Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Nhà văn Bình Nguyên Lộc & Đò Dọc

Nếu như miền Tây Nam Bộ có các nhà văn nổi tiếng như Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương, Sơn Nam, Lê Xuyên… thì miền Đông Nam Bộ có Bình Nguyên Lộc [*]. Ông chào đời năm 1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Bình-nguyên Lộc
(1914-1987)

Sinh trưởng rất gần Sài Gòn nên các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc cũng mang một văn phong, hay nói khác đi, là “hơi thở” khác hẳn với những nhà văn gốc Tây Nam Bộ. Nơi Bình Nguyên Lộc sinh ra và lớn lên chỉ cách con sông Đồng Nai hơn một trăm mét, dòng sông đó in đậm dấu ấn trong một số tác phẩm của ông sau này.

Nhà văn còn giải thích rõ bút hiệu Bình Nguyên Lộc của ông. Viết cho đúng thì chữ “nguyên” không viết hoa và phải có gạch nối với chữ Bình vì “Bình-nguyên” nghĩa là đồng bằng. Còn “Lộc” là con nai, ông người gốc Ðồng Nai, nơi có dòng sông mang cùng tên nổi tiếng miền Đông Nam Bộ.

Trong tập hồi ký viết giang giở trước khi từ giã cõi đời tại Hoa Kỳ mang tên Nếu tôi nhớ kỹ, Bình Nguyên Lộc cho biết ông viết văn, viết báo từ năm 1942 nhưng đến năm 1952 mới đứng ra làm công việc có liên quan đến báo chí. Ông chủ trương tờ Vui sống, tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y học với mong muốn áp dụng kiến thức y học phổ thông vào đời sống thực tế.

Năm 1956, ông cùng các văn hữu cho ra đời tờ Bến Nghé, tuần báo có tinh thần văn nghệ lành mạnh, mang màu sắc địa phương với mục đích làm sống dậy sinh khí của đất Gia Định xưa. Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp thành lập Nhà xuất bản Bến Nghé, chuyên xuất bản các tác phẩm văn chương mang hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé.

Bình Nguyên Lộc viết khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu. Ông có hướng sáng tác đa dạng, kể cả việc chú giải các tác phẩm văn chương cổ điển như Văn tế chiêu hồn của Nguyễn Du, Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận).

Rất ít người biết Bình Nguyên Lộc đã có một công trình nghiên cứu công phu trong lãnh vực “Việt Nam Học”. Đó là tác phẩm Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chỉ xuất bản được phần đầu vào năm 1971, phần còn lại độ 800 trang viết tay, coi như bị thất lạc. Tác phẩm gây nên một dư luận đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu về “dân tộc học”.

“Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”, xuất bản tại Sài Gòn, 1971

Trong sách đã dẫn, Bình Nguyên Lộc cho rằng Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Văn hóa Mã Lai Cổ (Indonésien), một thuật ngữ “bí hiểm” mang nhiều ngộ nhận với người Việt. Ông dẫn chứng, trong văn chương bình dân đầy rẫy những chữ có xuất xứ từ Mã Lai Cổ. Chẳng hạn như thành ngữ “tay chơn bộ hạ” của ta là thành ngữ của Mã Lai, họ nói “tay cẳng bộ hạ”, hoặc trong câu “bắc thang lên hỏi ông Trời” gốc của chữ “thang” lấy từ “tangga” của Mã Lai, và “Trời” cũng là tiếng Mã Lai mà cả Mã Lai và Nhật Bản hiện nay vẫn còn dùng.   

Về kiến trúc nhà ở hồi xưa, Bình Nguyên Lộc cho rằng: “… Nghiên cứu hình khắc ở các cổ vật và kiến trúc của ngôi nhà đào được, biết rõ tánh cách của nó, người ta kết luận rằng người chết chôn dưới mồ thuộc một chủng tộc mà danh xưng khá bí hiểm đối với người Việt, danh xưng đó là danh xưng Indonésien…

… Các nhà bác học vẫn tiếp tục gọi họ là người Anh-Đô-Nê-Diêng, nền văn minh của họ là nền văn minh Đông Sơn, mặc dầu nhiều dân tộc khác cũng có cổ vật cùng tánh cách, trong một địa bàn rất lớn ở Đông Nam Á, từ Hoa Nam, cho tới Nam Dương quần đảo. Nếu đó là di vật Việt Nam đi chăng nữa thì nền văn minh đó không riêng gì là của Việt Nam.

Vì đó là công việc khoa học, mà khoa học thì phải chính xác, mà một yếu tố chính xác là sự chính danh, thành thử các nhà bác học đó bắt buộc phải dùng một thuật ngữ quá chuyên môn là danh xưng Anh-Đô-Nê-Diêng.

Anh-Đô-Nê-Diêng, một thuật ngữ của khoa chủng tộc học (raciologie) chỉ có nghĩa là Cổ Mã Lai, chớ không có gì lạ. Là nhà chuyên môn, các nhà bác học ấy phải dùng danh từ chuyên môn, mặc dầu đã có danh từ thường. Danh từ thường là Proto-Malais…”

Nhà bác học V. Goloubew, thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ đã trình bày những khảo cổ thời tiền sử tại Paris năm 1936. Trong tập Le peuple de Đông Sơn, ông viết: “Cái nền văn minh đó (tức văn minh Đông Sơn) tiết lộ cho ta thấy những dây liên hệ sâu đậm với văn hóa Mã Lai, thế nên không có vấn đề xem dân Đông Sơn là tổ tiên trực tiếp của dân Annam hiện nay (mà văn hóa mang màu sắc Trung Hoa)”.

Dưới đây là hình ảnh mái nhà khắc trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam, chịu ảnh hưởng đường nét thuyền và nhà của người Mã Lai trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam:

Hình nhà khắc ở trống đồng Đông Sơn, nóc oằn, mái túm

Hình thuyền khắc ở bình đồng Đào Thịnh (2) và thuyền của người Mã Lai Nam Dương (3)

Hình nhà của người Mã Lai

Về ngôn ngữ học, Bình Nguyên Lộc xuất bản cuốn Lột trần Việt ngữ năm 1972 tại Sài Gòn. Cuốn sách này đưa ra một cách nhìn chi tiết về ngữ nghĩa tiếng Việt, ông dựa vào quan điểm dân tộc học để tìm hiểu nguồn gốc và ngữ nguyên của tiếng Việt từ thời cổ đến thời hiện đại.

Chẳng hạn như chữ “lẩu”, một món canh mà ta thường ăn ngày nay. Theo ông, đây là một danh từ ngộ nghĩnh nhất vì sự “phiêu lưu” của nó và vì sự ngộ nhận của người miền Nam. Người ta thường hiểu, “lẩu” là một món canh của người Triều Châu, đựng trong một thứ bát đặc biệt bằng “laiton”.

“Laiton” giống hệt một cái tô lớn nhưng ở giữa có gắn một cái ống tròn. Canh đựng trong bát và được hâm nóng nhờ than hồng trong ống, nó trông như một hòn đảo, vì thế mà người Việt mới gọi là canh đựng trong bát có… lẩu.

Người Triều Châu gọi món đó là  “canh đựng trong bát có lẩu”. Vậy “lẩu” chỉ là phụ tùng của món đựng, chớ không phải tên một loại canh. Khi nghe người Tầu nói một câu rất dài mà không hiểu, người ta chỉ nhớ danh từ cuối cùng là “lẩu”. Người Nam Dương gọi là “pulo”, người Việt biến “pulo” thành “cù lao”!

Nồi lẩu ngày nay

Truyện ngắn và truyện dài là mảng quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của Bình Nguyên Lộc. Ông từng viết tiểu thuyết bằng thơ như Thơ Ba Mén (tiểu thuyết thơ), Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Đồng Nai (viết chung với Nguyễn Ngu Ý), Ca dao...

Ngoài ra, ông viết hàng nghìn truyện ngắn và truyện dài với nhiều đề tài khác nhau. Bình Nguyên Lộc đạt “đỉnh cao” trong cuộc đời cầm bút khi ông đoạt Giải nhất Văn chương toàn quốc 1959-1960 về thể loại tiểu thuyết qua cuốn Đò dọc. Cùng được giải nhất đồng hạng là nhà văn Vũ Khắc Khoan với cuốn Thần tháp rùa.

Đò dọc viết về cuộc sống di dân ngược xuôi tựa như những chuyến đò dọc của gia đình ông bà Nam Thành: từ Bạc Liêu thuộc miền Tây Nam Bộ, họ lên Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn lại trôi dạt về miệt Thủ Đức – Biên Hòa thuộc miền Đông Nam Bộ. Đó là lộ trình “chạy loạn” của một số thị dân. Để được sống yên ổn hơn, người dân “kẻ chợ” mua đất hoang tại vùng ngoại thành, sống lạc lõng, cô đơn giữa vùng nửa quê nửa tỉnh.

Bình Nguyên Lộc đã dùng từ ngữ đò dọc để diễn tả tâm trạng của những người phải bỏ xứ ra đi như gia đình ông bà Nam Thành, cũng tựa như những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, để chấp nhận một cuộc đời mới.

Khi đi “đò ngang”, người ta chỉ di chuyển một khoảng cách ngắn, từ bờ này sang bờ kia một con sông, nhưng với những chuyến “đò dọc”, cuộc hành trình xuôi hoặc ngược dòng sông sẽ vô vàn gian nan và bất trắc chờ đón ở phía trước. Khách qua đò dọc không bao giờ ghé bến mà chỉ đi thẳng đến chỗ đã định trước cũng tựa như những chuyến tàu suốt bỏ qua những ga xép dọc đường.

Tác phẩm "Đò dọc", Nxb Bến Nghé, Sài Gòn

Gia đình ông bà Nam Thành có 5 cô con gái, nói theo một số người thì là… “ngũ quỷ”. Cũng “may”, cô áp út qua đời khi mới 3 tuổi nên chỉ còn… “tứ quý”!. Bình Nguyên Lộc giải thích: “Người miền Nam ta có nhiều lối đặt tên con rất ngộ nghĩnh. Có lối đặt liền với tên cha, hễ cha tên Sang thì con phải tên Trọng, cha tên Phú thì con phải tên Quí, cha tên Sâm thì con phải tên Nhung. Có lối đặt liền với nhau. Thí dụ bốn đứa thì đặt: Nết, Na, Đằm, Thắm, năm đứa thì đặt: Cửu, Hạn, Phùng, Cam, Võ.

Ông Nam Thành đặt tên con một cách đặt biệt hơn ai cả, ông dựa theo năm chữ nhạc đầu trong điệu Bình bán vắn mà quyết định giọng của chữ tên của con ông: Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm. Ý ông muốn nói: “cái hương của hoa hồng thơm quá!”. Mà nói bằng điệu câu Bình bán vắn câu đầu”.

Theo mô tả của tác giả Đò dọc, cô gái lớn tên Hương đã 28 tuổi, hiền hậu đến độ “lù đù như gái quê”. Gương mặt cô chỉ dễ thương thôi nhưng thân hình cô thì hơi đẫy đà. Bình Nguyên Lộc giải thích: “Người ta nói con gái lỡ thời hay phát phì thình lình hoặc đột ngột gầy khô đét khi qua khỏi mức tuổi nào đó. Họ cắt nghĩa sự dư, thiếu thịt ấy như vầy: trong cơ thể, sự mất thăng bằng do nội hạch (nhứt là hạch sanh dục) bạo động hoặc quá lười. Có lẽ đúng chăng?”

Kế Hương là cô Hồng, hăm sáu tuổi. Hồng đẹp nhứt nhà, nhứt xóm, và thuộc loại “có hạng” giữa những cô gái Sài Gòn. Người con gái kế hăm bốn là cô Hoa đã bước gần tới lằn mức cuối cùng của sự trổ mã. Cô này cũng đẹp, nhưng không quyến rũ bằng cô Hồng kia. Cô Hồng đã nảy nở toàn diện trong sự bừng dậy của nhan sắc một thiếu phụ vì cô đã phiêu lưu với một mối tình: “Phải, đàn bà còn trẻ khi nào cũng đẹp hơn con gái đương thì. Có ai mê con gái mà tan nhà nát cửa không? Không, chỉ có đàn bà mới làm hại đàn ông được”.

Còn cô út? Tác giả tả: “Nơi cô Quá, sắc đẹp còn ngập ngừng, những đường cong còn dò dẫm chưa quyết dừng lại nơi đâu cả. Có thể là cô sẽ đẹp, mà cũng có thể không đẹp bao nhiêu. Sự trổ mã của cô chưa nói lên cái tiếng cuối cùng của nó. Tuy đã hăm hai, cô còn trẻ con cả tính tình lẫn thể chất”.

Tâm sự của bốn cô gái khi rời Sài Gòn để về vùng quê cũng khác nhau. Cô Hương lớn lên ở Cái Bè và cũng giống như cha mẹ, Sài Gòn đối với cô chỉ là “nơi tạm trú” nên khi lui về quê cô thấy thích. Ba cô kia đã quên mất nông thôn, xem ngõ hẻm Sài Gòn là quê hương của họ nên các cô tuy nói tiá lia trong ngày dọn nhà nhưng vẫn cảm thấy… “héo hon trong lòng”. Riêng cô Hồng, Sài Gòn còn là nơi ghi dấu mối tình đầu nên cô ngậm ngùi hơn ai cả. Mối tình đã tan vỡ, người cô yêu vẫn còn ở đô thành, cho nên Sài Gòn đối với cô vẫn là… “một chốn thiêng liêng”.

Đây là những ngày cuối của họ tại Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông: “Quá cứ chui đầu vào các rạp chiếu bóng. Xem cho ngấy ra để nhịn thèm về sau. Còn Hoa thì lẽ cố nhiên, ăn kem hết hiệu nầy đến hiệu khác. Cô Hồng chỉ ngồi đó mà buồn, hay đi thơ thẩn ở các ngả đường vắng. Còn người chị cả tự nhiên như không tình cảm, lo thu xếp không ngớt tay”.

Ông Nam Thành vốn là “giáo làng” tại Cái Bè, lên Sài Gòn ông đã bươn chải nhiều nghề để nuôi sống gia đình, kể cả nghề bán vali cho lính Pháp trước khi họ lên tàu về nước qua sự môi giới của những cô “Me Tây” để chia hoa hồng. Theo lập luận của ông, "tấn về nội, thối về ngoại", đồng quê chính là quê ngoại, đó là nơi ẩn náu tuyệt vời khi người ta thất vận, “có làm là có ăn, không sợ đói bao giờ”. Ông nói với các con:

“Không lẽ ba đi làm phu cho các xưởng xây cất, hay làm lon ton. Về trển thì ba cuốc đất đó, mà coi nó còn được hơn: “sĩ, nông, công, thương”, nông đứng đến hàng thứ nhì… Còn các con, đi bán thuốc điếu không được, bán chè đậu cũng không. Thì về nuôi heo là phải. Trong nhà, làm cực nhọc lem luốc gì cũng chẳng ai biết.”.     

Ông phân tích tình hình kinh tế xã hội buổi giao thời một cách đơn giản: “Tây nó đi, thì các quán rượu đóng cửa. Nhân viên các quán rượu ấy không có tiền ăn phở nữa. Anh hàng phở, vì thế hết xu để đi xe. Các me Tây không may áo, không bỏ giặt ủi nữa thì hiệu may, hiệu giặt ngưng hoạt đông, thợ may, thợ giặt không đi coi cải lương, cải lương sụt rờ sết, đào kép bớt mua báo, báo ế, vân... vân...”

Trong suốt 10 năm tạm trú tại Sài Gòn, đô thành đối với họ thật đơn giản, chỉ gói trọn trong một ngõ hẻm có 30 căn nhà trên đường Võ Tánh, gần thành Ô Ma: “Chơn trời chung quanh thật không có gì quyến rũ, tuy nhiên nó quen mắt quá nên họ cũng nao nao buồn phải rời cảnh quen thuộc đó: trước mặt là một dãy phố tồi tàn. Ngõ hẻm ở giữa hai dãy nhà thì lổm chổm đá và loang lổ những ổ gà nước đọng, một hàng trụ, mấy nghĩa địa nhà thờ Cầu Kho. Đầu mgoài là phố Võ Tánh và bên kia phố là hàng rào song sắt của thành Ô Ma…”

Thế là gia đình ông Nam Thành dọn về làng Linh Chiểu nằm bên con đường Thiên Lý, tức quốc lộ 1A ngày nay, khoảng giữa Thủ Đức và Biên Hòa, khi đó xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa chưa khởi công. Nơi đây, theo mô tả của ông Nam Thành: “Nhà lân cận ở cách đất ấy cỡ hú một tiếng dài mới nghe”. Ông giới thiệu nhà với các con vì trong suốt thời gian xây dựng chỉ một mình đến đó: “Hễ qua khỏi Thủ Đức, tụi bây thấy nếp nhà nào xinh xắn muốn vào đó mà ở thì đó là nhà của mình”.

Và đây là ngôi nhà của gia đình ông Nam Thành mà ông đặt tên là Thái Huyên Trang: “Họ day qua phía tả thì thấy một nếp nhà tranh có gác, kiến trúc rất kỳ lạ. Nhưng quả thật xinh lắm. Chung quanh nhà trồng được vài cây bông huỳnh, vài bụi cỏ huệ. Vì cuộc đất hơi to nên chỉ mới làm hàng rào ở mặt tiền thôi, mà đó là một hàng rào tượng trưng, dài độ bốn mươi thước, cố ý làm trước, để trổ cửa ngõ”.   

Ông giải thích với vợ con về cái tên Thái Huyên Trang. Huyên Trang chứ không phải là thầy Tam Tạng Huyền Trang. Còn “thái” là hái, “huyên” là một thứ cỏ tượng trưng cho sự thanh nhàn, không lo nghĩ. Theo ông, Thái Huyên Trang là cái trại mà nơi đó ta hưởng được sự thanh nhàn.

Hiểu được nỗi lòng của các con hãy còn vương vấn thủ đô, ông Nam Thành an ủi: “Các con biết! Ngày xưa không ai nhớ Sài Gòn cả, vì lúc đó không có dân Sài Gòn... Sài Gòn ngày xưa chỉ gồm có hai thứ dân: thương gia và công chức. Công chức toàn là người các tỉnh lên. Họ về tỉnh cưới vợ, khi muốn lập gia đình. Đẻ con ra, họ cho về tỉnh ở quê ngoại, quê nội. Cả Sài Gòn đều đổ xô nhau mà nhớ tỉnh. Hễ Tết một cái là Sài Gòn trống trơn. Về ông về bà hết kia mà! Vả Sài Gòn lúc đó cũng chưa có đặc tính gì để họ lưu luyến, cho đến đỗi ca dao về Sài Gòn cũng rất hiếm hoi, đếm được trên đầu mười ngón tay…”

Điều người đọc cảm nhận ra qua bút pháp phân tích tâm lý của tác giả là nỗi cô đơn của phận người, cuộc sống lạc lõng của người dân thành thị ngụ cư trên vùng đất mới. Cuộc sống đó không phải chỉ toàn nỗi buồn mà dần dà người ta cũng tìm được nguồn vui khi đã hòa nhập vào cái xã hội “quê mùa” đó.

“Chiều chiều bốn cô con gái đợi gió. Hễ gió nổi lên là họ vui như các thứ quả có cánh ấy là những bức tâm-thơ của người xứ xa gởi đến. Trái sao, trái dầu bay đẹp mà rơi cũng đẹp. Nhưng trái trác bay trông lại buồn cười. Cánh của thứ trái ấy không chia ra hai nhánh, hoặc bốn nhánh mà lại bao quanh tròn cả trái. Trái trác, nếu gió to thì bay cuồng loạn lộn nhào, còn nếu gió nhẹ, thì bay như dĩa bay mà các cô thấy trong chiếu bóng.
  
Thú nhứt là rượt bông lồng mức. Bên kia đường, một cây lồng mức già trụi lá đứng đó bồi thêm vài vệt buồn vào cảnh khô hạn ở Xóm Thuốc nầy. Trái lồng mức tròn mà dài như trái đậu bắp. Chiều chiều, vỏ cứng như vỏ sô của trái ấy nổ tách ra làm hai rồi thả ra muôn ngàn cái bông trắng, bay như tuyết đổ.
 
Bông gồm một hột vàng nhỏ như hột lúa, trên đầu hột lòng trắng, mọc tua tủa ra, lông mịn như tơ, mà cong như lông mi, dùng làm cánh dưa hột vàng về những nơi xa lạ. Nhiều bông quá nặng, cánh chở không nổi, sa xuống trên sàn, nhưng vẫn bay là là ngang đầu người chớ không chịu rơi xuống đất. Các cô rượt bắt mớ bông ấy, ai bắt được một chiếc thì sung sướng vô cùng. Chỉ vò mớ lông trắng mịn giữa hai ngón tay cũng đủ vui vẻ một buổi chiều trống rỗng.
  
Cái thú thứ nhì là xem trẻ trong xóm giành nhau mà lượm xoài non, trái nhỏ bằng ngón tay cái: Ở nhà quê ít bánh hàng nên thứ gì trẻ nhỏ cũng thích ăn: me non, dái mít, xoài non, và những trận lượm xoài thì hào hứng như cuộc tranh sống thật sự.” 

Bản chất con người vùng quê cũng có nhiều cái lạ. Bốn cô gái Sài Gòn khi về làng Linh Chiểu còn có dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật tuy quê mùa nhưng rất hồn nhiên. Điển hình cậu Quờn, con một viên chức trong làng. Quờn mặc “pi-da-ma” may bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu chải brillantine Chợ Lớn sực nức mùi chanh, cổ đeo dây chuyền vàng khè, tay nặng trĩu nào lắc vàng, cà rá vàng và đồng hồ cũng bằng vàng. Chúng ta hãy đọc đoạn văn dưới đây của Bình Nguyên Lộc:

“Anh công tử vườn chào bốn cô theo lối kẻ dốt, nghĩa là hất hàm lên như muốn hỏi: “Ê, đi đâu đó?”

Cô Hoa nói:
- Lạ quá, cậu hai! Cũng thời một nước một non mà chúng tôi thì cúi đầu xuống để chào, còn cậu thì lại hất đầu lên. Không biết lối chào nào trúng cách đó cậu?

Quờn không thấy là bị hỏi vặn, tự nhiên đáp:
- Dân chào quan, nữ chào nam thì cúi đầu là phải, còn ngoài ra…
- Vậy chị em tôi phải cúi đầu đến hai lần vì cậu vừa là nam vừa là quan, hay con quan cũng thế.
- Tía tôi đã từ chức rồi.
- Từ thì từ, cái gốc quan vẫn còn chớ.

Cậu Quờn sung sướng quá khi nghe cô gái còn nhận mình là con… quan, mặc dầu cha cậu chỉ là quan trong xóm thôi.

- Độ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.
- Cũng hổng cần làm gì. À, tôi có “tự túc” một bầy gà Huê Kỳ, coi bộ “tương lai quá khứ”.

Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói cái gì mà lại tự túc gà và có tương lai quá khứ?

- “Tự túc” là gì cậu? Hương hỏi thật tình.
- “Tự túc” là nuôi chớ là gì.
- Vậy hả, còn “tương lai quá khứ”?
- “Tương lai” là tương lai, còn “quá khứ” là quá sá, tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bầy ra nhiều tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội họ nói “phạm vi”, thù vặt họ nói “cá nhân”, nghe hay “quá khứ”.

Hoa và Quá núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. Cô Quá, mặt mày còn đỏ rần bước ra khỏi chỗ núp nói:

- Hôm nay cậu mặc đồ xanh, trông đẹp trai “quá khứ” nhưng cậu lại “phạm vi” về đôi dép. Dép phải quai đỏ nó mới ăn với màu xanh nầy. Tôi tình thiệt nói ngay, cậu đừng có “cá nhân” tôi nhé.
- Tôi người quân tử mà, ai lại “cá nhân” cô.

Cả bọn Thái Huyên trang thấy trò đùa đã kéo dài quá rồi nên chào cậu công tử để đi nữa.

- Hôm nào rảnh mời cậu lại nhà chơi, nếu cậu không “cá nhân” thì cậu sẽ lại”.  

Bình Nguyên Lộc qua nét vẽ của Vũ Uyên Giang

Dân làng Linh Chiểu cứ lặng lẽ làm nghề trồng cây thuốc lá, xe hơi thì cứ vô tình lướt qua trên đường Thiên Lý mà không bao giờ ghé lại Thái Huyên Trang… Còn “tứ quý” cứ lặng lẽ đợi chờ một biến cố gì đó nhưng họ lại cảm thấy chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra.

Rồi cơn mưa đầu mùa bắt đầu vào một buổi tối, trên đường xe chạy thưa thớt. Cả nhà nhìn những tia đàn pha hiếm hoi trên đường và bỗng một ngọn đèn rọi thẳng vào nhà. Rồi bất thình lình, một tiếng va chạm khủng khiếp tựa như có hàng chục chiếc thùng không đổ ào xuống.

Mọi người trong nhà chạy ra phía đường, họ thoáng thấy một đống đen ngòm nằm trên sân, cách lề đường đâu lối năm sáu thước. Đó là một chiếc xe sơn đen nằm đưa bốn bánh lên trời, trên xe chỉ có một người đàn ông “nằm co quắp như kẻ ăn xin ngủ ở vỉa hè một đêm lạnh”. Và đây là diễn biến câu chuyện:

“Họ khiêng người bịnh đã ướt mem vào tuốt trong phòng để dành cho khách xa ngủ lại đó, và đặt y nằm trên chiếc đi văng giữa buồng. Ông Nam Thành hối Hương lấy đèn măng sông thắp lên cho sáng. Nhờ đèn giản dị khỏi phải bôm nên không mấy chốc mà ánh sáng vàng mét của cây đèn dầu bị ánh sáng xanh của đèn măng sông đuổi mất.

Nạn nhơn là một thanh niên độ hăm sáu hăm bảy tuổi, mặc sơ mi trắng banh ngực, xăn tay, quần si-bíc-kin cũng trắng, cả đôi giày da cũng trắng tuốt, đế cờ-rôm-mê. Mặt mũi y khá khôi ngô, mặc dầu đang trắng bạch chảng. Nhưng không biết y có khoẻ mạnh, đẹp trai hay không vì y nằm, khó lòng mà biết được”.

Ông Nam Thành nhìn đồng hồ, đã hơn 10g đêm. Ông phân công cho 4 cô con gái, mỗi cô “gác” 2 tiếng và nếu có chuyện gì thì kêu ông. Cô Quá “út” giữ nhiệm vụ trong “phiên trực” đầu tiên. Qua câu chuyện với Quá, “bệnh nhân” tự giới thiệu mình là họa sĩ, tên Long.

Đến “phiên trực” của Cô Hoa, Long nghĩ thầm trong bụng, “hồi nãy nhìn Quá, chàng thấy cô ta khá đẹp, và bóng sắc của cô ấy tăng thêm cảm tình của chàng đối với người nghĩa. Nhưng bây giờ nhìn Hoa, chàng thấy Hoa mới là đẹp, còn Quá thì còn trẻ con lắm, thân thể nở nang chưa đầy đủ. Con mắt hoạ sĩ của mình nhìn sai đến thế à? Chàng nghĩ thầm".

Hồng thay ca cho Hoa, và anh chàng họa sĩ  bỗng thấy ngỡ ngàng vì… “không dè giữa mấy chị em, nhan sắc lại quá chênh lệch như thế được. Hồi nãy nhìn Hoa, chàng thấy cô Quá bớt đẹp. Nhưng bây giờ nhìn cô nầy, hai cô trước bỗng như không còn nữa”.

Long là một thanh niên có tài ăn nói… “ngọt như mía lùi”. Anh chàng họa sĩ kể chuyện mình lái xe chỉ độ 50km/giờ nhưng đường trơn như mỡ khi tránh một người chạy sì-cút-tơ rồi xe trợt bánh đâm luôn vào lề đường. Chàng nói với Hồng:

“May quá phải không cô, là trên lề đường không có trồng cây. Nếu có, thì xe tôi chắc là đã xếp lại như cây đờn ắt-cọt-đê-ông, và tôi đã bị ép như mía ở các xe nước mía. Mà đến hai lần may mắn đó, thưa cô. Nếu tôi đâm đầu vào một khu vườn khác thì có đâu được biết cô... biết gia đình Thái Huyên Trang”.  

Long lộ vẻ nghẹn ngào khi chàng bịa chuyện… Chàng lấy trong bóp một chiếc lắc bằng bạch kim, trên mặt có khắc hai chữ H và L tréo nhau, đoạn trao cho Hồng mà rằng:

- Đây là món quà tôi tặng người yêu tôi. Nàng đã phụ tôi một cách công khai, và gọi tôi lên Biên Hoà để trao trả vật kỷ niệm này, chiều hôm nay... Cô ôi, tôi đau còn hơn là cái đau chơn bây giờ.

Sự thật thì vụ trả lại chiếc lắc đã xảy ra đã hơn một năm rồi nhưng Cô Hồng bị mắc bẫy. Cô nghĩ, hóa ra Long cũng là một người bạn đồng cảnh ngộ với cô. Long không dè mưu chàng có hiệu quả đến thế vì chàng đánh trúng ngay tim của một người bị tình phụ như chàng.

Lúc Hồng “xuống ca” thì đến phiên Hương, khi đó Long đã ngủ thiếp. Bình Nguyên Lộc viết: “Số phận cô Hương là số phận bị bỏ quên, bất cứ ở đâu và lúc nào. Nãy giờ người ta nói chuyện với nhau không đủ thì giờ mà nói cho hết. Đến lượt cô thì kẻ đối thoại đã thiếp đi. Nhưng cô thấy đó là tự nhiên, vì ít tình cảm, ít mơ mộng lăng nhăng, lại cũng vì không dè nãy giờ con bịnh đã trò chuyện với mấy em của cô”.

Họa sĩ Hồ Văn Long thấy mình không cần ai nữa kể từ khi gặp Hồng! Bình Nguyên Lộc viết: “Thế là một chiếc đò dọc đã ghé bến, trên giòng Thiên lý”.

Cô Hương, chị cả, vỡ mộng ngay từ lúc cô săn sóc lần đầu cho người khách trẻ tuổi. Cô không còn son trẻ để có thể bị lôi cuốn trong những cuộc phiêu lưu tình ái, họa sĩ Long còn trẻ, dường như là trẻ hơn cô, khó lòng mà bảo yêu cô được, cô biết thế.

Cô Hồng tuy mong gặp lại người tình cũ chớ không phải mong hão một “tao nhơn mặc khách” nào và cô vẫn nghe lòng xao xuyến khi người khách lạ đến. Cô Hoa được coi là “cô gái có bản lãnh” nên cô hay lập dị để tỏ ra ta đây quả thật có bản lãnh. Cô bảo đó là một cuốn tiểu thuyết mà kết cuộc sẽ không hay ho gì, “Đứa nào dại, nhảy vô làm nhơn vật cho tiểu thuyết ấy, sẽ khổ cho mà xem”.

Cô Quá, trái lại nghe lòng xao xuyến lạ kỳ. Cô gái nầy, lúc còn ở thành phố, chưa biết yêu. Cô chỉ mới bắt đầu bâng khuâng từ khi dọn về Thái Huyên Trang, bâng khuâng trước những đám mây chiều, trước trận bay của trái sao, trái dầu, trước giọt tranh xoi cát bên thềm hay đánh nhạc lên một cái chén bể vứt ngoài sân. Người khách đến giữa lúc tình yêu của cô mới lố dạng, còn đi bơ vơ như một con thuyền không bến. Có phải đây là bến trong hay không, con thuyền tự hỏi, rồi ngập ngừng muốn cặm sào.

Được gia đình ông Nam Thành ưu ái giữ lại dưỡng bệnh sau tai nạn, Long có những suy nghĩ chín chắn hơn cho tương lai của mình: “Không, đã qua rồi, tuổi phiêu lưu tình ái. Chàng không được phép yêu suông nữa, mặc dầu chàng là nghệ sĩ. Gia đình nầy hiền lành quá, một là nên xa hẳn họ, hai là nên chánh thức hóa, hợp pháp hóa tình cảm của mình. Không, không nên để cho người ta phải khổ”.

Anh chàng “họa sĩ cà nhắc” sau tại nạn lật xe yêu Cô Hồng vì nàng đẹp vả lại nàng còn xuất thân từ một gia đình chàng mến. Nhưng theo Bình Nguyên Lộc, lý do chính là vì… “Hồng yên lặng quá, kín đáo quá khiến chàng ham khám phá một tâm hồn mà chàng đoán là đang ủ kín tâm sự gì, hoặc những ý tình gì hay lạ”.

Chỉ tội nghiệp “cô út” Quá đã nhiều lần ngộ nhận Long có cảm tình “đặc biệt” với mình. Trong khi từ ngày chàng yêu trộm Hồng và định cưới cô ấy thì chàng chỉ xem Quá như là một đứa em vợ còn bé con. Bao nhiêu là rủi ro đều qui tụ lại để làm cô Quá ngộ nhận. Long vô tình nói và làm gì với Quá cũng đưa đến ngộ nhận.

Cũng may, Cô Quá có người đến “xem mặt” và đó là một thanh niên có gương mặt sáng sủa và lanh lợi, có thân hình thể thao, ăn mặc rất hợp thời trang. Tác giả Đò dọc phân tích: “Chàng trai mong đợi [Long], bắt các cô chờ mãi không biết từ bao năm rồi. Nay hắn vừa đến, xem chừng đã yêu một người trong mấy chị em, chưa biết rõ người nào, thì chàng trai khác lại đến nữa. Khi bất cập, lúc thái quá như vậy, không rối lòng sao được… Mà cái chàng trai thứ nhì này đến lại để xem mắt cô em út là cô gái chưa cần lấy chồng lắm. Kẻ cóc cần lại được, người tha thiết lại không”.

Duy chỉ có cô chị cả Hương là buồn. Phận nàng coi như đã xong một đời. Nàng cam phận ở với cha mẹ đến khi cha mẹ qua đời. Nhưng thương các em, Hương mong đứa nào cũng có đôi bạn để ra ở riêng để hưởng hạnh phúc. Hương là người sốt ruột hơn cả cho cảnh hẩm hiu của mấy chị em, sự sốt ruột ấy không vì bản thân nàng mà vì các em của nàng.

Suy nghĩ của Hoa lại có tính “vị kỷ”, khác hẳn tính “vị tha” của Cô Hương. Hoa biết Long thích chị Hồng của mình trong khi chính bản thân cô cũng thích anh chàng họa sĩ đã “tình cờ” chen vào cuộc đời tình cảm của cả 4 chị em. Mặc dù tình chị em bề ngoài không thấy sứt mẻ nhưng Hoa đã kín đáo kể cho Long chuyện tình của chị mình với anh chàng sinh viên y khoa.

Nghe câu chuyện Hoa kể, Long lại có cảm giác Hoa cố ý “loại bỏ” hình ảnh Hồng trong lòng chàng. Hoa đã đoán chắc mối tình chớm nở giữa hai người và cũng yêu chàng nên mới nhẫn tâm tiết lộ bí mật của đời chị như thế. Tác giả Đò dọc đã để Long có những suy nghĩ:

“Cái cô Hoa nầy hổm nay xem ra như là rất thờ ơ với mình, nhưng giờ mới thấy là cô ta quá sá. Quá tuy thế mà thẳng thắn hơn, lương thiện hơn nhiều. Cô yêu là cứ yêu, không sợ ai cười chê gì cả. Và yêu thì yêu không cần gạt ai ra hết. Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chớ! Cô Hoa đã lầm. Long yêu là yêu, không thèm biết đến dĩ vãng của người yêu, hay có biết cũng chẳng để nó ảnh hưởng đến tình yêu của chàng được”.

Hồng tình cờ nghe được chuyện Hoa kể với Long về mình và một cuộc “hỗn chiến” xảy ra giữa hai chị em khiến cho kẻ bị băng đầu, người băng tay và Long cảm thấy mình có lỗi vì đã gây ra sự bất hòa trong gia đình ân nhân cứu mạng. Đò dọc đưa người đọc đến những biến cố còn bi thảm hơn là chuyên bất hòa giữ hai chị em: Cô Hồng ngay đêm đó đã nhảy xuống giếng nước toan tự tử nhưng… Long có mặt kịp thời để ngăn cản và cũng vào dịp này, cả hai… “xích lại” gần nhau hơn nữa.

Đến lượt cô út cũng uống thuốc ngủ để tự vẫn… “Cô viết bốn bức thơ dài, thơ cho cha mẹ, cho Hồng cho Long và cho hai chị là Hương và Hoa. Bây giờ có lẽ đã quá nữa đêm. Dưới kia người thanh niên ngủ ngáy đều đều, nhắc nhở Quá cái đêm đầu mà người ấy vừa tỉnh lại. Từ cái đêm ấy, mối tình của cô nảy lộc đâm chồi, rồi bây giờ lại tàn rụng. Chỉ mới có non hai mươi ngày thôi, nhưng sao mà cô nghe như đã lâu lắm rồi. Cô yêu nhiều quá, sống mãnh liệt quá với mối tình cảm lặng ấy, nên thấy nó ưa lắm, như là yêu đã hai ba năm…”. Nhưng nhờ phát hiện sớm nên vẫn còn kịp để đưa Quá xuống nhà thương Bà Chiểu sau khi Long đã rời Thái Huyên Trang!

Ông Nam Thành chỉ biết vò đầu bứt tóc than trời: “Con mình đã yêu nó rồi. Nếu việc không thành thì tai hại không thể lường được. Lại cả hai ba đứa yêu nó! Chị em nó thương yêu nhau biết bao nhiêu, mà bây giờ lại đến  cả đánh lộn với nhau…”.

Người ta thường nói, nhà có con gái chẳng khác nào… chứa bom trong nhà. Ông bà Nam Thành lại có đến 4 quả bom nổ chậm nhưng có lẽ vì ăn ở có hậu nên đã hai ông bà đã có hồng phúc gỡ được ngòi nổ của 3 trái bom. Chỉ tội nghiệp cho cô con gái đầu lòng tên Hương vẫn còn ở vậy với cha mẹ, cô không lấy đó làm buồn vì cô đã chọn lối sống an phận…

Thế là gia đình ông Nam Thành có tới 3 đám vu quy nhờ sự vun đắp của họa sĩ Long và Bằng, người anh họ của các cô. Bạn đọc thắc mắc làm sao ông bà Nam Thành gỡ được ngòi mổ của 3 trái bom? Xin đọc Đò Dọc tại Thư viện Online (Việt Nam Thư quán), địa chỉ:


Bình Nguyên Lộc thời thanh niên

Có một sự trùng hợp khá lý thú trong văn chương miền Nam trước năm 1975. Bình Nguyên Lộc viết Đò dọc năm 1959 còn Chu Tử viết Yêu [2] năm 1963, cả hai gia đình trong truyện đều có… “tứ quý”: một bên là Hương, Hồng, Hoa, Quá còn một bên là Uyển, Diễm, Huyền, Tuyết. Gia đình ông bà Nam Thành gốc người miền Tây Nam Bộ còn gia đình ông bà Thúc là người Bắc di cư năm 1954. Hai gia đình, hai cá tính đặc thù địa phương và các con của họ cũng mang nhiều nét khác biệt đáng kể… 

Cũng có người nói Bình Nguyên Lộc viết Đò dọc dựa vào cốt truyện Les Quatre Filles Du Docteur March (Bốn Ái Nữ Của Bác Sĩ March) trong đó cũng có 4 chị em gái chưa chồng nhưng điểm chính là Đò Dọc dựa vào không gian của con đường quốc lộ 1A, đoạn Sài Gòn – Biên Hòa và thời gian vào những năm cuối thập niên 1950. 
 
Khi xuất bản Ðò dọc, Bình Nguyên Lộc viết ngay trang đầu:

“Kính tặng J.J. BERNARD, người sáng-tạo “KỊCH-THUYẾT ÍT LỜI”, mà vở kịch danh tiếng “CON ÐƯỜNG QUỐC-GIA SỐ 6” đã gợi hứng cho tôi”.

“Con đường quốc gia số 6” của Bernard chính là Quốc lộ 1A mà vào thời điểm gia đình ông bà Nam Thành dọn về quê được gọi là “con đường Thiên Lý” trong Đò Dọc và sau này có tên là Xa lộ Biên Hòa.

***

Chú thích:

[*] Bình Nguyên Lộc (1914-1987): tên thật là Tô Văn Tuấn, là một nhà văn lớn, nhà văn hóa Nam Bộ trong giai đoạn 1945-1975. Ngoài bút danh Bình Nguyên Lộc, ông còn có các bút danh Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh...

Từ năm 1919 đến 1920, ông theo học chữ nho với một ông đồ trong làng. Sau đó Bình Nguyên Lộc học trường tiểu học ở Tân Uyên vào những năm 1921-1927. Năm 1928 ông ở nhà luyện tiếng Pháp để thi vào trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn. Từ 1929 đến 1933, ông học trung học ở trường Pétrus Ký và lấy bằng Thành chung (Diplôme d´Études Primaires Supérieures, tú tài phần thứ nhất) năm 1933. Tuy nhiên, có tài liệu nói ông đậu bằng Thành chung trong niên khóa 1933-1934 và thôi học do kinh tế khủng hoảng. Cũng có tài liệu nói ông không học xong trung học và nghỉ học năm 1935.

Năm 1934, ông thi vào ngạch thư ký hành chính nhưng vì kinh tế khủng hoảng, hơn một năm sau ông mới được tuyển dụng. Ban đầu, ông làm công chức tại kho bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1936, ông đổi về làm nhân viên kế toán ở kho bạc Sài Gòn (sau đổi tên thành Tổng nha ngân khố Sài Gòn). Ông bắt đầu viết văn trong thời gian này.

Truyện ngắn đầu tay của ông có tên Phù sa, viết về công cuộc Nam tiến của người Việt vào miền đất mới Nam Kỳ, đăng trên tạp chí Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Vào khoảng năm 1943, ông hoàn tất tác phẩm Hương gió Đồng Nai (khởi thảo từ năm 1935), tập truyện ngắn và tùy bút về hương đồng cỏ nội đất Đồng Nai.

Năm 1944, Bình Nguyên Lộc bị bệnh thần kinh nên xin nghỉ dài hạn không lương, và từ đó về sau không trở lại với nghề công chức nữa. Năm 1945, ông tản cư về quê, nhưng cuối năm 1946 ông hồi cư trở lại quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1949, ông xuống ở Sài Gòn và ở hẳn đó cho tới năm 1985. Năm 1950, ông viết cuốn Nhốt gió và xuất bản cùng năm. Từ năm 1952, Bình Nguyên Lộc làm thư ký tòa soạn cho vài tờ báo xuất bản tại Sài Gòn.

Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi. Ông được an táng ngày 14/3/1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn. Vợ ông, bà Dương Thị Thiệt, qua đời ngày 9/10/1988 cùng nơi với ông.

***

Bình luận trên FB:


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts