Lần đầu tiên
trong lịch sử Thế vận hội, lễ khai mạc Olympic Paris 2024 lần thứ 33 đã diễn ra
vào rạng sáng ngày 27/7/2024… nhưng sân vận động không phải là địa điểm được chọn
như trong các kỳ thế vận trước đó!
Lần này, sân khấu đã đã diễn ra trên giòng sông Seine dài khoảng 6 km, từ cầu Austerlitz để tới địa điểm tổ chức chính là quảng trường Trocadero. Dọc hai bên bờ sông là các khán đài dành cho khoảng 300.000 khán giả tham dự. Điều đáng ghi nhận là một ý tưởng “độc đáo” của nước chủ nhà.
Buổi lễ “hoàng tráng” kéo dài gần 3 tiếng với 12
chủ đề được trình diễn nối tiếp nhau, có sự tham gia 85 chiếc thuyền, 3.500 vũ
công và 10.500 vận động viên của 206 quốc gia. Buổi lễ khai mạc còn có sự hiện
diện của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, và Chủ tịch Ủy ban Olympic thế giới
(IOC), Thomas Bach.
Như đã nói,
lễ khai mạc được ca ngợi về sự táo bạo khi ban tổ chức chọn nơi làm
lễ tại sông Seine. Tuy nhiên, sau lễ khai mạc, nước chủ nhà phải đối
mặt với một cuộc "khủng hoảng
truyền thông" của báo chí và người hâm mộ vì liên quan đến một vài “hạt sạn” trong chương trình.
Mọi chuyện bắt nguồn từ một cảnh tượng nhạy cảm liên quan tôn giáo trong show diễn "drag queen". Thuật ngữ “drag queen” dùng để chỉ những nghệ sĩ nam cải trang và ăn mặc theo phong cách nữ giới một cách cường điệu, với mục đích biểu diễn nghệ thuật.
Đó là khoảnh khắc trên cầu Debilly bắc qua sông Seine, khi máy quay hướng về nhà sản xuất người Pháp Barbara Butch, người tự mô tả mình là "nhà hoạt động vì tình yêu".
Sau đó, một người đàn ông gần như khỏa thân trong lớp sơn màu xanh toàn thân, ngồi trên một chiếc đĩa. Người đàn ông này hát, những người xung quanh nhảy múa, và cảnh quay biến thành sàn diễn khi nhiều người mẫu xuất hiện. Toàn cảnh được diễn ra trên một chiếc bàn dài…
Cảnh tượng Barbara Butch được các nghệ sĩ bao quanh bàn ăn gợi nhớ đến bức tranh "Bữa tối cuối cùng" (The Last Supper) của danh họa Leonardo da Vinci. Đây là tác phẩm mô tả lại điển tích "Tiệc Ly" trong Kinh thánh.
Các tín
đồ Công giáo, cũng như nhiều tôn giáo khác đã lên tiếng chỉ trích dữ
dội. Hội đồng Giám mục Pháp tuyên bố đây là "sự chế giễu nhắm vào Công giáo", cho rằng rất
nhiều tín đồ đã bị tổn thương vì cảnh tượng lố lăng này.
Lễ khai mạc còn có một số màn trình diễn lấy cảm hứng từ lịch sử và văn hóa của Pháp, chẳng hạn như Marie Antoinette không đầu, nữ hoàng cuối cùng trước khi bị hành quyết trong cuộc Cách mạng Pháp. Bà hát với chiếc đầu bị cắt đứt trong tay và trang điểm theo phong cách “drag”.
Nhiều người lại cho rằng hình ảnh người phụ nữ không đầu không phải là Thần Chết mà là Vương Hậu gây nhiều tranh cãi trong lịch sử nước Pháp. Hình ảnh bà bị chặt đầu tại quảng trường Concorde (cũng là nơi diễn ra màn trình diễn), trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng Pháp 1789.
Trước làn sóng chỉ trích, Thomas Jolly (tổng đạo diễn lễ khai mạc) phải đăng đàn thanh minh rằng buổi diễn chỉ là cổ vũ tinh thần sáng tạo nghệ thuật chứ "không nhằm gây sốc hoặc chế giễu ai cả". Ông khẳng định ý tưởng của cảnh nói trên là hướng về thần thoại Hy Lạp chứ không phải đạo Công giáo.
Tài khoản mạng xã hội chính thức của Olympic Paris 2024 cũng đăng bài nói rằng nhân vật người da xanh (do ca sĩ kiêm diễn viên người Pháp Philippe Katerine thủ vai) là nhằm miêu tả vị thần Dionysus. Trong thần thoại Hy Lạp, đây là vị thần của nghề làm rượu, khả năng sinh sản và sự khoái cảm.
Đạo diễn
Jolly phát biểu trên kênh truyền hình Pháp vào tối 28/7: "Ý tưởng của tôi là tổ chức một show diễn ngoại giáo, liên quan
các vị thần trên đỉnh Olympus. Bạn sẽ không bao giờ thấy ở tôi mong muốn chế giễu
hay hạ thấp bất kỳ ai".
Dù vậy làn sóng chỉ trích vẫn không dứt. Phần đông khán giả không đồng tình với lời thanh minh này. Nhiều người cho rằng ban tổ chức đã cố tình dung hợp hình ảnh “Tiệc Ly” và thần Dionysus, chỉ càng làm tăng tính phản cảm.
Người phát ngôn Anne Descamps của Olympic Paris 2024 nói: "Chúng tôi không có ý định xúc phạm bất kỳ tôn giáo nào. Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự xin lỗi".
Một số người
chỉ trích việc để trẻ em diễn “drag
queen”, gọi đây là “bữa tiệc gợi dục”.
Một số người nói chương trình tôn vinh cộng đồng chuyển giới. Doanh nhân người
Mỹ Elon Musk đã viết trên mạng xã hội rằng, “những
màn trình diễn có sự tham gia của những người chuyển giới tại lễ khai mạc Thế vận
hội là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng trắng trợn”.
Chính trị gia người Pháp và là thành viên của Nghị viện châu Âu, Marion Maréchal, cho rằng lễ khai mạc Olympic là “sự tuyên truyền thô thiển và bênh vực cho phong trào chuyển giới” và là sự minh họa cho một hình thức “ly khai khỏi tinh hoa chính trị và văn hóa”.
Bên cạnh những màn biểu diễn mãn nhãn, Olympic 2024 còn vấp phải nhiều “sạn” như sự cố treo lộn cờ, màn giới thiệu nhầm đoàn vận động viên quốc gia Hàn Quốc thành vận động viên Triều Tiên với lời thuyết minh bằng tiếng Pháp và tiếng Anh…
Chưa dừng lại
ở đó, một số đơn vị tài trợ cũng bắt đầu rút khỏi Olympic Paris 2024. Nhà mạng
C Spire ra thông báo: "Chúng tôi rất
sốc trước sự báng bổ hướng vào Tiệc Ly trong lễ khai mạc Olympic Paris.
Chúng tôi đang rút quảng cáo khỏi kỳ Olympic này".
Báo The Telegraph của Anh cho rằng toàn bộ buổi lễ là một "thất bại". Kênh truyền hình Anh, GB News, tuyên bố rằng lễ khai mạc Thế vận hội Paris là “tồi tệ nhất từ trước đến nay”.
Trước làn
sóng chỉ trích dữ dội, kênh YouTube chính thức của Olympic đã phải
xóa đoạn video tổng hợp các cảnh quay đáng chú ý về lễ khai mạc
Paris 2024.
Nước Pháp luôn là một biểu tượng của tự do. Nơi sự khác biệt đã từng tạo nên những huyền thoại về lịch sử, âm nhạc, mỹ thuật và điện ảnh.
Phải chăng lễ
khai mạc Thế vận hội 2024 tại Paris được coi là một niềm hãnh diện và cũng là một
thảm họa cho nước Pháp?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét