hic... Già tui thì cố dấu để tỏ ra nghiêm khắc mà lại chẳng được!
    :P

    Trả lờiXóa
  3. Ước gi cha toi con song de doc bai nay

    Trả lờiXóa
  4. Bé Ngọc là đứa bé ngoan biết tự phấn đấu, tự học dù không có ba bên cạnh, nhưng lại yếu đuối. Còn em thì có con kêu nó học mà lại học với thái độ rất ư là miễn cưỡng chứ. Thật là cảnh đời trái ngược.

    Trả lờiXóa

Popular posts