Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Văn chương Truyện Tàu

Truyện Tàu là sản phẩm văn chương đặc sắc của Miến Nam, xuất hiện trước khi có truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tuy cùng một gốc tích từ Trung Quốc nhưng Truyện Tàu dựa trên lịch sử trong khi chuyện kiếm hiệp lại dựa vào sự hư cấu của người viết.

Truyện Tàu đã đi vào cuộc sống của người Miền Nam với các nhân vật điển hình như Tam Tạng, Quan Công, Lưu Bị, Tào Tháo... đến Tôn Tẩn, Bàng Quyên, Tiết Đinh San, Tiết Nhân Quý, La Thông, Trình Giảo Kim...

Những nhân vật trong Truyện Tàu bước vào đời sống của người dân một cách gần gũi với đầy đủ tình cảm “yêu-ghét” một cách tự nhiên như chính cuộc đời của người đọc để giải trí hay nói rộng ra là cả những người nông dân chân lấm tay bùn.

Ở Truyện Tàu, cũng có đầy đủ yếu tố “hỉ-nộ-ái-ố”, chẳng hạn như trong truyện “La Thông Tảo Bắc” khi người mẹ là Mai phu nhân tâm sự với con là Lưu Bửu Lâm sau một ngày chiến đầu với tướng giặc là Uất Trì Cung:

“Ngày nay con đã khôn lớn rồi, vậy mẹ cũng nên thuật rõ điều cừu hận ra cho con biết, nhưng về sự ấy có báo cừu hay không thì tự nơi con, chớ thân mẹ bây giờ đã đành tìm xuống chốn Diêm đài rồi, chẳng còn lưu luyến đến chốn hồng trần này làm chi nữa. Hôm nay con ra trận đánh cùng ai đó, con có biết không?

“Con ôi! Trọn hai mươi năm trời nay mẹ cam chịu lấy điều oan ức, cũng vì con, ráng nuôi con đến lúc trưởng thành nên vóc nên vai, con không lo báo oán trả cừu, trở lại bênh kẻ thù mà đánh cùng cha ruột!

(hết trích)

Hóa ra Uất Trì Cung là bố ruột của Lưu Bủu Lâm chứ không phải là Lưu Quốc Trinh mà bấy lâu nay Bửu Lâm vẫn lầm tưởng! Mai phu nhân chỉ vào chiếc roi sắt, món binh khí sở trường của con trên chiến trường mà rằng:

“Roi này vốn có một cặp, cây này là trống, nhỏ; còn cây mái, lớn, thì cha con đang cầm, con hãy xem qua mấy chữ khắc dưới cán roi thì tường chân giả...”

Bửu Lâm vâng lời mẹ, cầm cán roi lên xem, thì thấy có mấy chữ "Uất Trì Bửu Lâm"! Đến khi hai mẹ con thực hiện kế “đoạt thành”, bằm thây Lưu Quốc Trinh để trả thù, Mai phu nhân mới than khóc với người xưa:

“Lang quân ôi! Bởi lang quân đến chậm, gặp con mà không gặp vợ sanh tiền, vì lang quân lo chữ công danh, để cho thiếp hư thân thất tiết, thế nên bây giờ liều mạng bạc, lưu luyến chi cõi trần mà chịu tiếng nhuốc nhơ. Lang quân ôi! Đây là giờ chót thiếp xin kính chúc, giã từ…

Mai phu nhân khóc than dứt lời, bèn đập đầu vào tường tự ái. Thảm thương thay, đời người được mấy kẻ như vầy? Thế cho nên trong “hồi thứ ba” của truyện “La Thông Tảo Bắc” mới có 2 câu thơ dẫn truyện:

“Ải Bạch Lang, Bửu Lâm nhìn cha

Giết Lưu Phương, Mai thị rạng tiết”

Không như tiểu thuyết ngày nay, truyện được chia thành “Chương”, Truyện Tàu lại chia thành “Hồi” và trước mỗi “Hồi” đều có 2 câu thơ dẫn truyện. Thế cho nên người đọc gặp rất nhiều câu thơ, chẳng hạn như trong Hồi thứ hai của “Chung Vô Diệm” ta mới thấy hai câu để dẫn chuyện vua Tề Tuyên gặp gỡ Chung Vô Diệm:

“Tề Tuyên Vương săn bắn non xanh,

Chung Vô Diệm hái dâu rừng vắng” 

Trong “Xuân Thu Oanh Liệt” có truyện Bàng Quyên - Tôn Tẩn, hai nhân vật khác hẳn nhau về cá tính. Trên đường lên núi Vân Mộng để tầm sư học đạo với Quỷ Cốc tiên sinh, Tôn Tẩn gặp Bàng Quyên và hai người kết bạn sanh tử có nhau vì cùng chí hướng.

Không ngờ sau này Bàng Quyên trở thành nhân vật phản diện nên mới có sự tích “Bàng Quyên chặt chân Tôn Tẩn”. Lời thề của Bàng Quyên “nếu ngày sau có phản phúc xin có thần kỳ chiếu dám cho chết giữa đám rừng tên Tại Mã Lăng đạo và bị bảy nước phân thây” đã ứng nghiệm. Người đọc gặp hai câu dẫn truyện ngay hồi mở đầu:

“Thành Đồng Quan, Bạch Khởi Cướp Dinh

Trấn Châu Tiên, Tôn Bàng Kết Nghĩa”

Bàng Quyên và Tôn Tẩn đi tới trước động tầm sư học đạo, thấy cửa động đóng kín, trên cửa động có một tấm bảng đá khắc sáu chữ: "Núi Vân Mộng, động Thủy Liêm". Hai người còn đương suy nghĩ, bỗng thấy một kẻ tiều phu đi thoáng qua ngang cửa động.

Tiều phu cho biết muốn gặp Quỷ Cốc thì hãy lạy cho cửa rộng mở, còn chẳng thành tâm thì dầu lạy một năm đi nữa cũng vô ích. Trong khi Tôn Tẩn thành tâm lạy thì Bàng Quyên lại nghĩ nếu cửa mở thì cả hai sẽ vào, mình khỏi mất công lạy chi cho mệt!

Lối hành văn của Truyện Tàu “rặc” tính cách Nam bộ. Bậc trượng phu, đại nghĩa thường là “mến nghĩa, trọng nhân”, “cốt đạo thần tiên” với hình dáng “lưng gấu, tay cọp”... trong khi kẻ tiểu nhân thì “đầu qủy mắt rắn”, “sọ lồi ra sau”, “ghét lành ganh giỏi”.

Bộ ba Quan Vũ, Lưu Bị, Trương Phi của thời Tam Quốc mỗi người mang một sắc thái riêng. Quan Công được đánh giá là vị tướng có tài năng, võ nghệ tinh thông, sức địch vạn người. Ông được người đời sau coi là một biểu tượng của những đức tính "Danh lợi không đổi lòng, Giàu sang không dâm loạn, Nghèo hèn không nhụt chí, Oai vũ không khuất phục".

Ông cũng là vị võ tướng có điện thờ riêng tại Đế Vương Miếu, Trung Quốc, và ngay tại Miền Nam cũng có tượng thờ với hình mẫu là một người mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố.

Lưu Bị xuất thân từ hoàng tộc, làm quan cho triều đình, nhưng đường hoạn lộ của ông ban đầu không được suôn sẻ khiến ông nhiều lần thất bại và phải đi nương nhờ dưới trướng nhiều chư hầu đương thời như Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu...

Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, “thương dân như con” của một vị vua hiền đức. Người đời thường ca tụng “Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh”.

La Quán Trung trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” mô tả về Trương Phi: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…”.

Tuy tính tình nóng nảy nhưng Trương Phi là dũng tướng biết dùng mưu kế. Những lần Trương Phi đơn độc chống quân Tào ở cầu Trường Bản, dùng mưu lấy ải Ngõa Khẩu, thu phục Nghiêm Nhan đã chứng minh điều này.

Thời Tam Quốc còn phải kể đến Khổng Minh Gia Cát Lượng là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông. Tuy nhiên, năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng ông bị bệnh mất.

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, nhà văn La Quán Trung ca ngợi Lưu Bị, và xem Tào Tháo là vai phản diện. Tào Tháo được mô tả có hình dáng "cao 7 thước", "mắt nhỏ râu dài". Tào Tháo có những cá tính khá nổi bật: gian xảo, đa nghi, tàn bạo nhưng cũng rất thông minh, nhiều mưu mẹo quyền biến.

***

Còn rất nhiều nhân vật của Truyện Tàu nhưng bài viết này có hạn. Chúng ta hãy bàn về lý do truyện rất phổ biến từ đầu thập niên 50 tại Miền Nam. Công đầu thuộc về Tín Đức Thư Xã, một cơ sở chuyên dịch Truyên Tàu nằm trên đường Sabourain, sau này đổi thành đường Tạ Thu Thâu, Sài Gòn.

Sách do Tín Đức xuất bản được in theo lối “Meilleurs Livres” của Pháp, cỡ 15,5 x 11,5 cm với giá bán thiệt rẻ, mỗi cuốn chỉ khoảng một cắc (0$10, tiền ngày xưa). Đó cũng là lý do Truyện Tàu khá thịnh hành vào thời đó.

Một lý do khiến Truyện Tàu được ưa chuộng tại Nam Bộ là những từ ngữ thường dùng tại miền quê đã xuất hiện rất nhiều trong lối văn kể chuyện. Chẳng hạn như “qua” (tôi), “bậu” (bạn), "va” (hắn, nó), "đặng" (được, để)... được dùng thường xuyên khiến người đọc cảm thấy gần gũi, thân thiết.

Cái khéo của Tín Đức Thư Xã là đã quy tụ được rất nhiều dịch giả người Miến Nam, trong đó ông Tô Chẩn là người đã thành lập thư xã và cũng đồng thời là dịch giả chính của loại truyện này.

Ông quê ở Hưng Yên, giỏi chữ Nho, đã bỏ xứ Bắc vô Sài Gòn lập nghiệp bằng lối dịch Truyện Tàu sang quốc ngữ. Trước khi thành lập Tín Đức Thư Xã ông là thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

Tô Chẩn có người em theo Việt Minh, bị giam chết vì ho lao trong nhà tù ở Sơn La. Người ta đồn, chính bản thân ông cũng bị thủ tiêu vì tội theo Quốc Dân Đảng. 

***

Sách do Tín Đức Thư Xã xuất bản xếp theo mẫu tự bắt đầu tên truyện:

1. Anh Hùng Náo Tam Môn Giai - Dịch giả: Tô Chẩn (1951) / Trọn bộ 1 quyển , 226 trang, 60 hồi.

2. Bạch Xà Thanh Xà - Dịch giả: Tô Chẩn (1951) / Trọn bộ 1 quyển, 64 trang, 13 hồi.

3. Bắc Du Chơn Võ - Dịch giả: Lê Duy Thiện (1950) / Trọn bộ 1 quyển 112 trang, 24 hồi.

4. Bắc Tống Diễn Nghĩa - Dịch giả: Nguyễn Văn Hiển (1951) / 128 trang, 30 hồi, 2 tập.

5. Bao Công Kỳ Án - Dịch giả: Trần Văn Bình (1954) / Trọn bộ 1 quyển 220 trang, 46 hồi.

6. Càn Long Hạ Giang Nam - Dịch giả: Thanh Phong (1952) / Trọn bộ 3 quyển 544 trang, 65 hồi.

 

Càn Long Hạ Giang Nam - Thanh Phong (1952)

 

7. Chánh Đức Du Giang Nam - Dịch giả: Trần Văn Bình / Trọn bộ 1 quyển, 160 trang, 34 hồi.

8. Chung Vô Diệm - Dịch giả: Tô Chẩn (1952) / 736 trang, 77 hồi, 4 tập.

 

Chung Vô Diệm - Tô Chẩn (1952)

 

9. Dương Văn Quảng Bình Nam - Dịch giả: Tô Chẩn (1950) / Trọn bộ 1 quyển, 144 trang, 22 hồi.

10. Đại Hồng Bào Hải Thoại

11. Đại Minh Hồng Võ - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 2 quyển, 388 trang, 80 hồi.

12. Đông Châu Liệt Quốc - Dịch giả: Võ Minh Trí (1957) / 1276 trang, 108 hồi, 5 tập.

13. Đông Du Bát Tiên - Dịch giả: Tô Chẩn (1957) / Trọn bộ 1 quyển, 64 trang, 22 hồi.

14. Đông Hớn Diễn Nghĩa - Dịch giả: Thanh Phong (1952) / 280 trang, 57 hồi, 2 tập.

15. Hạnh Nguyên Cống Hồ - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 1 tập, 184 trang, 26 hồi.

16. Hậu Anh Hùng - Dịch giả: Tô Chẩn (1952) / Trọn bộ 1 quyển, 236 trang, 60 hồi.

17. Hậu Tái Sanh Duyên - Dịch giả: Thanh Phong (1951) / Trọn bộ 3 quyển, 568 trang, 16 hồi.

18. Hậu Tam Quốc - Dịch giả: Danh Nho (1954) / Trọn bộ 4 tập.

19. La Thông Tảo Bắc - Dịch giả: Tô Chẩn / Trọn bộ 1 tập.

 

La Thông Tảo Bắc - Tô Chẩn

 

20. Lục Mẫu Đơn - Dịch giả: Trần Văn Bình (1957) / Trọn bộ 2 tập, 380 trang, 64 hồi.

21. Mộng Trung Ngũ Mỹ Duyên - Dịch giả: Trần Văn Bình (1954) / Trọn bộ 1 quyển 168 trang, 15 hồi.

22. Nam Du Huê Quang

23. Ngũ Hổ Bình Nam - Dịch giả: Đinh Thái Sơn (1951) / Trọn bộ 1 quyển, 240 trang, 40 hồi.

24. Ngũ Hổ Bình Tây.

 

Ngũ Hổ Bình Tây - Tô Chẩn

 

25. Nhạc Phi Diễn Nghĩa -  Dịch giả: Nguyễn Chánh Sắt (1952) / Trọn bộ 4 quyển, 868 trang, 80 hồi

26. Phản Đường - Dịch giả: Hoàng Minh Tự (1951) / Trọn bộ 2 tập, 400 trang, 94 hồi.

27. Phấn Trang Lầu - Dịch giả: Nguyễn An Khương (1952) / Trọn bộ 2 tập, 416 trang, 80 hồi.

28. Phi Long Diễn Nghĩa - Dịch giả: Trương Minh Chánh / 672 trang, 66 hồi, 3 tập.

29. Phong Kiếm Xuân Thu - Dịch giả: Tô Chẩn (1950) / 568 trang, 60 hồi, 3 tập.

 

Phong Kiếm Xuân Thu Diễn Nghĩa - Tô Chẩn (1950)

 

30. Phong Thần Diễn Nghĩa - Dịch giả: Tô Chẩn (1951) / 960 trang, 100 hồi, 4 tập.

31. Quần Anh Kiệt Diễn Nghĩa - Dịch giả: Thanh Phong (1957) / Trọn bộ 1 quyển, 176 trang, 34 hồi.

32. Song Quang Bửu Kiếm - Dịch giả: Dương Tấn Long (1957) / Trọn bộ 1 quyển 140 trang, 17 hồi.

33. Tái Sanh Duyên - Dịch giả: Thanh Phong / Trọn bộ 3 quyển, 616 trang, 74 hồi.

34. Tam Hạ Nam Đường

35. Tam Hạp Bửu Kiếm - Dịch giả: Thanh Phong / Trọn bộ 1 tập, 228 trang, 42 hồi.

36. Tam Quốc Diễn Nghĩa - Dịch giả: Nguyễn An Cư (1951) / Trọn bộ 5 tập, 1072 trang, 120 hồi.

37. Tàn Đường - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 1 tập, 128 trang, 30 hồi.

38. Tây Du Diễn Nghĩa - Dịch giả:Tô Chẩn (1962) / 896 trang, 100 hồi, 4 tập.

 

Tây Du Diễn Nghĩa - Tô Chẩn

 

39. Tây Hớn Diễn Nghĩa - Dịch giả: Thanh Phong / 3 tập.

 

Tây Hớn Diễn Nghĩa - Thanh Phong

 

40. Thập Nhị Quả Phụ Chinh Tây - Dịch giả: Thanh Phong / Trọn bộ 1 quyển, 136 trang, 19 hồi.

 

Thập Nhị Quả Phụ Chinh Tây - Thanh Phong


41. Thất Hiệp Ngũ Nghĩa - Dịch giả: Phạm Văn Điều (1957) / Trọn bộ 2 quyển, 504 trang, 100 hồi.

42. Thất Kiếm Thập Tam Hiệp - Dịch giả: Phạm Văn Điều / Trọn bộ 4 quyển, 864 trang, 180 hồi.

43. Thuận Trị Quá Giang - Dịch giả: Trần Văn Bình (1953) / Trọn bộ 1 quyển 92 trang, 20 hồi.

44. Thuyết Đường - Dịch giả: Dương Mạnh Huy (1950) / Trọn bộ 2 tập, 436 trang, 68 hồi.

45. Thủy Hử Diễn Nghĩa - Dịch giả: Võ Minh Trí (1952) / Trọn bộ 8 quyển, 1924 trang, 142 hồi.

46. Tiết Đinh San Chinh Tây - Dịch giả: Tô Chẩn (1961) / Trọn bộ 3 tập, 560 trang, 99 hồi.

47. Tiết Nhơn Quí Chinh Đông - Dịch giả: Tô Chẩn (1960) / Trọn bộ 1 tập, 232 trang, 42 hồi.

48. Tiểu Hồng Bào Hải Thoại - Dịch giả: Tô Chẩn / Trọn bộ 1 quyển.

49. Tiểu Ngũ Nghĩa - Dịch giả: Phạm Văn Điều (1958) / Trọn bộ 3 quyển, 504 trang, 124 hồi.

50. Tống Từ Vân - Dịch giả: Thanh Phong (1952) / Trọn bộ 2 quyển, 312 trang, 35 hồi.

51. Tục Tiểu Ngũ Nghĩa - Dịch giả: Phạm Văn Điều (1958) / Trọn bộ 4 quyển, 696 trang, 120 hồi.

52. Vạn Huê Lầu - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 2 tập, 316 trang, 68 hồi.

 

Vạn Huê Lầu - Thanh Phong

 

53. Xuân Thu Oanh Liệt - Dịch giả: Phạm Văn Điều / 160 trang, 20 hồi in trọn trong 1 cuốn.

 

Xuân Thu Oanh Liệt - Phạm Văn Điều

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts