Sài Gòn, sáng 30/4/1975, lần đầu tiên dân chúng được chứng
kiến tận mắt xe tăng T-54 từ miền Bắc tiến vào thủ đô VNCH. Trước mắt, nhiều
người sống trong niềm vui từ nay sẽ chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, cũng có
một số người suy nghĩ hay lo lắng đến những gì sẽ xảy ra cho chính họ trong
những năm tháng sau này.
Lần đầu tiên dân Sài Gòn được chứng kiến xe tăng T-54
Sự kiện ngày 30/4/1975 thường được gọi qua nhiều tên, tùy theo
chính kiến và góc độ chứng kiến biến cố của từng người. Nếu là người miền Bắc,
sống dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, 30/4/1975 là “Ngày giải phóng miền Nam ,
Thống nhất đất nước”. Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một
cột mốc quan trọng trong lịch sử đất nước.
Báo chí phương Tây dùng thuật ngữ “Sự sụp đổ của Sài Gòn” (The
Fall of Saigon) để nói về sự chấm dứt sự can thiệp của Hoa Kỳ trong một
cuộc chiến kéo dài được mệnh danh là “Chiến
tranh Việt Nam”.
Nếu là người miền Nam đã di tản ra nước ngoài,
30/4/75 là Ngày quốc hận, là Tháng Tư Đen. Đối với người miền Nam
còn ở lại trong nước, đó là sự Đổi Đời,
một thuật ngữ mới, ý nghĩa tốt hay xấu còn tùy thái độ và hoàn cảnh của từng
người đối với chế độ mới.
Đổi Đời có ý nghĩa
tiêu cực đối với những người đã phục vụ chính quyền Sài Gòn, khi đó được gọi
chung là Ngụy quân – Ngụy quyền. Tuy
nhiên, Đổi Đời lại là tích cực đối
với những gia đình có người thân thuộc hàng ngũ bên kia.
Dù có gọi là gì đi nữa, 30/4/1975 là sự kiện chấm dứt chiến
tranh khi Tổng thống cuối cùng của VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô
điều kiện các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam Việt Nam.
***
Sau khi người Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam, viện trợ quân
sự cho VNCH đã cắt giảm nhiều: tài khóa năm 1973 là 2,1 tỷ USD, năm sau rút
xuống còn 1,4 tỷ và đến năm 1975 chỉ còn 700 triệu. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bày tỏ sự lo ngại về viện trợ của Mỹ cho VNCH:
“Mới vài ngày
trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Y
như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo”.
Về phía Bắc Việt,
trong tập hồi ký Đại thắng Mùa Xuân,
Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết về động cơ thúc đẩy miền Bắc và Quân giải phóng miền Nam mở cuộc tổng tấn
công là do Mỹ đã giảm viện trợ khiến cho kế hoạch tác chiến và xây dựng lực
lượng quân đội Sài Gòn không thể thực hiện theo như ý muốn. Đó là vì… “hỏa lực đã sút giảm gần 60% vì thiếu bom,
đạn; khả năng di động cũng giảm đi 50% vì thiếu máy bay, xe cộ, và nhiên liệu”.
Về phía Mỹ, Tổng
thống Gerald Ford không thuyết phục được Quốc hội Hoa Kỳ chi thêm tiền cho
chiến trường Việt Nam. Đầu năm 1975, hai năm sau khi ký Hiệp định Đình chiến
Paris, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa huy
động gần như toàn bộ lực lượng gần 1 triệu quân để mở cuộc tấn công lớn trên
toàn lãnh thổ miền Nam Việt
Nam.
Tất cả
được bắt đầu từ thị trấn Ban Mê Thuột trên vùng cao
nguyên. Ban Mê Thuột được
miền Bắc chọn làm chiến trường ‘lãnh ấn
tiên phong’ và Ban Mê Thuột cũng mở ra trang lịch
sử cuối cùng của VNCH…
Ban Mê Thuột bị
tấn công ngày 10/3/1975. Thị trấn nhỏ bé này, với diện tích khoảng 370 km², dân
số 300.000 người, bị thất thủ và tạo một ‘chấn
động domino’, phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân đội VNCH và kết quả là
ngày 30/4/1975 toàn bộ miền Nam sụp đổ!
Ban Mê Thuột, thị trấn yên bình
nhưng chính nơi đây lại là khởi đầu của sự sụp đổ
Ngày 23/3/75, Huế rơi vào tay ‘quân giải phóng’ trong khi ở
Đà Nẵng, hàng ngàn dân thường và binh lính tìm cách chạy thoát bằng đường biển
khỏi thành phố đang bị bao vây dưới những trận mưa pháo.
Trong 4 sư đoàn bộ binh của quân lực VNCH, 4 liên đoàn biệt
động quân, lữ đoàn thiết giáp, sư đoàn không quân, và hàng ngàn nhân viên quân
sự và địa phương quân, chỉ có 16.000 người rút khỏi miền Trung. Trong số gần 2
triệu dân thường dồn lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 3, chỉ có hơn 50.000 sơ tán
được bằng đường thủy, 70.000 binh sĩ VNCH còn lại sau bị bắt làm tù binh, 33
máy bay phản lực A-37 còn nguyên vẹn và gần 60 máy bay khác tại căn cứ không
quân Phù Cát cũng bị bỏ lại.
Theo đài BBC (Việt ngữ), Đà Nẵng sụp đổ mà hầu như không có
một trận chạm súng nào. Khi quân Bắc Việt tiến vào thành phố, không thấy binh
sĩ VNCH đóng quanh thành phố chống cự. Các trung tâm phòng thủ còn lại dọc theo
bờ biển cũng nhanh chóng tan vỡ: Quảng Ngãi ngày 24/3, Qui Nhơn và Nha Trang
ngày 1/4 và cảng Cam Ranh ngày 3/4. Gữa lúc người dân miền Nam đang hoang
mang, những thông tin của BBC đã góp phần làm rệu rã tinh thần của những người
cầm súng…
Ngày 23/3/1975: di tản khỏi Đà Nẵng
Trong nửa đầu tháng 4, với Quân đoàn 2 Bắc Việt từ phía bắc
tiến vào và Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên đổ xuống, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định,
Phú Yên, Khánh Hòa lần lượt thất thủ. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 Bắc Việt định đánh
chiếm huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai - tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng của Sài
Gòn - nhưng Sư đoàn 18 của quân lực VNCH đã kháng cự ác liệt để giữ vững được
thị xã. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của VNCH. Trận Xuân Lộc
đã gây thương vong rất lớn cho cả hai bên.
Ngày 17/4, Thượng viện Mỹ từ chối khoản viện trợ khẩn cấp
trị giá 722 triệu đô la mà chính phủ Mỹ đề nghị. Tuy không ai tin rằng viện trợ
Mỹ có thể xoay chuyển tình thế, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và một số người
khác đã hy vọng rằng nó có thể giúp VNCH lấy lại được đủ vị thế về quân sự để
thuyết phục Bắc Việt đàm phán.
Hai ngày sau phán quyết này của Thượng viện, Giám đốc CIA
William Colby nói với Tổng thống Ford: "Nam Việt Nam đang đối mặt với thất bại hoàn
toàn và nhanh chóng". Các chuyến bay di tản do CIA tổ chức đã bắt đầu
đưa các cộng tác viên người Việt ra khỏi Việt Nam , và Sứ quán Mỹ đã bắt đầu đốt
tài liệu mật từ trước đó.
White House
Ngày 22 tháng 3, 1975
Thưa Tổng thống,
Cuộc tấn công hiện nay
của Bắc Việt chống lại quý quốc thật vô cùng xáo trộn khiến riêng cá nhân tôi
lo âu. Theo quan điểm của tôi, thì cuộc tấn công của Hà Nội tượng trưng cho một
sự việc không kém gì sự hủy bỏ Hiệp định Paris
bằng vũ lực.
Biến chuyển này mang
theo không ít hậu quả nghiêm trọng nhất cho cả hai dân tộc chúng ta. Đối với
Ngài và nhân dân Ngài thì đây là lúc hy sinh lớn nhất, nó sẽ quyết đinh chính
số phận quý quốc. Tôi tin tưởng rằng dưới quyền lãnh đạo của Ngài, quân lực và
nhân dân VNCH sẽ tiếp tục công cuộc bảo vệ kiên trì chống lại vụ xâm lược mới
này. Tôi cũng tin tưởng chắc chắn rằng nếu có được sự yểm trợ bổ túc từ bên
ngoài vào thì quý quốc sẽ thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết
của mình.
Riêng đối với Hoa kỳ
thì vấn đề cũng không kém phần cấp bách. Khi hành động như thế này, Hà Nội đang
tìm cách hủy diệt tất cả những gì mà chúng ta đã chiến đấu để thành đạt, với
phí tổn vô cùng to lớn, suốt mười năm qua.
Sự quyết tâm của Hoa
kỳ để yểm trợ một người bạn đang bị các lực lượng [Bắc Việt] với vũ khí hùng mạnh tấn công, hoàn toàn vi
phạm một thoả ước quốc tế [đã được ký kết] long trọng, là một điều hết sức cần thiết.'
Riêng tôi, tôi khẳng
định rằng Hoa kỳ sẽ đứng vững sau lưng Việt Nam Cộng hoà trong giờ phút tối
quan trọng này.
Với mục đích tôn trọng
những nghĩa vụ của Hoa kỳ trong tình thế này, tôi đang theo dõi những biến
chuyển với quan tâm cao độ nhất và đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn
của tôi về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép.
Về việc cung ứng viện
trợ quân sự đầy đủ cho quân đội Ngài, xin Ngài yên tâm là tôi sẽ cố tâm nỗ lực
để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường.
Trước khi chấm dứt,
tôi xin được nhắc lại một lần nữa lòng cảm phục liên tục của tôi đối với quyết
tâm của Ngài và đối với sức bền bỉ và sự anh dũng của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa.
Kính thư,
Gerald R. Ford
***
Ngày 20/4, các thủ tục pháp lý được đơn giản hóa cho việc di
tản người Việt bắt đầu có hiệu lực từ sân bay Tân Sơn Nhất, do tướng Homer
Smith chỉ huy. Máy bay C-130 và C-140 liên tục lên xuống vào ban ngày, công
việc giấy tờ được tiếp tục suốt đêm. Tướng Smith đã phải dùng đến toàn bộ trung
đội Thủy quân lục chiến số 43 của Mỹ để giữ trật tự tại Tân Sơn Nhất.
Leo vào Tòa Đại Sứ Mỹ trước họng súng của TQLC
Ngày 20/4 quân phòng thủ VNCH bỏ Xuân Lộc. Không còn gì để
cứu vãn nữa. Việc bỏ Xuân Lộc khiến Sài Gòn không còn phòng thủ từ xa, quân Bắc
Việt áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi. Sài Gòn được coi như bỏ ngỏ.
Cùng ngày 20/4, Đại sứ Mỹ Martin đến phủ Tổng thống thuyết
phục Nguyễn Văn Thiệu từ chức vì phía Bắc Việt đã liên tục tuyên bố sẽ không
đàm phán với Tổng thống Thiệu. Tối ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu đọc một bài diễn
văn từ chức dài trước Quốc hội, buộc tội Mỹ đã bỏ rơi VNCH. Phó Tổng thống Trần
Văn Hương lên thay nhưng phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam
vẫn không chấp nhận nói chuyện với ông.
Buổi lễ ‘từ nhiệm’ này còn được truyền trên hệ thống phát
thanh và truyền hình cả nước. Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó ngồi nghe ông Thiệu
‘tả oán’ trên TV, bài diễn văn từ nhiệm của ông đượm màu sắc ‘than thân trách
phận’, oán trách người bạn đồng minh đã từng gắn bó với Việt Nam trong suốt
thời gian qua nay bỗng lạnh lùng quay lưng, giũ áo…
Tổng thống Thiệu trao lại quyền lãnh đạo đất nước ‘đang trên bờ vực lâm nguy’ cho Phó tổng
thống Trần Văn Hương. Tân Tổng thống Trần Văn Hương (ông là Tổng thống dân sự
cuối cùng của VNCH với một ‘nhiệm kỳ’ kéo dài đúng 7 ngày) đứng lên đáp từ. Ông
Hương khi đó đã là một ông già lụ khụ với những lời lẽ mộc mạc của một ‘ông giáo làng’, chấp nhận làm Tổng thống
trong cơn dầu sôi lửa bỏng của đất nước.
Thật tình khi nghe ông Hương nói, tôi hoàn toàn mất hết sự
tin tưởng vào việc VNCH có thể đảo ngược thế cờ. Ông Hương, sinh năm 1902 tại
Vĩnh Long, là một nhà giáo có uy tín, trong số học trò của ông có cả Đại tướng
Dương Văn Minh. Bước sang lãnh vực chính trị, ông đã từng 2 lần làm Đô trưởng
Sài Gòn (năm 1955 và năm 1964), 2 lần làm Thủ tướng (cuối năm 1964 và năm
1968)…
Theo tôi, nét nổi bật trong cuộc đời của ông Hương là chọn ở lại Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Năm 1977, ông được chính quyền mới trao
trả ‘quyền công dân’ nhưng ông khước từ và nói rằng ông chỉ
nhận khi tất cả những quân-dân-cán-chính của VNCH cũng được hoàn trả quyền công dân của họ. Vị nhân sĩ yêu
nước, ngay thẳng và trong sạch này mất ngày 27/1/1982, nhằm ngày mồng ba Tết
Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi.
Tại Hà Nội, thời điểm chuyển giao quyền lực giữa Nguyễn Văn
Thiệu và Trần Văn Hương ở miền Nam đã mang một ý nghĩa quyết định trong việc
chấm dứt chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này cho biết: "Chìa khóa là ngày 21/4, khi Thiệu từ chức.
Khi đó tôi biết rằng chúng tôi phải tấn công ngay lập tức, cướp lấy thời cơ…".
Đêm hôm đó, tại sở chỉ huy tiền phương tại Lộc Ninh, cách
Sài Gòn 75 dặm, tướng Văn Tiến Dũng, người trực tiếp chỉ huy các cánh quân miền
Bắc tiến về thành phố, ra lệnh bắt đầu cuộc tổng tiến công. Để đảm bảo áp đảo
chắc thắng, Bắc Việt tung thêm cả Quân đoàn 1 (hay còn gọi là Binh đoàn Quyết thắng) bằng tầu biển và
hàng không vào chiến trường cho trận cuối cùng có tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng tiến công Sài Gòn tương đương 20
sư đoàn với 5 quân đoàn.
Frank Snepp, một
chuyên viên phân tách tình báo cao cấp của cơ quan tình báo Hoa kỳ, tiết lộ
trong cuốn Decent Interval, ngay sau
khi Tổng Thống Thiệu từ chức, Ngoại trưởng Henry Kissinger gởi cho ông Graham
Martin, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn một bức điện. Tiến sĩ Kissinger yêu cầu
ông Đại sứ chuyển lời bày tỏ lòng “kính trọng” của ông đối với vị cựu Tổng
thống Việt Nam Cộng Hòa và đề nghị muốn giúp Tổng thống Thiệu rời khỏi Việt
Nam.
Cũng theo Frank
Snepp, Đại tướng Dương Văn Minh (lúc này chưa có vai trò gì trong chính quyền)
cũng đã góp một phần lớn vào sức ép buộc cựu Tổng thống Thiệu phải rời khỏi
nước. Tướng Minh cho rằng sự có mặt của ông Thiệu làm cản trở tiến trình hòa
bình do ông chủ trương nên ông yêu cầu tướng Charles Timmes phải bằng mọi cách
thúc bách ông Thiệu sớm ra đi.
Xin nói thêm về
Trung tướng hồi hưu Charles Timmes. Ông là sĩ quan chỉ huy toán cố vấn Mỹ đầu
tiên có mặt ở Việt Nam
từ năm 1961. Sau một thời gian ở Việt Nam , ông được tuyển dụng và trở
thành một viên chức cao cấp với nhiều thế lực của cơ quan tình báo Mỹ ở Sài
Gòn. Tướng Timmes quen biết và tiếp xúc với hầu hết các tướng lãnh kể cả Đại
tướng Dương Văn Minh, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ…
Một tiết lộ khác
của Oliver Todd, trong cuốn Cruel April,
Tổng thống Trần Văn Hương triệu hồi Đại Sứ Martin vào dinh Độc Lập. Cụ Hương
nêu ra nhiều lý do và nhấn mạnh với ông Martin là nếu còn có sự hiện diện của
ông Thiệu ở Sài Gòn thì chính quyền do ông lãnh đạo khó có thể tiến hành các
cuộc hòa đàm với phía bên kia. Tổng thống Hương yêu cầu nước Mỹ nhận ông Thiệu
sang sống lưu vong.
Đại sứ Martin rất
phấn khởi trước yêu cầu này. Trước hết, ông không muốn bị mang tiếng về việc ra
đi của ông Thiệu, ông muốn cho dư luận tin rằng đó là sức ép từ các thế lực
trong nước chứ không phải từ phía tòa Đại Sứ Mỹ. Ông Martin hứa: chính quyền Mỹ
sẵn sàng chấp nhận ông Thiệu sang sinh sống ở Hoa Kỳ.
Thiếu tá Nguyễn
Tấn Thận, sĩ quan tùy viên của Đại tướng Trần Thiện Khiêm (khi đó là Thủ
tướng), tiết lộ trong bài Những ngày cuối
cùng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn:
“… Sáng sớm hôm sau là ngày 22 tháng Tư, tướng
Charles Timmes vội vã đến tư dinh Đại Tướng Khiêm xin được tiếp kiến. Đại Tướng
đã tiếp ông hơn nửa tiếng đồng hồ. Rồi ngay chiều hôm đó Đại Tướng Khiêm vào
dinh Độc Lập gặp Tổng Thống Thiệu...
Chúng ta khó biết Đại Tướng Khiêm nói gì với cựu
Tổng Thống Thiệu nhưng sẽ không loại bỏ những gì Tướng Timmes muốn đề nghị lên
ông Thiệu là nên ra đi khỏi nước. Sau này ở hải ngoại Đại Tướng Trần Thiện
Khiêm có cho tôi biết là ngay sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức “cụ Hương muốn
Tổng Thống Thiệu và dượng Tư”[Đại tướng Trần Thiện Khiêm là chú của Thiếu tá tùy viên Nguyễn Văn Thận –
Chú thích của NNC] đi đường biển qua Singapore .
Tiết lộ này trùng hợp với việc Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã yêu cầu ông Hoàng Đức
Nhã qua Singapore gặp ông để thông báo là giới chức Mỹ muốn Tổng Thống Thiệu
phải đi lưu vong ở Singapore hoặc một thủ đô nào của các quốc gia vùng Đông Nam
Á”.
Cuối cùng hai tướng Thiệu và Khiêm lại rời Việt Nam đi Đài
Bắc tối ngày 25/4/1975, trên danh nghĩa đại diện VNCH dự tang lễ tướng Tưởng
Giới Thạch. Danh sách phái đoàn do
cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết tay trình lên Tổng Thống Trần Văn Hương.
Khi viết danh sách, cựu Tổng thống Thiệu muốn Đại Tá Cầm đánh máy, ông này lại
không biết đánh máy nên ông Thiệu đành phải viết tay.
Đến khi có lịnh
của Đại Sứ Martin là phải mang theo máy chữ khi đến nhà Đại Tướng Khiêm, Thomas
Polgar lại quên (!). Thành ra hai văn kiện danh sách phái đoàn của Tổng Thống
Thiệu và tên điền vào mẫu parole
documents (văn kiện tạm cư của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ) đều không đánh máy, mà
phải viết tay.
Kính trình Tổng Thống Trần Văn Hương,
Thưa Cụ,
Để thực hiện công tác cụ giao phó, tôi kính xin cụ
chấp thuận cho những sĩ quan sau đây gọi là thành phần tối thiểu cần thiết để
giúp tôi, đi theo tôi trong suốt thời gian công du:
1. Đại Tá Võ Văn Cầm
2. Đại Tá Nguyễn Văn Đức
3. Đại Tá Nhan Văn Thiệt
4. Đại Tá Trần Thanh Điền
5.Trung Tá Tôn Thất Ái Chiêu
6. Bs Thiếu Tá Hồ Vương Minh
7. Đại Úy Nguyễn Phú Hải [giờ chót không có mặt – Chú thích của NNC]
8. Phục dịch viên Nghị, (binh sĩ) [giờ chót không có mặt – Chú thích của
NNC]
Ngoài ra, Cựu Thủ Tướng Đại Tướng Trần Thiện Khiêm
cũng cần đem theo những sĩ quan và dân sự sau đây:
1. Trung Tá Đặng Văn Châu
2. Thiếu Tá Đinh Sơn Thông
3. Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận
4. Ông Đặng Vũ [giờ chót không có mặt]
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm nhờ tôi trình cụ chấp
thuận ./.
Kính chào Tổng Thống
(ký tên Thiệu)
Tổng Thống Trần Văn Hương phê thuận,
Đề ngày 25/4/75
Ký tên Trần Văn
Hương
Trang tài liệu viết tay của cựu TT Nguyển văn
Thiệu
trình TT Trần văn Hương ngày 25/4/1975
Frank Snepp kể
lại chuyến lưu vong Đài Bắc của hai tướng Thiệu-Khiêm ngày 25/4/1975 trong Decent Interval:
“Khoảng 8 giờ 30, bốn người chúng tôi đi trên
ba xe đến Bộ Tổng Tham Mưu của Nam Việt Nam nằm bên ngoài Tân Sơn Nhứt. Khiêm
có nhà riêng ở đây. Joe và tôi giấu vũ khí dưới chỗ ngồi. Chúng tôi lo sợ một
việc không lành có thể tái diễn vụ ám sát anh em ông Diệm trước đây… trên đường
đi nếu có những sĩ quan trẻ Việt Nam chận chúng tôi lại, ra lịnh cho chúng tôi
xuống xe và… định hạ thủ…”
Nguyễn Tấn Thận
kể lại:
“… Tổng Thống Thiệu, Đại Tướng Khiêm, Polgar,
Timmes cùng ra xe. Đại Tướng Khiêm ngồi xe trước với ông Polgar. Tổng Thống
Thiệu ngồi xe sau với tướng Timmes; ông ngồi giữa tướng Timmes và Đại Tá Đức,
Trung Tá Chiêu ngồi ghế trước với tài xế là ông Frank Snepp. Chúng tôi chia
nhau vào hai xe còn lại… Đoàn xe bắt đầu chạy hướng về cổng chánh Bộ Tổng Tham
Mưu, vừa ra khỏi cổng thì quẹo phải, đi thẳng vào cổng phi trường Tân Sơn Nhứt.
Đoàn xe chạy vòng qua khu dành riêng cho hãng Air
America của cơ quan tình báo Mỹ. Khi sắp tới đường băng, tất cả xe đều tắt đèn,
di chuyển trong bóng đêm. Sau đó bóng một chiếc máy bay lù lù hiện ra dưới chân
trời nhờ đèn trong buồng máy cháy sáng, một loại máy bay giống như DC6.
Khi tới gần chiếc máy bay, đoàn xe bất thần thắng
gấp vì thấy có bóng người. Xe thứ hai ủi tới suýt đụng vào xe đi trước vì trời
tối. Hai xe sau tạt qua hai bên hông xe Tổng thống Thiệu. Chiếc xe tôi ngồi vừa
thắng gấp vừa bẻ tay lái kêu nghe ken két. Một cuộc biểu diễn ngoạn mục. Dù đó
là do sắp xếp hay chỉ là một “tai nạn” nhưng dưới con mắt an ninh, họ là những
thành phần phải được liệt vào hàng các tay bảo vệ yếu nhân chuyên nghiệp.
Xe Tổng thống Thiệu bị bao vây bởi ba chiếc xe
Chevrolet to lớn. Xa xa trong bóng đêm, xung quanh chúng tôi xuất hiện có nhiều
người Mỹ vạm vỡ, vận thường phục, súng M16 dựng đứng bên hông trong thế tác
chiến… Chúng tôi tông cửa xe, bước xuống mau. Tổng thống Thiệu đi trước, Đại
tướng Khiêm theo sau, rồi Polgar, Timmes. Chúng tôi nối đuôi theo sau.
Hình ảnh ông Đại Sứ Graham Martin – một quan Khâm
sai của Đại Vương quốc Hoa Kỳ – hiện ra tại chân cầu thang máy bay như một vị
thần hộ mạng, giống với hình ảnh ông thần miễu Ông Tà ở Ô Môn quê tôi mà hồi
nhỏ tôi đã tưởng tượng ra: đôi mắt xanh, tóc bạc trắng, hai tay dài lòng thòng…
ai cũng phải sợ.
Tổng thống Thiệu bắt tay ông Đại Sứ. Hai bên trao
đổi mấy lời. Tất cả leo lên mau. Tổng thống Thiệu, Đại tướng Khiêm, tướng
Timmes vào buồng danh dự. Tại đây có bốn ghế bành bọc vải trắng (Sau nầy mới
biết đó là máy bay riêng của Đại Sứ Martin). Đại Sứ Martin vào tận buồng máy
nói vài lời tiễn biệt rồi vội vã rời máy bay. Chúng tôi mạnh ai nấy tìm chỗ
ngồi ở các hàng ghế phía sau.
Vào thời điểm này, Trung tá Nguyễn Văn Phú Hiệp là
phi công chiếc máy bay Air Việt Nam 727 có lịnh ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng,
chỉ dành riêng cho Tổng thống Thiệu sử dụng. Trung tá Hiệp trước kia là Trưởng
phi hành đoàn trực thăng Phủ Tổng Thống. Anh Hiệp, giờ chót không đi được, sau
nầy chết trong trại tù Cộng Sản.
Cũng vào thời gian nói trên, một vài đơn vị trưởng
các đơn vi phòng thủ Thủ Đô, và các đơn vị đóng quân gần khu vực phi trường Tân
Sơn Nhứt được nghe dư luận đồn đãi là có người rỉ tai: “Ông Thiệu sẽ dùng Air
Việt Nam để ra khỏi nước. . .”
Khi tất cả chúng tôi ngồi vào chỗ rồi thì Tổng
Thống Thiệu từ phía trước bước ra sau chỗ chúng tôi. Ông đứng giữa hai hàng ghế
với khuôn mặt không còn giống như hồi ở nhà Đại tướng nữa. Nét nghiêm nghị như
giận dữ hiện rõ trên khuôn mặt như tôi đã từng chứng kiến nhiều lần trước kia.
Các sĩ quan làm việc quanh ông đôi khi phải đón nhận những phản ứng dữ dội từ
ông, thay cho các đối tượng mà ông vì cần phải giữ hòa khí ở một mức độ có thể
coi được, ông thường “giận cá chém thớt” và hay “phang nhầm” chúng tôi.
Với cái nhìn sáng quắc, mặt đỏ gay, Tổng Thống
Thiệu gằn từng tiếng: “Nè, các chú nhớ là không được nói gì hết. Có ai hay báo
chí hỏi thì trả lời là không biết gì hết! Nghe chưa!” Nói xong ông liền trở về
phía trước…
Đúng 9 giờ 15 phút, giờ Sài-gòn, buồng máy máy bay
tắt đèn. Phi cơ từ từ lăn bánh ra phi đạo, đem theo hai vị lãnh tụ quốc gia,
một tướng lãnh Mỹ và 9 “quan” tùy tùng, hộ vệ! Chiếc phi cơ lượn một vòng trên
bầu trời “đen tối” của không phận Sài Gòn, rồi hướng về biển Đông…
Tôi bật người ra thành ghế, hít một hơi thở thật
dài, nhắm mắt lại; hai dòng lệ từ từ lăn xuống má… Xin giã biệt quê hương… tạm
biệt mọi người thân…”
Ngày 14/4/1975:
TT Nguyễn Văn Thiệu
tuyên bố từ chức sau 10 cầm quyền
***
17 giờ ngày 26/4, Chiến
dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn công: (1)
hướng Bắc với Quân đoàn 1; (2) hướng Tây Bắc với Quân đoàn 3; (3) hướng Tây và
Tây Nam với Đoàn 232; (4) hướng Đông với Quân đoàn 4 và (5) hướng đông nam với
Quân đoàn 2. Ngày 27/4, Sài Gòn chịu 3 loạt hỏa tiễn của Bắc Việt, lần đầu tiên
trong hơn 40 tháng, làm nhiều người chết và bị thương và nhà cửa đổ nát.
Tại mặt phía Nam của Sài Gòn, ngay từ ngày 28/4, Bộ Tư lệnh
Biệt khu Thủ Ðô không còn quân trừ bị để phòng thủ. Họ buộc phải rút 1 liên
đoàn Biệt Ðộng Quân đang hành quân về quận lỵ Cần Đước và đặt dưới quyền điều
động của Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ Ðô. Liên tỉnh lộ nối liền Chợ Lớn và Cần Đước
cũng bị cắt nhiều đoạn nên các lực lượng VNCH không thể phá vỡ được các chốt
chận của địch tại cầu Nhị Thiên Đường vốn đã bị chiếm từ rạng sáng ngày
29/4/1975.
Các đơn vị Nhảy Dù phòng ngự tại phòng tuyến khu vực từ ngã
tư Quân Vận (gần Trung tâm Huấn luyện Quang Trung) đến cầu Tham Lương, Bà Quẹo,
khu Bình Thới-Ngã ba Bà Quẹo, khu Bảy Hiền-Lăng Cha Cả đã cố gắng ngăn chận đối
phương. Một chiến đoàn thuộc Liên Ðoàn 81 Biệt cách Nhảy dù tại vòng đai Bộ
Tổng tham mưu do Thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy đã dàn quân và từ 8 giờ sáng
đến 10 giờ sáng, chiến đoàn này đã bắn cháy 6 chiến xa và đánh bật địch ra khỏi
trận địa. Đến cuối ngày 28/4 tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng, quân
Bắc việt có thể đi ngay vào thành phố.
Xác T-54 trên đường Trương Minh Giảng, gần Lăng Cha Cả
Vào đúng 5 giờ chiều ngày 28/4/1975, tại phòng Khánh Tiết
dinh Độc Lập, Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền lãnh đạo đất nước cho đại
tướng Dương Văn Minh qua cuộc dàn xếp của các lực lượng chính trị thứ ba. Bên ngoài, trời bắt đầu đổ mưa, sấm
chớp ầm ầm và thủ đô Sài Gòn đang sống trong một buổi chiều u ám chẳng khác nào
hoàn cảnh âm u của đất nước.
Dưới đây là
bản ghi chép từ băng ghi âm tường thuật trực tiếp buổi lễ bàn giao của phóng
viên Đài phát thanh Sài Gòn:
« Thưa quý thính giả, bây giờ là 17 giờ thiếu
5 phút, và phóng viên hệ thống truyền thanh vẫn có mặt tại phòng khánh tiết
Dinh Độc Lập. Nơi đây, buổi lễ bàn giao Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa sẽ diễn ra
trong vòng năm phút tới. Bên trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập hiện giờ đèn
sáng choang và các dân biểu, nghị sĩ, cũng như tất cả nội các, xử lý thường vụ
của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn hiện có mặt bên trong hội trường này.
Thưa quý vị thính giả, chúng tôi đã nhận thấy ở
trên hàng ghế đầu cùng là Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng Nguyễn Văn
Hảo, Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, quý vị cố vấn đoàn trong đoàn chính phủ.
Chúng tôi cũng nhận thấy Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm Trưởng phái đoàn
Hòa đàm tại Ba Lê là ông Nguyễn Xuân Phong ngồi ở hàng ghế thứ nhì… ».
Xin nói
thêm về ông Nguyễn Xuân Phong, người đã ở lại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 để rồi
sau đó đi học tập cải tạo. Đến khi được ra trại, ông Phong về Trung tâm Nghiên
cứu Dịch thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh để hằng đêm đi dậy các lớp tiếng Anh
tại các trường ở Sài Gòn như đám cựu giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội chúng
tôi.
Ông Phong
là một con người nhã nhặn, ít nói nhưng rất thân thiện với các giáo viên đồng
cảnh ngộ. Dù sao đi nữa, ông vẫn còn ‘sang’ hơn cánh giáo viên như chúng tôi vì
ông có chiếc mobylette trong khi các thầy khác vẫn đạp xe cọc cạch đến lớp hàng
đêm tại trường Lê Quý Đôn.
Nếu không
biết quá khứ của ông Phong, người ta không thể nào ngờ ông thầy chuyên dạy các
lớp luyện dịch đó đã từng là Quốc vụ khanh đặc biệt, đại diện của VNCH trong
vai trò trưởng đoàn đàm phán tại Paris. Cuối cùng thì người thầy khiêm tốn đó
cũng giã từ các lớp đêm để đi định cư tại nước ngoài.
Trở lại với
buổi tường thuật trực tiếp lễ bàn giao chức vụ Tổng thống của Đài phát thanh
Sài Gòn:
« … Như quý vị thính giả đã biết, đất nước
chúng ta đã trải qua một chuỗi dài đau thương của lịch sử, và kể từ ngày nguyên
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui khỏi Kontum và Pleiku, những chuỗi
ngày đen tối tiếp theo nhau và đã đưa đến khung cảnh chính trị và quân sự rất u
ám hiện tại.
Như quý vị đã biết, vào thứ Hai 21 tháng 4, tức
là cách đây một tuần, nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã
từ chức cũng ngay tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này, và anh bạn phóng viên
của chúng tôi cũng đã trực tiếp truyền thanh hầu quý vị buổi lễ từ chức lịch sử
đó. Phó tổng thống Trần Văn Hương, theo hiến pháp, đã lên đảm nhiệm chức Tổng
thống Việt Nam Cộng Hòa và nếu tính đến ngày hôm nay thì Tổng thống Trần Văn
Hương giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia được đúng bảy ngày.
Và hôm nay là ngày 28 tháng 4, Tổng thống Trần
Văn Hương với sự chuẩn chấp của Quốc Hội lưỡng viện, sẽ trao quyền Tổng thống
Việt Nam Cộng Hòa cho Đại tướng Dương Văn Minh trong một vài phút tới đây. Tổng
thống Hương đã được Quốc Hội chỉ thị tìm kiếm đường lối và biện pháp vãn hồi
hòa bình, mà rồi thì ông đã giao trách nhiệm đó cho Quốc Hội để tìm kiếm người
thay ông có thể tìm thấy đường lối và biện pháp vãn hồi hòa bình cho miền Nam
Việt Nam.
Nghị quyết ngày 26 tháng 4-1975 của lưỡng viện
Quốc Hội đã quyết định như vậy, và ngày hôm sau, Quốc Hội lưỡng viện một lần
nữa họp khoáng đại và bỏ thăm với số phiếu đa số tuyệt đối chấp thuận Tổng
thống Trần Văn Hương trao quyền Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng
Dương Văn Minh. Nói như vậy có nghĩa là Hiến Pháp đã có một vài điều khoản
không được thi hành nữa...
Đúng 5 giờ
chiều, với lối hành văn mộc mạc vốn có, Tổng thống Trần Văn Hương tuyên
bố:
« … Bữa nay là cái ngày đã từ
lâu rồi quý vị phải có, mà ngày nay đã có, tức là đã đáp ứng được nguyện vọng
của tôi từ lâu rồi. Khi Tổng thống tiền nhiệm
trao nhiệm vụ cho tôi, tôi vẫn biết sức già, dầu muốn dầu không, tuổi trời đã
cao, sức lực đã mòn, tức nhiên là không thể nào đảm trách được một nhiệm vụ lớn
lao trong khi mà nước nhà đã trải qua một buổi khó khăn vô cùng không thể tưởng
tượng được. Bởi vậy cho nên trong lòng tôi vẫn mong mỏi rằng dầu thế nào cũng
phải có được một người ra lãnh cái trách nhiệm này để lo cho việc nước. Gọi là
cú vét phần nào, cái gì gọi là quyền lợi, cái gì gọi là danh dự của nước Việt
Nam Cộng Hòa chúng ta.
… Thưa
với Đại tướng, dù muốn dù không, một chương lịch sử đã dở qua rồi, những chương
sẽ viết tới đây sẽ do nơi tay của Đại tướng. Mà bây giờ có hỏi ngay ra rằng Đại
tướng sẽ viết những gì, tôi thấy là Đại tướng cũng băn khoăn, không thể trả
lời. Nhưng tôi biết rằng với thiện chí của Đại tướng đã sẵn có, thế nào việc
làm sau này không đến nỗi phải phụ lòng tin cậy của tất cả đồng bào, của quốc
hội đã hoàn toàn đặt nơi Đại tướng.
Thủ tướng Trần Văn Hương lên nắm quyền
sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi
Đường đi nó có khác, nó đã khác, bởi vì triều đại
đã thay đổi. Chúng ta bây giờ không nghĩ là phải luôn luôn đổ xương máu. Chúng
ta không phải nghĩ là chúng ta phải đánh tới người chiến sĩ cuối cùng, viên đạn
cuối cùng, khi mà còn một biện pháp nào, một giải pháp nào có thể đem lại hòa
bình mà không đến nỗi tổn thương quá sức danh dự của nước nhà. Bởi vậy cho nên
đường lối có lẽ là ở trong khuôn khổ đặt sẵn như thế đó.
Thưa với Đại tướng, nhiệm vụ của Đại tướng rất là
nặng, khi Đại tướng ra gánh vác chuyện này, tôi thấy rõ ràng là Đại tướng chẳng
những có một thiện chí không mà thôi, Đại tướng còn phải có những can trường gì
mới dám đảm nhận như vậy, và tôi cũng mong mỏi thế nào cho Đại tướng thành
công. Vả lại, đặt lại vấn đề, giải pháp chiến đấu để giữ giải pháp dung hòa, ôn
hòa, nghĩa là quên hết tất cả những gì gọi là căm thù để đem lại trước hết sự
hòa giải, hòa hợp, rồi tới hòa bình để cùng nhau sống yên, mưu đồ chuyện tái
tạo nước nhà. Theo ý tôi nghĩ, con đường là con đường đó.
Thưa với Đại tướng, xóa hận căm thù không phải là
căm thù đối với ở ngoài, mà tôi cũng xin phép nói là chúng ta cũng nên xóa căm
thù tất cả những gì gọi là căm thù ở trong. Trước kia có lẽ những chỗ sai biệt
đâm ra nếu là người Việt Nam thành thật thương nước, thì tất nhiên người đó dù
muốn dù không cũng phải lo cho nước, yêu nước. Nhưng tiếc có một nỗi đồng sàng
mà có nhiều khi dị mộng, cho nên nghĩ như vậy mà cái lòng nó nghĩ khác nhau.
Việc làm khác nhau, nên sanh ra xích mích, sanh ra đến cái chỗ có thể gọi là
căm thù, thì tôi thành khẩn yêu cầu Đại tướng bao nhiêu những việc gì có thể
gọi là căm thù nội bộ, Đại tướng vui lòng ráng thế nào xóa bỏ hết. Vả lại trong
bộ máy của chế độ, đều có những người phụng sự cho chế độ đó. Nếu chế độ kế
tiếp mà còn nghĩ đến những việc trước, tìm ra chuyện ân oán giang hồ, gây
chuyện căm thù nữa, thì những người bất kỳ ở chế độ nào, tôi nghĩ làm sao mà
dám tận tâm với chế độ đó khi nghĩ đến chế độ sau này có thể trả thù trả oán.
Cái chỗ mong mỏi của tôi là như thế, và tôi cũng
hết sức thành khẩn yêu cầu Đại tướng nên nghĩ về tiền đồ của nước nhà, nên nghĩ
về sinh mạng, sống còn của đất nước này, làm thế nào cho việc hòa giải khởi sự
trước ở trong nước này trước khi ra tới ngoài.
Còn một điểm nữa có lẽ là điểm chót. Tất nhiên là
Đại tướng sẽ ráng hết sức mình mà làm, nhưng tôi cũng nhìn nhận lòng mình dẫu
có thiện chí đến đâu nhưng sức mình nó có hạn. Đại tướng cũng là người, Đại
tướng không phải là một vị thiêng liêng nào có phép màu cho nên chỉ phán một
lời là mọi chuyện đâu đấy như ý muốn được. Tất nhiên là Đại tướng phải ráng
sức, chuyện mà Đại tướng ráng sức mà thành công hay không thành công, đó là một
việc tôi tưởng phần lớn không phải tùy nơi Đại tướng. Nhưng nếu Đại tướng thành
tâm vì nước để lo cho nước, ráng vãn hồi hòa bình lại để dân được sống yên, làm
thể nào cho máu đừng đổ, thịt đừng rơi, thì cái công của Đại tướng đối với hậu
thế sẽ lưu lại đời đời. Dầu thế nào, tôi thiết nghĩ rằng không bao giờ mà đất
nước này người ta có thể quên Đại tướng. Tôi xin cám ơn quý vị. (vỗ tay)
Sau khi nguyên
Tổng thống Trần Văn Hương đọc bài diễn văn trao nhiệm, một sĩ quan đã gỡ huy hiệu Tổng thống hai con rồng
bay và thay vào đó huy hiệu Tổng thống mới là hình hoa mai năm cánh. Tân Tổng
thống, Đại tướng Dương Văn Minh, bước lên diễn đàn, ông gọi cựu Tổng thống
Hương là Thầy:
Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa Thầy,
Qua những lời của thầy làm cho tôi rất cảm kích.
Thầy đã ghi nhận tình thế quân sự cũng như mọi mặt bi đát, làm cho tôi phần nào
yên tâm vì cái sự khó khăn mà tôi gặp phải. Những lời khuyên dạy của thầy hôm
nay tôi sẽ ghi mãi trong lòng và thầy hãy yên tâm.
Chúng tôi đã lâu nay thấy không còn giải quyết vấn
đề của chúng ta bằng võ lực không, mà không có kèm theo một giải pháp chính trị
nào thì không thành công. Vì đó, anh em chúng tôi đã mấy năm nay, thảo luận tìm
được giải pháp chúng tôi đã chọn lựa, giải pháp hòa giải dân tộc.
Nói như thế để thầy yên tâm. Nếu có hận thù thì không thể lấy hận thù ra
mà trả đối với tất cả mọi ai. Chúng tôi đã chủ trương hòa giải với đối phương,
không lý do nào chúng tôi không hòa giải được với anh em một nhà. Thầy cứ yên
tâm. Tôi xin hứa với thầy.
Với tinh thần đó, với tất cả thiện chí và ý thức
trách nhiệm, với ý muốn trân trọng phục vụ đất nước và nhân dân, tôi xin nhận
trách vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Xin cám ơn Tổng thống. (vỗ tay)
Nhân dịp này tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể
quý vị và đồng bào, là tôi đã mời luật sư Nguyễn Văn Huyền, vốn Chủ tịch Thượng
Viện, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thống (vỗ tay) và
giúp tôi về vấn đề hòa đàm. Luật sư Nguyễn Văn Huyền đã chấp nhận (vỗ tay). Tôi xin long trọng giới thiệu Phó tổng
thống Nguyễn Văn Huyền (vỗ tay).
Tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể quý vị và
đồng bào rằng tôi đã mời Giáo sư Nghị sĩ Vũ Văn mẫu đảm nhận chức vụ Thủ tướng
chánh phủ và giáo sư Vũ Văn Mẫu đã chấp nhận (vỗ tay).
Xin long trọng giới thiệu Thủ tướng Vũ Văn Mẫu (vỗ tay).
Sau đây tôi xin phép trả lời cùng đồng bào quốc
dân.
Đồng bào thân mến, trong những ngày qua, trước
tình thế cực kỳ nghiêm trọng, nhiều đoàn thể, tôn giáo muốn tôi đứng ra thành
lập một chánh phủ mới. Tổng thống Trần Văn Hương chiếu các quyết nghị ngày 26
và 27 tháng 7-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định trao quyền tổng thống
lại cho tôi. Tôi đã nhận trách nhiệm đó. Sứ mạng giao phó cho tôi rất là rõ
rệt:
1. Đạt tới thỏa hiệp
ngưng bắn càng sớm càng tốt.
2. Thương thuyết một
giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định Paris để
chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.
…Tôi
tin tưởng sẽ thành lập được một chánh phủ như vậy trong thời gian ngắn nhất có
thể mở lại một hòa đàm với chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam . Nhận lãnh trách nhiệm trong
những giờ phút khẩn trương này, tôi chỉ có một ý muốn duy nhất là đóng góp phần
của tôi vào sự nghiệp hòa giải của dân
tộc. Tôi gọi đó là sự nghiệp của dân tộc. Vì hòa giải chỉ có thể thành tựu khi mọi đoàn thể, mỗi cá nhân dứt khoát
chấp nhận con đường hòa giải và dấn bước lên con đường đó với tất cả thiện chí
của mình. Đó là điều mà tình thế đang đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta.
Những ngày sắp tới sẽ vô cùng cam go. Tôi không
hứa hẹn nhiều với đồng bào, nhưng trong ngắn hạn, chính phủ sẽ hết sức cố gắng và ổn
định các sinh hoạt kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào, cứu trợ
nạn nhân chiến thuật, chính phủ bảo đảm tôn trọng các quyền tự do dân chủ được
xác định căn bản bởi tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và với điều 11 của Hiệp Định
Paris.
…Một
trong những biện pháp đầu tiên là trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý
do chính trị và chấm dứt chế độ kèm kẹp báo chí. Quan trọng hơn hết, chính phủ hòa giải hòa hợp, và riêng
tôi sẽ làm hết sức mình để đạt tới một giải pháp hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền
sống của mọi thành phần dân tộc và các quyền tự do căn bản của mọi công dân. Sự
thành công của chính phủ sẽ tùy thuộc một phần lớn nơi sự bình tĩnh, sáng suốt
của đồng bào, nơi sự hỗ trợ tích cực mà đồng bào sẽ dành cho chính phủ.
Anh em chiến sĩ thân mến,
Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời trong hàng ngũ
của anh em. Hơn ai hết, tôi thông cảm tất cả những gì mà anh em đã phải gánh
chịu trong những tuần lễ bi thảm vừa qua, và giờ đây trang sử cũ sắp lật qua,
anh em đứng trước một nhiệm vụ mới, bảo vệ phần đất còn lại, bảo vệ hòa bình.
Anh em phải giữ vững tinh thần, anh em phải giữ vững hàng ngũ, anh em phải giữ
vững vị trí để hoàn thành nhiệm vụ đó (vỗ tay).
Khi nào có lệnh ngưng bắn, anh em phải thi hành
nghiêm chỉnh, điều hành sẽ đúng với các điều khoản các hiệp định Paris gìn giữ
trật tự an ninh trên phần đất của mình, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng
bào, không bỏ súng, không bỏ ngũ. Trong mọi trường hợp, một cách tuyệt đối thi
hành chỉ thị của cấp trên. Mọi hành vi vô kỷ luật sẽ bị nghiêm trị ngay tức
khắc, giữ vững tinh thần, giữ vững hàng ngũ, tôn trọng kỷ luật và góp phần lớn
vào công cuộc vãn hồi nhanh chóng hòa bình.
Tôi cũng yêu cầu các công chức, cán bộ, và lực
lượng cảnh sát tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình và canh phòng cẩn mật, không
cho ai phá hoại.
… Sau
đây, tôi có đôi lời gửi đến Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt
Nam và những người anh em ở bên kia.
Chúng tôi thành thật
muốn hòa giải. Anh em biết rõ điều đó, hòa giải đòi hỏi các thành phần dân tộc phải tôn trọng quyền sống của
nhau, đó là tinh thần của hiệp định Paris. Anh em đã luôn luôn chủ
trương thi hành hiệp định Paris và chúng tôi cũng đã luôn luôn chủ trương như
vậy. Căn cứ trên hiệp định này, chúng ta hãy ngồi lại với nhau, để cùng nhau
tìm một giải pháp có lợi nhất cho tổ quốc Việt Nam và cho nhân dân miền Nam. Để
biểu dương thiện chí của đôi bên và để chấm dứt nhanh chóng sự đau khổ của binh
sĩ và nhân dân, tôi đề nghị chúng ta ngưng tức khắc các cuộc tấn công lẫn nhau (vỗ tay).
Tôi mong anh em chấp nhận đề nghị này và cuộc
thương thảo sẽ khởi sự liền sau khi chính phủ được thành lập để hòa bình sớm
được vãn hồi trên đất nước thân yêu của chúng ta.
Đồng bào thân mến,
Trong những ngày qua, đồng bào đã hoang mang lo sợ
trước những diễn tiến của tình hình, nhiều người đã âm thầm ra đi. Tôi muốn nói
với tất cả đồng bào, đất nước này là quê hương của chúng ta, hãy cương quyết và
can đảm ở lại, giữa thân bằng quyến thuộc, mồ mả ông bà tổ tiên ở lại, để cùng
với chúng tôi, cùng với tất cả những người có thiện chí, xây dựng một miền Nam
mới cho các thế hệ tương lai.
Một miền Nam độc lập, dân chủ, tự do, thịnh vượng,
trên đó người Việt sẽ được sống an lành với người Việt trên tình huynh đệ (vỗ tay).
Xin cám ơn đồng bào (vỗ tay).
Đại tướng Dương
Văn Minh nhậm chức
Tổng thống VNCH
ngày 28/4/1975
***
Những tiếng
vỗ tay trong cuốn băng ghi âm buổi lễ bàn giao chức vụ Tổng thống cuối cùng của
VNCH có lẽ cũng là những tiếng vỗ tay chào mừng thắng lợi của phe thứ ba: Hòa
hợp và Hòa giải Dân tộc. Những tiếng vỗ tay đó cũng đã tắt lịm vào ngày
30/4/1975 vì chính quyền mới hoàn toàn không chấp nhận: Chỉ có chuyện Đầu Hàng chứ không có chuyện Hòa Giải.
Một thất
bại cuối cùng không kém phần ê chề trong một chuỗi thất bại của VNCH dẫn đến
việc khai tử một quốc gia!
- Video clip: "Một ngày để nhớ":
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
***
17 Comments on Multiply
chackadao wrote
on Apr 19, '11
My rut quan 1972, chi 2 nam sau 1975 mat nuoc. Nguyen V
Thieu vien co My rut vien tro dua den mat mien Nam la khong the chap nhan duoc. So
sanh voi Cong san ton tai 35 nam sau khi Lien Xu sup do, Cong San cung bi cat
vien tro, vay 35 nam qua Nguyen Van Thieu luu vong, khong lam duoc cai coc kho
gi cho dat nuoc, chet tren xu nguoi.
scommando wrote
on Apr 19, '11
chackadao said “My rut quan 1972, chi 2 nam sau
1975 mat nuoc. Nguyen V Thieu vien co My rut vien tro dua den mat mien Nam la
khong the chap nhan duoc. So sanh voi Cong san ton tai 35 nam sau khi Lien Xu
sup do, Cong San cung bi cat vien tro vay
35 nam qua Nguyen Van Thieu luu vong, khong lam duoc cai coc kho gi cho dat nuoc, chet tren xu nguoi”.
35 nam qua Nguyen Van Thieu luu vong, khong lam duoc cai coc kho gi cho dat nuoc, chet tren xu nguoi”.
Vậy cái thân của chackadao có làm được cóc khô gì cho đất
nước chưa mà đi khinh chê tổng thống Thiệu? Hay chỉ biết tạo 1 cái blog trống
để đi rình mò khắp các blog, báo thông tin về cho "chủ"?
chauxuannguyen
wrote on Apr 21, '11
scommando said “Vậy cái thân của chackadao có
làm được cóc khô gì cho đất nước chưa mà đi khinh chê tổng thống Thiệu? Hay chỉ
biết tạo 1 cái blog trống để đi rình mò khắp các blog, báo thông tin về cho
"chủ"?”
Hoan hô bạn scommando !!!
Thân ái,
Chau Xuan Nguyen
Thân ái,
Chau Xuan Nguyen
bayhoang79
wrote on Apr 20, '11
Anh Chính Ơi! Nhắc tới ngày Quốc Hận 30 tháng 4 là chúng tôi
không bao giờ có thể quên được! Có biết bao kỷ niệm đau thương đã xảy ra sau
cái ngày đó, nói không hết! Nhưng cũng nhờ cái ngày đó mà dân tộc Việt chúng ta
được di cư tới một nước Tự Do Dân Chủ nhất Thế Giới!
andropause
wrote on Apr 20, '11
Bài review rất xúc tích. Anh Chinh chắc phải tham khảo nhiều
để viết bài này? Ngày 30/4 thật là một ngày không thể quên đối với cả hai phía.
nam64 wrote on Apr
21, '11, edited on Apr 21, '11
Cho em Ròm này xin bài này về nha, để gom chung vào những
tài liệu của Ròm từng sưu tầm được trên mạng. Cám ơn anh nhiều.
nguyenngocchinh
wrote on Apr 21, '11
nam64 said “Cho em Ròm này xin bài này về
nha, để gom chung vào những tài liệu của Ròm từng sưu tầm được trên mạn .Cám ơn
anh nhiều.”
It's OK, Nam
Ròm.
trangluong
wrote on Apr 21, '11
Cám ơn anh đã góp thêm một cái nhìn về ngày lịch sử tang
thương này!
Xin gởi một vòng hoa tang khó cho những người nằm xuống và những nạn nhân của ngày 30.4.75
Xin gởi một vòng hoa tang khó cho những người nằm xuống và những nạn nhân của ngày 30.4.75
chauxuannguyen
wrote on Apr 21, '11, edited on Apr 21, '11
trangluong said
“Cám ơn anh đã góp thêm một cái
nhìn về ngày lịch sử tang thương này!
Xin gởi một vòng hoa tang khó cho những người nằm xuống và những nạn nhân của ngày 30.4.75”
Xin gởi một vòng hoa tang khó cho những người nằm xuống và những nạn nhân của ngày 30.4.75”
Xin gởi một vòng hoa tang khó cho những người nằm xuống và
những nạn nhân từ ngày 20.07.1954 đến ngày 30.4.75. Sửa bạn Trang Lương 1 tí
cho đầy đủ... Muốn đầy đủ hơn thì.... Xin gởi một vòng hoa tang khó cho những
người nằm xuống để bảo vệ nền tự do dân chủ phôi thai của người VN chúng ta và
những nạn nhân từ ngày 20.07.1954 đến ngày 30.4.75.
trangluong
wrote on Apr 21, '11
Ai muốn gởi hoa cho ai thì gởi mà bác CXN!
chauxuannguyen
wrote on Apr 21, '11
trangluong said
“Ai muốn gởi hoa cho ai thì gởi
mà bác CXN!”
Chào bạn Trang Luong,
Đồng ý 100%, đó là ý nghĩa của tự do,
Thân ai,
Chau Xuan Nguyen
Happy Easter
Đồng ý 100%, đó là ý nghĩa của tự do,
Thân ai,
Chau Xuan Nguyen
Happy Easter
ks2083 wrote on Apr
22, '11
Cám ơn anh. Bài viết làm tôi sống lại những ngày tháng đầy
biến cố của 36 năm về trước, tưởng như một khúc phim chậm, rõ ràng từng nét một
với những nỗi đau xót, kinh hoàng của một người vừa bị mất quê hương, một mất
mát lớn lao không gì bù đắp lại được.
Chúc anh một lễ Phục Sinh an bình.
Chúc anh một lễ Phục Sinh an bình.
chauxuannguyen
wrote on Apr 22, '11
ks2083 said “Cám ơn anh. Bài viết làm tôi
sống lại những ngày tháng đầy biến cố của 36 năm về trước, tưởng như một khúc
phim chậm, rõ ràng từng nét một với những nỗi đau xót, kinh hoàng của một người
vừa bị mất quê hương, một mất mát lớn lao không gì bù đắp lại được.
Chúc anh một lễ Phục Sinh an bình.”
Chúc anh một lễ Phục Sinh an bình.”
Chào các bạn,
Tôi ko có mặt ở SG ngày đó, vì tôi bước chân lên phi cơ qua Úc du học ngày 16.02.1975 (mùng 4 Tết). Nhưng bên Úc, liên tục mỗi ngày đọc báo Úc về việc triệt thoái Tây Nguyen, Dà Nẵng, Huế thất thủ, rồi Long Khánh... rất bồn chồn nhưng không làm dc gì cả. Tôi nghĩ nếu tôi còn ở SG lúc đó thì chắc cũng... ngậm ngùi cho đất nước lắm. Bây giờ vẫn còn ngậm ngùi, tiếc thương cho một Hòn Ngọc Viễn đông bị thiểu số người man rợ (lời của Dương thu Hương) cầm đầu là thằng siêu lừa HCM: "Đồng bào miền Bắc phải hy sinh để giải cứu dân miền Nam bị kiềm kẹp bởi Mỹ - Ngụy"
Do dân trí thấp, phương tiện thông tin ko cao nên 86 triệu người bị lừa. Tôi quyết tâm dùng mạng để nâng cao dân trí càng nhiều người dân càng tốt để CS ko còn lừa bịp dc dân tộc tôi.
Thân ái,
Chau Xuan Nguyen
Tôi ko có mặt ở SG ngày đó, vì tôi bước chân lên phi cơ qua Úc du học ngày 16.02.1975 (mùng 4 Tết). Nhưng bên Úc, liên tục mỗi ngày đọc báo Úc về việc triệt thoái Tây Nguyen, Dà Nẵng, Huế thất thủ, rồi Long Khánh... rất bồn chồn nhưng không làm dc gì cả. Tôi nghĩ nếu tôi còn ở SG lúc đó thì chắc cũng... ngậm ngùi cho đất nước lắm. Bây giờ vẫn còn ngậm ngùi, tiếc thương cho một Hòn Ngọc Viễn đông bị thiểu số người man rợ (lời của Dương thu Hương) cầm đầu là thằng siêu lừa HCM: "Đồng bào miền Bắc phải hy sinh để giải cứu dân miền Nam bị kiềm kẹp bởi Mỹ - Ngụy"
Do dân trí thấp, phương tiện thông tin ko cao nên 86 triệu người bị lừa. Tôi quyết tâm dùng mạng để nâng cao dân trí càng nhiều người dân càng tốt để CS ko còn lừa bịp dc dân tộc tôi.
Thân ái,
Chau Xuan Nguyen
nguyenngocchinh
wrote on Apr 22, '11
chauxuannguyen
said “Tôi ko có mặt ở SG ngày đó, vì
tôi bước chân lên phi cơ qua Úc du học ngày 16.02.1975 (mùng 4 Tết)”
CXN là một trường hợp may mắn, đi Úc trước vài tháng, còn
tôi thì lại ở từ Mỹ về Sài Gòn trước vài tháng! Hai trường hợp trái ngược nhau
thật thú vị!
chauxuannguyen
wrote on Apr 30, '11
nguyenngocchinh
said “CXN là một trường hợp may mắn,
đi Úc trước vài tháng, còn tôi thì lại ở từ Mỹ về Sài Gòn trước vài tháng! Hai
trường hợp trái ngược nhau thật thú vị!”
I bet you do not find it as interesting as I do when i found
out about VIR, well kept secrete. Pls drop me a line on tcdrafting@bigpond.com
Thanks and regards,
Chau Xuan Nguyen
Thanks and regards,
Chau Xuan Nguyen
nhavietnam
wrote on Apr 23, '11, edited on Apr 24, '11
Mời các Bạn ghé qua YOUTUBE ôn lại lịch sử cùng Tôi:
+ NHỮNG KẺ BỊ PHẢN BỘI, BỎ RƠI, VÀ LÃNG QUÊN
http://youtu.be/Y6oOBWpwl-w
+ TRẢ LẠI TỰ DO CHO DÂN VIỆTNAM
http://youtu.be/rczBLhBuwjk
+ KHÔNG VỀ VIỆTNAM
http://youtu.be/k_oliZaHp6o
+ NHỮNG KẺ BỊ PHẢN BỘI, BỎ RƠI, VÀ LÃNG QUÊN
http://youtu.be/Y6oOBWpwl-w
+ TRẢ LẠI TỰ DO CHO DÂN VIỆTNAM
http://youtu.be/rczBLhBuwjk
+ KHÔNG VỀ VIỆTNAM
http://youtu.be/k_oliZaHp6o
nguyenngocchinh
wrote on Aug 2, '11
'Sài Gòn Bỏ Ngỏ...' đã đăng trên Văn thơ Lạc Việt:
http://www.vantholacviet.org/news-2196/7/Tham-lua%CC%A3n/Nguyen-Ngoc-Chinh--Hoi-uc-ve-ngay-30475-Sai-Gon-bo-ngo.html
http://www.vantholacviet.org/news-2196/7/Tham-lua%CC%A3n/Nguyen-Ngoc-Chinh--Hoi-uc-ve-ngay-30475-Sai-Gon-bo-ngo.html
Từ hệ quả của năm 1975 cho tới nay, những ai là người gánh chịu thiệt thòi và đau đơn nhất?????
Trả lờiXóaThiết nghĩ Anna hỏi như vậy tức là đã trả lời rồi đấy!
Trả lờiXóaHai chữ "Bỏ ngõ" là ấn tượng nhất.! "Bỏ ngõ" gần như đồng nghĩa với chỗ thinh không, không có vật chướng ngại gì cản trở !.
Trả lờiXóaKhông biết tự bao giờ, trong tiếng Việt định nghĩa rằng đi vào những chốn "bỏ ngõ" được xem là "Đại thắng" trong một cuộc "chiến tranh thần thánh" vĩ đại ! Nghe như vậy có cảm tưởng như những người rừng bập bẹ tập nói tập viết thứ tiếng của người văn minh nên còn loạc choạc chăng ?
Trở thành loại tiếng khó hiểu với lớp người già sống ở Nam phần kể từ sau 300475
Đọc trong này xong,không biết cái thành phần của ; " Lực Lượng Thứ ba " là những người nào ???
Trả lờiXóaChào anh Chính, xin phép anh cho tôi đăng lại 2 bài này trên trang nhà của tôi ở: https://nuocnha.blogspot.com
Trả lờiXóaCám ơn anh trước