Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

My first story on VIR

VIR là tên viết tắt của Vietnam Investment Review, tờ báo đầu tiên tại Việt Nam được hình thành năm 1991 qua Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (Business Cooperation Contract – BCC) giữa Tập đoàn Báo chí Úc (Australian Consolidated Press – ACP) và Ủy ban Nhà nước Hợp tác & Đầu tư, tiền thân của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.

Vào thời điểm đó, Việt Nam cũng đã có 2 tờ báo tiếng Anh – Vietnam News và Saigon Times – do nhà nước quản lý nên cả 3 tờ báo phải nỗ lực cạnh tranh để thu hút độc giả, đa số là các công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ “Đổi Mới”.

Tiếng là “hợp tác kinh doanh” nhưng phần nội dung các bài báo đều do phía nước ngoài lo “đầu vào”, phía nhà nước chỉ đóng vai trò “kiểm duyệt nội dung” trước khi xuất bản. Thành phần phóng viên VIR cũng do phía nước ngoài chọn và trả lương, trong khi 2 tờ báo kia là những người thuộc biên chế nhà nước.

 

Báo VIR, số đầu tiên ra ngày 27/9/1991

 

Bước đầu hoạt động của VIR chỉ có 3 người Việt phụ trách viết bài, trong đó có anh Hoàng Ngọc Nguyên trước 1975 viết cho báo Saigon Post còn tôi và anh Nguyễn Vạn Phú thật sự chỉ là những người dạy Anh ngữ chứ chưa có kinh nghiệm gì về việc viết báo tiếng Anh!

Điều kiện làm việc tại VIR có phần thoải mái hơn các báo khác vì do nước ngoài quản lý và tài trợ. Hơn nữa, vì là tờ báo chuyên về kinh tế - đầu tư nên vấn đề chính trị không được đề cập đến, và đó cũng là lý do một người có liên quan đến những chuyện trước năm 1975 như tôi vẫn được trọng dụng.

 

Bộ VIR đóng tập từ số 1-20

 

Bài đầu tiên của tôi xuất hiện trên VIR năm 1991, viết về hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam và đang ào ạt từ miền Bắc đổ xuống miền Nam với đích đến là Sài Gòn (Chinese goods rushing South, destination: HCMC).

 

Bài viết đầu tiên “Chinese goods rushing South, destination HCMC” xuất hiện trên VIR, số 3, ra ngày 28/10/1991

 

Thời điểm này chưa xảy ra xung đột về Hoàng Sa – Trường Sa mà chỉ là cuộc “Nam tiến về kinh tế của hàng Trung Quốc” từ biên giới phía Bắc xuống miền Nam. Theo số liệu của Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây đã mở tới 7 điểm xuất phát hàng hóa để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Thống kê năm 1990 của Trung Quốc cho thấy con số xuất khẩu của tỉnh này lên tới 767 triệu nhân dân tệ, tức khoảng 15 triệu đô-la! Trong khi đó, Quảng Đông và Hồ Nam còn dự tính sẽ tổ chức những hội chợ quảng bá các mặt hàng của họ với mục đích cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan.

Mặt hàng nhỏ bé như bút máy Hero của Tàu đã ồ ạt chiếm thị trường để soán ngôi bút Pilot hay Parker vốn giữ ngôi vị độc tôn lâu nay thông qua đường bộ, đường sắt Thống Nhất và thậm chí cả Vietnam Airlines.

 

Kỷ niệm 1 năm VIR có mặt tại Việt Nam (1992) được tổ chức tại Khách sạn Nổi (Floating Hotel) năm 1992 tại Sài Gòn

 

Ông Nguyển Văn Thưởng, một công chức nhà nước về hưu, vừa đến Sài Gòn với 50 thùng máy phát điện của Trung Quốc chất đầy xe Kamaz của Liên Xô. Xe chạy từ tỉnh biên giới Móng Cáy đến chợ kim khí điện máy Huỳnh Thúc Kháng tại Sài Gòn. Ông nói:

“Từ Móng Cáy đến Sài Gòn rất xa, phải mất đến 3 ngày mới tới, lại còn phải vượt qua bao trạm kiểm soát dọc theo Quốc lộ 1 và tôi sẵn sàng đóng thuế hay hối lộ, miễn sao cho chóng đến nơi”.

Chuyến về lại Hà Nội, ông bay Vietnam Airlines, mua tới hai vé, một vé cho ông và một vé dành cho... những bao tiền! Trên nguyên tắc, việc chuyển hàng hóa Trung Quốc từ phiá Bắc xuống phía Nam coi như là “buôn lậu” nhưng một khi trót lọt coi như là “trúng mánh” dù có phài “rải tiền” suốt dọc đường!

 

Với Thứ trưởng Hershel Gober, Bộ Cựu chiến binh HK, năm 1994

 

Hàng Trung Quốc giá vẫn rẻ hơn hàng Thái, hàng Nhật và hàng của các nước tư bản khác. Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng cũng góp phần giúp hàng “ngoại nhập”, bất kể xuất xứ từ đâu, đã khiến cho việc tiêu thụ qua đường “tiểu ngạch” từ Trung Quốc sang đến Việt Nam nở rộ!

Tuy nhiên, một số mặt hàng lại không được hưởng lợi thế đó. Chẳng hạn như xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc không được ưa chuộng vì không có đồ phụ tùng như xích, líp... đi cùng sản phẩm.

Bia Vạn Lực cũng là một thất bại vì dân uống bia Sài Gòn chê dở, thậm chí có bợm nhậu còn gọi là... “Bia Bất Lực”. Chỉ một thời gian ngắn Vạn Lực không còn thấy xuất hiện, trên các bàn nhậu chỉ còn Heineken, Tiger hay chí ít cũng là Bia Sài Gòn!

Sài Gòn với số người tiêu dùng khoảng 3,5 triệu vẫn là một thị trường “béo bở”. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ 3 sau hàng Thái và các nước tư bản vì người tiêu dùng vốn đã quen với các sản phẩm của các nước khác.

Việc buôn bán giữa hai nước còn gặp trở ngại khác nữa là đồng nhân dân tệ vẫn chưa được coi là ngoại tệ chính thức trong giao thương vì không có tính cách... chuyển đối. Chính phủ của cả hai nước chắc còn phải giải quyết vần đề này một cách rốt ráo để chuyển ngoại thương theo đường “tiểu ngạch” thành... “chính ngạch”.

 

Với nhà thầu Úc trong dự án xây dựng Cầu Mỹ Thuận, năm 1999

 

Nếu so với bây giờ, bang giao Việt Nam – Trung Quốc có phần rắc rối hơn nhiều vì ta ngoài mặt trận kinh tế còn phải đương đầu với chuyện tranh chấp về biển đảo. Viết lại chuyện hàng hóa Trung Quốc mới thấy tình hình ngày một phức tạp!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts