Việc sắp xếp như thế nào để thực hiện chuyến ‘di cư’ này tôi
hoàn toàn không rõ vì khi đó còn quá nhỏ. Chỉ biết đại khái là bố tôi chuyển
đơn vị vào Đà Lạt trước để phục vụ trong Ngự Lâm Quân dưới thời Bảo Đại và sau
đó gia đình mới vào vùng đất được mệnh danh là Hoàng triều Cương thổ, đất của nhà vua.
Bố tôi trong quân phục Ngự Lâm Quân
(Đà Lạt, 1954)
Ngày vào Nam, tôi mới gần 7 tuổi, nhưng cho đến bây giờ
trong ký ức vẫn còn sâu đậm giây phút đầu tiên đặt chân lên phi trường tại Đà Lạt mà hoàn toàn không biết tên. (Bây giờ ngồi nhớ lại thì đó là sân bay Cam Ly, chỉ cách Đà Lạt khoảng 3km trong khi phi trường Liên Khương ngày nay nằm ở rất xa thành phố).
Phi trường Liên Khương (1968) |
Trời tối mờ bóng người, mưa rả rích, không khí lành lạnh. Đó là những
cảm nhận đầu tiên trong đầu óc cậu bé về thành phố sương mù. Trong lúc cả gia đình còn đang ngỡ ngàng trước khung cảnh
mới lạ và đầu óc còn lâng lâng sau gần 3g bay bổng trên mây thì mẹ tôi bỗng lên
tiếng: “Cậu kìa!”. (Gia đình tôi vẫn
còn giữ phong tục của một số người miền Bắc: Bố được gọi là Cậu, Mẹ là Mợ).
Tôi chỉ nhìn thấy mờ mờ trong màn sương một bóng người mặc
áo mưa đang tiến dần về phía 5 mẹ con. Cuối cùng thì gia đình gặp nhau, mừng
mừng tủi tủi.
Chiếc xe Peugeot 201 màu đen chở chúng tôi vào thành phố.
Đầu óc non nớt của tôi thoáng có ý nghĩ: “Cậu
mình có cả ôtô nữa!’. Xe dừng lại tại một biệt thự nhỏ trên đường Cầu Quẹo,
hình như ngày nay đổi tên thành Phan Đình Phùng. Sau khi nhận tiền, tài xế lái
Peugeot đi, khi đó tôi mới nhận ra xe Peugeot không phải của Bố, chỉ là
chiếc... Taxi!
Xe taxi hai màu đen trắng của Đà Lạt xưa
đậu trước cửa Lò bánh mì Winh Chan (Vĩnh Chấn) tại Khu Hòa Bình
Căn nhà trên đường Cầu Quẹo là của ông Vũ Tất Đắc, bạn cùng
Ngự lâm quân với bố tôi. Gia đình tôi ở tạm tại đây trước khi mua chung nhà với
ông Đắc trên đường Phạm Hồng Thái-Lê Thái Tổ, gần gara Martinette. Gia đình ông
Đắc có 3 người con, trong đó có Được chỉ hơn tôi chừng 1 hoặc 2 tuổi, học
trường Petit Lycée. Ông Đắc cũng khéo đặt tên con, Được với Đắc cũng chỉ là một
nghĩa.
Căn nhà xưa ngày nay đã đổi chủ
Sau này, ở năm cuối trung học, Được và tôi có dịp học chung
lớp Đệ Nhất tại trường Trần Hưng Đạo. So với tôi, Được là kẻ ‘biết đời’ rất sớm
vì nhà ông Đắc có phòng cho các cô gái nhảy thuê nên ‘cậu chủ’ có cơ hội tiếp
xúc với giới chị em ta ngay từ thời còn đi học.
Tháng 7/2009 tôi gặp lại Được vẫn còn ở Đà Lạt, vẫn tại căn
nhà trên đường Phạm Hồng Thái-Lê Thái Tổ gần Trại Hầm. Được bây giờ đã là một ông già hom hem, răng cỏ cái còn cái mất nhưng
vẫn còn mở lớp dạy Anh văn tại nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Chúng tôi
ngồi nói chuyện ngày xưa biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Vợ Được là Trang, gốc
người Nha Trang, bị sưng khớp đầu gối, đi đứng khó khăn. Các con Được nói chung
đều thành đạt, đứa làm việc ở Saigon , đứa dạy
học trên Đà Lạt, có đứa sắp đi du học ở châu Âu.
Ông Đắc có người con lớn là anh Tự, anh làm ‘lính kèn’ nên
rất văn nghệ và chắc chắn rất giỏi nhảy đầm. Tôi còn nhớ có lần thấy anh vòng
tay ôm một người tưởng tượng theo tiếng nhạc phát ra từ radio. Anh Tự nay đã
mất nhưng còn nhà cửa, đất đai ngay ở gần chỗ của Được.
Gia đình ông Đắc còn có chị Hải vào chạc tuổi với ông anh
lớn của tôi, anh Nghiêm. Hình như hai gia đình có ý sẽ tác thành cho 2 anh chị
nhưng có lẽ không có duyên số nên sau này chi Hải lấy chồng người Nha Trang còn
anh Nghiêm vào không quân.
Năm 1975, gia đình tôi mất liên lạc với anh Nghiêm, sau vài
năm mới được thư anh từ Oklahoma City
và cũng chỉ vài năm sau lại được tin anh mất tại đây. Cho đến lúc mất, anh
Nghiêm vẫn sống độc thân, chưa một lần lấy vợ.
Khi mất, anh Nghiêm chỉ có thân nhân duy nhất tại Mỹ là gia
đình chú Thanh – cô Loan. Từ Kansas City cô chú lái xe đến Oklahoma lo hậu sự và những thủ tục giấy tờ
bảo hiểm nhân thọ của anh Nghiêm. Chuyện này tương đối nhiêu khê, tôi sẽ viết
trong một dịp khác.
Chú Thanh & Cô Loan (góc trái)
trong lễ hạ huyệt anh Nghiêm tại Oklahoma City (1985)
***
Bây giờ thì quay trở lại với thành phố sương mù. Những ngày
đầu tiên vào Đà Lạt tôi có dịp khám phá những chuyện thật trẻ con. Chúng tôi
chơi trốn tìm, tôi đinh ninh là bạn mình trốn sau cánh cửa nhưng cu cậu lại
xuất hiện sau tấm màn đỏ và reo lêu: “Lêu
lêu mắc cở”. Người Bắc không có chữ ‘mắc cở’ nên tôi suy luận ‘mắc cở’
là... cái màn cửa màu đỏ.
Có thể gọi đó là cultural
shock ở mức độ trẻ con khi có sự khác biệt về ngôn ngữ giữa hai miền
Nam-Bắc. Người miền Bắc nói “Nhặt hộ tôi
qủa bóng” nhưng người miền Nam dùng những từ khác hoàn toàn để diễn tả cùng
ý nghĩa: “Lượm giùm qua trái banh”. Ở
trong Nam, bạn bè cùng lớp gọi nhau bằng trò
sau này tiếng trò được thay bằng bạn; người Bắc gọi cây bút nhưng ở miền Nam lại gọi là cây viết và cục tẩy được
thay bằng cục gôm tại miền Nam,
v.v...
Những người Bắc mới di cư vào Nam thường có khuynh hướng bắt
chiếc sử dụng những từ và cách phát âm của miền Nam, chẳng hạn như hột vịt đọc thành hột ‘dzịt’, đôi vớ (tất)
thành đôi ‘dzớ’. Quả thật nghe rất…
chướng tai! Hiện tượng này cũng xảy ra sau năm 1975, số người miền Bắc nhập cư
miền Nam ngày càng đông và
người ta thấy những trường hợp người Bắc cố sửa giọng Nam để hòa nhập. Tại sao người ta
không giữ giọng điệu của địa phương mình khi đến một địa phương khác?
Đối với những học sinh di cư từ Bắc vào Nam như tôi cũng không phải là
ngọai lệ. Tôi cố theo lối phát âm miền Nam khi ở trường vui chơi với bạn bè
nhưng khi về đến nhà tôi lại giữ nguyên giọng Bắc. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ
giọng Bắc khiến nhiều người vẫn tưởng tôi là ‘Bắc kỳ 75’ chứ không ngờ là ‘Bắc
kỳ 54’! Dù sao đi nữa, tôi vẫn hãnh diện là Bắc
kỳ 54, có người còn gọi là Bắc kỳ 9
nút (5+4=9 nút) để phân biệt với Bắc
kỳ 2 nút (7+5=2 nút)!
Thành phố sương mù
Không biết một thi sĩ nghiệp dư nào đó làm cả một bài thơ
nói về sự khác biệt trong cách dùng từ giữa hai miền Nam-Bắc:
Bắc bảo kỳ,
Nam
kêu cọ
Bắc gọi lọ,
Nam
kêu chai
Bắc mang
thai, Nam
có chửa
Nam xẻ
nửa, Bắc bổ đôi
Ôi! Bắc quở gầy, Nam
than ốm
Bắc cáo
ốm, Nam
khai bịnh
Bắc định đến muộn, Nam
liền la trễ
Bắc lệ
tuôn trào, Nam
chảy nước mắt
Nam bắc
vạc tre, Bắc kê lều chõng
Bắc nói
trổng thế thôi, Nam
bâng quơ vậy đó
Bắc đan cái rọ, Nam làm giỏ tre,
Nam không
nghe nói dai, Bắc chẳng mê lải nhải
Nam cãi
bai bải, Bắc lý sự ào ào
Bắc vào
ô tô, Nam
vô xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở dù, Bắc lại xoè ô
Điên rồ Nam đi trốn, nguy khốn Bắc lánh
mặt
Chưa chắc Nam nhắc từ từ, Bắc khuyên gượm lại
Bắc là quá
dại, Nam
thì ngu ghê
Nam sợ
ghê, Bắc hãi quá
Nam thưa
tía má, Bắc bẩm thầy u
Nam nhủ ưng
ghê, Bắc mê hài lòng
Nam chối
lòng vòng, Bắc bảo dối quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ bắp, hấp tấp Bắc vặt ngô
Bắc thích
cứ vồ, Nam
ưng là chụp
Nam rờ
bông bụp, Bắc vuốt tường vi
Bắc bảo: cứ véo! Nam :
ngắt nó đi.
Bắc gửi phong
bì, bao thơ Nam gởi
Bắc gọi tiền
đồn, Nam
kêu chòi gác
Bắc hay khoác
lác, Nam
bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam
nói chửi hay
Bắc nấu thịt
cầy, Nam
thui thịt chó
Bắc vén
búi tó, Nam
bới tóc lên
Anh
Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú
Bắc mới tập
bơi, Nam
thời học lội
Bắc đi phó
hội, Nam
tới chia vui
Thui
thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy sướng phê, Nam
rên đã quá
Bắc khoái đi phà, Nam
thường qua bắc
Bắc nhắc môi giới, Nam
liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng
Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo
Bắc nạo
bằng gươm, Nam
thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm,
Bắc thích đùa
Bắc vua
bia bọt, Nam chúa la-de
Bắc khoe “bùi bùi lạc rang”,
Nam “thơm thơm đậu phọng”
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng,
Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét “hổng chịu đèn“,
Bắc vặn mình “em chả”
Bắc giấm chua “cái ả”, Nam
bặm trợn “con kia”
Nam mỉa “tên cà chua“, Bắc
rủa “đồ phải gió”
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng
thừng lá thúi địt
Đến khi Nam địt, Bắc hô đánh rắm
Khi thấm, Nam xách thùng thì
Bắc bê sô
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn
vào hòm
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa: “Cái Lan xinh cực!”
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam
đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới
lâu!
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người – Chương 4: Thời niên thiếu)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
***
3 Comments on Multiply
thahuong82
wrote on Oct 25, '10
Giọng Bắc Kỳ 54 và 75 hoàn toàn khác xa nhau một trời một
vực.
Chất giọng 54 thuần túy của người Thăng Long ngàn năm Văn Hiến, lúc phát âm rất chuẩn trong tiếng Việt và âm thanh trầm, bổng, nặng nhẹ rất hay rất hợp với câu chuyện đang nói. Tôi rất mê giọng Bắc Kỳ 54 nên đã ký bản án chung thân với cô Bắc Kỳ nho nhỏ..
Dân Bắc bây giờ ở Hà Nội còn không tới 25% vì đa số đã di cư họăc đã già và chết, 75% còn lại được du nhập từ ruộng đồng nương rẩy (giai cấp vô sản làm chủ mà) các tỉnh là con, em , bà con của cán bộ "cách mệnh" theo chân bác Hồ vào từ muà thu chết 45, vì vậy chất giọng không còn thuần tuý là dân HN thuở xưa mà THE THÉ nghe rợn người, nghe là biết liền à.
Anh đã nghe nét đặc trưng của Văn Hóa Hà Nôi bây giờ chưa, tóm gọn trong mấy chữ sau: Bún quát, Phở đuổi, Cháo chưởi. Đi ra các hàng quán khắp 36 phố phưòng sẽ biết (nguồn: phóng sự báo Tuổi trẻ)
Nên hảnh diện với giọng Bắc Kỳ 54.
Chất giọng 54 thuần túy của người Thăng Long ngàn năm Văn Hiến, lúc phát âm rất chuẩn trong tiếng Việt và âm thanh trầm, bổng, nặng nhẹ rất hay rất hợp với câu chuyện đang nói. Tôi rất mê giọng Bắc Kỳ 54 nên đã ký bản án chung thân với cô Bắc Kỳ nho nhỏ..
Dân Bắc bây giờ ở Hà Nội còn không tới 25% vì đa số đã di cư họăc đã già và chết, 75% còn lại được du nhập từ ruộng đồng nương rẩy (giai cấp vô sản làm chủ mà) các tỉnh là con, em , bà con của cán bộ "cách mệnh" theo chân bác Hồ vào từ muà thu chết 45, vì vậy chất giọng không còn thuần tuý là dân HN thuở xưa mà THE THÉ nghe rợn người, nghe là biết liền à.
Anh đã nghe nét đặc trưng của Văn Hóa Hà Nôi bây giờ chưa, tóm gọn trong mấy chữ sau: Bún quát, Phở đuổi, Cháo chưởi. Đi ra các hàng quán khắp 36 phố phưòng sẽ biết (nguồn: phóng sự báo Tuổi trẻ)
Nên hảnh diện với giọng Bắc Kỳ 54.
nguyenngocchinh
wrote on Oct 25, '10
thahuong82 said
“Giọng Bắc Kỳ 54 và 75 hòan toàn
khác xa nhau một trời một vực.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh về sự khác biệt giữa giọng Bắc
54 và Bắc 75. Nếu tinh ý, người ta còn có thể nhận ngay sự thay đổi giữa giọng
Hà Nội 54 và giọng Hà Nội ngày nay nữa! Đây là những đề tài văn hóa đã tốn
không ít giấy mực của các học giả... Có điều giọng Hà Nội trước 54 đang dần bị
'thôn tính' vì các điều kiện lịch sử cũng như xã hội! Ta đành chấp nhận vì
không ai có thể thay đổi cả một trào lưu!
caibang9 wrote on
Oct 25, '10
nguyenngocchinh
said “Ta đành chấp nhận vì không ai
có thể thay đổi cả một trào lưu!”
Thôi thì "giết không được, tha làm phúc" anh Chỉnh
nhỉ? huhuhu
Chúc anh vui
Chúc anh vui
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét