Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Du xuân Xứ Quảng: Thánh địa Mỹ Sơn

"Một ngày biếc, thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời.
Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.
Đây những cảnh ngàn sau cây lá ngọt
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;"
(“Trên đường về” / Tập thơ “Điêu Tàn”
Chế Lan Viên)

Tôi vốn thích thơ Chế Lan Viên, một nhà thơ Xứ Quảng, qua tập thơ “Điêu Tàn” được xuất bản từ năm 1937. “Điêu Tàn” ra mắt người yêu thơ khi tác giả mới 17 tuổi và tập thơ đầu tay đã đưa Chế Lan Viên vào vị trí “Bàn thành Tứ hữu” của Bình Định bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng khác của Xứ Quảng: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn (1).

Nguồn cảm hứng của Chế Lan Viên khi chập chững bước vào thi đàn là những tháp Chàm miền Trung đổ nát, là những “hồn ma bóng quế” kinh dị của xứ Hời ngày nào như vẫn còn vất vưởng trong cảnh điêu tàn của những tháp đền cổ nằm rải rác khắp miền Trung.


Chế Lan Viên của thời tiền chiến được người yêu thơ biết đến qua cái mà ông gọi là “Trường thơ loạn” với tâm trạng hoài cổ, nuối tiếc một vương quốc Chiêm Thành hùng mạnh, một thời vàng son của Chế Bồng Nga đã từng 4 lần tấn công Đại Việt.

Tháp Dương Long, Tây Sơn, Bình Định

Tháp Bằng An, Điện Bàn, Quảng Nam

Tháp Po Klaung Garai, Phan Rang, Ninh Thuận

Di tích tháp cổ của Chiêm Thành nằm rải rác dọc bờ biển miền Trung, từ Quảng Nam trải dài xuống tới Khánh Hòa. Những ngọn tháp đều có chung một đặc điểm: nằm u tịch và cô đơn trên những cánh rừng hoang, cách biệt hẳn với sự náo nhiệt của những thành phố hay thị trấn ngày nay.

Không như những tháp chàm khác, duy nhất tại Việt Nam và cũng là của vùng Đông Nam Á, có một khu quần thể kiến trúc tháp và đền Chàm cổ nằm cách Đà Nẵng khoảng 70 km. Nơi đây là một tổ hợp bao gồm hơn 70 đền đài, tháp cổ chiếm một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi hoang vu. Khu di tích này được gọi là “Thánh địa Mỹ Sơn”.

Đây đã từng là nơi hành lễ cúng tế của vương triều Chiêm Quốc và cũng là lăng mộ của các vị vua xứ Hời hay hoàng thân, quốc thích. Các công trình kiến trúc được tạo dựng suốt 9 thế kỷ, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Bản đồ Thánh địa Mỹ Sơn

Chỉ có 3 người chúng tôi đến Mỹ Sơn – tôi, con rể và người tài xế - nhưng lại chỉ có 2 người chịu khó lội bộ hết các khu vực chính mang ký hiệu từ A đến H còn tài xế thì nói là anh đã đến Mỹ Sơn nhiều lần nên thoái thác đi thêm lần nữa!

Phải thành thật mà nói, đối với người lớn tuổi như tôi, công sức bỏ ra để đi khắp Thánh địa là một… cố gắng “vượt bực” giữa trưa nắng gắt miền Trung lúc nào cũng hầm hập. Dù sao đi nữa, đó là một kỷ niệm đáng nhớ khi được lang thang giữa những tòa tháp cổ, dấu tích của một thời vàng son của vương quốc Đồ Bàn đã tàn lụi. Người Chàm ngày nay chỉ còn độ 150.000 người sống rải rác tại các tỉnh miền Trung, ngoài ra còn một số ít định cư tại nước ngoài.

Ngay tại cổng vào có một nhà hát bỏ túi. Khi chúng tôi đến thì chương trình ca nhạc của người Chàm đã đi vào tiết mục cuối cùng, chỉ kịp bấm một kiểu ảnh là kết thúc. Hình như đó là một vũ điệu Apsara…

Chương trình ca nhạc giúp vui

Việc bảo tồn Mỹ Sơn được khởi đầu từ người Pháp vào năm 1937. Trong giai đoạn này, đền A1 và các đền nhỏ xung quanh đã được trùng tu. Từ năm 1939 đến 1943, cụm tháp B5, B4, C2, C3, D1, D2 được trùng tu và gia cố lại. Tuy nhiên, nhiều tháp và lăng mộ đã bị phá hủy vì bom đạn trong Chiến tranh Việt Nam.

Phần lớn các đền đài trong các nhóm khu vực trung tâm như B, C và D còn tồn tại, và mặc dù rất nhiều pho tượng, bệ thờ và linga đã bị lấy về Pháp hay gần đây được chuyển tới các viện bảo tàng như Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Mỹ Sơn vẫn có một viện bảo tàng tạm thời đã được thiết lập trong 2 ngôi đền với sự trợ giúp của người Đức và Ba Lan để trưng bày các mô hình các lăng mộ và hiện vật còn lại.

Một phần cụm tháp B, C và D tại Mỹ Sơn

Năm 2005 tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khánh thành nhà trưng bày, giới thiệu di tích Mỹ Sơn với diện tích 5.400 m² với nhà chính rộng 1.000 m² ngay lối dẫn vào di tích (khoảng 1 km) do Nhật Bản tài trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều lo ngại về tình trạng của các công trình kiến trúc, một số trong đó có khả năng sập đổ.

Trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2004, Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam đã chi khoảng 7 tỷ VNĐ (USD 440.000) cho dự án phục chế khẩn cấp Thánh địa Mỹ Sơn; một dự án của UNESCO được hỗ trợ bởi chính phủ Ý với số tiền là USD 800.000 và các cố gắng phục chế có nguồn vốn từ Nhật Bản cũng đang góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp của chúng. Các công việc phục chế tại đây cũng được World Monuments Fund (WMF) góp vốn.

Di tích của một ngôi đền cổ

Bắt đầu từ năm 2004, chương trình hợp tác 3 bên giữa Chính phủ Việt Nam, Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chính phủ Ý đã chọn Quảng Nam để thực hiện dự án Bảo vệ Khu di sản Thế giới Mỹ Sơn.

Chương trình bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo tồn quốc tế tại các đền thờ thuộc nhóm G tại Mỹ Sơn. Đến năm 2011, nhóm tháp G tiếp tục hoàn thiện trùng tu, củng cố hệ thống thông tin diễn giải cho du khách. Nếu tính cả giai đoạn 1997 - 2003 tập trung khảo sát, thăm dò, phân tích… thì câu chuyện của tháp G “dài” ngót… 14 năm.

Đền đài trước sự tàn phá của thời gian

Các nhà khảo cổ và kiến trúc trong cũng như ngoài nước vẫn chưa có một kết luận cuối cùng về kỹ thuật cũng như vật liệu người Chàm xưa áp dụng khi xây dựng tháp và đền thờ. Dự án hợp tác quốc tế chỉ tìm ra được chất liệu tương đồng với loại mà người Chàm cổ sử dụng như chất vữa liên kết và sản xuất gạch phục chế. Loại nhựa cây cùng với dầu rái có thể tìm được tại rừng Mỹ Sơn, còn gạch Chàm được “đặt hàng” tại một lò gạch ở huyện Duy Xuyên theo yêu cầu kỹ thuật của các chuyên gia.

Gạch Chàm chính là trở ngại lớn nhất trong việc trùng tu Mỹ Sơn. Sau thời gian nghiên cứu, hiện đã có được viên gạch cổ với độ tương đồng khoảng 90% so với viên gạch cổ nhưng cũng đã là thành công lớn. Giá thành một viên gạch khoảng 70.000 đồng nhưng nếu tính tất cả chi phí và công sức nghiên cứu suốt thời gian qua, cộng với thủ tục gửi mẫu vật đi nước ngoài mỗi năm 3 lần, thì mỗi viên gạch lên đến khoảng 1 triệu đồng/viên.

Những viên gạch tạo nên nền tháp cổ

Ngoài những tháp và đền cổ, Mỹ Sơn còn có một số tượng đá các linh vật thờ phụng, tiêu biểu nhất là tượng Linga và Yoni theo Ấn Độ giáo Shiva. Linga và Yoni là những biểu tượng thờ phụng, tượng trưng cho bộ phận sinh dục của người nam và người nữ đã được sử dụng từ thời kỳ đầu của nền văn minh thung lũng sông Ấn.

Tại Mỹ Sơn, tôi đã phát hiện một tượng Linga bằng đá, nằm khiêm tốn trong một góc khuất mà du khách rất dễ bỏ qua. Tượng không có nhiều chi tiết cầu kỳ nhưng chỉ cần một vài phút chiêm ngưỡng người ta liên tưởng ngay khối trụ là bộ phận sinh dục của người nam và được đặt trên một khối 6 cạnh.

Linga

Theo Ấn Độ giáo, Linga và Yoni là sự kết hợp của âm-dương. Cũng từ sinh thực khí Linga và Yoni tạo ra sự sinh sôi, phát triển của con người và sự tái sinh của vũ trụ. Đa số mỗi bệ Yoni, trên đó được thể hiện một Linga, nhưng trong điêu khắc Chàm lại có trường hợp ở bệ được thể hiện trên đó nhiều Linga và đặc biệt hơn nữa là trên Yoni lại được thay thế Linga bằng hình người (hay thần), như bộ Yoni ở tháp chính Po Naga Nha Trang, có thể đây là hình tượng nữ thần Po Naga.

Yoni

Gần một ngày tại Mỹ Sơn giữa trời nắng trang trang quả là một thử thách đối với những người lớn tuổi như tôi. Thế nhưng, tất cả đã vượt qua để được một lần chứng kiến di tích của một nền văn minh Chiêm Quốc. Dấu tích đó ngày càng trở nên “điêu tàn” như nhà thơ Chế Lan Viên đã dùng từ ngữ này để làm tựa đề cho tập thơ.

Một ông già… ham vui!

Tập thơ “Điêu Tàn” xuất bản cách đây gần một thế kỷ. Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 4. Hiện nay chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21. Nếu làm phép tính với đơn vị thế kỷ người ta mới thấy thời gian quả là vô biên!      

Tạm biệt Thánh địa Mỹ Sơn

***

Chú thích:

(1) Đọc “Người Chàm trong mắt tôi” tại:

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!














1 nhận xét:

  1. Sau khi đọc lại bài viết này, tôi bỗng nổi lên thi hứng kiểu… "bút tre". Thơ rằng:
    “Chưa đi chưa biết Mỹ Sơn
    Đi rồi mới biết còn hơn… “Điêu Tàn”!

    Trả lờiXóa

Popular posts