Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Kagaroo phiêu lưu ký



Cờ Australia chắc ai cũng biết nhưng những ngôi sao trên lá cờ có lẽ ít người để ý: tổng cộng có 6 ngôi sao nhưng hình dáng và kích thước lại khác nhau. Ngôi sao lớn nhất nằm phía bên trái có 7 cánh, tượng trưng cho 7 tiểu bang và lãnh thổ: Western Australia, Northern Territory, South Australia, Queensland, New South Wales, VictoriaTasmania.

Phía bên phải là Chòm sao Phương nam (Southern Cross constellation) mà người Việt quen gọi là sao Nam Tào, gồm 4 sao bảy cánh và 1 sao năm cánh. Vì nước Úc ở phía Nam bán cầu nên về đêm sao Nam Tào thường xuất hiện trên bầu trời. Phía trên, góc trái là hình thu nhỏ của lá cờ Anh (Union Jack) với hàm ý nước Úc, dù thế nào đi nữa, cùng là một phần của Anh Quốc, nằm trong khối Liên Hiệp Anh.

Liên bang Úc được hình thành vào năm 1901. Ngày 3/9/1901, lá cờ nền xanh tượng trưng cho biển cả của Úc chính thức xuất hiện dưới sự chứng kiến của vị toàn quyền đầu tiên của Úc cùng với Edmund Barton, thủ tướng đầu tiên của quốc gia nầy.

Ngày xưa, thời VNCH, Australia thường được gọi là Úc Đại Lợi nên nhiều khi bọn trẻ chúng tôi đổi thành Úc Thòi Lòi… Cái tên nghe kỳ cục nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện trong những câu chuyện có chút tiếu lâm.

Tác giả Trịnh Thanh Thủy trong bài viết Xứ Úc đi dễ khó về có giải thích: “Tôi không biết tại sao người Việt ở Úc lại đặt tên cho xứ này là Xứ Thòi Lòi. Có lẽ tại xứ này có nhiều cá thòi lòi, một loại cá bống trắng, hay sao đó mà ngay hôm đến Úc, ghé thăm nhà bạn tôi, trong bữa cơm đầu tiên, trên bàn ăn, tôi đã thấy có mặt đĩa cá thòi lòi tẩm bột chiên. Cái tên Xứ Thòi Lòi nghe sao mà tình tự dân tộc, đậm đà ruộng lúa, nương dâu, đồng chua, nước mặn vô kể.

Nếu gọi Úc là Xứ Thòi Lòi thì giải thích như trên được coi là tạm ổn nhưng rõ ràng là cái tên Thòi Lòi không phải được ra đời từ sau 1975.

Vào Wikipedia lại được giải thích: “Cá thòi lòi (danh pháp khoa học: Periophthalmodon schlosseri), là một loài cá thuộc họ Cá bống trắng (Gobiidae), được tìm thấy tại khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển tại khu vực Australia, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Seychelles, Thái Lan và Việt Nam”.

Là người Việt Nam nhưng thật tình tôi chỉ biết cá thòi lòi qua tên gọi và hình ảnh chứ chưa từng được thấy tận mắt giống cá mà lại có chân này! Những người sống tại vùng sông nước miền Tây vẫn thường hát: “Con cá thòi lòi, nó bò lên bờ, đôi mắt trơ trơ nhìn trước nhìn sau…”. Không có chân thì làm sao ‘bò’ lên bờ được nhỉ?

Cá thòi lòi (hình Wikipedia)

Tôi vẫn ngờ ngợ trong việc gọi nước Úc là Xứ Thòi Lòi vì ngày xưa bọn trẻ chúng tôi không ‘nhạo’ là Xứ Thòi Lòi mà là Úc Thòi Lòi. Hình như có một lối chơi chữ trong việc 'nhái âm' nên Úc Đại Lợi được chế thành Úc Thòi Lòi chứ không phải vì ở Australia có nhiều cá thòi lòi nên mới bị chết tên Xứ Thòi Lòi. Cũng có thể lắm chứ.

Nước Úc rất nhiều danh xưng, cả chính danh lẫn… tục danh. Người ta gọi đất nước này là Down Under, một số người Việt ở Úc lại sáng tác ra tên “Miệt Dưới”. Một cái tên… đậm đà bản sắc dân tộc! Cái tên thật thâm thúy: ở Việt Nammiệt vườn tút tận miền Tây thì qua đến Nam Bán Cầu rõ ràng là xuống… miệt dưới. Có điều ở miệt dưới không giống ai về mặt khí hậu. Trong khi các nước ở Bắc Bán Cầu nóng nực vào mùa hè thì miệt dưới lại lạnh thấu da, đến khi nhiều nước đón Noel trắng tuyết thì Down Under đang vào hè chảy mỡ!
   
"Down Under" xuất hiện trên T-shirt bày bán ở Úc

Kangaroo thì ai cũng biết là ‘đặc sản’ của Down Under. Giống chuột túi, còn gọi là đại thử, nhảy lền khên khắp nước Úc đến độ trên các xa lộ phải đặt biển báo tại những nơi kangaroo thường băng qua đường. Về bản chất, kangaroo là loại thú hiền lành, không tấn công người nhưng hãy tưởng tượng một chú kangaroo nặng chừng 80kg đụng phải một chiếc xe đang bon bon trên xa lộ: tai nạn lật xe rất dễ xảy ra.

Người Việt ở Úc còn ‘chế’ tên kangaroo thành Con Gà Rù còn dân Úc lại gọi đội tuyển túc cầu của họ là Socceroos. Không phải chỉ có kangaroo được chọn làm biểu tượng cho nước Úc. Danh sách biểu tượng còn có gấu kaola và cây khuynh diệp. Sở dĩ gấu túi kaola đi liền với cây khuynh diệp vì loài gấu nhỏ bé này chỉ ăn lá cây bạc hà!

Nước Úc rất lạ. Đã có chuột túi lại còn có gấu túi, một sinh vật nhỏ bé, dễ thương nhưng hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nghe nói ở Úc chỉ còn khoảng hơn 40.000 chú gấu kaola tập trung nhiều nhất tại khu vực phía Đông và Nam Australia. Người ta dự báo chừng 30 năm nữa loài thú này sẽ biến mất trong hoang dã. Khi đó chắc chỉ vào sở thú mới được chiêm ngưỡng dung nhan kaola!

Gấu kaola trên cây bạc hà

Nhưng tại sao lại có tên Australia? Người ta giải thích Australia có gốc từ tiếng La Tinh australis, nghĩa là phương nam. Vậy là cái tên có liên quan đến địa lý và giải thích phần nào cái tên Down Under thuộc vùng Nam Bán Cầu có khí hậu ngược lại với hầu hết các nước ở Bắc Bán Cầu.

Người Úc còn được biết đến qua danh xưng Aussie. Trong một trận túc cầu có tuyển Úc mang áo vàng quần xanh lá cây, người ta nghe cheerleader hô “Aussie, Aussie, Aussie!!!” tức thì các fan của Socceroos đáp lại “Oi! Oi! Oi!”.

Australia là nước lớn thứ sáu trên thế giới, nước duy nhất chiếm toàn bộ một lục địa nên cũng có rất nhiều điều để nói đến. Bài viết này tôi chỉ xin thu nhỏ nước Úc trong phạm vi Sydney, thành phố lớn nhất của Austalia mà tôi đến năm 1995.

Nói đến Sydney người ta liên tưởng ngay đến Nhà hát Opera House và chiếc cầu Harbour Bridge. Nhìn từ bến cảng Sydney, Opera House mang hình tượng của những cánh buồm căng gió. Cũng có người lại ví Opera House là hình ảnh những vỏ sò nên mới có tên Nhà hát Con sò.

Opera House

Những con số thống kê về Opera House thật ấn tượng: nhà hát tọa lạc trên một khu đất rộng gần 2 hectare với 580 cột bê tông đóng sâu 25m xuống đáy biển. Phải dùng đến hơn 1 triệu viên ngói trắng sản xuất tại Thụy Điển để lợp mái của một tổ hợp gồm 1.000 phòng, trong đó có 5 nhà hát: (1) Sảnh hòa nhạc với hơn 2.500 chỗ ngồi; (2) nhà hát Opera với 1.500 chỗ; (3) nhà hát kịch 500 chỗ; (4) rạp hát Playhouse gần 400 chỗ và (5) nhà hát Studio với 360 chỗ ngồi.

Năm 1954, Thống đốc tiểu bang New South Wales, Joseph Cahill, vận động một cuộc thi thiết kế nhà hát và có đến 233 đề án được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Một năm sau, đề án của kiến trúc sư người Đan Mạch, Jørn Utzon, được chọn. Đến tháng 3/1959 công trình được khởi công qua ba giai đoạn: Giai đoạn I (1959–1963) bao gồm việc xây dựng dãy ghế vòng bên trên. Giai đoạn II (1963–1967) xây dựng các vỏ sò bên ngoài. Giai đoạn III xây dựng và thiết kế nội thất (1967–73). Ngày 28.6.2007 UNESCO đã công nhận Opera House là Di sản Thế giới.
  
Cầu cảng Sydney lớn tuổi hơn Nhà hát Con sò. Chiếc cầu sắt một nhịp, thường được gọi là Chiếc Mắc Áo (Coat Hanger), được xây dựng từ năm 1923. Phải mất 9 năm với 1.400 kỹ sư và công nhân mới hoàn thành cây cầu.

Harbour Bridge

Đến năm 2007, trong một lễ chính thức, đã có đến 250.000 người đi bộ trên cầu để kỷ niệm sinh nhật thứ 75 của Harbour Bridge. Người Sydney thường nói đi bộ trên cầu là cách thưởng ngoạn đặc biệt nhất để hưởng những làn gió từ biển thổi vào làm tung bay mái tóc trong những ngày hè nóng bức và tê buốt trong giá lạnh mùa đông.

Harbour Bridge, còn được gọi là Chiếc Mắc Áo (Coathanger), cao 134m, dài 502m, rộng 49m và nặng đến 53.000 tấn. Tuy không là một chiếc cầu hùng vĩ nhưng nhịp cầu sắt mầu đen với 4 trụ cầu màu trắng đã từng cấm xe cộ lưu thông trong một ngày để 6.000 người được thưởng thức bữa ăn sáng ngay trên mặt cầu phủ cỏ. Chuyện chắc chỉ ở Úc mới có!

Bữa ăn sáng trên mặt cầu được phủ cỏ
của 6.000 người trên Harbour Bridge

Trung tâm Sydney trên đường Market có một cái tháp vươn đến độ cao 305m giữa khu Central Business District mà người Sydney gọi tắt là CBD. Tôi đã có dịp lên Empire State Building ở New York, Tower of America ở San Antonio nhưng khi lên Sydney Tower cảm giác hoàn toàn khác lạ.

Điều khác biệt quan trọng là thời điểm. Một bên là vào thập niên 70, khi đó tôi mới ngoài 30 tuổi, tuổi thanh niên tràn trề sức sống và luôn háo hức khám phá những điều mới lạ khi lên Tower of America. Hai mươi năm sau, khi lên Sydney Tower tôi mang tâm trạng của một du khách già, nhìn sự vật với một thái độ khách quan trong đó có pha chút... dửng dưng!     

Trên tầng thượng của tháp Sydney cũng có một nhà hàng quay 360 độ để khách vừa thưởng thức bữa ăn vừa ngắm toàn cảnh Sydney. Người ta nói, vào những ngày đẹp trời có thể thấy những rặng núi xanh thấp thoáng ở phía tây thành phố. Trên tầng Observation Deck có những ống kính viễn vọng để quan sát chi tiết hơn.

Điều đáng nói kính quan sát hoàn toàn miễn phí chứ không phải bỏ tiền vào mới sử dụng được như đa số tháp tại các nước khác. Tôi nghĩ tất cả đã tính vào vé lên thăm tháp, ngoại trừ hóa đơn trong nhà hàng. Ở tầng trệt cũng có nhà hàng và điểm bán đồ lưu niệm. Họ tính toán rất kỹ, nếu đặt tất cả trên đỉnh tháp sẽ không đạt hiệu quả kinh doanh vì có những người sợ độ cao (vertigo) không dám lên đỉnh!    
 
Tháp Sydney

Sydney sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch. Nếu thích bầu không khí ‘ăn chơi, rượu chè’ bạn sẽ đến khu King Cross vào ban đêm, bảo đảm chẳng mấy chốc đã đến sáng! Nếu yêu muông thú và thiên nhiên hãy đến bến tàu Circular Quay để đáp chuyến phà ra Taronga Zoo.

Chỉ sau 10 phút đi phà bạn sẽ lạc vào vương quốc động vật với đủ các loài. Đặc biệt Taronga còn có Night Zoo để khám phá cuộc sống của những loài thú sống về đêm giữa môi trường thiên nhiên. Chọn những địa điểm thích hợp tại sở thú, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Sydney từ ngoài biển. Có điều Taronga chiếm hẳn một ngọn đồi rộng đến 75 hectares nên ít ai tự hào đã xem hết vườn thú. Vấn đề đặt ra là phải có đủ thì giờ và đầy đủ sức khỏe để đi bộ…

Vườn thú Taronga và phía sau là Harbour Bridge

Sẽ là một thiếu sót lớn khi đến Sydney mà lại không ghé Cabramatta. Khu vực này còn có biệt danh là Vietnamatta vì nơi đây là một Việt Nam thu nhỏ của cộng đồng người Việt định cư tại Sydney sau năm 1975.

Có thể nói, khu thương mại Cabramatta cung cấp hầu như mọi dịch vụ và hàng hóa của Việt Nam. Về mặt địa lý, nước Úc là quốc gia có người Việt hải ngoại gần với Việt Nam nhất so với các nước như Mỹ và Pháp. Cabramatta có đến hàng trăm nhà hàng, quán ăn phục vụ các món từ bình dân như cơm, phở, hủ tiếu, bún đến những món đắt tiền như tôm hùm, bồ câu quay, vịt quay, gà quay, bào ngư, vi cá…

Cũng tựa như Little Saigon ở California, Cabramatta còn có các văn phòng cung cấp dịch vụ về ngân hàng, pháp lý, y tế, địa ốc… với ngôn ngữ giao tiếp chính là tiếng Việt. Tôi còn thấy ở Cabramatta có nhiều nét tương đồng với quận 5 trong Chợ Lớn vì số người Việt gốc Hoa quy tụ về đây khá đông với các bảng hiệu tiếng Việt chen lẫn tiếng Hoa.

Đến Cabramatta có cảm tưởng như vào Chợ Lớn

Người Úc còn gọi Cabramatta là Little Asia, cũng tựa như ở SingaporeLittle India. Theo thống kê của quận Fairfield, Cabramatta là nơi quy tụ di dân đến từ 120 quốc gia (?), đa số là các nước Á châu. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả vẫn là cộng đồng người Việt và Hoa kiều nên dần dà khu vực này đã trở thành Vietnamatta, thu hút khách du lịch các nước muốn tìm hiểu về châu Á ngay trên xứ Kangaroo.

Quảng trường Freedom (Tự do) là nơi người Việt sinh sống khắp Sydney hội tụ về đây vào những ngày cuối tuần để gặp gỡ đồng hương, chơi cờ tướng, xoa mạt chược hay là dịp để thưởng thức các món ăn Việt Nam, vui chơi hoặc mua sắm sau một tuần làm việc căng thẳng nơi đất khách quê người. Tôi nghĩ đây cũng là dịp để nỗi buồn xa quê hương được xoa dịu phần nào.

Siêu thị Đồng Khánh

Điều đặc biệt là ở Cabramatta rất ít bãi đậu xe nên xe hơi cứ đậu hàng dài hai bên đường John Street trông có vẻ chật chội. Như thế lại càng giống với Chợ Lớn ở Việt Nam. Hóa ra người Việt không những mang văn hóa, ẩm thực sang Úc mà còn bê nguyên cả ‘khung cảnh xưa’ đến tận xứ Kangaroo!

Hẹn gặp lại tại Melbourne trong chuyến phiêu lưu thứ nhì đến Down Under.

***
 (Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

7 Comments on Multiply

klnmt wrote on Feb 20, '11
Cảm ơn anh. Nhờ bài viết của anh, L. biết thêm nhiều điều về nước Úc Thòi Lòi này.
Thân mến! Luân

thahuong82 wrote on Feb 21, '11
Sau 5 năm tốt nghiệp “đại học máu”, năm 1981 tôi là "chuyên gia" chạy xe đạp ôm ở Cần thơ cho nên cá thòi lòi chẳng có gì xa lạ mà còn là người bạn thân thiết của tui vì mỗi khi nước ròng thì chúng chạy lên cả cái cầu dừa nơi mé sông tôi ngồi tắm sau 8 giờ đạp xe lòi cả con mắt như tụi nó. Có lẽ tụi nó nghĩ tụi đồng dạng!

nguyenngocchinh wrote on Feb 21, '11
thahuong82 said “Năm 1981 tôi là "chuyên gia" chạy xe đạp ôm ở Cần thơ,cho nên cá thòi lòi chẳng có gì xa lạ mà còn là người bạn thân thít của tui vì mổi khi nước ròng thì chúng chạy lên cả cái cầu dừa nơi mé sông tôi ngồi tắm sau 8 giờ đạp xe lòi cả con mắt như tụi nó.Có lẽ tụi nó nghĩ tụi đồng dạng!”
Xin cám ơn thahuong82 về những thông tin có liên quan đến cá thòi lòi miệt Cần Thơ.

giahien wrote on Feb 21, '11
cám ơn anh Chính đã giới thiệu xứ Úc qua phong cách viết rất thú vị. Hình ảnh cây cầu được trải thảm xanh để bà con pinic, ăn sáng ... em cũng mới thấy lần đầu :)

phuongdoc wrote on Feb 22, '11
Nếu được nói lên nhận xét về người Việt nói chung trong nước cũng như hải ngoại có đầu óc hiểu rộng biết nhiều với ngòi bút thu hút người đọc về mọi vấn đề thì tôi nghĩ NGUYỄN NGỌC CHÍNH phải được đặt vào hàng đáng nể phục nhất.

nguyenngocchinh wrote on Feb 22, '11
Xin cám ơn anh đã quá khen. Không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên hồi ức này chỉ viết để bạn bè và thân nhân chia sẻ những gì đã qua đi trong một đời người. Gọi là chút kỷ niệm cho đời một khi nằm xuống.

andropause wrote on Feb 24, '11
Thấy Opera House hiện đại quá em cứ tưởng mới xây! Ai dè đã có từ thập niên 70. Bài anh viết nhiều chuyên ngộ nghĩnh hay ghê. Xứ Úc có vẻ dễ chịu phải không? Em có mấy bạn quen trên blog đang định cư ở Úc, không thấy ai than phiền gì!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts