Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (22): Thành phố Melbourne

(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 15/4/2013: Thành phố Melbourne

Mãi đến ngày gần về chúng tôi mới bỏ ra nửa ngày để đi thăm khu trung tâm thành phố Melbourne. Thực ra thì đã nhiều lần “chạy xe qua phố” nhưng hôm nay mới thực hiện một chuyến đi bộ đến những điểm nổi bật của Melbourne, thành phố lớn nhất tiểu bang Victoria và lớn thứ nhì nước Úc, sau Sydney.

Người ta chỉ biết Canberra là thủ đô của Úc nhưng rất ít người biết Melbourne đã từng là thủ đô trong suốt 26 năm, từ 1901 đến 1927. Vào ngày 1/1/1901, Melbourne đã trở thành thủ đô của Liên bang Úc và Quốc hội Liên bang đầu tiên được thành lập vào ngày 9/5 ở Tòa nhà Triển lãm Hoàng gia. Trụ sở chính phủ và thủ đô của quốc gia được đặt ở Melbourne cho đến năm 1927, khi đó thủ đô mới được dời đến Canberra.

Federation Square

Melbourne đã có một lịch sử đáng nhớ trong thời kỳ mọi người đổ xô đi tìm vàng (gold rush). Vào năm 1854, dân số Melbourne đã tăng một cách đột ngột với 125.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây vì vàng. Trong 2 thập niên sau đó, 1870 và 1880, Melbourne là thành phố đông dân nhất nước Úc.

Vào thập niên 1890, sự suy sụp kinh tế đã hạ gục Melbourne. Dân số Melbourne sụt giảm một lượng lớn trong những năm 1890 là kết quả của làn sóng những người thất nghiệp di cư về phía tây để làm việc trong những ngành công nghiệp mới. Sau năm 1945, dân số Melbourne lại tăng lên khi người Anh, Nam Tư, Hà Lan, Đức, Ả Rập và Malta di cư đến đây.

Một số lớn người Ý và Hy Lạp cũng đã đến vào những thập niên 1950 và 1960, trở thành những cộng đồng lớn nhất bên cạnh những cộng đồng khác từ Anh và Ireland. Melbourne là nơi có cộng đồng người Hy Lạp sinh sống ngoài đất nước Hy Lạp đông nhất thế giới.

Trong những thập niên 1970 và 1980, những người tị nạn từ Campuchia và Việt Nam đã chọn Melbourne làm quê hương cùng với người Ấn Độ, Philippines và Malaysia. Làn sóng dân di cư gần đây nhất đến từ Nam Phi.

Về giáo dục, một số đại học lớn được đặt tại đây, bao gồm các trường Đại học RMIT (có chi nhánh tại Sài Gòn), Đại học Melbourne, Đại học Deakin, Đại học La Trobe, Đại học Monash, Đại học Kỹ thuật Swinburne và Đại học Kỹ thuật Victoria. Melbourne hiện cũng có số đông sinh viên Việt Nam đến học và số sinh viên này chỉ thua so với Hoa Kỳ, mảnh đất lý tưởng của các sinh viên người Việt. 

Crowne Plaza bên giòng sông Yarra

Dọc theo bờ phía Nam con sông Yarra là một con đường dành cho người đi bộ, nơi đây hàng năm thu hút 18 triệu du khách mỗi khi đến Melbourne. Dọc theo lối đi dạo có hơn 40 nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm nằm dọc theo bờ sông Yarra thơ mộng.

Đặc biệt hơn cả là một casino mang tên Crown. Đây là “thiên đường” hay “địa ngục” tùy theo trạng thái của người mắc phải dòng máu đỏ đen. Chúng tôi ghé qua đây vào ban ngày nhưng bầu không khí sát phạt tại đây cũng nhộn nhịp con bạc. Dĩ nhiên là vào những ngày nghỉ cuối tuần người ta đến đây đông hơn ngày thường.

Tòa nhà Crown nơi có casino nổi tiếng nhất Melbourne

Hình như vào ban ngày những quý ông, quý bà lớn tuổi, không bị bận rộn với công việc, thích vào đây giải trí và cũng để thử thời vận bằng cách ngồi “bấm máy”. Đã qua rồi thời “kéo máy”, một hình thức kéo cần gạt của tên “tướng cướp một tay” (one-armed bandit) để thử thời vận, thay vào đó là công việc bấm nút để hy vọng vận đỏ.

Tôi nhận thấy người châu Á có mặt tại đây khá nhiều, có lẽ hầu hết là người Việt. Có bà ngồi trước máy một mình say sưa bấm nút, nhìn vào các sòng cao cấp hơn cũng thấy những mái đầu đen ngồi trên ghế, trước mặt họ là những đồng jeton. Không khí có vẻ căng thẳng vì chuyện hơn thua, thắng bại. Ranh giới giữ “thiên đàng” và “địa ngục” không xa nhau là mấy, chỉ quyết định trong những cây bài do dealer chia cho mỗi người.

Lối vào casino

Không được chụp hình trong casino nên tôi chỉ chụp từ ngoài nhìn vào. Tấm hình không được rõ lắm nhưng đại khái cũng ghi lại được hình ảnh những con bạc ngồi “bấm máy”, người đứng tại góc trái là bảo vệ casino to như một con gorille. Phía góc phải là tấm bảng đèn mầu Jackpot như khyến khích những người bước vào, biết đâu họ lại chẳng “Hit the jackpot”.

Người phụ nữ tóc đen bước vào casino

Dạo gần đây tin tức có liên quan đến Crown thường xuyên xuất hiện trên báo chí Úc. Có tin casino này đã bị những tay “cờ bạc chuyên nghiệp” dùng công nghệ cao thắng sòng bạc nhiều triệu đô la. Cũng có tin con bạc kiện Crown đã “lường gạt” họ cũng cả triệu đô la.

Chuyện đâu còn có đó nhưng trước mắt Crown vẫn hoạt động suốt ngày đêm dù không nhộn nhịp bằng Las Vegas nhưng cũng đủ để các con bạc dở khóc, dở cười. Crown được mệnh danh là sòng bạc lớn nhất phía Nam Bán Cầu nhưng nếu như so với Las Vegas ở phía Bắc Bán Cầu thì chỉ bằng 1 trong số hàng chục casino mở cửa suốt ngày đêm tại vùng sa mạc Nevada.    

Chúng tôi gửi xe ở Crown nhưng để chỉ lướt qua sòng bạc xem chơi cho biết, còn chủ yếu là đi bộ vượt sông Yarra sang tận Federal Square. Các tầng hầm đậu xe tại đây có chính sách “khuyến khích” mọi người tham gia Crown Signature Club sẽ được gửi xe miễn phí.

Giá phí gửi xe thấp nhất là $6 trong vòng 6 tiếng, cao nhất là $12 trong những ngày cuối tuần. Nếu đánh mất vé phải trả $20! Tính ra thì vẫn còn rẻ nếu so với Sài Gòn vào những dịp “chặt, chém” không thuơng tiếc!

Tầng hầm đậu xe trong casino

Trong tòa nhà Crown không phải chỉ có casino mà còn rất nhiều cửa hàng sang trọng, nói theo kiểu Việt Nam là “hàng hiệu”. Trong Crown còn có những những tiệm ăn đủ mọi quốc tịch, phục vụ các món truyền thống của Tầu, Ý, Ấn Độ nhưng không thấy tiệm ăn của người Việt, có lẽ vì thuê mặt bằng kinh doanh tại đây quá cao.    

Versace

Forever New

Bên trong Crown Towers

Chúng tôi vượt sông Yarra bằng một trong những cây cầu bắc ngang để sang trung tâm thành phố mà người Úc gọi là CBD (Central Business District). Những người trẻ tuổi đang yêu có một sáng kiến: họ mua ổ khóa, viết tên hai người rồi khóa trên lan can cầu. Một hành động chứng tỏ tình yêu bền vững có cây cầu làm chứng.

Biết đâu đó vài chục năm sau trở lại nơi này, họ tìm lại được chứng tích của tình yêu trên cây cầu bắc ngang sông Yarra. Biết đâu chừng chỉ có một trong hai người trở lại nơi đây để hồi tưởng một tình yêu đã mất. Nhưng cũng không biết chừng cầu đã được xây dựng lại, mất hẳn dấu tích năm xưa!

Tôi chợt nhớ đã thấy những “ổ khóa tình yêu” này trên chiếc cầu bắc ngang sông Seine ở Paris ngày nào… và tại đây, giữa Melbourne, chúng lại xuất hiện. Cầu chúc cho tình yêu của những người trẻ tuổi bền vững như những ổ khóa trên thành cầu.  

Tình yêu và... ổ khóa 

Tâm điểm của CBD Malbourne là nhà ga Flinders Street Station, nhà ga lớn nhất nước Úc với gần 100 năm hoạt động. Nhà ga chiếm hẳn một góc phố giữa đường Swanton và Flinders, người Melbourne coi đây là biểu tượng của thành phố với 3 mái vòm theo kiến trúc Victoria.

Flinders Street Station

Mặt tiền nhà ga đắp các phù điêu nổi mang phong cách kiến trúc cổ kính thời nữ hoàng Victoria (1837-1901). Có 9 chiếc đồng hồ chỉ giờ khởi hành đi các tuyến đường, bên dưới còn ghi rõ số sân ga. Du khách thường tụ tập tại đây, không phải để đi tầu mà để ngắm nhìn công trình kiến trúc.

Mặt tiền nhà ga

Ngoài xe lửa, Melbourne còn có hệ thống xe “tram”, một loại xe chạy trên các tuyến đường sắt, phía trên là cần dẫn điện. Đây là hệ thống xe “tram” duy nhất tại Úc nhưng có điều bất tiện là những nơi nào có tuyến xe “tram” thì nơi đó dây điện giăng mắc trên đầu. Lại nhớ đến Sài Gòn với những lưới điện… mạng nhện.

Xe “tram”

Bên kia đường, đối diện với nhà ga cố kính Flinders Street Station là quảng trường Federation Square theo phong cách hiện đại với những tòa nhà mang hình lập thể. Quả là một sự tương phản rõ nét nhưng chỉ cách nhau một con đường. Phải chăng đó cũng là một trong những điều hấp dẫn du khách đến với Melbourne.

Federation Square

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


1 nhận xét:

  1. Ngày xưa đã đọc lịch sử hình thành đất nước nay, nay đọc lại những nơi anh đi qua cũng thấy vui. Vừa đọc bên Facebook nhưng không thấy hình nên lại vào đây xem lại. Tấm hình "Bên trong Crown Towers" phải chi chụp thấy cả chân nữa thì đẹp.

    Bên FB anh CŨNG có thể dùng NOTE để viết entry với đầy đủ hình ảnh đó anh Chính ơi! Khi post hình lên thì ký hiệu hình nằm ở cuối trang, anh chỉ cần copy và bỏ vào nơi mà anh muốn hiện thị hình, sau đó save là xong. Như vậy các bạn ở FB không vào blogspot được thì cũng có thể đọc và xem hình ảnh ở FB được.

    Trả lờiXóa

Popular posts