Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

38 năm nhìn lại

Con gái út của tôi sinh ngày 14/2/1975. Đây là một ngày tương đối đặc biệt nếu vào thời buổi này vì nhằm ngày Lễ Tình nhân Valentine. Bây giờ vào ngày này, những người trẻ tuổi yêu nhau thường tặng nhau hoa hồng hay kẹo chocolate có hình trái tim. Ngày con gái út ra đời, Sài Gòn chưa biết đến Valentine nên 14/2 chỉ một ngày bình thường như bao ngày khác tại miền Nam đang ngày một leo thang chiến cuộc.

Điều quan trọng mà mãi mấy tháng sau tôi mới biết, cháu sinh ra chỉ cách ngày Sài Gòn đổi chủ hơn 2 tháng. Khi đó người Sài Gòn đã cảm thấy chiến tranh đang tiến gần đến cửa nhà mình. Những người “có máu mặt” đang rục rịch tìm đường “di tản” bằng nhiều cách, miễn là thoát khỏi Sài Gòn mà mọi người biết là vòng vây ngày càng thắt chặt.

Tôi chỉ là một Trung úy quèn, làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội, lại vừa mới đi tu nghiệp lần thứ 2 tại Hoa Kỳ trở về. Tôi không tìm đường đi Mỹ vì một điều dễ hiểu là mới từ bên đó trở về. Nói chung, cuộc sống ở đâu cũng khó khăn về vật chất nhưng về tinh thần thì sống tại nước Mỹ giữa những người khác màu da thì làm sao thấy thoải mái bằng ở Việt Nam, nơi ta sinh ra và lớn lên. Ý nghĩ đó theo tôi mãi cho đến ngày… bước vào trại học tập cải tạo.    

Ngay từ khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10/3/1975 (1) tin tức chiến sự ngày một xấu đi. Các bản tin luôn nhắc đến “di tản” rồi “di tản chiến thuật” bắt đầu từ cao nguyên rồi đến miền Trung. Mọi người chạy loạn đều cố về gần Sài Gòn, phòng tuyến cuối cùng của miền Nam.

Ngày đó, người ta nghe đài VOA, BBC vào sáng sớm cũng như mỗi tối để cập nhật tin chiến sự. Sau này có người còn nói chính đài BBC đã góp phần khai tử Sài Gòn sớm hơn bằng những bản tin chiến sự nóng hổi đến độ còn đang đánh nhau đã đưa tin thua trận!

Những ngày cuối tháng 4 tại Bến Bạch Đằng, Sài Gòn

Trở lại với Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4/1975. Chiều ngày 28/4/1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị oanh kích. Mãi sau này tôi mới biết người dẫn đầu phi đội 5 chiếc A-37 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) cất cánh về hướng Sài Gòn và thả bom sân bay Tân Sơn Nhất là Trung úy phi công quân lực VNCH Nguyễn Thành Trung (2).

Nguyễn Thành Trung chính thức xuất hiện như một người thuộc “phía bên kia” từ ngày 8/4/1975. Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng, Nguyễn Thành Trung xuất phát từ sân bay Biên Hòa đã lái chiếc F5E ném bom dinh Độc Lập. Lần đầu ném 2 quả bom rơi không trúng mục tiêu, lần cắt bom thứ hai có trúng đích nhưng chỉ có một quả nổ (!).

Trung tiếp tục dùng súng 20 ly bắn vào kho xăng Nhà Bè, rồi lái máy bay đáp an toàn trên đường băng dã chiến 1.000m ở sân bay tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) trong khi F5E cần một đường băng hạ cánh đến 3000m. Phước Long khi đó đã thất thủ vào tay VC.

Trong chiến tranh, những trường hợp “hai mang” như Nguyễn Thành Trung không phải là hiếm. Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Trịnh Xuân Ẩn… (3) là những gián điệp “nằm vùng” hoạt động trước Nguyễn Thành Trung. Vai trò của họ đã và sẽ được dư luận đánh giá “có công” hay “có tội”.

Có điều tất cả họ sẽ vấp phải những nghi kỵ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ “nằm vùng”. Lê Thành Chơn trong “Phút cô đơn và phẩm chất của người anh hùng” trên báo Sài Gòn Giải Phóng viết về Nguyễn Thành Trung như sau:

“… Đời người sĩ quan tình báo đã dấn thân tự nguyện phụng sự cho Tổ quốc thì coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Còn bây giờ, anh đang sống trong lòng đồng đội. Nhưng, một buổi chiều, Trung được yêu cầu phải báo cáo một số vấn đề thuộc về lý lịch của mình... Chẳng ai nói với anh nguyên nhân! Nhưng với giác quan của người sĩ quan tình báo lâu năm, anh hiểu đó là việc làm bình thường. Gần đây đã có một số phi công xấu lợi dụng sơ hở, cướp máy bay chạy trốn...”

Trung Úy phi công Nguyễn Thành Trung
trong vòng tay của những người “phía bên kia”

Nhà tôi ở rất gần Lăng Cha Cả. Ngày 28/4, từ căn gác trên đường Bùi Thị Xuân tôi có thể nghe tiếng bom nổ ở phi trường Tân Sơn Nhất và sau đó cột khói đen bốc lên cao. Chiến tranh đã thực sự đến thật gần. Sáng hôm sau, 29/4/1975, tôi quyết định chở gia đình vào tá túc tại Bệnh viện Sài Gòn, nơi bà xã đang làm việc.

Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm thế nào một gia đình gồm 6 người trong đó có một đứa trẻ sơ sinh còn ẵm ngửa có thể ngồi hết trên chiếc Honda SS50 chạy một mạch từ Lăng Cha Cả về Chợ Bến Thành. Tôi vẫn còn nhớ đường tại khu vực quận 1 khi ấy rất nhộn nhịp khác thường. Có cả phóng viên ảnh người nước ngoài đang cố gắng ghi lại những hình ảnh cuối cùng của Hòn ngọc Viễn Đông.

Đưa vợ con vào tá túc trong Bệnh viện Sài Gòn tạm ổn tôi mới tính đến bản thân mình. Lúc đó tôi đang được trường sinh ngữ biệt phái về Tổng cục Quân huấn để thành lập ban Tu thư Dịch thuật. Tổng cục Quân huấn nằm trong Bộ Tổng tham mưu nên cuối cùng tôi quyết định vào đó “ứng chiến”.

Sáng ngày 30/4/1975 tôi rời khỏi Bộ Tổng tham mưu trong bộ đồ dân sự. Lúc đó khoảng 10g sáng, trời mưa lất phất. Ngoài đường vắng vẻ hơn ngày thường, một cơn mưa trái mùa khiến tôi có cảm tưởng như trời đang khóc cho Sài Gòn vào ngày “đổi chủ” và sau đó người Sài Gòn “đổi đời”!

Tờ lịch ngày Thứ Tư, 30/4/1975

Bây giờ ngồi viết lại tản mạn những suy nghĩ sau một thời kỳ kéo dài 38 năm tôi hoàn toàn không có ý tả lại những cảnh khổ. Điều này đã có quá nhiều bài viết và người viết đã làm. Mỗi người một cảnh, mỗi người một suy nghĩ khi nhìn lại quãng thời gian 38 năm.

Ông Võ Văn Kiệt khi nói về ngày 30/4/1975 đã cho rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Nói như thế, sự kiện 30/4 được đón nhận theo cảm tính trái ngược nhau của những người sống tại miền Bắc và miền Nam vào thời điểm đó. Cũng là lẽ thường tình vì chúng ta nằm trong guồng máy chiến tranh, hoặc “bên này” hoặc “bên kia”.

Dĩ nhiên, người dân sống tại miền Bắc thấy cảm thấy “hồ hởi” trong số “hàng triệu người vui”. Có những gia đình vui vì chồng cha, anh em sẽ không còn chịu cảnh “sinh Bắc, tử Nam”. Có những người vui vì đất nước thống nhất, nói theo kiểu Trịnh Công Sơn, “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm…”.

Hay nói như “chú nhỏ 13 tuổi” Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc: Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.

Đó chỉ là ý nghĩ nông cạn của một chú bé đã lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Cảm nghĩ của Huy Đức sẽ thay đổi như thế nào khi đối diện với thực tế ở miền Nam những năm sau đó? Sự vui mừng đó có còn trọn vẹn sau 38 năm đối với những người miền Bắc? Hỏi tức là đã trả lời.

Cảm xúc của Dương Thu Huơng lại khác. Ngày mới đặt chân đến Sài Gòn khi vừa được “giải phóng”, tác giả đã bị choáng ngợp trước cuộc sống tiện nghi ở miền Nam, khác rất xa với cuộc sống khó khăn ở miền Bắc: “Tôi đã ngồi phệt xuống vỉa hè Sài Gòn khóc, tôi biết miền Nam đã giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại...”.

Như vậy là những người từ miền Bắc vào Nam như Dương Thu Hương lại có một nỗi buồn chứ không phải nỗi vui khi nhìn tận mắt sự khác biệt giữ hai miền ngay từ năm 1975. Nói chung, đó chỉ là những cảm nghĩ “vui – buồn” tức thời của nguời miền Bắc khi nghe tin “Sài Gòn được giải phóng”, cái mà người ta quan tâm là những thay đổi trong “tư duy” sau 38 năm.

“Bên Thắng Cuộc” trước dinh Độc Lập

Hàng triệu người miền Nam còn ở lại trong nước hay đã ra đi chắc chắn cũng không vui trong ngày 30/4/1975. Có thể ai đó cũng vui khi Sài Gòn không bị “tắm máu” như lời đồn đãi. Có thể người Sài Gòn bình thường cũng vui khi biết rằng đất nước sẽ qua đi thời chinh chiến để cùng nhau xây dựng lại quê hương theo như di chúc của ông Hồ Chí Minh:

“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
  

Thực tế nhìn lại sau 38 năm thật phũ phàng. Thời điêu linh (4) kéo dài hơn 10 năm với các chính sách cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế mới, đổi tiền, đốt sách… đã khiến hằng triệu người phải bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền mong manh giữa sóng biển.  

Những người trong hình có đến được bến bờ tự do?

Trở lại với chuyện cô con út của tôi khi Sài Gòn sụp đổ mới chỉ chưa đầy ba tháng, hãy còn ẵm ngửa. Cô con gái này sau có biệt danh “xúi quẩy”. Cả nhà vẫn thường gọi đùa là vậy. “Xúi quẩy” vì đồ đạc trong nhà cứ thay nhau ra chợ trời để lấy tiền mua gạo. “Xúi quẩy” vì bố đi học tập mút chỉ. Nói chung, “xúi quẩy” vì cả miền Nam đang trong thờ kỳ… “xúi quẩy”!

Tội nghiệp cho con bé hãy còn ẵm ngửa, nào có tội tình gì mà lại phải mang cái tên “xúi quẩy”. Sau này khi biết nói, cháu bé còn giải thích vanh vách khi có người hỏi tại sao lại có tên “xúi quẩy”:

“Xúi quẩy là bán đồ đạc để lấy gạo ăn!”.

Từ đó, đối với tôi, hai chữ “xúi quẩy” vừa nghe buồn buồn của một thời điêu linh nhưng cũng lại mang ý khôi hài khi phát ra từ miệng trẻ thơ.

Cô con gái út còn ẵm ngửa ngày nào nay đã là mẹ của hai đứa trẻ. 38 năm nhìn lại tôi bỗng rùng mình như vừa qua một cơn ác mộng. Mộng và thực cứ như quyện lấy nhau đến độ không biết đâu là mộng, đâu là thực.

Trong sách Trang Tử có đoạn về Mộng hồ điệp được nhà văn Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu”.

Chúng ta không phải là Trang Chu nhưng cơn ác mộng kéo dài 38 năm tựa như những ám ảnh trong tiếng đàn của Thúy Kiều:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là Hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên”.

***

Chú thích:

(1) Đọc “Ban Mê Thuột: Khởi đầu của một kết thúc”

(2) Nguyễn Thành Trung là một một cựu Đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam, tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9/10/1947, tại Bến Tre. Cha là Đinh Văn Dậu (còn gọi là Tư Dậu), mẹ là bà Nguyễn Thị Mỹ. Trung là người con trai thứ 4 trong gia đình có 5 anh em, vì vậy ông có có tên gọi trong gia đình là Năm Chung.

Sau năm 1954, trừ người anh cả tập kết ra Bắc, cả gia đình ông đều ở lại miền Nam. Cha ông và người anh thứ hai đều hoạt động bí mật tại quê nhà. Riêng ông cùng người anh thứ ba và người em gái út sống công khai với mẹ để tiếp tục đi học.

Năm 1965, Trung được Ban binh vận T2 (khu 8) đưa lên Sài Gòn tiếp tục học hết bậc phổ thông, rồi vào học khoa Toán - Lý - Hóa ở Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học tự nhiên). Sau khi tốt nghiệp, ông được Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo thi tuyển vào Không lực Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, ngày 31/5/1969, Nguyễn Thành Trung được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam.

Sau hơn một năm huấn luyện ở Nha Trang, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở các căn cứ Hoa Kỳ tại các bang bang Texas, Louisiana và Mississippi. Đến năm 1972 về nước, phục vụ tại căn cứ không quân Biên Hòa, trực thuộc Sư đoàn 3 Không quân, Phi đoàn 540 Thần Hổ.

Sau 1975, vì là người duy nhất có thể lái máy bay F5 và A37 của QĐNDVN, Nguyễn Thành Trung được phân công phụ trách công tác đào tạo, huấn luyện bay và đã góp phần rất lớn gầy dựng nên Trung Đoàn Không Quân Cường Kích 937 và Trung Đoàn Không Quân Tiêm Kích 935.

Tuy nhiên sau đó đã xảy ra một số vụ vượt biên trái phép bằng máy bay tại các sân bay phía Nam mà chủ mưu thường là các sĩ quan không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trá hàng nên Nguyễn Thành Trung cũng bị vạ lây và mất tin tưởng từ cấp trên, phải 'ngồi chơi xơi nước' cho đến năm 1980 mới được bay lại, nhưng chỉ được bay 4 vòng quanh sân bay rồi xuống đất chỉ đạo tiếp.

Cuối cùng Nguyễn Thành Trung cũng được minh oan và những đóng góp to lớn của ông đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 20/1/1994. Sau đó ông là Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Sau khi về hưu, Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay Beechcraft King Air 350 của Bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh-Gia Lai), người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng.

(Nguồn: Wikipedia)

Nguyễn Thành Trung bên chiếc F5E đã thả bom xuống dinh Độc Lập ngày 8/4/1975
(Ảnh: Dirck Haltstead)

(3) Đọc “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Những từ ngữ đã đi vào quá khứ”

(4) Đọc thêm về Thời Điêu Linh

·         “Góp nhặt buồn vui thời cải tạo”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-cai-tao.html

 

·         Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đổi tiền


·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Chợ trời”

·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách”


·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Bao cấp”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-bao-cap.html

 

·         “Buồn vui thời điêu linh: Kinh tế mới”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/buon-vui-thoi-ieu-linh-kinh-te-moi.html

 

·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Cải tạo Công thương nghiệp”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-cai-tao.html


***
 


12 nhận xét:

  1. Hay quá, cám ơn anh Nguyễn Ngọc Chính. Tặng anh bài này của tôi, viết hôm qua: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/04/lan-man-thang-tu-va-nhung-dong-tho-sau.html

    Trả lờiXóa
  2. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Pháp Luật TP HCM (ngày 30/4/2013), phi công Nguyễn Thành Trung tiết lộ:

    “Giã từ cuộc chiến, tôi thấy mình làm khá nhiều việc mà những việc đó chắc không phải ai cũng làm được. Hồi còn sống, anh Hai Trung (tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn) nói nửa đùa nửa thật: "Việc ông ném bom dinh Độc Lập, Nhà nước phong ông anh hùng thì tôi không nói làm gì, còn công việc ông làm sau này nếu được, tôi phong ông hai lần anh hùng nữa". Anh Hai Trung hiểu về công việc đặc thù của tôi. Khi giải phóng, cả một bề thế không quân chế độ cũ bỏ lại, tôi là người làm sống lại phi đội A37 sau này tham gia đánh Tân Sơn Nhất vào ngày 28.4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. F5 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ mà Mỹ bỏ lại mấy phi đoàn nhưng không có người bay. Giá trị vậy nhưng bỏ lại quá lâu bị hư hại nhiều, có chiếc bị bắn phá thủng lỗ chỗ. Nhiều chiếc còn bị bộ đội tiếp quản tháo đi những tiện nghi nội thất hay linh kiện quan trọng... Sau khi thành lập bộ phận tiếp quản, tôi nhận nhiệm vụ làm sống lại những chiếc máy bay này. Khi sửa xong, tôi là người bay thử. Phi công bay thử của người ta điều kiện bảo hiểm ngặt nghèo lắm, còn tôi thì như con thiêu thân. Gần 50 lần bay như thế, tôi luôn sẵn sàng tình huống nhảy dù khẩn cấp bởi máy bay có thể hư bất cứ lúc nào. Mỗi lần bay, nhiên liệu chỉ cung cấp đủ phân nửa cơ số. Vốn là người nhạy cảm trong cuộc sống, con ruồi bay qua tôi phân biệt ruồi đực hay ruồi cái, huống chi chuyện nhiên liệu chỉ đủ bay một vòng trong bán kính hẹp. Điều lăn tăn mà tôi kể trên là như vậy đó".

    Trả lờiXóa
  3. Em đem bài này về nha anh Chính ,cám ơn anh .

    Trả lờiXóa
  4. Đã đọc, để thấy dĩ vãng vẫn còn nguyên đó. Tôi là một người đã "di tản chiến thuật" từ Quân đoàn 2, trên liên tỉnh lộ 7 từ Phú Bổn về Phú Yên, chứng kiến biết bao nhiên điều không bao giờ quên, rồi tiếp tục xuôi theo quốc lộ 1 tới Saigon. Một tháng ở Saigon vào tháng tư 1975 cũng biết bao nhiêu chuyện. Viên phi công NTT oanh tạc dinh Độc Lập, khi ấy tôi chỉ ở cách dinh vài trăm thước, nghe bom nổ và súng bắn ào ào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 30/4 là ngày mà người của cả hai bên – “Bên Thắng Cuộc” và “Bên Thua Cuộc” – đều có những kỷ niệm riêng tư, khó quên. Có điều cho đến năm nay (2013), tôi vẫn chưa hình dung được rõ ràng “Bên Thắng Cuộc” và “Bên Thua Cuộc” là ai theo cách gọi của Huy Đức. Vào thời điểm năm 1975, rõ ràng có sự phân biệt “Thắng – Thua” nhưng 38 năm sau, phải chăng sự phân định không còn như ban đầu?

      Xóa
  5. Chào anh Chính, rất vui và xúc động khi đọc bài này của anh, chỉ riêng việc chọn lựa hình ảnh, nói thật, với tôi cũng đắt giá rồi. Tôi "vượt biển" về đến Vũng Tàu ngày 14/4/75, cũng còn sống với thủ đô được ít ngày, cũng còn được ngồi trong "chuồng bồ câu" báo chí hội trường Diên Hồng buổi chiều bàn việc chuyển quyền từ ông Trần Văn Hương sang Big Minh, cũng đã đến Bãi cháy (Phú Bổn-Phú Yên) bác NHP kể, xin chia sẻ với anh mọi điều. Cám ơn chị GM đã giới thiệu blog của anh, rất vui khi thấy có "người quen" (Nam Ròm) viết cmt trên entry này. Mời anh vào link này như chút quà mọn làm quen: http://hongngocblog.blogspot.com/2013/04/nhung-y-nghi-roi-nhan-thang-tu_17.html. HN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chào anh Hồng Ngọc. Tôi đã vào http://hongngocblog.blogspot.com/ và được đọc nhiều entries thú vị. Cũng xin cám ơn anh về những lời khen, cũng may là vào tuổi của chúng mình đã tìm được nguồn vui qua việc viết blog. Tôi đã đưa blog của anh vào danh sách blog quan tâm…

      Xóa
  6. Đã đọc xong bài viết vào giữa đêm. Người viết như thản nhiên kể lại một câu chuyện, người nghe lại rúng lòng.

    Và làm M lại nhớ lại năm ấy, một cô bé 20 tuổi đầu ở SG từng ngày ngóng chờ tin tức của gia đình ở CR và vào ngày 30/4 năm ấy đã một mình đứng ở chợ Gò Vấp nhìn đoàn tân binh từ Quang Trung đi bộ đi về hướng Sài Gòn không mảnh áo trên người phía dưới chỉ mỗi cái quần nhỏ, trên đường thì vô số quần áo giày dép vứt lăn lóc ở dọc đường, và bên vệ đường thì một số bộ đội gầy gò ôm súng nhìn đoàn quân đi ngang.. những hình ảnh của những người lính cùng màu da, cùng ngôn ngữ nhưng ở hai phía chiến tuyến lúc đó thật chẳng bao giờ quên được.

    Rồi anh bạn ở trường Quốc Gia Hành Chánh ngày ấy đến níu kéo ra đi, nhưng lúc ấy lại nghĩ tại sao lại phải đi nhỉ? Còn phải chờ tin bố mẹ và các em nữa, ở VN chẳng tốt hơn sao! thế là chẳng ra đi! Sau đó gặp lại gia đình thì biết mấy em trai đã xuống tàu ở CR, nhưng lại trở lên vì không nỡ bỏ cha mẹ già ở lại chờ tin chị gái đang bơ vơ ở SG một mình. Cuối cùng tất cả đều ở lại. Ở lại để nếm vị đời và nhìn thế sự đến hôm nay!

    Sau bao nhiêu năm, đọc bài anh viết, chợt thấy chúng ta mỗi người như một hạt bụi, hạt bụi đó đã bay theo cái nghiệp sinh tử của cuộc đời mình. Dù sao cũng thật vui khi trò chuyện ở một trang blog ảo này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chia sẻ cùng TTM. Mỗi người một tâm sự, mỗi nhà mỗi cảnh trong ngày 30/4/1975. Ước gì có thể gom góp lại những tỉnh cảnh riêng tư đó để thành một pho lịch sử trong ngày này cho con cháu đời sau đọc lại để hiểu và chia sẻ những cảm nghĩ về ngày này.

      Xóa
    2. Rồi sau đó, có giống như bây giờ mình đọc sách lịch sử ngàn năm trước không nhỉ? Chắc là không? Vì cái này do chính tay chúng ta viết ra, viết theo cái nhìn, cái thấy, cái cảm nhận, chẳng bị ai bóp méo sự thật anh Chính nhỉ?
      Mà lạ nhé, hồi khuya sau khi viết vài giòng ở đây xong, đi ngủ lại nằm mơ! một giấc mơ lạ đời! Thật lạ!

      Xóa

Popular posts