Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch

Chuyện bắt đầu từ ngày 1/4, cái ngày mà người ta thường gọi là “Cá Tháng Tư” (Poisson d’Avril) hay “April Fools’ Day”. Đây là ngày mà người ta nói dối một cách thoải mái, không sợ mang tiếng là… ba xạo!

Riêng đối với Việt Nam, tháng 4/2016 ngoài ý nghĩa tháng của cá lại còn được mệnh danh là “thảm họa” của cá khi xác chúng nổi lềnh bềnh trên các bãi biển miền Trung, từ Hà Tĩnh xuôi Nam xuống Đà Nẵng. Đây cũng là cuộc “khủng hoảng truyền thông” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử môi trường biển tại Việt Nam.

Để giải quyết khủng hoảng, những người có trách nhiệm hình như đã đi sai một nước cờ. Họ tìm cách “lấp liếm” những nguyên nhân khiến cá chết. Khúc mắc đó sẽ tạo ra sự thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân đòi hỏi sự thật. Cách “chữa cháy” như đổ cho “thủy triều đỏ”, thậm chí những yếu tố từ trên trời giáng xuống như “cá chết vì âm thanh”, “cá chết vì trái đất đang nóng dần lên” đều không được cho là minh bạch.

Nguyên nhân cá chế vì ô nhiễm nguồn nước, cụ thể là do các chất thải độc hại từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), chỉ được đề cập đến một cách… lấp liếm. Chỉ đến khi người phát ngôn của Formosa tuyên bố “người dân phải lựa chọn giữa cá và thép chứ không thể có được cả hai” thì ván bài đã bị lật ngửa.

“Cá lại chết trắng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”
(Tuổi Trẻ Online, ngày 17/5/2016)

Tháng 4/2016 đã qua đi và giới hữu trách vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân cá chết. Có chăng chỉ là những lời giải thích mang tích cách “chữa cháy” của các cơ quan chức năng để che đậy một sự thật ngày càng lộ rõ. Đó cũng là lý do Tháng 5 bùng phát những cuộc “biểu tình”, “tọa kháng” tại các thành phố lớn trên cả nước.

Nhà nước đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Nếu Tháng Tư cách giải quyết khủng hoảng là “cố tình che dấu sự thật” thì Tháng Năm lại là một bước “leo thang”: đàn áp người dân đấu tranh vì môi trường sống. Ngoài các lực lượng cảnh sát mặc sắc phục chỉ đứng nhìn, người ta không khỏi rùng mình vì sự xuất hiện của một lực lượng “đằng đằng sát khí”, sẵn sàng “xung phong” trấn áp người biểu tình.

Lực lượng trấn áp biểu tình

Họ là ai mà đánh đồng bào của mình như kẻ thù? Họ là ai mà đàn áp phụ nữ, trẻ em không nương tay? Họ là những thanh niên lẽ ra phải dùng sức mạnh của mình để chống ngoại xâm, nhưng tiếc thay, hào khí đó lại phục vụ cho một mục đích “thất nhân tâm” đối với những người là cha mẹ, anh chị, em út trong gia đình!

Hai mẹ con Facebooker Hoàng Mỹ Uyên trong một cuộc biểu tình

Những người biểu tình, tọa kháng chỉ là những con cừu trước nanh vuốt của họ. Luật pháp còn đâu khi họ được “tự do” trong việc dùng sức mạnh của mình đối với những người bất bạo động, không hề có vũ khí trong tay, có chăng chỉ là những tấm giấy thay lời muốn nói như “Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch”, “Tôi chọn cá”…   


Một trong những người biểu tình là Hoàng Thị Minh Hồng, chị cũng là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997 trong một chuyến thám hiểm quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm của thế giới về những vấn đề khí hậu toàn cầu. Điều đó khiến chị trở thành Đặc phái viên của UNESCO về môi trường.

Và 12 năm sau, Minh Hồng lại được mời tham dự chuyến thám hiểm kỷ niệm 50 năm ký “Hiệp ước quốc tế về Nam Cực”. Nói chung, Minh Hồng là một người hoạt động tích cực cho vấn đề môi trường sống cho nên việc tham gia vào chiến dịch bảo vệ môi trường biển vào tháng 5/2016 chỉ đơn thuần xuất phát từ mục đích kêu gọi sự chú ý của dư luận về môi trường biển tại Việt Nam.

Vì một lý do nào đó, trang Facebook của Minh Hồng hiện đã bị khóa, cho nên tôi chỉ có thể kể lại chuyện đi biểu tình ngày 8/5/2016 của chị một cách sơ lược. Minh Hồng mô tả lực lượng “chống biểu tình” là những thanh niên trẻ, chị ví von hồi mình đi thám hiểm Nam Cực năm 1997 chắc các em hãy còn mặc “bỉm”.

Thế nhưng lúc ra tay đàn áp, các cậu thanh niên đó chỉ thẳng vào mặt chị: “Bắt lấy con này!”. Chị vùng vẫy chạy thoát trước khi họ kịp áp tải chị lên xe bus chực sẵn. Một nỗi sợ hãi, bất an thật dễ thông cảm của một người phụ nữ chân yếu tay mềm trước bạo lực!  

Hoàng Thị Minh Hồng bên lực lượng chống biểu tình

Minh Hồng trước đây có làm việc ở tòa soạn Hà Nội của báo “Vietnam Investment Review” (VIR), tờ tuần báo tiếng Anh của Úc liên doanh với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư. Khi đó tôi viết cho VIR ở Sài Gòn nên thỉnh thoảng có gặp chị.

Tôi cũng quen biết nhà báo Mạnh Kim trong thời gian cộng tác với tạp chí “Kiến thức Ngày nay” qua mục “Học Báo Tiếng Anh”. Mạnh Kim giờ là “nhà báo tự do” rất được nhiều người trên Facebook ái mộ vì những bài viết thẳng thắn, chân tình.

Mạnh Kim kể với tôi trong cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 anh có dịp tiếp xúc với vài người trong lực lượng chống biểu tình. Nhận xét của anh là nhiều người trong số họ thuộc thành phần “ăn nói lỗ mãng”, “xử dụng ngôn ngữ côn đồ” và “sẵn sàng văng tục với người biểu tình”, bất kể tuổi tác của người đối diện.

Một ngày sau cuộc biểu tình ngày 15/5/2016, trên Facebook Mạnh Kim chỉ xuất hiện vài dòng: “MK bị bắt lúc 4g chiều ở Bùi Viện. Được thả lúc 2g30 sáng. Không bị đánh đập chi cả. Chân thành cám ơn sự thăm hỏi của các anh chị”.

Trang FB Mạnh Kim, ngày 16/5/2016

Với nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh là một trường hợp rất đặc biệt. Người không thích anh sẽ gọi anh là “Cách mạng 30” vì thuộc lớp thanh niên “phản chiến, thiên cộng” giữa lòng Sài Gòn, kiểu như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy… Sau 30/4/1975 anh về làm Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên nhưng hiện giờ anh cũng là một “nhà báo tự do”.

Chiều ngày 15/5/2016 vừa qua Huỳnh Ngọc Chênh đã trở thành “Người Đàn Ông Cô Đơn”, một mình ngồi tọa kháng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ không một bóng người. Anh chỉ có được 2 phút ngồi đó với mảnh giấy trên tay: “Cứ đánh vào mặt tôi! Nhưng hãy trả lại cho dân cá sạch/biển sạch/môi trường sạch” trước khi bị lực lượng an ninh chìm đưa ra khỏi đây.

Hình ảnh của Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng tại Sài Gòn khiến người ta liên tưởng đến chàng thanh niên Trung Quốc, “The Tank Man”, năm 1989 đã đứng ra chặn đầu một đoàn xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn. Cả hai đều chọn cách biểu tình đơn độc để nói lên chính kiến của mình.

“The Tank Man”, Thiên An Môn, Trung Quốc, 1989

Qua một cuộc phỏng vấn với Cát Linh, Huỳnh Ngọc Chênh nói: “Vì bức xúc trước tình trạng trấn áp, đánh đập những người biểu tình ôn hoà rất thô bạo thì tôi đã có tuyên bố sẽ ra toạ kháng vì môi trường, vì biển sạch, tức là toạ kháng để đòi quyền con người mà lâu nay nhà nước Việt Nam đã xâm phạm rất nghiêm trọng, mà cụ thể nhất là đánh đập những người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, đặc biệt là ở Sài Gòn”.

Sáng 15/5/2016, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã bị lực lượng an ninh phong tỏa và Huỳnh Ngọc Chênh kể lại: “Trước đó một ngày tôi đã thám thính ở đó rồi. Trưa hôm đó tôi cũng đi 1 vòng thì tôi thấy là không có cách nào xâm nhập vào, chỉ có đi bộ vào. Thế là tôi đã đi bộ vào, đến chặng cuối cùng là hàng rào không cho bước qua nữa, tôi vẫn đi thẳng vào. Tôi nghĩ là sẽ có người kéo tôi lại nhưng có lẽ tự dưng họ thấy tôi mạnh dạn đi vào nên chắc nghĩ tôi là cán bộ của chính quyền nên không ngăn chặn tôi…”

Anh chỉ ngồi giữa phố không người khoản 2 phút. Ngay sau đó, người ta thấy bóng của lực lượng an ninh chạy vào và áp tải anh ra xe. Tất cả những diễn biến đó đã được Bùi Dzũ chụp từ trên cao, anh kể lại trên trang FB của mình:

“Tôi bần thần rất lâu trước tấm ảnh này. Trong dòng chảy của thời gian sẽ mãi đọng lại trong ký ức mình, tôi đã nhìn thấy những gì diễn ra trước đó vài chục giây, và rồi sau đó cũng chỉ trong vòng vài tích tắc. Nhưng tôi muốn dừng lại ở khoảnh khắc này, với nguyện cầu rằng dòng chảy thời gian kia, cũng sẽ mang theo cùng nó những khắc khoải khôn cùng cho những tháng năm được sống. Dường như, người đàn ông ấy quá cô đơn”.



“Người đàn ông cô đơn” giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ
(Ảnh Bùi Dzũ)

Tôi không tin những người biểu tình bị Việt Tân hay “những thế lực thù địch” dựt dây hoặc “chi tiền”. Có chăng, chỉ các đảng viên mới tin vào cách giải thích này. Vô hình chung, chính quyền đã “quảng cáo không công” cho Việt Tân, một chính đảng tận bên Mỹ và đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” về vụ tai tiếng “Khủng bố ở Little Saigon” (Terror in Little Saigon).

Tôi tin rằng những người biểu tình, trong thâm tâm họ, chỉ muốn: “Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch”.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts