Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (8): Thủ đô Canberra


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 20/3/2013:

Ngày hôm qua, rất tình cờ, tại Circular Quay ở Sydney tôi chụp được một tấm hình người thổ dân trong bộ trang phục rất đơn giản chỉ với một mảnh vải màu đỏ quấn quanh như một cái khố. Trên người anh là những họa tiết về bàn tay màu trắng được vẽ trên khắp thân thể và cả trên khuôn mặt.

Có lẽ anh là một nghệ sĩ đường phố, trình diễn nhạc hay múa của thổ dân, trước là để tìm cách sinh nhai, sau là để giúp vui khách du lịch trên bến tàu. Khi tôi đưa máy hình lên, anh cố tình làm dáng. Anh có nhiều kiểu đứng, cách biểu lộ sắc mặt, những động tác khoa chân, múa tay như một diễn viên lành nghề.

 Aborigine trên Circular Quay

Lịch sử của châu Úc bắt đầu từ khi những nhà thám hiểm người Hà Lan phát hiện ra lục địa này từ thế kỷ 17. Vấn đề làm rõ châu Úc hiện vẫn gây tranh cãi với một số người, đặc biệt là liên quan đến sự di cư của những người Anh và sự đối xử với thổ dân châu Úc.

Vào tháng 2/2008, trong bài phát biểu lịch sử trước Nghị viện, Thủ tướng Công đảng Kevin Rudd đã công khai xin lỗi các thổ dân, những người dân đầu tiên của nước này vì những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng trong 2 thế kỷ qua. Trong số 22 triệu người Úc, có 470.000 người thổ dân, chiếm khoảng 2,7%.

Tỷ lệ tù nhân, thất nghiệp và bệnh tật ở những người thổ dân cao hơn so với ở những người khác. Tuổi thọ trung bình của một người đàn ông thổ dân thấp hơn tuổi thọ của một người đàn ông không phải thổ dân 11,5 tuổi, trong khi đối với phụ nữ là 9,7 tuổi.

Hình minh họa về thổ dân Úc
(Nguồn: Student Encyclopedia)

Chúng tôi ngủ đêm tại khách sạn Nomads Westend Backpackers tại Sydney trước khi lên đường đi thủ đô Canberra. Khám phá thêm một điều lạ là tại khách sạn dành cho khách ba-lô có nhà bếp và phòng ăn chung tại lầu 1.

Tại đây khách có thể tự nấu nướng tùy thích với sự hỗ trợ một số thực phẩm như gạo, mì sợi, nui, pasta… của khách sạn. Nấu nướng tại đây đều là những người trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nhưng chung một mục đích là tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí khi du lịch.

Tuy nhiên, điều đáng phàn nàn là mỗi phòng khách sạn đều có gắn loa phóng thanh để thông báo thông tin. Khoảng 8 giờ tối tôi bị giật mình vì thông báo có party ở tầng trệt và mời khách xuống tham dự! Không ngờ, ở Việt Nam có một dạo khổ vì cái loa của phường, nay sang đến đất Úc cũng lại khó chịu vì lời mời qua hệ thống công cộng, cứ lập đi lập lại nhiều lần cho đến 9g tối, lúc bắt đầu party! Sự riêng tư của khách trọ đã không được tôn trọng tại khách sạn dành cho khách du lịch ít tiền?

Chúng tôi check-out từ 5 giờ sáng để đi Canberra. Đường phố Sydney lúc nửa đêm về sáng vẫn có người qua lại nhưng mọi hoạt động thương mại hầu như tạm ngưng, trừ những night club mở cửa thâu đêm suốt sáng.

Ảnh chụp lúc 5g sáng: xe quét rác và một cô gái

Canberra là thủ đô của Úc nằm sâu trong đất liền với dân số hơn 340.000 người. Thành phố tọa lạc tại phía Đông của Lãnh thổ thủ đô Úc  (Australian Capital Territory), cách Sydney 300 km về phía Đông Bắc và cách Melbourne 650 km về phía Tây Nam. Nơi đây được chọn làm thủ đô của Úc theo một thỏa hiệp năm 1908 giữa hai thành phố lớn nhất nước là Sydney và Melbourne.

Canberra được lấy từ tiếng thổ dân Ngunnawal, có nghĩa là "nơi gặp mặt". Đây là một thành phố được xây dựng mới hoàn toàn qua một cuộc thi thiết kế quốc tế. Bản thiết kế của kiến trúc sư người Mỹ, Walter Burley Griffin, được chọn và việc xây dựng được bắt đầu từ năm 1913.

Thiết kế thành phố chịu ảnh hưởng của “phong trào thành phố vườn” (garden city movement) kết hợp với các khu vực cây cối tự nhiên bao gồm các công viên, các khu vực cây xanh dày đặc trong thành phố. Cũng vì thế nên Canberra còn được gọi là "Thủ đô Bụi rậm" (Bush Capital).     

Thiết kế thủ đô Canberra có mô hình tương tự như Washington D.C.

Nhìn chung, Canberra có những nét hao hao giống như Washington D.C. của Hoa Kỳ. Điều thú vị là cả hai thủ đô đều được thiết kế bởi những người nước ngoài. Thiết kế cho Washington D.C. là công trình của Pièrre Charles L’Enfant, một kỹ sư, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị người Pháp trong khi Canberra lại qua ý tưởng của một kiến trúc sư người Mỹ, Walter Burley Griffin.  

Về mặt địa lý, hai thành phố thủ đô đều được xây dựng bên những dòng sông khiến cho cảnh quan them phần thơ mộng. Canberra nằm trên vùng đất mang tên Thung lũng sông Molongo có hồ Burley Griffin và Washington được xây dựng bên bờ sông Potomac.  

Về mặt tổ chức chính quyền, cả Washington D.C. và Canberra đều biệt lập khỏi các tiểu bang để tách rời thủ đô khỏi áp lực chính trị của các đảng phái. Tuy nhiên, khác với Washington D.C., Canberra là một đơn vị bầu cử trong quốc hội Úc bên cạnh cơ quan lập pháp và chính quyền riêng của mình.  

Cột cờ trên Nghị viện Úc nhìn từ xa

Khi xe chúng tôi vào Canberra đã có thể thấy ngay cột cờ trên nóc Nghị viện Úc (Australia’s Parliament). Kỳ đài là một kiến trúc theo đường thẳng được nâng cao bằng một cái tháp có thể nói là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Tháp có bệ là 4 thanh thép lớn chụm vào nhau để nâng một cột cờ cao vút nằm chính giữa tâm hình vuông.

  
Chúng tôi phải chạy vòng vòng trong khu vực đậu xe ngầm dưới Nghị viện để tìm chỗ đậu dù nơi đây có sức chứa đến 2.000 xe. Cuối cùng thì cũng tìm được một chỗ trống và bước lên tòa nhà Nghị viện có hình vuông vức, mỗi chiều 300 m.

Sảnh chính của Nghị viện có những hàng cột bằng đá cao vút. Đây là nơi các ông bà nghị viên gặp gỡ trước khi bước vào nghị trường. Nghị viên thường mặc vest đen, mang cặp da, có đeo bảng tên để phân biệt với khách tham quan. Khi chúng tôi có mặt tại đây, camera truyền hình đang quay cảnh các em học sinh trong sảnh.

Sảnh chính bên trong Nghị viện

Chúng tôi đi theo một tua có người hướng dẫn để tìm hiểu về Nghị viện. Trên lầu một, từ Visitors’ Gallery khách có thể nhìn xuống phòng họp chính của các nghị sĩ hoặc coi trực tiếp truyền hình ngay tại chỗ.

Rất may mắn, sáng hôm đó chúng tôi đã được trực tiếp chứng kiến bà Thủ tướng Julia Gillard đang đọc diễn văn gửi lời xin lỗi đến hàng ngàn phụ nữ đã bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện chính sách con nuôi ép buộc từ những năm 1950 đến những năm 1970. Bà Thủ tướng nói:

“Hôm nay, tại hội trường này, tôi thay mặt cho người dân Úc xin chịu trách nhiệm và xin lỗi về chính sách con nuôi ép buộc đã tạo ra sự ngăn cách đối với các bà mẹ và trẻ sơ sinh, dẫn đến một di sản đau đớn kéo dài hàng thập kỷ. Chúng tôi thấu hiểu những ảnh hưởng sâu sắc của chính sách này và nỗi đau mà nó đã gây ra cho tất cả thành viên trong gia đình”.

 Bà Thủ tướng Julia Gillard  xin lỗi trước Nghị viện

Chúng tôi lên tận sân thượng Nghị viện bằng thang máy để đến chân kỳ đài. Từ đây có thể phóng tầm mắt về các hướng của thủ đô Canberra. Một quang cảnh khác hẳn những thành phố lớn mà tôi đã từng đi qua. Canberra mang một một sắc thái chính trị nghiêm trang, trầm lặng của một thủ đô, khác hẳn với bầu không khí ồn ào, náo nhiệt của Sydney hoặc Melbourne.

Hình chụp từ dưới chân kỳ đài

Những con số thống kê cho thấy sự hoành tráng của Nghị viện: tòa nhà rộng 31 héc-ta có 4.700 phòng và 2.700 đồng hồ với chi phí hơn 1,1 tỷ USD. Nghị viện được Nữ hoàng Anh, Elizabeth II, cắt băng khánh thành ngày 9/5/1988, kể từ đó tòa nhà thu hút khoảng 1 triệu khách đến thăm mỗi năm.

Về tổng thể, Tòa Nghị viện là một kiến trúc theo đường nét kỷ hà với những đường thẳng, hình khối rất phóng khoáng, mạnh mẽ nhưng tôi vẫn thiên về các hình thức kiến trúc xưa với các đường cong mền mại. Đó chỉ là một suy nghĩ cá nhân trong khi rất nhiều người bị chinh phục và ngưỡng mộ Tòa Nghị viện.

Đường nét kiến trúc kỷ hà trên nóc Nghị viện

Chúng tôi rời Canberra vào buổi trưa để lên đường trở về Melbourne với đoạn đường dài khoảng 650 km. Bao giờ cũng vậy, người ta thường rất hăm hở khi ra đi nhưng lại rất mệt mỏi khi trở về. Với tâm lý đó mới thấy tội nghiệp cho con rể phải lái một đoạn đường dài trên đường về.

Về gần đến Melbourne trời bỗng đổ mưa, hạt mưa rơi mạnh, lộp bộp đập vào xe. Thì ra là mưa đá. Chúng tôi và một vài xe khác phải dừng lại trên đường vì tầm nhìn bị giới hạn nhưng cũng có những xe cứ băng băng trong cơn mưa. Cũng may cơn mưa qua nhanh, đi qua một trạm xăng bên đường thấy mái che bị sập!

Khi về đến nhà, mở cổng thấy hai chậu trúc lớn đổ nghiêng ngả, dép để trước cửa thất lạc tứ tung. Mở TV ra coi mọi người mới giật mình: cơn mưa chỉ thoáng qua trong vài phút nhưng đó là cái đuôi của “twister cyclone”, một cơn lốc xoáy. Tại những nơi lốc xoáy quyét qua, nhà cửa bị tốc mái và có tới gần 20 người bị thương nhưng không có ai thiệt mạng.

Hà & Phước nói: “Nước Úc là vậy đó. Thời tiết thay đổi bất ngờ nên thiên tai cũng đến bất ngờ!”.

 Mưa đá trên đường về

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)




2 nhận xét:

  1. Những bước chân vẫn bước dài theo năm tháng. Theo chân anh để biết xứ người.

    Tiếng loa như thế cũng phiền nhỉ? Hình như ở VN lâu rồi không nghe tiếng loa nữa anh ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Mèng ui, nhìn ảnh thấy anh già thêm một chút nhưng quá xá đẹp lão!

    Trả lờiXóa

Popular posts