Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (9): Đãi Đạt & Hoa tại nhà


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 22/3/2013

Hôm nay là ngày giỗ ông cụ thân sinh ra Phước. Ông mất tại Úc, mộ phần để lại nơi đất khách quê người nhưng tôi nghĩ trong thâm tâm ông cũng như hầu hết người Việt lớn tuổi ở hải ngoại chỉ mong sao được nằm yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.

Người trẻ đôi khi không thể nào hiểu được tâm trạng của người già. Hai thế hệ, dù ở Việt Nam hay hải ngoại, luôn luôn có một khoảng cách không thể nào san lấp. Khoảng cách giữa già và trẻ có thể bao gồm quan niệm sống, lối sống, cách suy nghĩ và hành xử… Ngoài ra, khoảng cách đó còn thể hiện qua những quan điểm cả về chính trị lẫn xã hội.  

Người trẻ có thể suy nghĩ một khi lìa đời, thân xác chôn tại đâu – trong nước hay ngoài nước – không phải là vấn đề quan trọng. Người lớn tuổi lại không nghĩ như vậy dù họ biết khi chết là hết. Bởi thế nên tục ngữ mới có câu “lá rụng về cội” dù đó là cội nguồn đau thương, oan trái đến nỗi có lúc phải từ bỏ để ra đi nhưng lúc nào cũng muốn quay về.

Hôm nay cũng là ngày bận rộn đối với Hà & Phước, buổi sáng lo giỗ cha, buổi chiều lo nấu nướng tiếp đãi bạn bè của mẹ đến thăm. Đó là Đạt & Hoa mà hôm trước chúng thôi đã đến nhà chơi. Lần này lại có thêm Thảo, cô con gái út của họ mà hôm đó chúng tôi đã không gặp vì bận đi làm.

Sáu năm trước, năm 2007, Đạt đã lái xe đưa chúng tôi đi thăm chùa Quang Minh, rồi chùa Quảng Đức, đi coi hoa lan tại Garden World rồi lại đến khu người Việt tại Springvale và Richmond. Riêng tại Richmond đến bây giờ vẫn còn có chuyện liên quan cần phải nhắc lại trong chuyến đi thăm xứ Kangaroo lần này.

Richmond, nơi có thị trưởng người Việt đầu tiên tại Úc, ông Nguyễn Minh Sang, cũng là nơi có mô hình Chợ Bến Thành được dàn dựng lại. Năm 2007 tôi  đã chụp Chợ Bến Thành tại Richmond và post lên Flickr:

Chợ Bến Thành tại Richmond chụp năm 2007

Thật bất ngờ, qua email của một người bạn, tôi nhận được bức hình trên với một thay đổi là có sự xuất hiện của 3 cựu giảng viên trường sinh ngữ (Trần Bá Nguyệt, Nguyễn Ngọc Chính, Nguyễn Lương Năng) chụp trong lần tái ngộ tại Úc năm nay (http://chinhhoiuc.blogspot.com.au/2013/03/du-ky-xu-miet-duoi-2.html)  

Thì ra một anh bạn cũng ở trường Sinh ngữ, anh Nguyễn Phan Thanh hiện ở Hoa Kỳ, đã dùng thủ thuật ghép hình 3 đứa chúng tôi lên tấm ảnh đã chụp từ năm 2007. Quả là anh Thanh đã mất nhiều công phu lục lọi trong kho ảnh của tôi trên Flickr để có một tấm hình nhiều ý nghĩa.


Cũng với tấm hình 3 người bạn này, anh Thanh còn có một bức đưa chúng tôi lên tờ báo The Age của Úc! Tôi đã phải viết trên Facebook như thế này: “Thế mới biết, gặp những tay "nổ" có thể đi khoe ảnh của mình đã xuất hiện trên báo Úc, khi đó sẽ có khối người tin nhé”. 

Một lần nữa, xin cám ơn anh Thanh đã ưu ái với cả ba chúng tôi.


Bạn có tin nổi không, tờ The Age đưa tin:
“Chinh N. Nguyen on his trip to Melbourne, the Down Under”

Trở lại với chuyện Đạt & Hoa. Vì tuổi tác ngày một cao, năm nay Đạt không còn lái xe đưa chúng tôi đi chơi như xưa, Hoa cũng yếu trong việc đi lại nhưng vì nể lời mời của chúng tôi nên để Thảo lái xe đưa đi thăm bạn cũ.

Rất đúng hẹn, cả ba người khách đến vào lúc 6g, có mang theo rất nhiều trái cây mà tôi nói đùa là “ăn cả tuần không hết”. Hồng Hoa thì lấy kinh nghiệm bản thân đưa ra lời khuyên: “Như trái hồng dòn cứ gọt vỏ, cắt sẵn từng miếng rồi để trong tủ lạnh thế nào cũng mau hết hơn là để nguyên trái!”. Đúng thật. Đối với những người lười như tôi thì làm cách này bảo đảm hết vèo!
  


Dĩ nhiên là Hà & Phước đãi khách các món chay: món chính là lẩu các loại nấm ăn với mì sợi, thêm món đậu hũ chiên dòn và gỏi ngó sen. Trình độ nấu các món chay của Hà & Phước ngày một tiến bộ với các món đặc biệt như chả giò, bún riêu, bún và rau, ragout, bánh cuốn, bánh giò, paté chaud…  Từ ngày ở Úc đến giờ tôi thưởng thức nhiều món chay, thay đổi liên tục nhưng chưa phải ăn lại món nào lần thứ hai!

Hơn nữa, bạn bè còn chu đáo gửi thêm đồ ăn mặn vì sợ chúng tôi ăm chay không quen. Chị Xuân gửi cá kho, thịt gà chà bông… Hà & Phước thỉnh thoảng cũng mua fried chicken, ham, cheese, bánh mì thịt Như Lan để thay đổi khẩu vị trong bữa ăn sáng. Ăn trưa thỉnh thoảng ra tiệm gọi tô phở hay vào tiệm Tàu ăn cơm thố, cơm tay cầm hay dim sum. Thật ra thì đối với những người lớn tuổi ăn uống không bao nhiêu nhưng việc thay đổi khẩu vị là cần thiết.    


Đạt & Hoa cũng chẳng ăn là mấy. Có thể nói chúng tôi nói nhiều hơn ăn nên chủ nhà Hà & Phước cứ phải luôn tay tiếp. Lần đầu tiên Đạt & Hoa đến nhà mới của Hà & Phước nên câu chuyện có lúc xoay quanh chuyện nhà cửa.

Đạt nghĩ việc mua nhà ngoài yếu tố tài chính và địa điểm còn có cái “duyên” giữa người mua và căn nhà. Điều này tôi thấy hoàn toàn đúng, không những ở Úc mà ở Việt Nam cũng vậy. Có những căn nhà ngay từ lúc đến coi, người mua đã có cái cảm giác… đó là căn nhà của mình. Chẳng khác gì hiện tượng coup de foudre, tiếng sét ái tình, khi một người gặp “một nửa của mình”!  Câu chuyện cứ miên man mãi đến 9g tối mới chia tay.


Tối Năng điện thoại hỏi thăm về chuyến đi chơi Wollogong – Sydney – Canberra. Năng rủ Thứ Hai Easter (1/4/2013) đi nghe nhạc chủ đề “Một Thời Để Nhớ 2” có tới 14 ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975: Thanh Thúy, Thanh Lan, Kim Loan, Hoàng Oanh, Bạch Yến, Mai Lệ Huyền, Trúc Mai, Trang Mỹ Dung… có cả Elvis Phương, Thanh Phong, Giang Tử, hề Xuân Phát, ban nhạc Shotgun và MC Nam Lộc.

Chương trình ca nhạc đã được quảng cáo nguyên trang trên báo Nhân Quyền, được mệnh danh là “Đại nhạc hội Một Thời Để Nhớ cuối cùng được tổ chức tại Úc châu”. 

Năm ngoái chương trình nhạc này đã được tổ chức thành công tại Melbourne và Sydney, không hiểu sao những người tổ chức lại tuyên bố năm nay là "năm cuối cùng" với giá vé 120 Úc kim. 

Phải chăng đó là nghệ thuật PR của những người làm showbiz?


 (Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

1 nhận xét:

Popular posts