Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Đôi điều về Đà Lạt sương mù

Đà Lạt nằm trên Cao nguyên Langbiang có độ cao 1.500m. Langbiang, còn được gọi là Lâm Viên, trước đây là địa bàn cư trú của các sắc tộc người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho. Người Việt đầu tiên có ý định khám phá vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông, nhưng do nhiều lý do nên cho tới cuối đời ông vẫn không thực hiện được ý định của mình.

Núi cao nhất Đà Lạt cũng là ngọn núi mang tên Langbiang. Thực ra thì núi Langbiang có tới 3 ngọn chính: Chư Yen Du cao 2.075m còn gọi là núi ông Nhút, núi Langbiang cao 2.167m còn gọi là Lâm Viên và núi Bi Doup cao 2.287m còn gọi là núi Bà vì hai ngọn núi trông tựa bộ ngực của phụ nữ.

Năm 1994, nhân một chuyến du lịch xuyên Việt với đoàn sinh viên Mỹ đến Việt Nam trong học kỳ mùa hè tôi đã leo lên tới đỉnh Langbiang. Chúng tôi leo ngọn Lâm Viên vì đây là ngọn núi dễ leo hơn 2 ngọn kia nhờ có đường dẫn lên tới đỉnh.

Nói dễ leo nhưng đối với tôi lúc đó tuổi đã chớm 50 nên suốt đoạn đường phải nghỉ nhiều chặng trong khi đám sinh viên Mỹ còn trẻ cứ phăng phăng tới đỉnh. Lên đến nơi bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến khi được nhìn xuống cảnh quan thanh bình dưới chân núi. Bầu không khí mát lạnh. Vài cụm mây xuống gần đỉnh núi càng làm tăng những giây phút thoát trần…

Leo ngọn Langbiang năm 1994

Hình tượng của ngọn núi Langbiang cũng đã được hai kiến trúc sư người Pháp Monce và Revenron thể hiện trong kiến trúc 3 mái vòm nhọn của nhà ga Đà Lạt. Công trình xây dựng nhà ga được khởi công năm 1932 đến năm 1936 mới hoàn thành.

Khi vào lập nghiệp tại Đà Lạt năm 1953, gia đình tôi mua một căn biệt thự mặt chính nhìn ra đường Phạm Hồng Thái, phía sau lưng là đường Lê Thái Tổ. Từ nhà nhìn qua Phạm Hồng Thái, ở phía bên kia thung lũng, là đường rầy xe lửa. Ngày hai buổi sáng-chiều có chuyến Đà Lạt-Tháp Chàm chạy qua.

Mặt tiền Ga Đà Lạt

Bọn trẻ chúng tôi vẫn thường băng qua thung lũng, chơi đùa trên đường sắt vì biết rõ lịch tầu chạy mỗi ngày chỉ có 2 chuyến đi và về. Chúng tôi có thói quen vẫy tay chào khách trên tầu và đôi khi cũng có người vẫy lại.

Vì đây là đoạn cuối của cuộc hành trình nên chiều chiều vào khoảng 4g chuyến xe lửa từ Tháp Chàm về luôn hú những hồi còi dài trước khi vào ga Đà Lạt. Hình như tầu cũng biết mệt sau khi từ đồng bằng leo dốc lên cao nguyên. 

Tuyến đường sắt từ Đà Lạt đi Tháp Chàm (Phan Rang) là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Rất tiếc là hệ thống răng cưa này đã bị tháo dỡ bán sắt vụn gần hết sau năm 1975. Cây cầu sắt dành cho tuyến đường sắt bắc qua sông Đa Nhim tại địa phận thị xã Dran cũng đã bị tháo dỡ vào năm 2004.

Ga Đà Lạt hiện nay chỉ còn một chiếc đầu máy xe lửa hơi nước chạy bằng than củi, hai chiếc khác đã được Bảo tàng Xe lửa Thụy Sĩ mua lại. Ga Đà Lạt hiện nay là một địa điểm du lịch, hằng ngày có các chuyến tàu chở du khách đi đến Trại Mát, cách ga 5km.

Bên trong sân Ga Đà Lạt

Hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, ngày xưa có tên Grand Lac (Hồ Lớn). Riêng đối với tôi, Xuân Hương là một cái hồ mà nếu chỉ chậm vài phút, tôi đã ngủ yên trong giòng nước mát lạnh!

Một buổi trưa tôi cùng vài đứa bạn học ra tắm ở hồ Xuân Hương, phía vườn hoa Bích Câu. Dạo đó tôi chưa biết bơi nên chỉ đứng ở chỗ nông nhưng một đứa bạn, cũng chỉ mới biết bơi sơ sơ, mắn tay kéo ra xa. Tôi hụt chân và cố vùng vẫy nhưng càng lúc càng chìm xuống nước...

Trong khoảnh khắc đối diện với cái chết đang từ từ đến thì một thanh niên đạp xe ngang qua thấy vậy nên vội vàng nhảy xuống nước vớt lên. Cho đến giờ này tôi cũng không thể hình dung khuôn mặt của người đã cứu mình, lúc đó chỉ biết bụng đã óch ách đầy nước. Trưa hôm đó ra đến cửa hàng của mẹ ngoài chợ tôi không tài nào nuốt nổi một miếng cơm mà cũng không thể nào giải thích với mẹ vì sao bụng đã no nước.

Viết lại những dòng này tôi xin tri ân người thanh niên đi xe đạp đã xuất hiện đúng lúc như một phép lạ. Nếu không có anh thì chắc chắn giờ này làm gì còn tôi ngồi viết những dòng hồi ức này.

Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa tôi bỗng giật mình vì cái tên hồ thật thơ mộng nhưng cũng thật tàn nhẫn… Hồ Xuân Hương đã nuốt chửng biết bao nhiêu mạng sống, có thể đó là những người không thiết sống nhưng cũng có thể đó là những trường hợp như tôi, chỉ chậm vài phút không gặp người cứu thì giờ này đã ngủ yên dưới lòng hồ.

Grand Lac và cầu Ông Đạo ngày xưa

Hồ Xuân Hương thực chất là một hồ nhân tạo, được đào vào năm 1919 do sáng kiến của Cunhac. Để tạo thành hồ, người ta đắp một cái đập chắn dòng suối chảy qua thung lũng, trên mặt đập là một cây cầu mang tên Cầu Ông Đạo. Đập này nằm trước dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo bấy giờ là Phạm Khắc Hòe (*) vẫn được dân địa phương gọi là Ông Đạo nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là Cầu Ông Đạo.

Năm 1953, Nguyễn Vỹ, chủ tịch hội đồng thị xã, đề nghị đổi tên Grand Lac thành Hồ Xuân Hương. Mấy chục năm qua, Hồ Xuân Hương là tấm gương tự nhiên của thành phố đã làm tăng thêm vẻ yêu kiều, duyên dáng cho Đà Lạt bên cạnh sự đơn điệu, cô quạnh của những cánh rừng thông bạt ngàn.

Hồ có diện tích mặt nước rộng 25ha, chu vi dài 5,1km. Tôi cũng đã từng có kỷ niệm chạy xe máy quanh hồ Xuân Hương với bạn trên chiếc xe Puchs (lọai xe thời thượng của những năm 1960) chỉ để... đếm số cột đèn trồng quanh hồ!

Xung quanh hồ nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ được xây dựng như khách sạn Palace, Thao trường Lâm Viên nối liền với sân vận động, Nhà hàng Thanh Thủy, Thủy Tạ...

Nhà hàng Thủy Tạ

Đà Lạt còn có hồ Than Thở là một hồ nước tự nhiên. Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.

Người Pháp đặt tên hồ là Lac des Soupirs và người Việt gọi là Hồ Than Thở. Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, nên sau năm 1975 hồ Than Thở còn mang tên Hồ Sương Mai.

Hồ Than Thở

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được chính thức khởi công vào 9 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 19/7/1931, do giám mục Colomban Dreyer (Khâm sứ Toà thánh tại Đông Dương và Thái Lan) đặt viên đá đầu tiên. Nhà thờ được xây theo đồ án của linh mục Céleste Nicolas, cha sở lúc bấy giờ.

Năm 1934, một thánh giá được đặt trên đỉnh tháp chuông chính. Ở đỉnh tháp có gắn một con gà bằng đồng dài 0,66m, cao 0,58m. Cũng vì thế Nhà thờ Chánh tòa sau này còn có tên Nhà thờ Con gà.

Con gà quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Một số người giải thích Con gà là biểu tượng của nước Pháp (Coq Gaulois) nhưng những người Công giáo lại cho rằng Con gà là biểu tượng của sự sám hối, theo đoạn Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-su quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người): Ðêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần...

Mặt bằng nhà thờ được xây dựng theo hình chữ thập giá có chiều dài 65m, rộng 14m với tháp chuông cao 47m. Từ độ cao đó, tháp chuông nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố.

Tường chịu lực của nhà thờ được xây bằng gạch đá dày khoảng 30-40cm. Trên tường trong nội thất được gắn các bức phù điêu với kích thước 1m x 0,8m, làm bằng xi măng và sắt do nhà điêu khắc Xuân Thi thể hiện. Riêng phần tường ngoài luôn được quét sơn màu hồng, càng tôn thêm sự trang nghiêm của một công trình kiến trúc tôn giáo.

Nhà thờ Chính tòa (Nhà thờ Con gà)

Đà Lạt vốn là vùng đất di cư của người gốc miền Trung nên mang theo sự hiện diện của chùa chiền Phật giáo. Chùa Linh Quang, ngôi tổ đình đầu tiên của Đà Lạt, tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng do hòa thượng Thích Nhân Thứ tạo lập năm 1931. Chùa Linh Sơn được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1940 do sự đóng góp của các Phật tử, nhất là ông Nguyễn Văn Tiến và Võ Đình Dung, những người đã nhận thầu hầu hết các công trình kiến trúc thời bấy giờ.

Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Phong nằm trên đường Hoàng Hoa Thám ở Trại Hầm, được xây dựng năm 1944. Chùa dành riêng cho ni sư nên còn được gọi là Chùa Sư Nữ. Nơi đây, bố mẹ và các em tôi quy y còn tôi đến giờ này vẫn chưa có… pháp danh!

Gia đình trước tam quan chùa Linh Phong

Chùa Linh Phước còn được gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân có con rồng dài 49m được làm bằng 12.000 vỏ chai, sành sứ. Chùa là một kiến trúc khảm sành độc đáo của Đà Lạt. Chùa tọa lạc tại Trại Mát, cách trung tâm thành phố 10km về phía Đông.

Chùa Thiên Vương Cổ Sát được khởi xây năm 1958, cách trung tâm Đà Lạt vào khoảng 5km, nằm trên một đồi thông. Chính điện chùa có 3 tượng Phật cao 4m, được thỉnh từ Hồng Kông, trên đồi thông sau chùa là tượng Thích Ca Phật Đài cao 20m. Chùa còn được gọi là Chùa Tàu, theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của người Hoa.

Gần đây nhất, Đà Lạt có Thiền viện Trúc Lâm là thiền viện lớn nhất Việt Nam, khánh thành năm 1994. Đây cũng là một trong những công trình xây dựng Phật giáo lớn nhất sau năm 1975. Chùa tọa lạc bên cạnh hồ Tuyền Lâm trên một khu đất rộng 25ha.

Thiền viện Trúc Lâm

Hồ Tuyền Lâm cũng là một hồ nước thuộc thành phố Đà Lạt. Đây là hồ nước ngọt rộng nhất Ðà Lạt, với diện tích khoảng 320ha, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7km và cách thác Ðatanla 2km. Hồ nằm gần núi Phụng Hoàng, đây được xem là khu phức hợp tập trung nhiều cảnh quan đẹp và dịch vụ du lịch phong phú.

Hồ Tuyền Lâm có nhiều ốc đảo nhỏ và được bao bọc bởi khu rừng thông. Một đập nước được xây dựng tại đây với chức năng điều tiết nước. Hiện đang có dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và khu săn bắn bên hồ.

Thiền viện Trúc Lâm được nối với trung tâm thành phố Đà Lạt bằng hệ thống cáp treo, chuyên chở khách đến Thiền viện và quay về. Tháng 7/2009 trong một lần trở lại Đà Lạt với vợ chồng con gái từ Úc về tôi có dịp đi cáp treo từ một qủa đồi mang tên Robin (gần đèo Prenn) để đến Thiền viện Trúc Lâm. Giá vé cáp treo khứ hồi 60.000 đồng/người bao gồm tiền bảo hiểm, thuế VAT và phí phục vụ.

Nơi cáp treo xuất phát có nhà hàng rộng mênh mông, chứa được hàng ngàn thực khách nhưng có điều khách sử dụng cáp treo có thể đếm trên đầu ngón tay còn khách trong nhà hàng thì chẳng thấy ai. Trước khi lên cabin cáp treo, du khách có dịp ngắm toàn cảnh thành phố Đà Lạt trước mắt: những con đường thành phố lên xuống uốn lượn, xa xa núi Langbiang, núi Voi - đúng là hình dáng con voi - nằm xoải dài uy nghi vững chãi.

Lơ lửng giữa trời trên cáp treo tôi thoáng thấy những khoảng rừng thông bị loang lổ tựa như chỗ đầu bị tróc mất tóc. Hình như đó là những nơi người ta tranh thủ phá rừng để xây nhà cửa, dựng lên những cái hộp bê-tông lớn nhỏ cao thấp lô nhô rối mắt.

Cáp treo từ đồi Robin đến Thiền viện Trúc Lâm

Hệ thống cáp treo Ðà Lạt có thể nói là đáng tin cậy, do một công ty Áo (Austria) vận hành. Các lồng cáp được đặt mua ở Thụy Sĩ, và máy móc thiết bị do Ðức sản xuất. Việc bảo trì, điều hành và quản lý hệ thống xe cáp treo do người Việt Nam đảm nhiệm, sau khi đã được các kỹ thuật viên của công ty Áo huấn luyện kỹ càng suốt 3 tháng trời.

Tất cả 50 lồng cáp treo cùng di chuyển lên xuống suốt ngày, mỗi lồng ngồi được 4 người. Trạm dừng của cáp treo đặt tại khu vực Trúc Lâm Thiền Viện, cách trạm khởi hành 2,300 mét. Chuyến du hành trên không chỉ kéo dài đúng 12 phút.

Vợ chồng con gái cho biết cáp treo ở Tasmania chỉ là một cái ghế có thanh sắt chắn phía trước, hoàn toàn không có cabin nên người ngồi trên cáp treo cứ run như cầy sấy, sợ bị rớt xuống đất toi mạng. Cũng vì ấn tượng kinh hòang với cáp treo Tasmania nên vợ chồng Hà nghe tới cáp treo là sợ phát khiếp nhưng cũng liều đi cáp treo ở Đà Lạt.

Không ngờ cáp treo Việt Nam lại an toàn đến như vậy! Cabin là một cái lồng kính, cửa khóa tự động nhưng cũng có thể mở cửa sổ để thò đầu ra ngoài chụp ảnh. Về điểm này, ai dám bảo là Việt Nam lạc hậu hơn Úc?

***
Video clip "Đà Lạt Xưa"



***

Chú thích:

(*): Phạm Khắc Hòe, tác giả cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, nguyên là Tổng lý Ngự tiền Văn phòng của triều đình Huế. Cuốn hồi ký viết về giai đoạn giao thời 1945-1947 của Vua Bảo Đại và cuộc cách mạng tháng 8/1945.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 3: Thời thanh niên)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

5 Comments on Multiply

anhlanggieng wrote on Oct 29, '10
Cam ơn anh, một bài viết thật tuyệt vời.

thahuong82 wrote on Oct 30, '10, edited on Oct 30, '10
Quả thật anh còn hơn Thổ Công Đàlạt, hướng dẩn viên du lịch ĐL nên tìm đến anh để thụ huấn. Cám ơn đã cho biết thêm nhiều đìều thú vị về ĐL một thành phố yên bình, thơ mộng mà tôi hằng yêu thích và có nhiều kỷ niệm.

nguyenngocchinh wrote on Oct 30, '10
thahuong82 said “Quả thật anh còn hơn Thổ Công Đàlạt,hướng dẩn viên du lịch ĐL nên tìm đến anh để thụ huấn. Cám ơn đã cho biết thêm nhiều đìều thú vị về ĐL, một thành phố yên bình, thơ mộng mà tôi hằng yêu thích và có nhiều kỷ niệm
Tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu, kết hợp với kinh nghiệm của bản thân, để viết về thành phố sương mù nên không dám nhận chức Thổ Công đâu.

caibang9 wrote on Oct 30, '10
Cảm ơn Chính nhiều !
Đọc mà nhớ "quê hương thứ hai " quá !

giahien wrote on Oct 31, '10
thanks for sharing, chúc anh 1 tuần vui vẻ, nhiều hứng thú để viết tiếp.

4 nhận xét:

  1. Nếu được xin anh cho em file các tấm ảnh trong clip qua email tdkhanh1991@gmail.com. Em cám ơn rất nhiều ạ

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. "Năm 1973, Nguyễn Vỹ, chủ tịch hội đồng thị xã, đề nghị đổi tên Grand Lac thành Hồ Xuân Hương " Chắc có ghi lầm năm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là "... năm 1953, Nguyễn Vỹ, chủ tịch hội đồng thị xã..." chứ không phải như lỗi đánh máy là năm 1973. Tôi đã sửa lại và xin cám ơn anh Duy Nguyen đã phát hiện ra lỗi này.

      Xóa

Popular posts