Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Giờ thứ 25

Xét cho cùng, kiếp người chỉ là một sự tuần hoàn dựa trên lý thuyết về một ngày, bao gồm 24 giờ. Trong cái chu kỳ tuần hoàn cả về sinh học lẫn cơ học đó lại được đặt trên một lý thuyết khác, nói theo ngôn ngữ bình dân là “tứ khoái”, bao gồm ăn uống, nghỉ ngơi, làm tình và bài tiết.

Tùy theo quan niệm của mỗi người, vòng tuần hoàn đó diễn ra để mỗi người “được” hưởng trong 24 giờ đối với những kẻ lạc quan. Bi quan thì nhìn kiếp người “bị” trói buộc trong cai vòng luẩn quẩn này và hoàn toàn không thể nào dứt bỏ được.

Thế cho nên mới nảy sinh lý thuyết về “Giờ thứ 25” xuất xứ từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Rumani, Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992). Tác phẩm ra đời năm tại Paris, năm 1949, dựa vào bối cảnh đầy biến động của cuộc thế chiến thứ hai tại Châu Âu.

Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992)

Chuyện bắt đầu tại ngôi làng nhỏ có tên Fantana, xứ Rumani, thuộc Đông Âu. Đôi tình nhân Moritz-Suzanna quyết định thoát ly gia đình vì người cha địa chủ giàu có của Suzanna không chịu nhận Moritz, một bần nông, không một mảnh đất cắm dùi. 

Cũng may có Trian, một nhà văn, thương tình giúp đỡ nhưng nghịch cảnh đầu tiên Moritz phải đương đầu là tên trưởng đồn cảnh sát có ý ve vãn Suzanna. Hắn đẩy Moritz đi lao động đào kinh nhưng trong danh sách lại ghi anh là gốc người Do Thái. Trưởng đồn cảnh sát thảo một văn thư lạnh lùng:

"Chúng tôi hân hạnh xin gởi theo đây do lính hộ tống, hai tên: Marcou Goldenberg, tấn sĩ luật, ba mươi tuổi, và Moritz Ion, nông dân, hai mươi tám tuổi, phạm luật, chiếu theo lịnh trước về việc bắt sung công và đem vào trại giam, những người Do-thái hay người tình nghi trong làng chúng tôi"

Tại trại tập trung, Moritz và một nhóm người tìm đường trốn sang Hungary. Những người chạy trốn lo được giấy tờ để sang Mỹ nhưng số phận của Moritz lại hẩm hiu, ở Budapest  anh bị tình nghi làm gián điệp cho Rumani. Anh chịu nhiều trận đòn của cảnh sát chỉ vì anh tình thật khai báo: chẳng có ai gửi anh sang Hungary.

“… Anh rờ mặt thấy râu ra dài và cứng. Máu đặc dính khắp cả râu, tóc, lông mày. Rờ đến đâu, máu khô bể ra từng mảnh, nhám như đất khô. Anh le lưỡi liếm môi, đôi môi sưng vù và đau nhức như mụt nhọt sắp vỡ. Răng anh cũng làm anh nhức nhối thêm. Nhưng hiện giờ, anh bị mất hết bốn cái răng. Hôm trước, anh khạc nó ra với máu, như nhả hột trái cây, khi bị đánh một thoi ở quai hàm. Hôm ấy, hàm anh cũng làm đau nhức xốn xang, như cách nhức nhối hôm nay. Anh tự nói thầm: "Nếu họ còn đánh mình gãy răng nữa thì mình làm sao nhai bánh mì!". Anh không còn sức đưa lưỡi rà xem có mất cái răng nào nữa không...”

Cuối cùng, Moritz có tên trong danh sách những người bị chính quyền Hungary giao cho Đức quốc xã. Đúng ra, đó là cuộc “buôn người” được thực hiện qua một thông báo của chính phủ Hungary:

“Hội đồng Tổng trưởng vừa nhóm kín đã chấp thuận cấp giấy thông hành và điều kiện du lịch dễ dàng cho những dân thợ Hungary nào muốn đi qua nước Đức làm việc chuyên môn về kỹ thuật trong các xưởng kỹ nghệ. Số thợ Chính phủ cho hưởng điều kiện dễ dàng hiện tạm thời định là năm chục ngàn người”.

Số phận của Moritz lại bước qua một ngã rẽ bất ngờ khi một viên Đại tá người Đức  nhìn anh và quả quyết anh thuộc giống thuần chủng Aryan, một giống dân anh hùng theo quan niệm về nhân chủng học của Đức quốc xã. Đại tá Miller thuyết trình trước một nhóm sĩ quan:

“Anh này thuộc về nhóm dân Germain có tên là "Dòng Anh hùng". Dòng này có nhiều nhứt chừng tám trăm người. Tổ tiên họ di cư từng đoàn, từ miền tây nam nước Đức, trong khoảng năm 1500-1600. Họ là dân Đức chánh tông và vẫn giữ được nguyên vẹn huyết thống, mặc dầu bị mọi áp lực nặng nề, trong thời gian lịch sử. Chủng tộc này có một bản năng sinh tồn mà sức người không bì kịp. "Dòng Anh hùng" mà trong đó có người thanh niên đứng trước mặt các bạn đây, chứng tỏ bản năng sinh tồn kiên cường của dân Đức chúng ta. Duyên cớ gì khiến cho tổ tiên anh này, từ ba bốn trăm năm, chỉ cưới vợ đồng chủng, trong lúc chung quanh họ có biết bao nhiêu đàn bà quyến rũ hơn. Đó là bản năng sinh tồn, tiếng gọi của huyết thống đã tránh cho gia tộc này khỏi phạm trọng tội tạp chủng. Suốt đời lịch sử, gia tộc này không bao giờ cưới gái khác chủng tộc. Và bởi duyên cớ duy nhứt ấy, nên sau bốn thế kỷ, anh trai trẻ này mới còn được giống y hệt tổ tiên anh. Thử nhìn tóc chắc và mịn của anh. Tóc giống y hệt như tóc của "Dòng Anh hùng" cách đây bốn thế kỷ, mà ta còn thấy trong di hài tàng trữ đến ngày nay. Không thể lầm lẫn với loại tóc nào khác được và người sành sẽ nhận ra tức khắc”.

Kết quả là Moritz trở thành dân Đức “thuần chủng” và được đưa vào phục vụ trong đội quân mật vụ SS của Đức, điều mà chính anh không thể nào tưởng tượng được. Từ một người nông dân Rumani, trốn sang Hungary, được “bán” sang Đức và trở thành người thuộc giống dân thuộc “dòng anh hùng” của dân Đức.

Trước khi rời Suzanna anh đã có hai con, vì nghĩ rằng hai người không còn cơ hội gặp lại nên Moritz đã kết hôn với một cô y tá người Đức và có một đứa con. Công việc hàng ngày của anh là dẫn tù binh người Pháp đi xây dựng một chiếc cầu. Họ thuyết phục anh trốn sang vùng người Mỹ kiểm soát.  

Quân Nga chiếm đóng làng Fantana, họ hãm hiếp đàn bà, nhiều người đàn ông bị xử bắn và số còn lại nhiều người trốn vào rừng kháng chiến. Mẹ Moritz bị giết chết vì đã cứu mục sư Koruga, cha của nhà văn Traian. Vợ anh, Suzanna, trốn khỏi làng với các con.

Số phận của nhà văn Traian cũng hẩm hiu khi anh trốn thoát đến vùng kiểm soát của Mỹ chỉ vì anh là công dân Rumani. Traian được chuyển tới trại giam của Mỹ và tại đây anh gặp lại Moritz. Người Mỹ không tin Moritz mặc dù chính anh đã dẫn đám tù binh người Pháp trốn trại.

Moritz cũng gặp lại ông bác sĩ cùng trốn với anh từ trại giam Roumani sang Hungary, sau đó ông đi Hoa Kỳ và trở thành trung úy quân y của Mỹ. Ông bác sĩ rất quý anh nhưng không giúp gì được ngoài việc cho đồ ăn và thuốc lá.

Traian tuyệt thực phản đối trưởng trại cho mang xác mục sư Koruga mà không cho anh theo dự để xem ông có được làm phép theo Chính thống giáo không. Phóng viên Mỹ đến thăm, họ đưa Traian đi nơi khác để che dấu vì sợ chàng sẽ nói lên sự thật.

Traian tuyệt thực, họ đưa anh vào nhà thương điên, anh làm nhiều đơn từ họ không xét. Traian chống lại nền văn minh máy móc, theo anh, nó tiêu diệt con người. Khi chàng được thả ra khỏi nhà thương điên, Traian thản nhiên đi ra cổng chính, đến hàng rào kẽm gai. Lính gác bắn hai phát súng, phát thứ hai khiến Traian ngã gục. Anh đã tự ý đi tìm cái chết.

Nhân vật Traian, chính là người viết cuốn “Giờ thứ 25”. Theo nhà văn, đó là giờ mà mọi sự cứu rỗi đều trở nên vô vọng, dù có Đấng cứu thế cũng không không thể cứu vãn được. Giờ thứ 25 không phải là “giờ chót” mà là “giờ kế tiếp sau giờ cuối cùng”. Đó là ngày tàn của xã hội văn minh Phương tây.

“Giờ thứ 25”, bản dịch tiếng Việt

Cuốn tiểu thuyết luận đề thể hiện niềm sợ hãi sự diệt vong của loài người, hậu quả do xã hội kỹ thuật máy móc mang lại. Một xã hội máy móc, tôn sùng kỹ thuật có nguy cơ tận diệt nhân loại. Traian đã từng phân tích:

“Con người sẽ bị lôi cuốn vào xã hội kỹ thuật trong nhiều năm dài đăng đẵng. Họ sẽ không bị chết trong xiềng xích tù đày. Xã hội kỹ thuật có thể tạo đủ tiện nghi, nhưng không phát sinh được tâm hồn trí óc. Mà không trí óc thì không có thiên tài. Một xã hội không có thiên tài sẽ đi lần đến chỗ diệt vong. Xã hội kỹ thuật đã chiếm địa vị của xã hội Tây phương và sắp chiếm cả hoàn vũ, cũng sẽ bị tiêu diệt nữa”.

“Người nô lệ thời cổ, người "nô lệ nhân lực", bạn của tên "nô lệ kỹ thuật", bị người La-mã và Hi-lạp xem như một sức mạnh mù quáng, một động vật vô giác. Họ cũng bị bán, bị mua, bị biếu làm quà, và bị giết chết được. Họ chỉ được đánh giá theo sức mạnh của bắp thịt, và khả năng làm việc thôi. Cũng giống với một thứ tiêu chuẩn giá trị mà ta dùng ngày nay cho tên "nô lệ kỹ thuật".


(hết trích)

Moritz, Traian, Koruga đều là những nạn nhân của xã hội máy móc, những con người vô tội nhưng đã phải cam chịu nhiều oan khiên đầy đọa vô cớ. Moritz là người thể hiện thân phận bi đát nhất của con người ở vào thời đại máy móc. Giá trị của con người đã xuống thấp đến mức không còn gì cả.

Bốn ngày sau Traian chết, Moritz nhận được thư của Suzanna, nàng kể lại những ngày gian truân, bị quân Nga hãm hiếp nhiều phen, có đứa con với chúng, nàng xin tha thứ. Moritz được gọi đi Nuremberg xét xử nhưng cuối cùng được tha về xum họp với vợ con.

Trong một bức thư gửi qua hội Hồng thập tự, Suzanna đã kể hết mọi chuyện thầm kín cho Moritz. Thư có đoạn viết:

“Quân Nga bắt được em, chúng cho các con bánh mì, kẹo và quần áo, bốn ngày sau em bị bệnh thì một bọn lính Nga tông cửa vào nhà tìm đàn bà con gái, chúng bắt em và cô con ông chủ nhà mới mười bốn tuổi, chúng bắt tụi em uống rượu và cưỡng hiếp chúng em cho đến sáng.
 …  

Em kể lại cho anh nghe chuyện ấy vì em không muốn dấu anh điều gì, em ngất xỉu khi tỉnh dậy thì các con khóc như ri, đêm sau bọn lính trở lại hãm hiếp chúng em. Hôm sau em trốn xuống hầm nhưng chúng cũng tìm được và lại làm chuyện tồi bại như mọi khi, hai tuần liên tiếp dù trốn ngoài vườn, bên những nhà lân cận chúng cũng đều tìm được em và cưỡng hiếp em trước mắt các con. Em định tự tử cho xong nhưng nghĩ tới các con, nếu em chết chúng sẽ bơ vơ xứ lạ nên bỏ ý định quyên sinh nhưng khi ấy em tự coi như đã chết rồi.”

(hết trích)

“Giờ thứ 25”, bản dịch tiếng Anh

Ở đoạn cuối của “Giờ thứ 25”, chúng ta hãy đọc đoạn văn Virgil Gheorghiu mô tả cảnh  đoàn tụ gia đình của Moritz:

“Rốt cuộc, rồi Moritz cũng được ra khỏi trại giam. Anh đã vắng mặt mười ba năm trường. Trong khoảng thời gian ấy, anh bị giam cầm trong hàng trăm trại giam của nhiều quốc gia. Hiện giờ anh đã tìm được vợ con.

“Lúc ấy đã mười giờ tối. Đêm sum họp đầu tiên. Moritz ăn xong, ngồi chống tay trên bàn, ngó con cái.

“Petre, thằng đầu lòng, được mười lăm tuổi rồi. Moritz ngó nó một hồi lâu. Anh giụi mắt để chắc ý rằng anh không chiêm bao. Và anh không thể làm sao tưởng được nó là con trai anh. Thằng Petre mặc bộ đồ Mỹ, vải xanh; nó hút thuốc và cũng có cặp mắt giống cha.

“Thằng Petre cũng vậy, nó không làm sao tin được người đàn ông ốm yếu, tóc hoa râm, ngồi trước mặt nó, mà từ trước đến giờ nó không hề thấy, lại là cha đẻ nó. Nhưng đã ở chung một nhà, nó kiếm cách làm thân, nói:

- Tôi sẽ nói chuyện với chủ tôi, và không chừng ông sẽ kiếm chỗ cho ba làm trong hãng.

“Moritz ngó qua thằng Nicolae, đứa con thứ của anh. Nó giống Suzanna, cũng trắng hồng và có cặp mắt dịu dàng như nhung.

“Anh ngó tới đứa thứ ba, lên bốn tuổi. Nó không thuộc con anh. Suzanna có thai nó với quân lính Nga. Song Moritz đã tha thứ cho nàng, vì không phải lỗi nơi nàng.

“Moritz châm điếu thuốc khác, thuốc của Petre mới tặng anh nguyên gói, để mừng anh mới về.

(hết trích)

Còn Suzanna đứng giữa phòng một hồi, không biết làm gì. Đoạn nàng lại ngồi tại bàn ăn, đối diện với chồng. Nàng biết Moritz mệt mỏi, nhưng không dám bảo anh đi ngủ. Nàng tự thấy có lỗi nhiều về các sự việc đã xảy ra. Chồng nàng bị bắt, bị đày trong trại giam bao nhiêu năm, cũng tại nàng. Lại còn chuyện quân Nga cưỡng hiếp nàng, lỗi cũng tại nơi nàng. Vì thế, nàng không dám nhìn cặp mắt Moritz và cũng không dám mời anh đi ngủ.

Bây giờ các con đã ngủ rồi, Suzanna ngước mắt ngó chồng, gặp lúc Moritz đang ngó nàng. Bốn mắt gặp nhau, quyện lấy nhau hồi lâu, như không thể rời được. Anh lên tiếng hỏi, “Phải cái áo em mặc đêm đó hay không?”

Moritz ngó chiếc áo dài xanh, cổ hở, mà Suzanna đã mặc đêm cha nàng đánh chết mẹ nàng, chiếc áo nàng mặc lúc anh dẫn nàng về nhà cha mẹ, nhưng mẹ anh không chịu chứa, anh phải dẫn tới nhà mục sư Koruga xin ở đậu căn phòng gần nhà bếp.

Lúc đầu, Suzanna chỉ có cái áo độc nhất này. Suốt mấy tuần lễ, nàng chỉ mặc cái áo dài xanh ấy, ban đêm phải cởi ra để dành. Về sau, nàng may được thêm mấy cái khác. Nhưng chỉ có cáo áo này, nàng cho là đẹp hơn hết, và chồng nàng cũng thích nó nhứt.

Nàng không thay đổi nhiều. Mặt hơi nhăn, da mất vẻ tươi thắm, tóc đã phai, giống màu chỉ gai, bộ ngực hơi xệ. Nhưng nàng vẫn như xưa. Moritz không bao giờ nghĩ sẽ gặp được Suzanna như ngày trước, nàng Suzanna ở làng Fantana của anh. Mười ba năm, ví như một thời gian… tạm cho thuê! Cả hai ra ngoài đi dạo và đến nằm trên một thảm cỏ xanh…


“- Em cũng như lúc nào! Không thay đổi gì hết, vẫn còn là Suzanna của anh, như hồi trong vườn làng Fantana. Làm cách nào em giữ được nguyên vẹn như vậy?

- Anh nói không đúng! Em già rồi. Chỉ có anh không thay đổi mà thôi.

Suzanna dang ra. Moritz ôm sát nàng lại:

- Em cũng dang ra như lúc xưa. Dường như không có mười ba năm xa cách chút nào!

Nàng cũng có cảm tưởng như thế về Moritz.

“Như thuở nọ, anh cũng vòng tay ôm ngang lưng nàng, anh cũng ôm siết nàng vào lòng, và hôn hít lấp miệng nàng đến ngộp thở. Nàng cũng cảm thấy ngực anh đè nặng nàng như cái áo giáp. Tất cả đều giống như thuở nọ.

Suzanna nói:

- Anh thơm mùi cỏ làng Fantana quá! Anh còn giữ mùi cỏ mùi rơm ấy luôn… Em chỉ nhớ đến anh mà thôi. Em xin thề. Ngày đêm em nhớ đến anh luôn, với tất cả tâm hồn em. Em xin thề với anh. Anh là vừng đông, là mặt trời, là chồng yêu quý của em. Chỉ một mình anh mà thôi".


(hết trích)

Moritz biết anh là mặt trời, là vừng đông của nàng và nàng chỉ tưởng nhớ đến anh và chờ đợi anh. Moritz thấy những gì xảy ra trong mười ba năm ấy đã vụt tan biến mất, vợ chồng anh nay đã sum họp và một tương lai rực rỡ hiện ra trước mặt họ là cuộc đời.

Khi hai người trở về nhà trong niềm hạnh phúc của đêm tái ngộ thì đoạn kết tưởng chừng như có hậu lại bước sang một ngõ cụt. Quân đội Mỹ đến nhà nhắc nhở ngày mai cả gia đình sẽ họp lại để đi đến… một trại tập trung. Họ giải thích:

“Vì biện pháp chính trị, các ngoại kiều miền Đông Âu châu đều bị giam giữ, bởi mấy xứ này đang gây chiến tranh với các nước Đồng minh Tây phương. Nhưng không sao đâu, các người sẽ sống sung sướng trong trại, ăn uống như dân Mỹ. Chỉ là một sự đề phòng thôi. Đừng sợ gì hết, không ai bắt bớ các người đâu!”

Moritz nghĩ thầm, mới tự do chỉ được có mười tám giờ, bây giờ phải vô trại giam trở lại. Lần này không phải bị bắt vì là dân Do thái, dân Rumani, Hungary hay Đức mà vì là kiều dân của một xứ Đông Âu. Nước mắt Moritz lại tuôn trào khi giờ thứ 25 đã đến. Anh nói với vợ con:

“Ba lúc nào cũng sẵn sàng. Từ mười ba năm nay, ba dời chỗ từ trại giam này đến trại giam khác biết bao nhiêu lần rồi, nên lúc nào ba cũng sẵn sàng. Rồi các con cũng sẽ tập quen với mấy trại giam. Ba thương hại cho các con, song làm đàn ông, ai ai cũng phải chịu vậy, vì từ rày về sau, họ chỉ thấy toàn là trại giam, hàng rào dây kẽm gai, và đoàn xe nhà binh có hộ tống… Khổ cho thân ba! Vừa được thả mới có mười tám giờ! Biết đâu ba lại không có lấy một giờ tự do trước khi chết?”

Phim “Giờ thứ 25”

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts