Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Ghi chép từ thành Viên

Tôi còn nhớ, ở Sài Gòn trước 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có nhắc đến ‘thành Viên’ bên Áo qua bài Nhớ một chiều xuân:  

“...Người về còn nhớ phút ấy,
Người yêu dấu bên bờ thành Viên…”

Thành Viên ở tận Âu châu, xa lắc xa lơ… Hồi xưa chỉ nghêu ngao hát cho vui vậy thôi chứ nào có biết Vienna (còn có tên bằng tiếng Đức là Wein) ‘mặt ngang mũi dọc’ ra sao. Không ngờ đến năm 1996 tôi lại có dịp đến thành Viên, nơi mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn giữ lại hình ảnh của ‘người yêu dấu’. Hai năm sau tôi lại đến Viên trên đường qua Ý nên tổng hợp 2 chuyến đi có khá nhiều đều để ghi chép.

Cô hướng dẫn viên du lịch đón chúng tôi tại phi trường quốc tế Vienna với nụ cười thân thiện và lời chào mừng Welcome to Austria. Và như thể thanh minh trước sự ngộ nhận giữa Austria (tên tiếng Anh của Cộng hòa Áo) với Australia thuộc vùng châu Á-Thái bình dương, cô dí dỏm nhắc khéo: There are no kangaroos in Austria, làm gì có chuột túi kangaroo ở Austria!

Người dân Áo vẫn thường cau mày khó chịu mỗi khi đất nước của họ bị gọi nhầm là Australia. Và cũng để ‘tương kế tựu kế’, nhân kỷ niệm 1.000 năm thành lập nước Áo, ngành du lịch tại đây đã có sáng kiến lợi dụng sự ngộ nhận đó để nhắc nhở với phần còn lại của thế giới qua khẩu hiệu trần tình: No Kangaroos in Austria. Khẩu hiệu này được in trên các loại áo pull bày bán khắp nước Áo cho khách du lịch.

Vienna

Mỗi quốc gia đều có niềm tự hào dân tộc riêng. Người Áo cũng không phải là ngoại lệ: họ tự hào với thời vàng son của Đế chế Áo-Hung, thành trì của châu Âu trong suốt cuộc đấu tranh chống Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) từ phương đông tràn vào.

Nước Áo ngày nay tiếp giáp với Ý, Thụy Sĩ, Séc, Slovakia, Slovenia và Hungary với diện tích chỉ bằng 1/8 Đế quốc Áo-Hung trước thế chiến thứ nhất. Áo Quốc chính là giao điểm của Đông và Tây Âu về mặt chính trị và cũng là cửa ngõ thông thương giữ hai phần của lục địa. Đó cũng là thế mạnh của ngành du lịch trong việc khai thác khách du lịch thế giới qua những nét đặc trưng của đất nước và con người.

***

Nước Áo nói chung và thủ đô Vienna nói riêng vẫn thường tự hào là một trong những ‘cái nôi âm nhạc’ của thế giới. Nơi đây đã từng là nơi sinh sống và sáng tác của các bậc thầy âm nhạc như Mozart, Beethoven, Schubert, Brahm và Johann Strauss – ông vua của điệu valse với tác phẩm bất hủ Dòng sông xanh.

Tại Áo ngày nay, những nơi sinh sống và làm việc của các thiên tài âm nhạc đã trở thành nhà lưu niệm hoặc viện bảo tàng để những người hâm mộ có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời và tác phẩm của họ. Tại đây, hướng dẫn viên chuyên nghiệp sẽ đưa khách đi tìm lại những kỷ vật, hình ảnh và âm thanh của những nhạc sĩ tài danh ngày nào. Bạn cũng có thể thuê ‘hướng dẫn viên’ qua hình thức gắn headphone nghe hướng dẫn để tự mình khám phá thế giới âm nhạc của thành Viên.

Lần tôi đến Vienna năm 1996, thành phố vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 200 của Frank Schubert, người đã chào đời tại Vienna và từ trần tại đây vào tuổi 32. Schubert đã để lại hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc, một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bài Serenade mà hậu thế còn nhớ mãi.

Vienna còn là một trung tâm nhạc kịch của thế giới với những nhà hát cổ kính. Âm nhạc thường được coi là ‘ngôn ngữ quốc tế’ cho nên dù không biết tiếng Đức (ngôn ngữ chính thức của Áo) khách du lịch vẫn có thể thưởng thức những chương trình ca nhạc được phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng, ánh sáng, âm thanh hiện đại. Có điều, mức sinh hoạt tại Vienna tương đối cao nên muốn được thưởng thức loại hình nghệ thuật ‘quý tộc’ này, người xem phải bỏ ra từ 600 đến 1.000 schilling (khoảng 60 đến 100 USD) để mua vé vào cửa.

Vienna có khoảng 300 nhà hát kịch và phòng hòa nhạc. Trong đó nổi tiếng nhất là Nhà hát kịch quốc gia Vienna, được coi là ‘trung tâm ca nhạc kịch của thế giới’. Nhà hát có kiến trúc hùng vĩ mang phong cách La Mã. Phòng trước và phòng bên đều được xây bằng đá hoa cương, bên trong có hình ảnh của các nhạc sĩ lớn và nghệ sĩ nổi tiếng.

Vienna Opera House

Nhà hát gồm 6 tầng với 1.600 chỗ ngồi, mỗi năm ở đây có thể diễn tới 300 buổi. Đặc biệt ở tầng 6 có thể chứa hơn 560 khán giả, họ đứng để thưởng thức với giá vé rẻ nhất (giống như kiểu ‘cá kèo’ của ta). Mỗi buổi diễn đều thay đổi tiết mục, với giá vé... ‘đắt cắt cổ’. Đêm giao thừa, nhà hát còn tổ chức vũ hội. Đúng 12 giờ đêm, Tổng thống và các vị quan chức nổi tiếng đều tới nhà hát để đón giao thừa. Dạ hội đón chào năm mới còn được phát sóng trực tiếp truyền hình qua nhiều kênh trên khắp thế giới.

Phòng hòa nhạc Vienna là một thính đường cổ nhất và cũng hiện đại nhất trong thành phố, được khởi công xây dựng năm 1867. Kiến trúc mang phong cách của thời kỳ Phục hưng của Ý, vừa cổ kính lại vừa trang nhã. Tường ngoài hai màu hồng xen kẽ vàng, trên mái dựng rất nhiều tượng thần âm nhạc. Bên trong có phòng biểu diễn màu vàng kim, mỗi năm tiếp đón nhiều ban nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn tại đây.

***

Người La Mã đã có mặt tại vùng phía nam sông Danube từ 15 năm trước Công nguyên và họ đã để lại Vienna dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc Romanesque pha trộn với Gothic. Điển hình là Nhà thờ Thánh Stephen được xây dựng từ thế kỷ thứ 12. Đây là công trình kiến trúc cổ nhất Vienna và cũng là một tác phẩn kiến trúc ‘dang dở’ vì các cuộc chiến tranh.

St. Stephen's Cathedral

Đặc biệt trong năm 1948 khi lực lượng Liên Xô oanh kích Đức quốc xã  đang trên đường rút quân về Vienna, nhiều công trình kiến trúc bị bom đạn tàn phá. Nhà thờ Thánh Stephen mãi đến năm 1949 mới được trùng tu với tháp chuông cao 137m. Ngày nay, nhà thờ được coi là ‘trái tim’ của thành phố.

Trường phái nghệ thuật kiến trúc Baroque với những đường nét hùng vĩ và tráng lệ của thế kỷ 16 là ‘nền’ của thành phố Vienna. Cung điện Schönbrunn và Belvedere ngày nay đã trở thành một trong những di sản quý giá của nhân loại về một thời đại kiến trúc đã thoát đi từ trường phái cổ điển, chân phương, mực thước nên được mệnh danh là Baroque, thuật ngữ ám chỉ sự xa lạ, kiểu cách và lạ lẫm.

Schönbrunn Palace

Mỗi năm có khoảng 2,5 triệu lượt du khách tới thăm Schönbrunn với doanh thu lên gần 30 triệu euro. Quần thể kiến trúc Schönbrunn đã được UNESCO đưa vào Danh sách di sản thế giới từ năm 1996.

Đối diện với cung điện Schönbrunn là một ngọn đồi cao 60m với cổng chào Gloriette được xây dựng năm 1775. Nữ hoàng Maria Theresa quyết định cho dựng Gloriette để vinh danh uy quyền của hoàng tộc Habsburg và 'những cuộc chiến tranh cần thiết' để mang lại hòa bình.

Cổng chào Gloriette

Giới ghiền xi nê thập niên 1950 tại Sài Gòn chắc không thể nào quên phim Sissi Imperatrice (Nữ hoàng Áo Quốc Sissi) do nữ tài tử Romy Schneider đóng cùng nam diễn viên Karlheinz Bohm. Phim diễn lại cuộc đời của nữ hoàng Elisabeth Gabriele Valérie Marie dựa trên bối cảnh lâu đài Schönbrunn lịch sử.

Vienna không chỉ mang dấu tích của nghệ thuật kiến trúc Gothic, Baroque, Rococo của quá khứ mà còn được thế giới biết đến qua trường phái kiến trúc đương đại của kiến trúc sư Friedenreich Hundertwasser với chủ trương ‘trở về với thiên nhiên’. Thế giới kiến trúc của Hundertwasser hạn chế tối đa những đường thẳng và mặt phẳng để thay vào đó là những đường cong tự nhiên, mềm mại.

Khu chung cư do Hundertwasser thiết kế đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn nhiều du khách hiếu kỳ. Khách đến đây sẽ được nhìn tận mắt những đường nét kiến trúc ‘tân kỳ’ nhưng cũng có ý kiến lại cho là ‘lập dị’ với nền nhà lồi lõm như địa hình thực tế ngoài thiên nhiên.

Kiến trúc độc đáo của Hundertwasser

Thành phố Vienna còn có sáng kiến dời mộ của các danh nhân về Nghĩa trang Trung ương (Central Cemetery) để hình thành một ‘khu phố trầm lặng của các thiên tài’. Mỗi ngôi mộ mang một sắc thái kiến trúc đặc thù được trang trí bằng những pho tượng điêu khắc mang đầy tính nghệ thuật.

Nghĩa trang Vienna đã trở thành một điểm tham quan đặc biệt vì đây là nơi an nghỉ của những nhân vật nổi tiếng giữ khung cảnh tĩnh lặng. Khách có thể viếng mộ những người mình ngưỡng mộ đồng thời chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.

Bên mộ Johann Strauss

***

Nước Áo ngày nay là một mảnh đất nhỏ nhưng lại đầy ắp sự kiện lớn. So với các thành phố lớn trên thế giới, thủ đô Vienna chỉ là một ‘chú bé hạt tiêu’ nhưng lại khuấy động lịch sử thế giới qua hai cuộc thế chiến.

Vụ ám sát Franz-Ferdinand, hoàng thái tử của Đế chế Áo-Hung, tại Sarajevo (Bosnia) ngày 28/09/1914 là ngòi nổ của thế chiến thứ nhất với sự tham gia của khối Đồng Minh – Anh, Pháp, Nga, Bỉ và Serbia – chống lại khối Đức và Áo-Hung.

Về sau, cuộc chiến đã lôi cuốn 38 nước và ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1,5 tỷ người, chủ yếu là tại châu Âu. Cuộc chiến kéo dài 4 năm (1914-1918) với sự tham chiến của của 37 triệu quân các nước, cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, ngoài ra còn có 20 triệu người bị thương. Bộ quân phục đẫm máu của hoàng thái tử Franz-Ferdinand khi bị người Séc ám sát hiện còn được trưng bày tại Viện bảo tàng Quân đội Vienna .

Adolf Hitler là một trong số những nhân vật nổi tiếng có liên quan đến nước Áo nhưng lại ít được người Áo nhắc đến. Có lẽ họ muốn quên đi những hình ảnh đau thương của cuộc thế chiến thứ hai (1939-1945). Hitler sinh năm 1889 tại Braunau am Inn (Áo) với một thời niên thiếu cùng cực, thậm chí chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Trong suốt buổi thiếu thời, Hitler sống tại một viện mồ côi ở Vienna và bước vào đời bằng nghề vẽ tranh. Hitler đã từng xin gia nhập Viện nghệ thuật Vienna nhưng bị từ chối vì lý do… thiếu tài năng.

Adolf Hitler

Rất khó tìm lại những di tích lịch sử trong thời niên thiếu của Hitler tại Vienna. Có chăng chỉ là một vết thương đậm nét mà nhà độc tài đã để lại cho thế giới nói chung và nước Áo nói riêng: 3.000 người kháng chiến đã bị hành quyết, 17.000 người Áo bị bắt làm con tin và chết trong các nhà tù của Gestapo trên khắp châu Âu, 140.000 người khác, chủ yếu là những người gốc Do Thái, đã ‘bốc hơi’ tại các trại tập trung.

Một người Áo khác đã trở nên nổi tiếng tại Hoa Kỳ: kẻ hủy diệt (terminator) Arnold Alois Schwarzenegger, một cái tên không những khó đọc mà lại còn khó viết bằng tiếng Đức. (Khó viết đến độ mỗi khi viết tên ông trên máy tính tôi thường copy spelling từ nguyên mẫu rồi paste vào bài viết để khỏi sai chính tả!).

Schwarzenegger sinh năm 1947 tại Thal bei Graz (Áo) mãi đến năm 1968 mới di dân sang Hoa Kỳ với số vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn bằng giọng Đức khó nghe. Từ lực sĩ thể hình ông bước vào lãnh vực điện ảnh qua các vai hành động chuyên đấm đá còn  phần đối thoại phải lồng tiếng!

Arnold Schwarznegger và vợ Maria Schriver-mod

Sự nghiệp điện ảnh của Schwarzenegger bắt đầu từ năm 1970 tại Hollywood với hàng loạt bộ phim hành động trong đó nổi tiếng nhất là bộ phim The Terminator. Năm 2003, người có biệt danh Cây sồi của Áo (Austrian Oak) nhảy vọt từ điện ảnh sang chính trị và trở thành thống đốc thứ 38 của tiểu bang California

***

Cà phê Vienna thuộc hạng nổi tiếng thế giới. Tại nhiều quán cà phê, khách du lịch có thể ngạc nhiên khi người phục vụ bưng ra… 2 ly nước lạnh trước khi mang ra cà phê. Tại sao lại 2 ly chứ không phải 1 ly theo lẽ thường tình? Cho đến giờ, tôi vẫn thắc mắc tại sao như vậy. Phải chăng đây là một tập quán phục vụ khách hàng một cách… hậu hĩnh. Quả là một tập quán khó hiểu.

Tại một số tiệm ăn, thực khách sẽ ngạc nhiên khi tính tiền người phục vụ hỏi: “Wieveil Brodchen?”. Hướng dẫn viên của chúng tôi giải thích, người phục vụ muốn biết khách đã dùng bao nhiêu miếng bánh mì để ghi rõ trong phiếu tính tiền. Mặc dù bánh mì ngày nay không còn là mặt hàng xa xỉ như thời đệ nhất thế chiến nhưng một số tiệm ăn vẫn còn giữ tập tục tính tiền theo từng miếng bánh. Lại một chuyện lạ ở thành Viên!

Quán nhỏ ven đường

***

Để phát triển ngành công nghiệp du lịch, Vienna đã tận dụng triệt để những thế mạnh của mình về âm nhạc, kiến trúc và địa lý. Thành phố này chỉ cách Bratislava của Tiệp Khắc khoảng 260km về hướng đông. Đó chính là cửa ngõ để đón khách Đông Âu cộng thêm với dòng khách từ Ý và Thụy Sĩ thuộc Tây Âu. Vienna đã trở thành một ‘melting pot’, điểm hội tụ của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Điều nổi bật hơn cả là những sáng kiến trong hoạt động du lịch. Điển hình là việc phát hành loại Thẻ du lịch Vienna cho du khách. Với số tiền 180 schilling (khoảng 18 USD) khách có thể mua Thẻ Vienna để sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và xe điện trong thời hạn 72 giờ (3 ngày).

Thẻ Vienna còn là vé vào cửa một số địa điểm tham quan các cung điện và viện bảo tàng đồng thời người sử dụng thẻ sẽ được hưởng chế độ giảm giá tại một số cửa hàng, nhà hàng và quán rượu trực thuộc ngành du lịch Vienna .

Trước khi rời Vienna, khách du lịch còn được tặng phiếu tham dự trò chơi may mắn tại phi trường. Đây là loại vé số cà tại chỗ với các giải thưởng có mức cao nhất 1.000 schilling (100 USD). Tiền thưởng được tặng ngay tại các cửa hàng miễn thuế tại phi trường để khách có dịp mua sắm thêm trước khi rời nước Áo. Nếu không kịp đổi phiếu trúng thưởng, “Hẹn gặp lại tại Vienna lần sau, phiếu trúng thưởng của bạn vẫn còn giá trị đến ngày cuối cùng trong năm”. Quả là một sáng kiến vừa ý nghĩa lại vừa chu đáo.

***

Lauda Air là hãng hàng không dân sự của Áo đã mở đường bay Sài Gòn-Vienna, quá cảnh Bangkok. Chuyện đó không có gì đáng nói nhưng Lauda Air lại là một trong những hãng hàng không… ‘không giống ai’ với những ý tưởng đột phá.

Máy bay Lauda Air

Tiếp viên của Lauda Air mặc đồng phục quần jeans màu xanh, áo jacket và mũ màu đỏ để… ‘tạo không khí thoải mái cho hành khách’. Đó là lời giải thích của Niki Lauda, người sáng lập Lauda Air và cũng là tay đua xe F1 nổi tiếng thế giới một thời.

Lauda Air cũng là một trong số ít các hãng hàng không quốc tế còn duy trì một khu dành cho hành khách nghiện thuốc lá được đặt tại phần đuôi phi cơ. Khách Business Class trên các chuyến bay đường dài được tặng một túi vệ sinh cá nhân gồm bàn chải và kem đánh răng, dao cạo râu, lược chải đầu, nước hoa… Lauda Air thậm chí còn chu đáo kèm theo… bao cao su để trong một hộp nhỏ, bên ngoài có hình trái tim với chỉ một chữ nhắc nhở ân cần: Think.     

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

7 Comments on Multiply

nguoigiaonline wrote on Jan 4, '11
Bài nào cũng hay hết... Tks anh Chính.

thahuong82 wrote on Jan 5, '11
Rất hay, song sao kô thấy hình phụ bản như những bài trước (chỉ hiện chữ chú thích mà thôi)

nguyenngocchinh wrote on Jan 5, '11
thahuong82 said “Rất hay, song sao kô thấy hình phụ bản như nhưng bài trước (chỉ hiện chữ chú thích mà thôi)
Có lẽ anh truy cập lúc Mul đông người nên không hiện hình ành chăng? Tôi thấy vẫn có ảnh mà!

bayhoang79 wrote on Jan 5, '11
Đã từng được nghe nói tới xứ sở này qua Nữ CS Bảo Hân của Paris By Night và Tài Tử Arnold, nay mới được theo dõi đầy đủ với cuộc du ngoạn đáng giá của anh !

andropause wrote on Jan 5, '11
Cám ơn anh! Nước Áo tuy nhỏ nhưng thật 'lừng lẫy'.

giahien wrote on Jan 6, '11
Em rất thích cái thành phố mệnh danh là "Mekka của nền âm nhạc cổ điển" và cũng đã có dịp dạo chơi Vienna mấy ngày. Những chi tiết và những kỹ niệm nhỏ, anh viết rất thú vị. Thanks, anh
btw, “Wieveil Brodchen?” = "wieviel Brötchen"

yeuhanoi wrote on Jan 7, '11, edited on Jan 7, '11
Cảm ơn về tường thuật trong bài vì được hiểu thêm về quốc gia Áo. Hồi tưởng cách đây 15 năm mình vẫn rất “mê” Dòng Sông Xanh của Johann Straus, còn thời niên thiếu cứ cầm đến đàn là kéo một đoạn Người tình tìm đến của Schubert, giai điệu chỉ có đàn chứ không thể hát nổi, hoặc cũng chỉ kéo một câu thôi trong Đám ma nghèo (sầu) cũng của Schubert. Bài viết cho mình hiểu Áo không chỉ là một trung tâm âm nhạc thế giới mà cả nền văn hoá đặc biệt của xứ sở này.
YHN xin chép để chia sẻ cùng bạn bè bài viết rất lý thú của bạn.
Cảm ơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts