Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Những cái tên bình dị về Núi & Đèo (2)

(Tiếp theo)

Đi từ đồng bằng lên cao nguyên bằng đường bộ chúng ta sẽ phải qua những đoạn đường đèo xuyên các rặng núi. Việt Nam có khoảng hơn 30 đường đèo lớn nhỏ cũng như dài ngắn. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những cái tên bình dị nhưng cũng kỳ lạ của núi và đèo mà tôi đã từng nghe đến hoặc có dịp đi qua trong những chuyến cross-country xuyên Việt vào cuối thập niên 90.

Đến Nha Trang, đoàn sinh viên Mỹ khám phá một điểm du lịch sinh thái mới trên Hòn Hèo, chính thức đón khách du lịch từ cuối năm 1998. Hòn Hèo là núi đảo cao nhất Nha Trang (873 m) bên cạnh các Hòn Phủ Mái Nhà, Hòn Răng Cưa, Hòn Tiên Du… trong dãy Phước Hà Sơn, có 3 mặt giáp biển, một mặt giáp xã Ninh Phú.

Kho tàng ngôn ngữ Việt Nam quả là phong phú nhưng cũng không kém phần dí dỏm. Riêng chỉ ở Nha Trang cũng đã có những cái tên như Hòn Tre, Hòn Vợ, Hòn Chồng, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Đỏ… rồi thì ở Phan Thiết có Hòn Rơm; Phú Yên có Hòn Rùa; Rạch Giá có Hòn Sơn; Kiên Giang có Hòn Phụ Tử, Hòn Nghệ; Cà Mau có Hòn Khoai; Hải Phòng có Hòn Dâu; Thanh Hóa có Hòn Ne… và ở tít ngoài Biển Đông có Hòn Ngư, Hòn Tro…

Cách Nha Trang 37 km có Hòn Bà là một khu rừng nguyên sinh, độ cao 1.574m, có khí hậu của vùng ôn đới thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, năm 1915, bác sĩ Yersin đã dựng nhà để ở và trồng cây canh-ki-na là cây được dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét. Hòn Bà hiện là khu du lịch với nhà nghỉ, rừng hoa và hệ thống cáp treo.

Theo ‘chúa đảo’ Đinh Ngọc Thi, người phụ trách Hòn Hèo, cái tên ngộ nghĩnh của núi đảo này xuất phát từ loại dây mây được khai thác làm gậy (hèo), nột lọai ba-tong người già hay dùng để di chuyển. Cũng theo lời anh, ‘đảo danh’ Hòn Hèo đã đi vào văn chương dân gian. Anh dẫn chứng:

Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi
Hòn Hèo đội mũ thì trời sắp mưa

Muối Hòn Khói, ruộng Đồng Hương
Hòn Hèo mây bạc, nước nguồn Cửa Bô

Rồi lại có cả bài hát:

Hòn Hèo đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Cóc nhái kêu lia
Trời mưa như đổ.

Anh chê em nghèo khổ
Kiếm chỗ sang giàu
Rồi mai sau anh sụp
Như cái đầu cầu chợ Dinh.

Để thưởng thức cảnh đẹp của suối Hoa Lan trên Hòn Hèo, khách phải đi đường bộ qua đèo Rù Rì đến cầu cảng Đá Chồng, sau đó mất khoảng 40 phút đi tàu ra đảo rồi leo 374 bậc thang để lần lượt ghé 3 tầng thác nước ở độ cao 778 mét.

Sinh viên Mỹ tại Suối Hoa Lan trên Hòn Hèo

Đèo Rù Rì, lại một cái tên rất dân giã, là đường đèo cuối cùng tại miền Nam, nối liền Nha Trang với Ninh Hòa, nơi có món nem nổi tiếng. Người ta giải thích tại đoạn đường đèo dài 2 km này trước kia có nhiều cây “rù rì” nên có tên như vậy. Người khác lại cho rằng rù rì là tên một loài chim có tiếng kêu thảm thiết và sau mỗi lần kêu đều có tiếng “rù” thật dài trong cổ họng.

Tôi lại nghĩ khác, có phần tiếu lâm: đây là đoạn đường đèo ngắn nhưng rất nguy hiểm nên khi vượt đèo người ta chỉ nói chuyện “rù rì” chứ không còn giữ giọng điệu bình thường! Bằng chứng: xung quanh đèo Rù Rì có bãi tha ma, trên đỉnh đèo còn có tượng Đức Mẹ Maria giơ tay ban phước cho vùng đất có ngọn đèo nguy hiểm này.

Đèo Rù Rì

Có một bãi rác lớn trên đèo Rù Rì lẫn lộn với bãi tha ma. Chúng tôi đã gặp những con người không phải chỉ sống với rác một giờ, một ngày mà họ đã trải qua nhiều năm, nhiều tháng, thậm chí cả một đời phải sống chung với rác. Họ cho biết, mỗi ngày có từ 50 đến 60 xe ép rác, chuyển từ 300 đến 400 tấn rác về đây.

Những người sống bên rác gắn bó với cái cào có hai chấu, một chiếc bao trên vai, một ngọn đèn soi trên trán và một đôi ủng dưới chân. Ngày ngày, dù nắng mưa, dù gió rét, cứ khoảng 5 giờ chiều họ túa ra bãi rác và đợi những chiếc xe chở rác về. Họ lăn lộn với rác đến sáng để bươi móc, săn nhặt những chiếc bao nilông, những mảnh nhựa vỡ, chút dây kẽm, dây điện và hàng trăm thứ linh tinh không tên khác.

Bãi rác trên đèo Rù Rì

Ngoài Rù Rì, nếu đúng là ngọn đèo mang tên một loài chim có tiếng kêu rù rì, còn có một ngọn đèo lại mang tên một loài chim thuộc loại “vua của các loài chim”: Phượng Hoàng. Đèo Phượng Hoàng, còn gọi là Đèo M’Drak, có chiều dài 12 km, nằm trên quốc lộ 26, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa với Đắc Lắc. Thủ phủ của Đắc Lắc là thị trấn Ban Mê Thuột, nơi tôi đã có một thời gian sinh sống thời niên thiếu.

Tháng 3/1975 đã xảy ra một cuộc đụng độ lớn giữa quân đội hai miền Nam-Bắc trên đèo Phượng Hoàng. Lính nhảy dù của VNCH đã được thả xuống đây trong nỗ lực tái chiếm Ban Mê Thuột và đèo Phượng Hoàng cũng là đường rút lui đầy máu và nước mắt của quân và dân từ cao nguyên đổ xuống miền duyên hải Nha Trang trước khi Sài Gòn sụp đổ.

Có người nói ngọn đèo Phượng Hoàng chỉ là một cái tên đã được thi vị hóa. Thực tế chẳng thấy bóng chim phượng hoàng mà chỉ toàn loài quạ đen. Trên đỉnh đèo, quạ kêu inh ỏi cộng thêm với những chiếc am nhỏ để tưởng niệm những người đã mất khiến cho đèo Phượng Hoàng mang một bầu không khí ảm đạm, chết chóc khi nghĩ đến dòng người di tản đổ đèo năm 1975. 

Đèo Phượng Hoàng là ranh giới giứa Khánh Hòa & Đắc Lắc

Phong cảnh và những dấu tích lịch sử quan trọng khiến cho đèo Phượng Hoàng có một sức hút đặc biệt đối với du khách khi có dịp ngược đồng bằng lên với vùng cao nguyên đất đỏ. Đó là chưa kể những người đến đây vì những kỷ niệm một phần đời có liên quan đến xứ “bụi mù trời, buồn muôn thuở” Ban Mê Thuột và Nha Trang “miền quê hương cát trắng”.

Tôi biết đến Nha Trang vào những năm cuối cùng của thời trung học. Học xong Đệ Nhị tại trường Trung học Ban Mê Thuột tôi phải xuống Nha Trang để thi Tú tài 1 vì BMT hồi đó chưa có hội đồng thi. Xong Đệ Nhị, tôi lại vòng về Đà Lạt để tiếp tục học năm Đệ Nhất tại trường Trần Hưng Đạo. Có lẽ cuộc đời học sinh của tôi có sao “thiên di” chiếu mệnh vì phải phiêu bạt đến nhiều thành phố.

Bây giờ, dù đã đến Nha Trang nhiều lần, nhưng tôi vẫn giữ những ký ức của tuổi học trò thời mới lớn: Nha Trang là thành phố biển sinh động với nhịp sống hối hả hơn Ban Mê Thuột rất nhiều.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện có phần tiếu lâm khi làm “sĩ tử” tại miền quê hương cát trắng. Tại Ga Nha Trang có nhiều gánh đậu hũ bán dạo, có cô mời khách bằng câu: “Đậu không cụ?”. Khi đó, trong lòng thắc mắc nhưng không dám hỏi tại sao cô lại mời như vậy. Mãi sau mới biết là cô… nói lái!

Tại Nha Trang ngày xưa có rất nhiều quân trường của Không quân, Hải quân và Biệt động quân nhưng tôi muốn nhắc đến Trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế với bức tượng người lính cầm súng đứng theo thế “thao diễn nghỉ” dựng trên vách núi. Xa xa là dãy núi Hòn Khô, trông mường tượng như một cô gái đang nằm… Thế nên mới có hai câu thơ bất hủ của một thi sĩ nào đó:

        “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,
        Em nằm xõa tóc đợi chờ ai”

Ngày nay, bức tượng người lính không còn nữa. Cứ tưởng anh lính đứng trên núi ngàn năm, ngờ đâu người lính biến mất khi miền Nam sụp đổ. Nghĩ cho cùng, cuộc đời này chẳng bao giờ có sự vĩnh viễn vì quy luật của tạo hóa là sự thay đổi, tiến hóa không ngừng.    

Đèo Phượng Hoàng

Từ Nha Trang muốn lên “phố núi” Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai phải vượt qua hai địa danh mang những tên rất quái dị: dốc Đầu Lâu và đèo Măng Giang (Mang Yang). Người địa phương giải thích, theo tiếng Gia Rai, “măng” có nghĩa là cổng còn “giang” là trời. Chắc người ta muốn nói đèo Măng Giang cao ngất như cổng lên trời.

Như vậy, ngoài “cổng trời” trên Tây Nguyên, nếu đi khắp Việt Nam ta còn có dịp qua những “cổng trời” ở Quản Bạ trên cao nguyên đá Đồng Văn, “cổng trời” nằm trên đèo Kéo Cao của ngọn núi Phia Đây, có độ cao gần 1.000 m so với mặt biển tại Cao Bằng…

Không thể không nhắc đến trại giam “Cổng Trời”, nơi giam giữ các trọng tội hình sự và các tù nhân tôn giáo trong đợt xóa sổ năm 1959 tại miền Bắc và sau đó mở tung cánh cửa một lần nữa vào năm 1976 để đón những tù nhân cải tạo từ miền Nam gửi ra [1].

Có người lại gọi Măng Giang là dốc “Mang Rơi” vì khi qua đây là chấp nhận để tất cả những gì mình có “rơi” lại phía sau lưng và đương đầu với mọi khó khăn trước mặt ở phía bên kia dốc. Đó là tâm trạng của những người, vì cuộc sống đòi hỏi, phải lặn lội lên miền đất “khỉ ho, cò gáy” để mưu sinh.

Trong các đèo ở Tây nguyên thì có lẽ Măng Giang là nơi có nhiều tai nạn nhất trên quốc lộ 19 nên có biển báo “Đèo Măng Giang - Cua gấp nguy hiểm, lái xe chú ý giảm tốc độ”. Đường đèo khá rộng nhưng ngay tại đỉnh đèo có dốc thẳng đứng, nhiều bác tài lạ đường cứ nhấn ga bon bon, không kịp đề phòng khi gặp khúc cua gấp.

Đèo Măng Giang

Sau khi vượt đèo Măng Giang xe chúng tôi đi qua rất nhiều vườn trồng cà phê, một thế mạnh của vùng cao nguyên. Rất may, khi đó đang vào thời điểm cà phê nở hoa trắng xóa trên nền lá xanh um. Xe dừng lại để sinh viên tỏa vào vườn, chiêm ngưỡng hoa cà phê bằng mắt và cả bằng mũi: hoa cà phê thơm, mùi hương dịu nhẹ, thoang thoảng. Có sinh viên còn nhận xét một cách dí dỏm: mùi hoa cà phê khác hẳn mùi cà phê khi uống! 

Nhân dịp lên Pleiku, đoàn sinh viên Mỹ ghé vào Dakto, một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Những cái tên thời chiến như Dakto, Charlie, Snoul, Krek, Toumorong… đã đi vào thơ, nhạc như trong bài hát Người ở lại Charlie của Trần Thiện Thanh [2]:

Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.

Chiến trường Dakto vào Mùa hè đỏ lửa năm 1972 giờ chỉ còn trơ lại những ngọn đồi trọc xác xơ cây cối. Chuyến ghé Dakto được coi như một cuộc hành hương về chiến trường xưa đồng thời cũng là dịp tốt để sinh viên có thể “mắt thấy, tai nghe” sinh hoạt buôn làng của người Sedang bên dòng Dakto có cây cầu treo bắc ngang.

Cầu treo bằn dây mây bắc ngang sông Dakto

Trong khi người Sedang thoăn thoắt bước đi trên cầu, đám sinh viên dò dẫm từng bước trên mặt cầu rung rinh, chao đảo theo từng bước. Cầu được thiết kế hoàn toàn bằng dây mây, bề ngang chỉ có 3 tấm ván, nhiều chỗ chỉ còn 2, nhìn qua khe hổng trên mặt cầu dòng nước sông Dakto vẫn lững lờ chảy. Chắc chắn đó là một trong những kỷ niệm khó quên đối với  những người trẻ đến từ một thế giới khác…

Sinh viên trên chiếc cầu treo

Tỉnh láng giềng Kon Tum có một đường đèo cũng mang tên Măng nhưng lại là Măng Đen nằm trong địa phận huyện Kon Plong. Với độ cao 1.100 mét, rừng nguyên sinh, rừng thông đỏ cùng hàng chục hồ và thác nước, Măng Đen hiện đang được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia, được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" hay "Đà Lạt của Kon Tum".

Đèo Măng Đen

Nằm giữa tỉnh Gia Lai và Bình định là Đèo An Khê, dài khoảng 20 km. An Khê dài, quanh co nhưng không dốc bằng đèo Măng Giang. Qua đỉnh đèo, huớng xuống Quy Nhơn, có ngay một khúc cua tay áo rất nguy hiểm.

Trên đèo An Khê đã diễn ra một trận đánh lịch sử vào tháng 6/1954. Quân đội Pháp vì lo ngại nguy cơ bị bao vây như ở Điện Biên Phủ nên quyết định nhanh chóng bỏ căn cứ An Khê để rút về Pleiku cách đó 80 km. Binh đoàn cơ động 100 được lệnh hành quân bằng cơ giới theo Quốc lộ 19 và đã bị đánh chặn. Tổn thất của người Pháp lên đến 500 và khoảng 600 người bị thương.   

Đèo Măng Giang và đèo An Khê là hai con đèo lớn nhất trên Quốc Lộ 19 từ ngã ba Bà Di lên cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, Gia Lai. Măng Giang có độ dài thua xa đèo An Khê, phong cảnh cũng không thể sánh bằng An Khê. Từ trên đỉnh đèo An Khê bạn có thể phóng tầm mắt bao quát một phần tỉnh Bình Định với các huyện Tây Sơn, An Lão, Tuy An...

Đường vào thị xã An Khê

Như đã nói, vừa ra khỏi thành phố Nha Trang là gặp ngay đèo Rù Rì, sau đó đến đèo Rọ Tượng, còn có tên là Ruột Tượng, ranh giới giữa huyện Ninh Hòa và Vĩnh Xương thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ít người biết trong lòng đất bên dưới đèo Rọ Tượng là đường hầm dành cho xe lửa trên tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Nguyễn Đình Tư trong Non nước Khánh Hòa giải thích về cái tên Rọ Tượng: ngày xưa vùng này có nhiều voi, còn được gọi là tượng. Người dân thường làm những chiếc rọ đặt trên đèo để bắt voi… (?). Lại có một lối giải thích khác cho rằng vì có khúc rộng ở giữa nhưng thắt lại ở hai đầu nên đường đèo này được gọi là “ruột tượng” (?).

Đèo Rọ Tượng băng qua núi Đá Vách thuộc huyện Ninh Hòa. Từ Nha Trang, khi qua khỏi đèo sẽ gặp sườn núi vòng sâu vào bên trong thành một hình móng ngựa gồm Hòn Son (660m), Hòn Khô (329m) Hòn Chùa (682m). Hiện vẫn còn dấu tích thành Thạch Lũy của người Chiêm Thành. Dưới chân thành có một hồ nước trong veo sâu thăm thẳm, xung quanh hồ, đá được xếp thành bờ rất đẹp.

Đèo Rọ Tượng

Tiếp nối đèo Rọ Tượng là đèo Bánh Ít cũng thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Đèo Bánh Ít và núi Ổ Gà (cao gần 400 m) là hai địa danh quen thuộc của người dân Ninh Hòa. Núi Ổ Gà địa thế hiểm trở nên từ năm 1945 trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp đã trở thành một mật khu của Việt Minh. Người dân tỉnh Khánh Hòa thường nhắc đến 4 địa danh nổi tiếng: “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Hoa, cọp Ổ Gà, ma Hòn Lớn”.

Phía bên phải đèo Bánh Ít là một đồi tròn cao non 200 m trông giống như cái bánh ít lột trần nên có lẽ vì vậy đèo mang luôn cái tên Bánh Ít. Có người lại kể theo tương truyền thời xa xưa một bà già hằng ngày ngồi trong túp lều tranh ngay trên đỉnh đèo bán bánh ít. Bánh ít của bà ngon có tiếng khiến khách qua đường thường ghé ăn bánh ít và xin nước uống.

Đèo Bánh Ít

Trên đọan đường từ Ninh Hòa đi Tuy Hòa dài 91km còn có đèo Cổ Mã dẫn ra biển Đại Lãnh. Đèo Cổ Mã nằm gần núi Đại Lãnh trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tại đây có hầm xe lửa dài 402m, từ km 1284+262 ở phía nam ga Ninh Hoà và vào thời Nguyễn đã có trạm bưu điện dưới chân đèo.

Tên đèo nằm giữa cao nguyên và duyên hải tại vùng này quả thật là “khác người”. Về tên  gọi Cổ Mã, sách Non nước Khánh Hoà giải thích vì hình núi ở đây giống như cổ con ngựa. Chắc có lẽ phải nhìn từ trên cao hoặc đi từ ngoài biển vào trông mới thấy cổ ngựa.

Dưới chân đèo Cổ Mã còn có một bãi tắm tuy nhỏ, vắng người nhưng thật lý tưởng cho những ai thích hòa mình vào thiên nhiên. Nhiều người cho rằng bãi biển Đại Lãnh gần đó, dù đã được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là “tầm cỡ thế giới”, nhưng quả thật không bằng tắm ở Cổ Mã hoang sơ, vắng lặng và gần gũi với thiên nhiên hơn.

Đèo Cổ Mã

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

[1] Đọc Trại giam Cổng trời, Mặc Lâm, Đài Á châu Tự do (RFA):


[2] Video clip Người ở lại Charlie do Thanh Lan & Duy Quang trình bày:


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8: Thời mở của)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!    

3 nhận xét:

  1. Hay quá. Cám ơn anh Chính.
    Làm tôi nhớ lại những ngày ở Dakto và Tân Cảnh.
    Và lần sau cùng tôi từ Nha Trang vượt đèo Phượng Hoàng vào Ban Mê Thuột một chiều tối tháng 3/74 ảm đạm buồn hiu hắt.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay quá, entry nào của anh cũng khiến NG nhớ nhung thật nhiều... Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  3. bài viết có rất nhiều thông tin để tham khảo
    đọc blog của chú có rất nhiều thông tin bổ ích
    cám ơn chú đã chia sẻ :)

    Trả lờiXóa

Popular posts