Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Ai lên xứ hoa đào…

Khoảng thập niên 60, không ít người miền Nam trong một phút ngẫu hứng nào đó đã thả hồn theo lời ca tiếng nhạc của một bài hát rất thịnh hành:

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người, ngại ngần rồi hoa theo chân ai…

Xứ hoa đào là một trong những tên gọi Đà Lạt mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã thi vị hóa Paris Nhỏ hay Thành phố Hoa… Tuy nhiên, hoa đào trên Đà Lạt không phải là loại anh đào trắng (sakura) của Nhật, cũng không phải là cây đào có quả mà ta gọi là đào lông. Người Đà Lạt gọi đó là cây mai nhưng lại không phải là mai vàng thường thấy ở miền Nam.

Mai Đà Lạt trên xứ hoa đào

Mai Đà Lạt nở rộ vào dịp Giáng sinh và Tết. Mai Đà Lạt không rực ánh vàng như những cây mai mừng xuân thường thấy được trang trí ở Sài Gòn. Mai Đà Lạt có nhụy phơn phớt hồng pha lẫn cánh hoa màu hồng phấn, cũng chẳng giống hoa đào Nhật Tân Hà Nội vốn thuộc loại đào lông. 

Đà Lạt ngày xưa, suốt con dốc từ cầu Ông Đạo lên khu Hòa Bình, cứ vào cuối tháng 12 cây mai nở rộ hai bên đường để báo hiệu mùa xuân đã về. Quanh hồ Xuân Hương những gốc mai già trụi lá cũng bắt đầu trổ bông khiến Đà Lạt nhuộm một mầu hồng nhạt hơn màu xác pháo như nhắc mọi người ngày Tết sắp đến.

Cây mai dọc theo hồ Xuân Hương

Sau thời gian hoa mai nở rộ, cây bắt đầu đâm chồi xanh và trên cành xuất hiện những chùm trái tím đỏ. Trái mai rụng đầy dưới gốc và nằm yên ở đó cho đến khi hòa vào lòng đất. Trái mai đắng ngắt nên cả đến bọn trẻ cũng chê vì ăn chẳng được và thế là mai trở nên ‘bất khả xâm phạm’ cho đến khi hóa thân, hòa quyện với đất.

Điều đáng buồn là những cội mai già theo thời gian đã từ từ biến mất khỏi Đà Lạt khiến những người ‘yêu’ Đà Lạt cảm thấy như mất đi cái gì đó mỗi khi trở lại chốn xưa. Đà Lạt cũng kém vui khi thiếu những cánh mai hồng của ngày nào. Biết vậy… nhưng chẳng biết làm sao.

Những gốc mai già còn sót lại trên Ga Đà Lạt ngày nay

Đà Lạt không hổ danh với tên gọi Thành phố Hoa. Thôi thì đủ loại hoa với đủ các giống, trăm hồng nghìn tía. Có một loài hoa dại mà có lẽ chỉ người gốc Đà Lạt mới để ý: hoa Cúc quỳ, còn gọi là hoa hướng dương dại hay nên thơ hơn là hoa Dã quỳ.

Dã quỳ thường nở vàng bờ dậu hoặc ven đường. Thật ra loài hoa này chẳng ai trồng chứ nói chi đến việc bỏ công chăm sóc. Vò lá Dã quỳ trong tay và đưa lên mũi ngửi ta thấy mùi hăng hắc, khó chịu… nhưng ngắm hoa dại nở rộ một màu vàng tươi lại khiến lòng vui một niềm khó tả. 

Hoa 'hướng dương dại' còn gọi là Dã quỳ

Cũng có màu vàng như Dã quỳ nhưng nhạt hơn và nhỏ hơn là những cành Mimosa mà có người bảo đây là loài hoa tượng trưng cho những mối tình chớm nở. Lại có ý kiến cho rằng Mimosa nói lên một tình yêu thầm kín hay tượng trưng cho một vẻ đẹp khiêm tốn.

Có thể ai đó nghĩ rằng những nụ hoa Minosa có hình cầu giống hoa trinh nữ nên mới thi vị hóa Mimosa là Trinh nữ Hoa vàng. Các cô gái Đà Lạt đang yêu thường ép Minosa vào trang sách cũng tựa như ép lá thuộc bài để mong mọi chuyện sẽ thuận lợi cả trong tình yêu lẫn chuyện học hành (?). Hoa Mimosa rất thơm nhưng lại có rất nhiều phấn nên những ai bị dị ứng với phấn hoa chắc chắn sẽ tránh xa loài hoa này. 

Mimosa

Đà Lạt còn rất nhiều loài hoa với những cái tên thật đặc biệt. Forget-me-not, thuộc họ myosotis, còn được gọi là hoa lưu ly, với thông điệp đừng quên tôi nhé. Hoa tigôn qua bài thơ nổi tiếng của TTKH được thi vị hóa qua hình ảnh… hoa dáng như tim vỡ. Cái tên hoa hồng Brigitte Bardot lấy hình tượng của cô đào BB với cặp môi lúc nào cũng như mời gọi nụ hôn…

Lại có những loài hoa mang những cái tên thật dân giã. Đà Lạt có một loại dây leo người ta thường gọi là bìm bịp, đây là loại cây mọc hoang nhưng lại có hoa rất đẹp, màu tím nhạt tựa như loa kèn. Tôi còn nhớ ngày còn nhỏ thường cắt dây leo bìm bịp thành những đoạn ngắn để làm ‘đạn’ bắn ná thung. Đạn bằng dây bìm bịp bẻ cong hình chữ U khi bắn trúng người cũng đau thấm thía…

Có một loại giây leo mang tên mát mát hay mác mác cho hoa màu tím nhạt và trái non màu xanh, khi chín biến sang màu tím than. Bên trong ruột của trái mát mát là những hột nhỏ màu cam có vị chua chua. Trái mát mát ở Đà Lạt ngày nay được còn được gọi là chanh dây (passion fruit) hoặc chanh leo rất phổ biến trong công nghiệp nước giải khát.

Trái xanh, trái chín và hoa Chanh dây

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến hoa Đà Lạt mà không đả động gì đến hoa lan. Từ xưa đến nay, lan vẫn được biết đến như một loài hoa quý phái, hoa của các bậc vua chúa vương giả. Bố tôi thưở còn sinh thời cũng là một người mê lan đến độ mẹ tôi nhiều lúc phải… bực mình vì thú vui tao nhã của ông.

Vào thập niên 60 nhà tôi có hẳn một vườn lan ở Đà Lạt. Bố tôi dành hết thì giờ cho lan, chỉ để chiêm ngưỡng chứ không hề bán. Ngược lại, ông mua rất nhiều lan của người Thượng để bộ sưu tập của mỗi ngày một phong phú. Ông còn tổ chức các buổi vào rừng để tự săn tìm lan cùng với người Thượng.

Hỏa hoàng

Dụng cụ đi rừng của ông chỉ có búa để đóng những cái đinh dài từ 15 đến 20 phân lên thân cây làm bực thang trèo lên lấy lan. Sau đó dùng dây thòng cây lan xuống chứ không ném vì sợ cây và hoa bị dập! Đi săn thú trong rừng là chạy theo một mục tiêu di động trong khi đi lùng phong lan lại phải quan sát một mục tiêu cố định mằn ở trên cao.

Bố tôi bảo tìm được lan trong rừng là cái duyên may của từng người, có người đứng ngay dưới cây lan mà vẫn không ‘thấy’! Hôm nào kém ‘duyên’ ông tìm những khúc cây mục đem về để trồng lan!

Thủy tiên trắng

Nhìn ông trau chuốt, lau từng chiếc lá của cây lan bằng bông gòn tẩm nước mới thấy một niềm đam mê đặc biệt. Chính sự đam mê này đã khiến những người thích phong lan gần gũi với nhau hơn, bất kể ranh giới xã hội, bất phân giàu nghèo.

Tướng ‘Big’ Minh cũng là người mê chơi lan, dinh của ông ở Sài Gòn còn được gọi là Dinh Hoa Lan. Mỗi khi lên Đà Lạt ông thường ở tại nhà số 7 Lê Thái Tổ (Câu lạc bộ của Ngự Lâm Quân), số 9 ở ngay bên cạnh là Trung tâm Thực nghiệm Lâm sản có một vườn lan và xuôi dốc khoảng 50m là vườn lan của bố tôi ở số 9/1 Lê Thái Tổ.

Hễ có mặt ở Đà Lạt, Tướng Minh thế nào cũng ghé vườn lan 9/1, chỉ để ngắm hoa. Tôi biết mặt Đại úy Nhung, sĩ quan tùy viên của Tướng Minh mỗi khi ông ghé thăm vườn từ những năm 60s… Sau này, ông Nhung là người được coi như có liên quan đến việc ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm trong thiết vận xa M113 năm 1963.

Thủy tiên vàng

Hoa lan ở Đà Lạt có trên 200 loài, trong đó có 5 loài được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới được mang tên Đà Lạt hay Langbiang. Lan Đà Lạt được xếp thành 3 loại chính: thổ lan (lan mọc dưới đất), thạch lan (lan mọc trên đá) và phong lan (lan cộng sinh mọc trên thân của những cây khác).

Ở Việt Nam, theo các tài liệu lưu hành, hoa lan được biết đến và trồng dưới thời vua Trần Anh Tông (1258-1293). Hầu hết các đề tài nghiên cứu về hoa lan Việt Nam đều do các nhà khoa học người nước ngoài thực hiện. Mới đây, qua bộ sách Cây cỏ miền Nam Việt Nam của GS. Phạm Hoàng Hộ đã liệt kê và bổ sung thêm các loài phong lan nâng tổng số lan có ở Việt Nam lên 755 loài.

Hạc đính (địa lan)

Lan được đặt tên theo hình dáng và màu sắc của hoa. Có những cái tên nghe rất văn vẻ như bạch hạc, nhất điểm hồng, thủy tiên, tiên hài, hàm lân, kim điệp, long tu, hoàng lan, hạc đính, giáng hương... cũng có những tên rất dân giã như bò cạp, gấm đất… 

Có nhà nghiên cứu nào đó đã ghép tên 24 loại hoa lan thành một bài thơ mang âm hưởng thơ Đường luật, thất ngôn bát cú:

Ngọc điểm, Long tu, Nhất điểm hồng
Mặc lan, Ý thảo, Tục đoạn lông
Huyết nhung, Phượng vĩ, Hàm lân cứng
Hạc đính, Hoàng long, Thanh đạm trung
Trân châu, Gấm đất, Chu đinh tím
Bạch diệp, Luân trần, Mao Tuyết nhung
Dã hạc, Giáng hương, Hồng câu thảo
Thủy tiên, Hạc vĩ, Bạch huệ đồng”.

***

Video clip "Đà Lạt Xưa & Nay"


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 2: Thời niên thiếu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***  

5 Comments on Multiply

angelaxuanhuong wrote on Nov 2, '10
Bài “Ai lên xứ hoa đào” do ca sĩ Lệ Khánh (vào thập niên 1960) hát bằng giọng mũi nghe rất thú vị và rất hay.

caibang9 wrote on Nov 2, '10
Đóng góp với bạn NNC về hoa Hạc đính nha.
Thực sự lan "Hạc Đính" thuộc genus Cymbidium gồm 52 species thuộc họ Orchidaceae.
Cymbidium đã được cố chiến sĩ Nguyễn Tường Tam đặt tên HAY CHÍNH XÁC HƠN LÀ ĐẶT " Họ" là “Hồng Hoàng” vì những cây ông gặp chỉ có hai màu hồng/đỏ và vàng đưa đến việc là khi tôi tìm được 1 cây Cymbidium hoa độc 1 màu xanh thì các bạn chơi hoa lan Dalat đã nhất định gọi nó là Thanh Hồng Hoàng! Mà nó chẳng có tí màu hồng hay vàng nào cả! Cách đặt tên theo cảm tính đó - mạnh ai nấy đặt tên, đặt họ - đã gây không ít khó khăn cho anh em trong ban Hoa Lan thuộc Hội Chuyên Viên & Kỹ Sư Nông Nghiệp VN chúng tôi - trong việc hệ thống hóa các giống lan VN trước 1975.
Cymbidium là loại epiphyte* orchids [tầm gửi chứ không phải là dương sỉ là loại giết chết cây nó mọc lên], tức đa phần thuộc loại "Phong lan" mọc trên cây nhưng vì mưa bão đã làm gẫy cành cây đưa đến việc loại Cymbidium sống trên "mặt đất" và bị gọi lầm là "địa lan".
Trong rừng Cymbidium sống được ở "dưới đất" vì rừng VN thuộc loại rừng gìa nên trên mặt là 1 lớp lá và gỗ mục dày từ .5 m đến cả 2, 3 m tùy nơi! Nhưng chắc hẳn bạn NNC biết rằng Cymbidium trồng bởi nhưng người chơi lan luôn luôn được trồng trong "dớn" [thân cây fern bằm nhỏ] hoặc trong vỏ dẻ đỏ [Redwood] hay sơ vỏ dừa. Lý do đơn giản là loại Epyphite Orchids cần nhiều nước nhưng đòi hỏi rễ phải khô rồi mới tưới nước, không thì rễ cây Cymbidium bị ngộp nước và thối rữa làm chết cây lan.
Đóng góp nhỏ với NNC mong bạn không trách CB mỗ nhiều chiện. hihihi

(*) An epiphyte is a plant that grows upon another plant (such as a tree) non-parasitically or sometimes upon some other object (such as a rock, a building or a telegraph wire), derives ...

nguyenngocchinh wrote on Nov 2, '10
caibang9 said “Đóng góp nhỏ với NNC mong bạn không trách CB mỗ nhiều chiện. hihihi
Không dám trách Cái Bang nhiều chuyện đâu! Những đóng góp của bạn càng làm thêm phong phú cho những hiểu biết của chúng ta về hoa lan. Phần tôi viết về hoa lan chỉ là hồi ức về một người cha mê chơi lan, nay được bổ xung thêm những chi tiết về chuyên môn của bạn khiến chủ đề hoa lan thêm xúc tích hơn. Xin đa tạ Cái Bang.

bayhoang79 wrote on Nov 6, '10
Cám ơn anh Chính đã viết về Đàlạt, một thành phố mà chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm trong thời niên thiếu và quân ngũ! Tôi đã từng là học sinh của Lycée Yersin sau khi gia đình di cư vào Nam năm 54 và sau này khi nhập ngũ đã trở về Đàlạt sống gần 2 năm!

nguyenngocchinh wrote on Nov 6, '10
bayhoang79 said “Tôi đã từng là học sinh của Lycée Yersin sau khi gia đình di cư vào Nam năm 54 và sau này khi nhập ngũ đã trở về Đàlạt sống gần 2 năm!
Lại gặp thêm một... đồng hương Đà Lạt. Trái đất tròn nên thế nào chúng ta cũng hội ngộ trên Multiply hay ngoài đời, dù có lưu lạc khắp nơi trên thế giới.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn NNC. Bài viết thật thú vị, bổ sung cho tôi nhiều kiến thức về hoa ở Đà Lạt.

    Trả lờiXóa

Popular posts