Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Bài diễn văn ứng khẩu tuyệt vời

Tôi không phải là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên đã trưởng thành sau cuộc chiến giữa hai nước của chúng ta như rất nhiều người trong các bạn. Khi những người lính Hoa Kỳ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, tôi mới tròn 13 tuổi.

(I am not the first American President to come to Vietnam in recent times.  But I am the first, like so many of you, who came of age after the war between our countries.  When the last U.S. forces left Vietnam, I was just 13 years old.)

  
Trong phần mở đầu bài diễn văn ứng khẩu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), ngày 24/5/2016, ông Barack Obama bắt đầu bằng những lời tâm sự như trên sau câu chào bằng tiếng Việt: “Xin chào Việt Nam”Chưa hết, ông kết thúc diễn văn ở phút thứ 31 cũng bằng một câu song ngữ: “Cám ơn các bạn. Thank you very much… Thank you, Vietnam”.

Ông đã tỏ ra là người hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt hơn hẳn những tổng thống tiền nhiệm của Hoa Kỳ đã từng đến Việt Nam. Năm 2006, George W. Bush đến Việt Nam để tham dự hội nghị APEC và dấu ấn ông để lại tại Sài Gòn là bữa ăn tối ở nhà hàng Tib của Trịnh Công Sơn cùng với Thủ tướng Úc John Howard.

Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000 đã ghé tiệm "Phở 2000" và đã “lẩy” Kiều trong bữa tiệc chiêu đãi chính thức tại Hà Nội:

“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”

TT Obama cũng ngồi ăn bún chả tại Hà Nội và ngày hôm sau ông “lẩy” Kiều ở phần cuối bài diễn văn ứng khẩu tại Trung tâm Hội Nghị Quốc gia:

“Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”

Obama diễn ý hai câu thơ của Nguyễn Du, “Please take from me this token of truth, so we can embark upon our 100-year journey together” với hàm ý Thúy Kiều sau bao nhiêu năm lưu lạc, bôn ba vẫn một lòng chung thủy với Kim Trọng… chẳng khác gì mối duyên dang dở Việt-Mỹ…

Không chỉ nhắc tới Nguyễn Du, ông còn cho thấy mình rất rất rành về Việt Nam như một chính khách kiêm nhà nghiên cứu “Việt Nam học”. Trong suốt bài diễn văn dài 31 phút, cử tọa còn được nghe ông nhắc đến rất nhiều danh nhân lịch sử trong quá khứ và những người Việt nổi tiếng của thời hiện đại. Từ Bà Trưng – Bà Triệu, Lý Thường Kiệt… đến nhà cách mạng Phan Chu Trinh, thiền sư Nhất Hạnh, các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu…

Obama nhắc đến Văn Cao thời tiền chiến, “From now, we know each other’s homeland; from now, we learn to feel for each other”… Đó chính là lời bài hát Mùa xuân đầu tiên: “Từ đây người biết quê người; từ đây, người biết thương người…”. Rồi ông lại trở về thời hậu chiến với bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn trong một lối diễn thuyết dùng âm nhạc để thuyết phục người nghe.  


Ngày xưa, Lý Thường Kiệt đã thốt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư", diễn Nôm, “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời” để bầy tỏ ý chí quật cường của người Việt trước hiểm họa muôn đời từ phương Bắc.

Ý thơ được Obama chuyển ngữ “The Southern emperor rules the Southern land.  Our destiny is writen in Heaven’s Book”. Điều đặc biệt, trong suốt bài diễn văn của ông, không thấy xuất hiện tên của nước “lạ” mà chỉ là ẩn ngữ như “nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ (big nations should not bully smaller ones)…

Về Biển Đông, ông khẳng định “Hoa Kỳ không là một quốc gia tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp hiện nay” nhưng vẫn sát cánh cùng các đối tác để bảo vệ những nguyên tắc cốt lõi, đó là quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại. Hướng giải quyết vấn đề này là hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế.

Obama tuyên bố, “trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” và rằng “chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện hành động tương tự như vậy”. Lời khẳng định này được cử tọa vỗ tay chia sẻ và đó chỉ là một trong số gần 20 loạt vỗ tay trong suốt bài diễn văn.

Tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam được Obama nhắc đến như một ngón đòn ngoại giao – quân sự đánh thẳng vào kẻ đang hung hãn ngoài Biển Đông. Một lần nữa, chuyện “nước lớn bắt nạt nước nhỏ” trúng một đòn “hiểm” và những người Việt Nam chân chính nhiệt liệt vỗ tay, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Với chuyến thăm này, chúng ta đã đồng ý nâng hợp tác về an ninh lên tầm cao mới và xây dựng thêm niềm tin giữa hai quân đội. Chúng tôi sẽ tiếp tục huấn luyện và cung cấp thiết bị cho lực lượng Tuần duyên của các bạn để củng cố khả năng hàng hải của Việt Nam

(With this visit, we have agreed to elevate our security cooperation and build more trust between our men and women in uniform.  We’ll continue to offer training and equipment to your Coast Guard to enhance Vietnam’s maritime capabilities). 


Một bài diễn văn sẽ được đánh giá là thành công khi người nghe bày tỏ sự ủng hộ qua những tiếng vỗ tay tán thưởng. Cũng được coi là “thành công” khi người nói đề cập đến những vấn đề mà người nghe quan tâm, dù đó là vấn đề “khó nói, nhậy cảm” nhất. 

Obama đã khéo léo khi nói về “nhân quyền”. Bằng “lối rào trước đón sau”: Tôi nói điều này không phải để nhắm vào một mình Việt Nam. Không quốc gia nào hoàn hảo…” (I say this not to single out Vietnam.  No nation is perfect) và còn nhắc lại, Trước đây tôi đã từng nói – Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt hình thức chính quyền của mình vào Việt Nam (I’ve said this before -- the United States does not seek to impose our form of government on Vietnam).

Chúng tôi vẫn có những vấn đề. Và tôi cam đoan với các bạn là chúng tôi cũng không được miễn trừ chuyện chỉ trích. Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng sự xét nét đó, cuộc tranh luận công khai đó đối mặt với sự khiếm khuyết của chính mình và cho phép mọi người có quyền nêu ý kiến đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn và công bằng hơn

(We still have problems.  And we're not immune from criticism, I promise you.  I hear it every day.  But that scrutiny, that open debate, confronting our imperfections, and allowing everybody to have their say has helped us grow stronger and more prosperous and more just).

Obama cũng đề cập đến “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Partnership – TPP) với lời cam kết chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhằm mở rộng tất cả tiềm năng kinh tế của các bạn(We’ll keep working to unleash the full potential of your economy). Qua đó, TPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xuất cảng sản phẩm ra thế giới và đồng thời thu hút đầu tư mới từ nước ngoài.

Không ai muốn bán hàng hóa hoặc đến trường học nếu họ không biết mình sẽ được đối xử như thế nào. Trong những nền kinh tế dựa trên tri thức, công ăn việc làm sẽ phát sinh tại những nơi mà người dân có quyền tự do suy nghĩ, tự do trao đổi ý kiến và tự do sáng tạo.

Ông khẳng định: Tôi muốn các bạn biết rằng, trên cương vị Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP bởi vì các bạn cũng sẽ có thể mua thêm hàng hóa của chúng tôi, “Chế tạo tại Hoa Kỳ (I want you to know that, as President of the United States, I strongly support TPP because you'll also be able to buy more of our goods, “Made in America.”).

Một lời trấn an người Việt trước nguy cơ ngày càng lệ thuộc vào những mặt hàng độc hại từ phương Bắc đang ngày một tràn ngập thị trường.


Với thế hệ trẻ Việt Nam, ông Obama có nhiều điều để nói theo cách vừa trang nghiêm vừa thân tình. Facebook được đề cập đến như một thí dụ điển hình khi mọi người được hưởng quyền tự do ngôn luận để chia sẻ ý tưởng của mình thông qua Internet.

Khi có tự do báo chí – khi các nhà báo và blogger có thể soi rọi ánh sáng vào bất công hay lạm quyền – điều đó khiến các viên chức có trách nhiệm giải trình và xây dựng niềm tin nơi công chúng rằng hệ thống đang hoạt động.  

(When there’s freedom of the press -- when journalists and bloggers are able to shine a light on injustice or abuse -- that holds officials accountable and builds public confidence that the system works). 

Phát biểu ứng khẩu của Obama cũng dành được những tiếng cười thoải mái của cử tọa trẻ khi ông nói đến những tiến bộ của ngành công nghệ thông tin bằng một thí dụ rất “đời thường”:

Chúng ta thấy điều đó trong hàng chục triệu người Việt kết nối với nhau trên Facebook và Instagram. Và các bạn không chỉ đăng ảnh tự chụp – mặc dù tôi nghe nói các bạn chụp rất nhiều – và đến nay, đã có một số người xin tự chụp ảnh cùng với tôi. Các bạn cũng đang lên tiếng vì những mục đích mà các bạn quan tâm, như cứu cây cổ thụ ở Hà Nội.

(We see it in the tens of millions of Vietnamese connected on Facebook and Instagram.  And you’re not just posting selfies -- although I hear you do that a lot -- and so far, there have been a number of people who have already asked me for selfies.  You’re also raising your voices for causes that you care about, like saving the old trees of Hanoi).

Tôi đã theo dõi truyền hình trực tiếp buổi nói chuyện của TT Obama trên VTV1. Không biết vô tình hay cố ý (hay trình độ của người thông dịch yếu, không theo kịp tốc độ ứng khẩu của ông?), phần dịch trực tiếp đã bỏ hẳn câu cuối khi ông đề cập đến chiến dịch bảo vệ cây xanh tại Hà Nội [1]. 


Cũng liên quan đến giới trẻ, Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) [2] của Mỹ sẽ tới Việt Nam, tập trung vào việc dạy tiếng Anh. Obama nói: Một thế hệ sau khi thanh niên Hoa Kỳ đã đến đây để chiến đấu, một thế hệ người Mỹ mới sẽ đến đây để dạy học và xây dựng và làm cho tình bạn giữa chúng ta ngày càng sâu sắc hơn (A generation after young Americans came here to fight, a new generation of Americans are going to come here to teach and build and deepen the friendship between us).

Ngoài ra, ông Obama cũng thông báo Đại học Fulbright Việt Nam [3] -- trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam -- sẽ chính thức hoạt động tại Sài Gòn vào mùa thu này. Tại đây,  Sinh viên, học giả, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh; vào kỹ thuật và khoa học điện toán; và văn học nghệ thuật – tất cả mọi thứ, từ thơ Nguyễn Du, cho đến triết lý của Phan Chu Trinh, cho đến toán học của Ngô Bảo Châu

(Students, scholars, researchers will focus on public policy and management and business; on engineering and computer science; and liberal arts -- everything from the poetry of Nguyen Du, to the philosophy of Phan Chu Trinh, to the mathematics of Ngo Bao Chau).

  
Chưa bao giờ hàng ngàn dân Việt được “xuống đường” như ngày hội trong suốt 3 ngày ông Obama đến thăm Hà Nội và Sài Gòn. Nhà báo kỳ cựu David Brooks của tờ New York Times cho rằng “Nước Mỹ sẽ nhớ mãi Obama khi ông chấm dứt hai nhiệm kỳ Tổng thống vào cuối năm nay”.

Nhận xét này có lẽ chưa hoàn toàn đúng. Không phải chỉ ở Hoa Kỳ, mà cách nửa vòng trái đất cũng có những người Việt Nam sẽ nhớ mãi Obama, một người da màu đầu tiên làm Tổng thống một cường quốc đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng người Việt.

“Tạm biệt Obama và hẹn gặp lại”

***

Chú thích:

[1] Tôi rất thông cảm với vai trò của người thông dịch, nhất là trong những trường hợp phát biểu ứng khẩu như bài diễn văn của ông Obama. Nếu may mắn có được văn bản in sẵn sẽ bớt đi nhiều rủi ro trong việc dịch thuật. Ngoài những điều kiện tiên quyết để trở thành một người thông dịch giỏi như trình độ về ngoại ngữ lẫn tiếng Việt, người thông dịch phải nhanh nhạy, bình tĩnh… nói chung là phải có bản lãnh.

Bên cạnh đó, cần phải có đầu óc minh mẫn. Thế cho nên, nghề thông dịch không thể kéo dài một khi đã có tuổi, đã bắt đầu có triệu chứng quên trước, quên sau. Trước áp lực của công việc, người thông dịch phải biết lúc nào nên “giải nghệ”, nhất là sau thời gian phải “ngồi trong cabin” được vây quanh bằng kính để dịch những cuộc hội nghị quan trọng. Chưa kể đến việc chịu trách nhiệm về những gì mình dịch một khi được ghi âm hoặc ghi hình.

[2] “Đoàn Hòa Bình” hay còn gọi là “Tổ chức Hòa bình” (Peace Corps – PC) là một tổ chức thiện nguyện của chính phủ Hoa Kỳ, được thành lập ngày 1/3/1961 dưới thời Tổng thống Kennedy. Theo thông cáo báo chí của PC (phát đi ngày 23/5/2016), Việt Nam đã trở thành thành viên quốc gia thứ 142, với trọng tâm giảng dạy tiếng Anh. Trước khi đến Việt Nam, nhân viên thiện nguyện người Mỹ sẽ phải qua 3 tháng học về văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng giảng dạy. Thời gian phục vụ tại Việt Nam là 2 năm.


[3] Fulbright University Vietnam (FUV) được sự hỗ trợ của Fulbright School, thành lập năm 1994 giữa Đại học Harvard và Đại học Kinh tế TP. HCM. Chương trình còn được Trust for University Innovation in Vietnam (TUIV) và hai chính phủ Việt Nam & Hoa Kỳ phê chuẩn từ năm 2013.

FUV đã chính thức nhận giấy phép để xây dựng trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao TP. HCM ở quận 9 trong thời gian 2 năm. Số sinh viên sẽ giao động từ 6.000 đến 10.000 người. Giấy phép cũng xác định trường sẽ nhận sinh viên vào cuối năm 2016.  


Tham khảo thêm:

* Toàn văn bài phát biểu của TT Obama / Nhà Trắng - Văn phòng Thư ký Báo chí


***

(Trích Hồi ức một đời người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

1 nhận xét:

  1. Vậy mà chỉ qua 2017, rất đông người Việt Nam (60% hay hơn), chê bai Obama bằng những từ phân biệt chủng tộc như "mọi đen" sau khi bị đầu độc bởi một tên tổng thống USA 45 tệ hại và tin vào "chống Tàu" bằng "miệng", cho đến ngày nay 2024. Không những người Việt Nam tại VN mà ngay ở Mỹ: rất đông những người tự xưng "chống Cộng", những ông già "HO" còn mơ "chống Tàu" bằng mồm .

    Trả lờiXóa

Popular posts