Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Hoa Kỳ phiêu lưu ký: Las Vegas, thành phố... tội lỗi

Năm 1993 tôi có dịp trở lại Hoa Kỳ. Nếu trong năm 1971 và 1973 tôi đến Mỹ để du học thì 1993 tôi trở lại xứ cờ hoa như một du khách. Những chuyến đi mang mục đích khác nhau nhưng, dưới mắt tôi, hình ảnh về nước Mỹ sau mỗi lần tiếp xúc đều mở ra những góc nhìn mới lạ.

Trong năm 1993, tôi có dịp đến rất nhiều thành phố thuộc vùng bờ biển phía Đông như Chicago, New York, Philadelphia, Washington D.C., những thành phố miền Tây như San Francisco, Los Angeles, Las Vegas và kết thúc là Honolulu thuộc tiểu bang Hawaii nằm biệt lập giữa Thái Bình Dương. Chỉ trong thời gian 15 ngày mà chương trình du lịch cover quá nhiều thành phố nên thật tình chỉ mang tính cách... cưỡi ngựa xem hoa.

Đi cho biết đó biết đây nên những ghi chép vội vàng về những nơi tôi ghé qua chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót vì những cái nhìn thoáng qua. Dù sao đi nữa, đây vẫn là những cảm giác trung thực của người phương xa khi đến một đất nước được mệnh danh là tân tiến nhất thế giới. Chặng dừng chân đầu tiên là Las Vegas, thủ đô cờ bạc của nước Mỹ. Có người gọi đây là Thành phố Tội lỗi (Sin City)...  

Chào mừng đến... Thành phố Tội lỗi

Từ trên máy bay đáp xuống phi trường quốc tế McCarran, cách trung tâm thành phố Las Vegas khoảng 8km, du khách được ‘dàn chào’ bởi hai hàng Tướng Cướp Một Tay, người Mỹ gọi chúng là One-Armed Bandits. Bất cứ ai đến Las Vegas bằng đường hàng không sẽ không thể nào quên ấn tượng ban đầu qua hình ảnh những cỗ máy đánh bạc xếp thành hàng tại phi trường, một trong những cửa ngõ bước vào thành phố ‘đỏ đen’ nổi tiếng thế giới này.

Những cánh tay độc nhất mà mỗi tướng cướp đưa ra chào chính là cần gạt của máy đánh bạc: chỉ cần bỏ vào tiền xu và kéo cần gạt, nếu trên màn ảnh xuất hiện ba hình giống nhau, bạn sẽ nghe tiếng reo rổn rảng của các đồng tiền thi nhau đổ ra từ máy. Người Mỹ gọi đó là hit the jackpot... nhưng có điều họa hoằn mới có người ‘trúng đậm’, cũng vì thế số đông người thua mới gọi những cỗ máy này là... tướng cướp một tay!

Ngày nay, các slot machines không còn kiểu cần gạt của Tướng cướp một tay nữa. Theo công nghệ hiện đại, cánh tay của tướng cướp được thay bằng nút bấm điều khiển. Chỉ cần một động tác bấm nút là kết quả ‘ăn-thua’ được hiển thị trên màn hình. Cho dù kéo cần gạt hay bấm nút, chuyện cờ bạc cũng diễn tiến thật nhanh để máy có dịp được ‘nuốt’ bạc cắc của khách đỏ đen!

Bên Tướng Cướp Một Tay (1993)

Đầu thập niên 90, Las Vegas thu hút khỏang 33 triệu khách đến từ khắp nơi trên thế giới để ‘thử thời vận’ hoặc chỉ thuần túy đến để thỏa chí tò mò được sống tại Thành phố Tội lỗi. Đây là một trong số rất ít các thành phố của Mỹ sống nhờ bằng dịch vụ cung cấp một trong những ‘tệ nạn’: cờ bạc là bác thằng bần! Thu nhập của thành phố chưa đầy 500.000 dân này đạt mức trên 5,25 tỷ USD mỗi năm, một con số mà ngay cả nhiều nước trên thế giới cũng phải thèm thuồng.

Las Vegas chiếm hết 19 trong số 20 khách sạn hàng đầu thế giới. Mỗi khách sạn là một sòng bạc (casino) phục vụ khách và cũng đồng thời là một trung tâm giải trí với các màn trình diễn ca-vũ-nhạc, tạp kỹ do các diễn viên lừng danh thế giới đảm nhận.

Một trong những khách sạn lâu đời nhất tại Las Vegas là El Rancho, được khánh thành từ năm 1941. Kể từ đó, số lượng khách sạn 4 hoặc 5 sao mọc lên như nấm sau cơn mưa, trong đó phải kể đến Flamingo mở cửa từ năm 1946 với cả một khu vườn hoang giã thả đầy chim hồng hạc theo đúng tên Flamingo của khách sạn.

Mirage nổi bật với một ngọn núi lửa nhân tạo, cứ 15 phút phun một lần khiến lúc nào cũng có du khách tò mò chờ xem. Mirage còn có sáng kiến xây dựng một khu rừng nhiệt đới, trong đó có đến 54 thác nước nhân tạo ngay giữa lòng sa mạc.

Mirage với ngọn nứi lửa ngay trước cửa khách sạn

Tại Circus Circus, khách được sống trong không khí của đoàn xiếc với kiến trúc mang hình tượng các lều của gánh xiếc giữa không gian của một khu giải trí với đầy đủ các trò chơi. Khách sạn New York New York lấy chủ đề là thành phố New York thu nhỏ với tượng Nữ thần Tự do trên tay cầm bó đuốc.

Khách sạn Paris dựa vào khung cảnh nước Pháp với tháp Effeil trong khi Luxor là kiến trúc mang hình kim tự tháp Ai Cập huyền bí với tượng nhân sư đón chào tại cổng vào. Venetian là một mô hình sông nước Venice thu nhỏ của nước Ý.

Hóa ra chỉ cần đến Las Vegas người ta cũng có thể sống trong những mô hình thu nhỏ của các địa danh nổi tiếng thế giới. Đó cũng là một trong những chủ đề có tính hấp dẫn mọi người đến Las Vegas, ít nhất là một lần, nếu có dịp...

Chúng tôi ngụ tại khách sạn Excalibur, được xây dựng theo phong cách thời Trung cổ với một quần thể các lâu đài có mái hình chóp vây quanh sòng bạc ở trung tâm. Ngoài ý nghĩa đặc thù về kiến trúc, có đến Excalibur mới thấy mô hình xây dựng tại đây phục vụ một ý đồ... thầm kín: muốn bước ra khỏi khách sạn, khách phải đi qua đại sảnh casino, lúc nào cũng nhộn nhịp vì họat động suốt 24 giờ.

Hotel-Casino Excalibur

Nếu tinh ý, khách còn thấy trong phòng không có ‘mini bar’, lọai tủ lạnh dự trữ nước giải khát và các lọai thức ăn nhẹ thường thấy ở các khách sạn. Nếu có nhu cầu, khách sẽ phải xuống casino và, không biết chừng, lại ngẫu hứng tiếp tục ‘thử thời vận’ vào những lúc mà thật tình trong lòng chỉ muốn uống nước!

Casino được vây quanh bằng đủ kiểu máy đánh bạc, lúc nào cũng nhộn nhịp với tiếng leng keng của các đồng xu. Bên cạnh mỗi máy có sẵn ly giấy thật to để khách có thể chứa bạc cắc... nếu như trúng.

Những chiếc ly giấy đựng đầy 'coins' của một khách vận đỏ

Tuy nhiên, đó chỉ là những món ‘ăn chơi’ thuộc lọai ‘cò con’ ở vòng ngoài. Bước vào vòng trong mới thực sự thử thách ‘đỏ đen’ với các sòng roulette, black jack, poker (xì phé)… Khuôn mặt của ‘nhà cái’ lúc nào cũng... lạnh như tiền. Không khí sát phạt tại các sòng luôn căng thẳng vì chuyện ăn thua qua các đồng ‘phỉnh’ (jeton) nhiều màu, tượng trưng cho những đồng đôla có giá trị khác nhau.

Khách chơi có thể nghỉ bất cứ lúc nào để giải khát hoặc ăn uống. Nhà hàng tọa lạc ngay tại casino sẵn sàng phục vụ khách suốt ngày đêm với giá rẻ bất ngờ. Các ông chủ casino có lẽ đã thực hiện đúng chủ trương ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’, vì mục đích chính của khách sạn là moi tiền khách trong các sòng bạc.

Lâu đài  Excalibur

Ngành kinh doanh cờ bạc được hợp thức hóa từ năm 1931 tại Las Vegas và đồng thời thủ tục kết hôn cũng như ly dị tại đây thuộc loại đơn giản nhất trong số 50 tiểu bang của Mỹ. Chỉ cần vài phút quyết định chuyện hôn nhân, các cặp tình nhân có thể dắt nhau đến nhà nguyện chuyên tổ chức lễ cưới (wedding chapels) để đăng ký kết hôn... tốc hành. Tại đây có những bộ phận chuyên tổ chức các dịch vụ hôn nhân đứng ra cáng đáng ‘từ A đến Z’ với một đội ngũ ‘chuyên gia lành nghề’.
 
Dịch vụ lễ cưới còn có các vị ‘lãnh đạo tinh thần’ lo thủ tục lễ cưới, đáp úng sự đòi hỏi của bất kỳ tôn giáo nào. Có cả xe hoa hạng sang như limousine dành riêng cho cô dâu chú rể, địa điểm tổ chức tiệc cưới đãi khách và có cả phòng ‘tân hôn’ tại khách sạn để đôi uyên ương... động phòng.

Trong số những du khách đến đây, mỗi năm có khoảng 100.000 cặp đã tổ chức lễ cưới tại Las Vegas. Họ thuộc đủ mọi thành phần, tuổi tác và đã đóng góp một phần không nhỏ vào thu nhập của thành phố.

"Dịch vụ" lễ cưới

Tiền thân của Las Vegas là một thị trấn sa mạc phục vụ tuyến đường sắt chạy qua đây với các khách sạn dành cho khách lữ hành đổ xô về California thuộc miền Tây nước Mỹ để thực hiện… giấc mơ tìm vàng. Đó là thời Gold Rush (1848–1855) khi người tứ xứ khắp nước Mỹ đổ xô đến California để tìm vàng.

Lịch sử và báo chí Hoa Kỳ ghi chép: Ngày 24/1/1848 vàng đã được James Marshall tìm thấy tại Coloma, tiểu bang California. Tiếng lành đồn xa và có đến 300.000 người đổ về California, họ đến từ khắp nơi của nước Mỹ và cũng có cả những người đến từ nước ngoài.

Vào năm 1850 giáo phái Mormon thậm chí còn xây dựng tại đây một trung tâm truyền giáo, tương phản với hình ảnh của một thành phố tội lỗi ngày nay. Tuy nhiên, khi nước Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái cũng là lúc thành phố này chuyển mình với việc phân lô bán ra cho công chúng để đầu tư vào việc xây dựng khách sạn và sòng bạc.

Ngày 15/5/1905, vùng đất 293km2 thuộc bang Nevada được chia thành 1.200 lô đất bán ra cho công chúng để tạo dựng một thành phố giữa sa mạc mang tên Đồng Cỏ, tiếng Tây Ban Nha là Las Vegas ngày nay. Hai khu vực chính của Las Vegas – Glitter Gulch và Strip – nằm dọc theo trục lộ của hai đường cao tốc số 15 và 95 là nơi tập trung đủ lọai kiến trúc của các khách sạn-sòng bạc với hàng trăm bảng hiêu néon rực rỡ, sinh động giữa vùng sa mạc Nevada cằn cỗi.

Bellagio Hotel

Người ta thường kể những câu chuyện thuộc lọai ‘huyền thoại’ về Las Vegas. Chuyện một khách bỏ đồng 25 xu cuối cùng vào máy đánh bạc, không ngờ với số tiền ít ỏi đó anh ta liên tục thắng những ‘tướng cướp một tay’. Với số vốn kha khá, anh ta tiếp tục vào ‘vòng trong’, nơi có các sòng bài ăn thua lớn và anh ta ‘đánh đâu thắng đó’. Chỉ với đồng 25 xu cuối cùng trong túi, người khách ‘vận đỏ’ đã rời Las Vegas với hàng trăn nghìn đô la!

Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác trước những ‘huyền thọai’ vì đã có không ít khách ‘máu mê’ khi đến Las Vegas bằng xe nhỏ nhưng lúc về lại bằng xe lớn. Đơn giản chỉ vì họ phải bán xe 4 chỗ để về bằng xe buýt công cộng 50 chỗ!

Las Vegas không phải chỉ đơn thuần là cờ bạc. Thành phố này còn có những danh lam thắng cảnh như đập nước Hoover hùng vĩ nằm giữa hai tiểu bang ArizonaNevada. Đập Hoover có hồ nước dự trữ Mead lớn nhất nước Mỹ với diện tích 640 km2 và sức chứa 35,2 km3 nước.

Đập Hoover nằm giữa ArizonaNevada

Red Rock Canyon, một hẻm núi đá đỏ có lịch sử 65 triệu năm tuổi, mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu khách du lịch. Thung lũng này chỉ cách Las Vegas hơn 20 km và tại những điểm cao từ Las Vegas Strip cũng có thể thấy toàn cảnh Red Rock Canyon.

Vào năm 2001, Las Vegas khánh thành Viện bảo tàng Nghệ thuật Guggenheim với những tác phẩm của các danh họa như Picasso và Cezanne như để thanh minh thành phố này không hẳn chỉ toàn những thú vui tội lỗi. Có điều đa phần khách đến Las Vegas vẫn chính vì những ‘tội lỗi’ mà thành phố này cung cấp!

Chuyện một cô gái Việt làm tại casino

PHL, người Mỹ gốc Việt, 28 tuổi, hiện làm dealer (người chia bài) tại một casino ở Las Vegas. Vốn không phải là người có máu mê cờ bạc, thậm chí còn ghét gamble, vậy mà cách đây 7 năm cô đã chọn nghề này. Cô giải thích chỉ vì nghề dealer dễ kiếm tiền mà cô lại quá nghèo.

Để được nhận vào khóa huấn luyện dealer, ứng viên phải thuộc loại ‘có lý lịch hình sự’ trong sạch. Casino không nhận những người DUI (Driving Under the Influence (of alcohol) - say rượu mà lái xe) hoặc bad credit (có hồ sơ tín dụng xấu). Trong những môn học để trở thành dealer, khó nhất là crap (xí ngầu, súc xắc) vì đòi hỏi phải nhanh tay, biết tính nhẩm thật nhanh và còn phải hiểu được ý của khách chơi.

"Dealer " tại khu Black Jack

L. là người châu Á duy nhất trong khóa cô theo học nhưng cô lại tỏ ra xuất sắc nhất lớp. Điểm yếu duy nhất của L. là gọi stick call (đọc số) hơi nhỏ. Tốt nghiệp dealer, L. còn phải đóng 100 đô la mỗi năm, đó là ‘lệ phí môn bài’, để được hành nghề tại casino.

Nhân viên làm việc tại casino được chia thành 3 ca: sáng (day), tối (swing) và khuya (grave yard), với tiêu chuẩn làm việc 8 tiếng một ngày và 5 ngày một tuần. Lương khởi đầu của dealer là 4,25 đô la một giờ cộng thêm tiền tip (tiền thưởng) được chia đều cho nhân viên khoảng từ 10 đến 14 đô la một giờ. Như vậy, mỗi kỳ lương một dealer mới ra nghề lĩnh khoảng 500 đô la cứ mỗi 2 tuần.

L. tâm sự: “Khách đánh bài cho rằng các dealer được huấn luyện để bòn rút tiền của họ. Không ai biết rằng chúng tôi cũng xót xa khi thấy họ thua cháy túi”. Có những khách bực mình vì thua nên chửi bậy và kinh nghiệm của L. là cứ phớt lờ mỗi khi khách kiếm chuyện. Cũng có khi cần nhe răng cười, chọc lại họ cho họ tức thêm, tự nhiên họ sẽ… ‘hạ hỏa’!

L. ngán nhất là khu BJ (black jack). Đơn giản chỉ vì nơi đây thường tập trung nhiều người Việt từ khắp nơi đổ về. Có người đóng đô tại sòng bài vài ba ngày, có người chơi bài liên tục cả tuần lễ, quần áo bèo nhèo, thân hình bệ rạc. Một vài người thậm chí còn quanh quẩn bên những người gặp vận may để… xin tiền.

Họ ít khi xin ‘phiếu ăn’ với các quản lý người Mỹ mà chỉ chờ nhân viên người Việt để móc xấp thẻ player card rồi xin… phiếu ăn miễn phí. Có người xin được rồi lại xin thêm nữa vì họ muốn… để dành. Nếu xin không được, họ chửi… bằng tiếng Việt!

Quy định của casino chỉ cấp phiếu ăn theo các tiêu chuẩn về số giờ chơi bài, số điểm và số tiền của người chơi. Có người vừa mới xin phiếu ăn 2 tiếng trước đó nhưng đã quay lại xin tiếp! Nhiều khách người Việt lại còn đòi ăn ở quầy sea food (hải sản) chứ không chịu ăn tại quầy buffet (quầy tự chọn).

Black Jack

Nhiều khi L. còn phải làm thông dịch bất đắc dĩ cho khách người Việt về vấn đề thẻ tín dụng. Chẳng hạn như giải thích với một bà khách người Việt là casino không chấp nhận việc dùng thẻ của người khác để rút tiền mặt. Đơn giản chỉ có vậy mà bà khách quay sang chửi L. một tràng tục tĩu bằng tiếng Việt.

Khách người Việt cũng chửi cả nhân viên người Mỹ… bằng tiếng Việt. Họ chỉ chửi cho sướng miệng, cho hả giận chứ họ cũng biết người Mỹ đâu có hiểu gì. Trong những trường hợp xấu nhất, nhân viên casino sẽ gọi lực lượng bảo vệ sòng bạc đến giải quyết.

Trong suốt 7 năm sống trong môi trường cờ bạc, L. đã gặp đủ mọi hạng người và chứng kiến nhiều cơn thịnh nộ của các con bạc… khát nước. Cô nói: “Bây giờ thì không ai có thể làm tôi khóc được nhưng lòng thương hại của tôi vẫn còn. Tôi vẫn buồn khi họ thua cháy túi và cảm thấy vui khi họ thắng”.

Vui buồn gì đi nữa thì một khi đã bước vô sòng bài hãy chấp nhận ‘rủi nhiều, may ít’. Đó là lời khuyên chân thành nhất của cô gái Việt đã có 7 năm kinh nghiệm trong nghề dealer dành cho những ai muốn thử thời vận của mình tại sòng bạc…

Phải nhìn nhận một thực tế là số người Việt đến Las Vegas vì mục đích du lịch vẫn còn ít hơn số người đến để thử vận may. Nhiều người mỗi khi đến đây chỉ biết một nơi duy nhất là sòng bạc, họ là những con thiêu thân trước ánh đèn sặc sỡ. Có người đã ví họ đến đây để… đóng tiền điện cho Las Vegas rực sáng hàng đêm.

 Khách đỏ đen đổ xô đến "đóng tiền điện"... 
để đêm đêm  Las Vegas sáng đèn

       
***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*** 

1 Comment on Multiply

chackadao wrote on Nov 30, '10, edited on Nov 30, '10
Las Vegas la mot bai hoc cho VN.
Mot nuoc, hoac tieu bang muno phat trien phai dua vao the manh cua minh va co chinh sanh phu hop. Vi du: Las Vegas truoc day chi la mot thanh pho tren sa mac, muon thu hut du khach khong co cach nao hon la phai cho co bac cong khai. Nhat Ban la mot nuoc khong co tai nguyen, nen muon giau khong co chinh sach nao hay hon cong nghe cao, cong nghe dien tu, doi hoi it nguyen lieu che bien, nhung doi hoi trinh do ky thuat. Chinh phu ThaiLand hop thuc hoa sex industry de thu hut khach nuoc ngoai.
Viet Nam lam gi ? Dat nuoc VNam cho toi ngay hom nay van ngheo doi, dieu do chung to gioi lanh dao VN khong co chinh sach cho dat nuoc phat trien.
Look at Trung Quoc, Macao se la Las Vegas cua chau A. Song bac Phu Quoc se khong bao gio canh tranh noi voi Las Vegas, Macao… Toi la Viet Kieu ve nuoc duoc phep danh bai, nhung cung cach song bai cua VNam con thua xa the gioi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts