Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay: Từ Tản cư, Sơ tán đến Di tản

Trước tiên, xin xác định, hành trình ngôn ngữ Việt có cột mốc thời gian Xưa và Nay được căn cứ  vào thời điểm Trước và Sau 1975 giữa bối cảnh cuộc chiến hai miền Nam-Bắc. Qua loạt bài về hành trình ngôn ngữ, tác giả có tham vọng phản ảnh những giai đoạn lịch sử Việt Nam qua những thay đổi về ngôn từ trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếng Việt rất phong phú. Trước một sự kiện hoặc sự vật, người ta có rất nhiều từ ngữ để diễn tả. Trong thời kháng chiến chống Pháp có hiện tượng tản cư. Người dân tại các thành phố về nông thôn ở tạm hoặc ở nhờ để rồi quay lại Hà Nội khi đã hòa bình hoặc dinh tê (quay trở về sống tại vùng do Pháp kiểm soát).

Trong Hồi ký Phạm Duy, tác giả hồi tưởng lại những ngày tản cư: “Miền trung du vào thời điểm mùa Xuân 1947 là nơi có đông đảo đồng bào ở các đô thị di tản lên. Những thành phố nấm (ville champignon = được gọi như vậy là vì mọc lên một cách rất nhanh chóng, do dân tản cư tạo ra) đã có mặt ở nhiều nơi và là những chợ trời với khá đầy đủ những đồ tiêu dùng mà người đi kháng chiến cần đến hằng ngày như sà phòng, thuốc đánh răng, kim chỉ, thuốc men... Nhất là có những quán cà phê với sữa, đường và thuốc lá là những thứ mà dân tiểu tư sản thành thị đang làm việc tại các cơ quan Hành-Kháng di động lúc nào cũng thèm….”

Cuộc sống tại chiến khu
Thời chống Pháp có vùng tề là những làng do người Pháp bình định và thành lập hội tề để điều hành. Tuy nhiên, hầu như mọi hội tề đều làm việc cho Pháp vào lúc ban ngày nhưng đến đêm họ bắt buộc phải theo Việt Minh. Vùng tề được coi là vùng xôi đậu, tôi còn nhớ mãi câu: Ấm ớ hội tề, đánh cho một trận đuổi về Tự Do!

Vùng tề còn là nơi có người chỉ đường dẫn lối cho những ai muốn dinh tê về thành phố. Trong cuốn hồi ký đã dẫn, ngồi tại Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City, California), nhạc sĩ Phạm Duy kể lại hành trình dinh tê của mình sau một thời gian tham gia kháng chiến:

“Mùng 1 tháng 5 năm 1951, đại gia đình họ Phạm chia ra ba nhóm để dinh tê. Chúng tôi chọn ngày Lễ Lao Động để ra đi, tin rằng Công An hay cán bộ trong chính quyền ở nơi này cũng như ở những nơi khác đều lơ là trong việc canh gác, vì họ rất bận bịu trong công việc tổ chức ngày lễ quan trọng của họ. Ba người đàn ông là tôi và Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương đi một đàng. Đàn bà, con gái, ông già, trẻ con là ông bà Thăng Long, Thái Hằng [Phạm Thị Quang Thái, vợ Phạm Duy - NNC], Băng Thanh [Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh, em của Thái Hằng - NNC] và bé Quang [ca sĩ Duy Quang, con của Phạm Duy và Thái Hằng - NNC] đi một nẻo khác. Đứa bé được bỏ vào trong một cái thúng để gánh đi. Gia Đình Phạm Đình Sĩ, Kiều Hạnh đi riêng một nẻo khác.

“Đúng như dự đoán của chúng tôi, cuộc ra đi của ba toán đã chẳng gặp một trở lực nào cả. Tôi, Phạm Đình Viêm và Phạm Đình Chương đã đi qua Đò Lèn để tới vùng Phát Diệm. Chỉ mất một ngày đường là tới vùng tề. Cảnh đồng quê vẫn êm đềm, óng ả như tự bao giờ, chẳng cần biết đến chuyến đi vô cùng quan trọng của chúng tôi. Vừa đi tôi vừa mở rộng đôi mắt, vừa lóng đôi tai để thu vào tâm trí hình ảnh và âm thanh của một miền đất nước mà không bao giờ -- phải, không bao giờ -- tôi còn nhìn, còn nghe thấy nữa. Tôi thở mạnh, không biết có phải tôi đang thở dài hay tôi đang cố hít một lần cuối cùng cái không khí "đồng quê bát ngát" nằm trong một bài hát của tôi đây?

“Còn khoảng vài cây số nữa là sẽ tới cái đồn đầu tiên của vùng bên kia chiến tuyến. Chúng tôi gặp một cái quán nhỏ và vào quán để nghỉ ngơi. Lần đầu tiên, sau 5 năm đi kháng chiến, bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy những chai rượu bia. Dù tôi không uống rượu bao giờ, cùng với hai anh em vợ, tôi cũng gọi mua một chai bia và một bát phở. Đã từng thiếu chất ngọt trong người từ lâu, cả ba chúng tôi pha đường vào bia để uống. Không ngờ bị say rượu, đỏ mặt tía tai lên. Đó là một kinh nghiệm đầu tiên trong cuộc đổi đời này. Ăn uống xong, chúng tôi hồi hộp ra đi trên con đường đưa chúng tôi tới thị xã Phát Diệm.

“Khi tôi cùng với hai anh em vợ tới một con sông nhỏ thì nhìn thấy một cái đồn ở bên kia sông. Đột nhiên tôi thấy lá cờ tam tài cắm trên nóc đồn. Tôi bảo hai người anh em vợ hãy cùng tôi đứng lại ở bên này chiếc cầu. Ngước mắt nhìn lá cờ Pháp, tôi không làm sao ngăn được hai dòng nước mắt đang từ từ chảy trên đôi má..."

Lực lượng kháng chiến lên án những người dinh tê. Đó là chuyện tất nhiên. Kháng chiến cho rằng đa số họ là những thành phần tạch tạch xè (tiểu tư sản), quen với nếp sống tiện nghi ở thành thị nên khó có thể chịu đựng những gian khổ trong cuộc kháng chiến. (Sau dinh tê trong kháng chiến chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ còn xuất hiện những thuật ngữ như chém vè, chiêu hồi được dùng dưới thời VNCH).

Bản thân những người dinh tê nghĩ sao? Dưới đây là suy nghĩ của Phạm Duy về ‘những giọt nước mắt’ khi dinh tê:

“... Nước mắt tiếc thương cho những năm đem hết tâm trí ra để cống hiến cho Cách Mạng và Kháng Chiến... Trong đó có giọt nước mắt rơi khi tưởng rằng gặp được tình yêu nước qua hình ảnh một lãnh tụ, trộn vào nước mắt vui trên chuyến xe lửa "xuất quân", nước mắt rơm rớm khi nhìn thấy xác bạn đồng đội trong chiến khu Đất Đỏ, nước mắt cảm động khi nghe bà mẹ quê hát bài dân ca của mình mà ngỡ rẵng đó là một bài hát cổ truyền, nước mắt ào ào vì chuyện bi hùng của một bà mẹ ở huyện Gio Linh, nước mắt chảy vào trong ruột khi được tin mẹ mình đã mất. Và lúc này là nước mắt nhục nhã...

Đáng lẽ tôi ngưng trích Hồi ký Phạn Duy tại đây nhưng nghĩ lại sẽ là thiếu sót nếu như người đọc không theo dõi được đoạn kết thúc của một chuyến dinh tê thời kháng chiến. Chuyện dinh tê có hồi kết như sau: 

“Tôi giật mình, vội lấy tay lau khô nước mắt khi nghe tiếng quát ở bên kia sông:
-- Ê, mấy thằng kia. Đi đâu?

“Nghe thấy tiếng súng lên đạn lóc cóc, chúng tôi vội vàng giơ cao lá cờ trắng đã làm sẵn với chiếc mù-xoa. Rồi chúng tôi bước qua cầu để tới đồn canh. Ở đây lính giữ đồn là lính "Commando", mặc binh phục mầu đen. Một Quản Binh Pháp tên là Vandenberghe đã tạo ra những toán lính Việt-Pháp này, ăn mặc và trang bị nhẹ giống như Việt Minh để hoạt động ở những vùng tề. Chúng tôi khai là thường dân đi tản cư ở vùng Việt Minh, nay đã kiệt quệ về kinh tế cho nên muốn trở về với gia đình và khai ra tên người anh ruột của Viêm là Phạm Đình Chung hiện đang phục vụ trong Bảo An Đoàn.

“Sau khi quay tê-lê-phôn hỏi ai đó không biết, trưởng toán lính Commando ký giấy cho chúng tôi ra đi. Chúng tôi vào tới thành phố Phát Diệm thì trời đã về chiều. Rồi đêm tối xập xuống. Chúng tôi đang đi lang thang ở trong đường phố tối om để tìm chỗ ngủ thì gặp một người quen tên là Diễn. Anh Diễn niềm nở cho chúng tôi về tạm trú tại nhà anh. Trong đêm đầu tiên ở một vùng cũng là phần đất quê hương nhưng vẫn còn cảm như xa lạ, tôi thức thâu đêm suốt sáng.

“Hôm sau chúng tôi ra Ty Công An Phát Diệm để làm giấy tờ cần thiết. Chụp ảnh, lăn tay và được cấp một cái thẻ tùy thân to như một tấm passeport. Tôi cũng là nhân vật nổi tiếng ở trong vùng thành phố rồi cho nên tôi được đối sử rất là tử tế. Tôi không còn mang mặc cảm đầu hàng nữa khi nhận ra rằng vùng Phát Diệm này là một vùng rất độc lập”.

Phạm Duy: "người hát rong"

Năm 1954, sau Hiệp định Genève, một triệu người từ miền Bắc vào Nam bằng đường biển và đường hàng không được gọi là di cư vào Nam.

Điều 14 (d) của Hiệp định quy định: “Kể từ ngày Hiệp định hiện hành có hiệu lực đến khi quân đội viễn chinh [Pháp] rút xong, mọi công dân đang cư trú trong vùng thuộc quyền kiểm soát của bên này, được phép cư trú tại vùng kiểm soát của phía bên kia nếu họ muốn. Chính quyền nơi họ cư trú cho phép và giúp đỡ họ”. 

Tuy nhiên, việc di cư được tiến hành ồ ạt với một số lượng lớn trong thời hạn chuyển giao quyền lực giữa quân đội Pháp và Việt Minh lại quá ngắn. Có nhiều đánh giá về số người di cư. Phủ Tổng uỷ Di cư, cơ quan do chính phủ Ngô Đình Diệm lập ra, đưa ra con số 928.152 người. Giáo hội Công giáo thì khẳng định trong số đó có khoảng 650.000 người Công giáo di cư (chiếm khoảng 2/3 số người công giáo tại miền Bắc) vì… Chúa đã bỏ vào Nam!

Có 213.635 người di cư theo đường hàng không, 555.037 người được chuyên chở bằng đường biển. Số còn lại di cư theo đường bộ bằng các phương tiện cá nhân, như xe đạp, thuyền, xuồng, v.v… từ Quảng Bình vượt sông Bến Hải. Số này thuộc những người di cư không đăng ký. Tính chung, khoảng hai phần ba số người di cư bằng các phương tiện chuyên chở của Pháp, số còn lại được chuyên chở bởi các phương tiện vận chuyển của Mỹ, Anh. Bên cạnh đó còn có tàu của Liên Xô và Ba Lan chở những người tập kết từ trong Nam ra ngoài Bắc.

Di cư vào Nam

Ngày 4/8/1954 cầu hàng không nối phi trường Tân Sơn Nhứt (Sài Gòn) với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai (Hà Nội) và Cát Bi (Hải Phòng). Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ với khoảng 1.200 km đường chim bay. Phi cảng Tân Sơn Nhứt trở nên đông nghẹt, tính trung bình cứ mỗi 6 phút có một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết có 4280 lượt hạ cánh và đưa vào Nam 213.635 người.

Trên đường biển, những chiếc tàu há mồm (LST - Landing Ship Tank của hải quân Mỹ) đón người ở gần bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải phận miền Bắc. Các tàu của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... đã giúp 555.037 người vào Nam. “Nam” được hiểu là duyên hải miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Vũng Tàu. Vì số người di cư quá đông, Cao uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận nên ngày cuối cùng thay vì là 19/5 được đổi thành ngày 19/8. Trong thời gian gia hạn thêm, 3.945 người đã di cư vào Nam với chuyến tàu cuối cùng cập bến Sài Gòn vào ngày 16/8/1954.

Ngược lại, cũng năm 1954, một số người miền Nam lại tập kết ngược ra Bắc trên những chiếc tàu của Ba Lan, Liên Xô và Pháp. Theo tài liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có khoảng 140.000 người tập kết ra Bắc bằng tàu biển và các phương tiện tự túc riêng qua việc băng rừng Trường Sơn. Họ là những người theo Việt Minh cùng gia đình và thân nhân đi theo. Phủ Tổng uỷ Di cư Tỵ nạn của miền Nam (khi đó còn là Quốc gia Việt Nam), cũng ghi nhận có 4.358 người sau khi di cư vào Nam lại đổi ý trở ra Bắc nên được chính phủ miền Nam cung cấp phương tiện bằng cả đường thủy và đường hàng không để trở về Bắc.

'Tàu há mồm' LST chở người di cư 

Đến năm 1972 lại có hiện tượng đi sơ tán tại miền Bắc để tránh bom Mỹ. Đó là thời kỳ miền Bắc bị không lực Hoa Kỳ oanh tạc qua 2 chiến dịch ném bom mang tên Linebacker I và II. Linebacker I diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10/1972 và Linebacker II từ ngày 18/12 đến 30/12/1972 sau khi Hội nghị Paris về Việt Nam bị bế tắc.

Linebacker II được thực hiện qua hàng loạt đợt oanh kích bằng pháo đài bay B-52 với mục đích đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của miền Bắc (khi đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Một loạt các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên bị liên tục thả bom trong 12 ngày đêm với khoảng 36.000 tấn bom.

Xác máy bay Mỹ

Chính vào thòi kỳ này, một thuật ngữ thường được dùng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người dân miền Bắc. Đó là sơ tán, tương đương với tiếng Anh là evacuation. Nhà cầm quyền Hà Nội ra lệnh sơ tán các cơ quan đầu não và thường dân về vùng quê nhằm hạn chế tổn thất.

Dưới đây là những điều Phạm Minh Hương ghi lại trong Kỷ niệm thời sơ tán, khi đó cô mới 13 tuổi.

“Tôi vẫn còn nhớ như in thời chiến tranh chống Mỹ. Năm 1972, cuộc chiến vô cùng gay go ác liệt. Dân Hà Nội phải đi sơ tán sang các tỉnh lân cận xung quanh Hà Nội. Khi đó đơn vị bố tôi thông báo các gia đình khẩn trương đưa người nhà tập trung lên xe đi sơ tán. Bố đang công tác ở chiến trường Quảng Trị. Mẹ tôi bận công tác nên chỉ đưa hai chị em tôi đến nơi rồi quay lại Hà Nội ngay.

“Nơi sơ tán là Huyện Thạch Thất, Hà Tây. Khi xe đỗ ngay đầu làng, mọi người ùa xuống, mang vác lích kích nào là quần áo, chăn màn, nồi niêu, bát đĩa. Riêng chị em tôi không có bố mẹ ở cùng nên không mang theo đồ bếp. Chúng tôi phải ăn tập thể. Nhớ mãi bữa đầu tiên. Thằng em trai khi đó 8 tuổi nó nhát như cáy. Thấy đông người không chịu ngồi vào mâm. Dỗ mãi nó vẫn khóc, không chịu ăn. Tôi thì đói bụng mà em không chịu ăn, mình ăn sao nổi. Cuối cùng không dỗ được em chị cũng khóc nốt”.

Cuối cùng là chuyện di tản tại miền Nam vào năm 1975. Người dân Sài Gòn trong suốt tháng 4/1975 thường nhắc đến hai chữ di tản (cũng vẫn là evacuation), khởi đầu là việc ‘chạy loạn’ của thường dân từ miền Trung thuộc vùng I và II chiến thuật, nơi có giao tranh khốc liệt. Dòng người từ miền Trung xuôi Nam bằng đường bộ, đường thủy và thậm chí bằng chính đôi chân của mình. Cũng vì thế, chính quyền VNCH gọi đây là… cuộc bỏ phiếu bằng chân.

Ngày 23/3/75, Huế thất thủ trong khi ở Đà Nẵng, hàng ngàn dân thường và binh lính tìm cách chạy thoát bằng đường biển khỏi thành phố đang bị bao vây dưới những trận mưa pháo. Trong 4 sư đoàn bộ binh của quân lực VNCH, 4 liên đoàn Biệt động quân, lữ đoàn thiết giáp, sư đoàn không quân, và hàng ngàn nhân viên quân sự và địa phương quân, chỉ có 16.000 người thành công trong việc di tản khỏi miền Trung.

Di tản chiến thuật

Trong số gần 2 triệu dân thường dồn lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 3, chỉ có hơn 50.000 được di tản bằng đường thủy, 70.000 binh sĩ VNCH còn lại sau bị bắt làm tù binh, 33 máy bay phản lực A-37 còn nguyên vẹn và gần 60 máy bay khác tại căn cứ không quân Phù Cát cũng bị bỏ lại.

Đà Nẵng sụp đổ mà không có một trận chạm súng nào, binh sĩ VNCH đóng quanh thành phố gần như không chống cự. Các trung tâm phòng thủ còn lại dọc theo bờ biển cũng nhanh chóng tan vỡ: Quảng Ngãi ngày 24/3, Qui Nhơn và Nha Trang ngày 2/4 và cảng Cam Ranh ngày 3/4.

Trong nửa đầu tháng 4, với Quân đoàn 2 Bắc Việt từ phía bắc tiến vào và quân đoàn 3 từ Tây Nguyên đổ xuống, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lần lượt thất thủ. Ngày 9/4, Quân đoàn I định đánh chiếm huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai - tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng của Sài Gòn - nhưng Sư đoàn 18 của quân Lực VNCH đã kháng cự ác liệt để giữ vững được thị xã. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của quân lực VNCH.

Trước đó, đã có lệnh Di tản Chiến thuật của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo đó các đơn vị tham chiến rút lui từ cao nguyên và miền Trung về gần thủ đô Sài Gòn để bảo vệ cho phòng tuyến cuối cùng của VNCH. Nhưng kết quả đã cho thấy, miền Nam hoàn toàn sụp đổ.

Một số người cho rằng quyết định Di tản Chiến thuật là một trong những lý do dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam bên cạnh những yếu tố ngoại lai về phía Mỹ. Phải chăng, Di tản Chiến thuật chỉ là một danh từ hoa mỹ để che đậy một thực tế phũ phàng là Rút lui khi đang trong cơn yếu thế?

Di tản chiến thuật trên Sông Ba

Sau đó, từ Sài Gòn, một cuộc di tản trên quy mô lớn và có tổ chức đã được thực hiện. Nhân viên, gia đình các sứ quán và công ty nước ngoài được Hoa Kỳ và các nước đồng minh được xắp xếp để rời khỏi Việt Nam trong tình hình chiến sự ngày càng bi đát.

Ngày 29/4/1975, Tổng thống Hoa Kỳ, Gerald Ford, chính thức ra lệnh khởi động Operation Frequent Wind để di tản quân nhân, nhân viên dân sự Mỹ DAO và một số người Việt đã từng cộng tác với chính phủ Hoa Kỳ và VNCH. Trên nguyên tắc, chiến dịch này chỉ kéo dài từ 3g30 chiều ngày 29/4/1975 đến 9g tối ngày 30/4/1975, khởi đầu bằng bài hát White Christmas được phát trên đài Quân đội Hoa Kỳ tại Sài Gòn như một mật hiệu cho việc di tản.

Di tản khỏi Sài Gòn

Cùng vào thời điểm này, một số người Việt cũng đã bắt đầu di tản khỏi Việt Nam với bất cứ giá nào bằng mọi phương tiện, qua ngã đường bộ và đường biển. Khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ, những người di tản được biết đến qua thuật ngữ thuyền nhân (boat people). Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ. Một con số mang nhiều ý nghĩa về mặt nhân bản cũng như chính trị.

“Thuyền nhân” vượt biển 

Một số trại tỵ nạn đã được thành lập tại đảo Galang, Kuku (Indonesia – Nam Dương); Bidong, Sungei Besi (Malaysia – Mã Lai Á); Banthad, Leam Sing, Phanat Nikhom, Sikiw, Site 1, Site 2, Songkhla (Thailand), Bataan, Palawan (Philippines – Phi Luật Tân) và Achau, Argyle Street, Chimawan, Green Island, Heilingchau, High Island, Shek Kong, Whitehead, Tuen Mun, Pillar Point (Hongkong).

Những trại tỵ nạn này đều do Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc thiết lập và tổ chức này đã xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa bình năm 1981 vì mục đích nhân đạo. Hiện nay, chưa có một con số thống kê chính thức về số thuyền nhân bị chết trên biển. Tuy nhiên, đã có những tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ đến những người bỏ mình trên biển như tại Mã Lai và Nam Dương.

Trong truyện ngắn Di Tản của Lê Hoài Lương, tác giả viết:  “Di tản là bản năng sinh tồn. Người anh ruột của vợ tôi, thiếu tá quân đội Sài Gòn đã di tản và anh bị một người cấp dưới của mình gõ vào sọ một phát để sau đó bị xẻ thịt cứu đói cho cả thuyền đang lạc đường trên biển, trong lộ trình tìm “đất hứa”. Không thể đòi hỏi rằng đáng lý anh gõ vào sọ thằng đó mới phải. Chuyện sinh tồn chưa bao giờ có màu sắc cấp trên hay cấp dưới….

Tại Sydney (Úc), Viện Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Úc (Australian National Maritime Museum) hiện lưu trữ một số hiện vật của con thuyền Tự do do một gia đình thuyền nhân Việt Nam thực hiện chuyến vượt biển hơn 6.000 km từ Việt Nam và cập bến Darwin (Úc) năm 1977. Con thuyền này chính phủ Úc mua lại năm 1990, trùng tu và hiện được trưng bày ở bảo tàng viện như một chứng tích về Boat People.
  
Tại Hoa Kỳ, ngày 12/8/2009 Hội đồng thành phố Westminster, California, đã thông qua nghị quyết 4257 công nhận ngày Thứ Bảy cuối cùng trong tháng 4 sẽ là Ngày Thuyền nhân Việt Nam để tưởng niệm những người đã bỏ mình giữ biển cả trên bước đường di tản.

Boat People

Xét cho cùng, chuyện tản cư, di cư, sơ tán hay di tản còn tùy thuộc vào mục đích. Nếu ra đi nhằm tìm nơi ở mới phù hợp hơn theo ý muốn của mình một cách chủ động thì gọi là di cư, còn nếu ra đi ồ ạt vì ở nơi cũ không còn phù hợp do các yếu tố khách quan như thiên tai, chiến tranh… thì gọi là di tản.

Di tản cũng chưa chắc là di cư vì có khi di tản tránh bão vài tháng rồi lại về nhưng di cư hàm ý ở lại nơi mới lâu dài. Như vậy, trong số những người vào Nam năm 1954, có người ra đi vì di cư nhưng cũng có người ra đi vì di tản. Có thể nói, trong cuộc di cư vào Nam như ta vẫn thường gọi không hẳn chỉ có những người di cư về mặt xã hội mà còn bao gồm những người di tản về mặt chính trị. Ngược lại, năm 1975, trong số những người di tản vì có liên quan đến chính trị, cũng có những người di cư thuần túy vì lý do xã hội và kinh tế.

Xem ra, đối với các nhà ngôn ngữ học, cần phải đặt lại vấn đề về danh xưng hay cách gọi sao cho chính xác để những thế hệ sau này khi đọc lịch sử Việt Nam có thể hiểu một cách cặn kẽ những diễn biến trong quá khứ.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

***

13 Comments on Multiply

chackadao wrote on Mar 25, '11
ngon ngu phan anh ban tinh dan toc

bayhoang79 wrote on Mar 26, '11
Cám ơn anh Chính đã cho đọc một bài nghiên cứu rất quý giá về việc "di tản". Gia đình chúng tôi cũng đã từng "tản cư", "dinh tê", "di cư" và "định cư" tại nước Mỹ, quê hương thứ 2 đang cưu mang dân tộc VN chúng ta!

chauxuannguyen wrote on Mar 28, '11
Chào anh Chính,
Cảm ơn anh đã thông báo cho tôi về bài viết tuyệt vời này, xin phép anh để phổ biến trên trang Tin Tức Hằng Ngày và nhũng trang FB của tôi.
Thân ái,
Chau Xuan Nguyen
Lần đầu tiên trong đời tôi học dc chữ "dinh tề", tôi sanh năm 1956 tại Chợ Lớn nên ko biết từ này, hôm nay nhờ anh Chính thì tôi mới biết.

nguyenngocchinh wrote on Mar 28, '11, edited on Mar 28, '11
chauxuannguyen said “Lần đầu tiên trong đời tôi học dc chữ "dinh tề", tôi sanh năm 1956 tại Chợ Lớn nên ko biết từ này, hôm nay nhờ anh Chính thì tôi mới biết
Xin sửa lại cho đúng. Hồi xưa, khu vực Pháp kiểm soát được gọi là VÙNG TỀ nhưng những người đi kháng chiến muốn trở về VÙNG TỀ được gọi là DINH TÊ (không có dấu huyền, chứ không phải là DINH TỀ).
Anh thấy ngôn ngữ tiếng Việt cũng khá là rắc rối. Nội các dấu sắc, nặng, huyền, hỏi, ngã... cũng đủ làm cho người Việt điên đầu chứ chưa nói gì người ngoại quốc học tiếng Việt!!!

chauxuannguyen wrote on Mar 28, '11
Chào ang Nguyen Ngoc Chinh,
Tôi đã đăng vào đây rồi nè...http://dailyvnews1.wordpress.com/2011/03/28/hanh-trinh-ngon-ng%e1%bb%af-x%c6%b0a-va-nay-t%e1%bb%ab-t%e1%ba%a3n-c%c6%b0-s%c6%a1-tan-d%e1%ba%bfn-di-t%e1%ba%a3n/
Cám ơn anh và thân ái,
Chau Xuan Nguyen

penseedl wrote on Mar 30, '11
Hồi nào tới giờ tôi cũng chỉ nghe 2 từ "dinh tê" chứ chưa thấy ai viết là "dinh TỀ" cả. Trong kháng chiến chống Pháp nhiều người đã "dinh tê" vì không chịu đựng nổi gian khổ và vì gánh nặng gia đình. Nhưng anh Chính hoặc có ai biết vì sao vùng do Pháp kiểm soát lại gọi bằng TỀ không?

nguyenngocchinh wrote on Mar 30, '11
penseedl said “Nhưng anh Chính hoặc có ai biết vì sao vùng do Pháp kiểm soát lại gọi bằng TÊ không?”
Tôi nghĩ TỀ là một danh từ Hán Việt, hàm ý bình định, làm cho yên ổn... Khổng Từ có câu "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

penseedl wrote on Mar 30, '11
nguyenngocchinh said “Thời chống Pháp có vùng tề là những làng do người Pháp bình định và thành lập hội tề để điều hành
"Dinh TÊ " nhưng lại là "Vùng TỀ" à ?. "Réc-rốì" wá !.

andropause wrote on Apr 2, '11
Khởi đầu là chuyện từ ngữ mà anh Chinh đã làm luôn một review lịch sử VN! Đọc thật thú vị. Cũng cám ơn anh về những hình ảnh minh họa. Lần đầu tiên thấy cái tàu há mồm!

ks2083 wrote on Apr 19, '11
Một bài viết hay và độc đáo. Cám ơn anh.

nam64 wrote on May 16, '11
Em chôm vài hình ảnh trong Entry của anh đó hihi cám ơn anh nhe.

nguyenngocchinh wrote on May 16, '11
nam64 said “Em chôm vài hình ảnh trong Entry của anh đó hihi cám ơn anh nhe.”
It's OK, Nam Ròm.

nam64 wrote on May 16, '11
nguyenngocchinh said “It's OK, Nam Ròm.
Tặng lại cho anh vài hình ảnh nè hihihi

Vĩ tuyến  17

Di cư

Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ, lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm). 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts