Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

Hành khúc “Cầu sông Kwai”

Còn nhớ, ngày xưa trên Đà Lạt khi còn học cấp hai tôi thường được mẹ cho tiền đi xem phim vào những ngày Chủ Nhật. Một trong những cuốn phim “ấn tượng nhất”“Cầu sông Kwai” chiếu tại rạp Ngọc Lan.

Phim thật đáng nhớ, nhưng đối với tôi, một học sinh, ấn tượng nhất lại là cảnh khi hết phim khán giả ra khỏi rạp… có một số người huýt gió theo điệu nhạc quân hành trên cầu. Dĩ nhiên trong số đó có tôi, một người vừa khoái xem phim lại vừa thích ca nhạc!

Cầu sông Kwai thuộc tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan) là một công trình kiến trúc lạ đi cùng với những sự kiện lịch sử của một đất nước nội tiếng về du lịch. Nơi đây, nổi bật nhất là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với rừng nguyên sinh trải dài trong các vườn quốc gia và nhiều dòng sông đẹp.

 

Cầu sông Kwai tại tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan

 

Việc xây dựng cầu sông Kwai xuất phát từ nhu cầu chiến tranh của quân đội Nhật trong Đệ nhị Thế chiến. Điều oái ăm, nhân công lại là những tù binh người Anh, Úc, Mỹ, Hà Lan bị bắt trong cuộc chiến. Họ bị quân Nhật buộc phải xây hai cầu bắt song song qua sông Kwai như một phần của tuyến đường sắt Miến Điện.

Đường sắt Miến Điện - hay còn gọi là "Đường sắt Tử thần" - dài 415 km, kết nối Miến Điện và Thái Lan để phục vụ nhu cầu chiến tranh của quân đội Nhật Bản. Trong thời gian xây dựng, điều kiện làm việc tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của 12.500 tù nhân đồng minh và khoảng 85.000 lao động châu Á.

Phim kể lại câu chuyện về Trung tá Nicholson thuộc quân đội Anh (do Alec Guinness đóng) bị bắt làm tù binh và ông là người chịu trách nhiệm xây dựng chiếc cầu sau khi ông ta bị đưa đến trại tù binh Miến Điện.

 

Alec Guiness trong phim “Cầu sông Kwai”

 

Ban đầu, Nicholson từ chối việc bắt các sĩ quan của mình lao động dựa theo các quy định của Công ước Geneva. Điều này khiến Đại tá người Nhật Saito (Sessue Hayakawa) tức giận, nhốt Nicholson vào một lồng sắt cho đến khi Nicholson chịu phục tùng.

Cuối cùng, Nicholson nhận việc xây dựng cây cầu như cách để thể hiện niềm tự hào và tính ưu việt, hiệu quả trong kỹ thuật xây dựng của các nước đồng minh. Cây cầu gỗ được hoàn thành vào tháng 2/1943 và cây cầu thép hoàn tất tháng 5/1943.

 

Saito và Nicholson trong phim

 

Cầu gỗ đã bị đánh bom 9 lần và đều được xây dựng lại ngay sau đó. Cây cầu thép bị không quân Mỹ đánh vào năm 1945 và cũng đã được xây dựng lại. Nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Phim “Cầu sông Kwai” là chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn người Pháp, Pierre Boulle, được đạo diễn David Lean dàn dựng. Phim đã vinh dự nhận được 7 giải Oscar năm 1957 và 3 giải Quả Cầu Vàng. Năm 1997, “Cầu sông Kwai” cũng đã được chọn để bảo quản tại Viện lưu trữ phim quốc gia của Mỹ.

 

Poster phim “Cầu sông Kwai”

 

Bộ phim đã thành công cả về nội dung, dàn dựng với thành phần diễn viên gạo cội như William Holden, Alec Guiness, Jack Hawkins… và nhất là phần âm nhạc phụ hoạ bằng cách huýt gió bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Malcolm Arnold!

 

Cảnh trong phim

 

Khán giả yêu điện ảnh và âm nhạc như tôi ngay trong tuổi thiếu niên đã bị bộ phim hoàn toàn chinh phục!

 

Cảnh trong phim

 

***

 

* Xem trailer “Bridge on the River Kwai” tại:

https://youtu.be/b6FfEV-O2P4

 

* Nghe “Hành khúc cầu sông Kwai” tại:

https://www.youtube.com/watch?v=4LwMpk0dQGM&t=30s

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts