Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Nhìn lại 2021… và hướng tới 2022

2021 là năm thứ ba của “Đại dịch Virus Corona 2019”, còn được biết đến qua cái tên quen thuộc “Covid-19”, với những hậu quả ngày càng khốc liệt hơn! Được phát hiện vào cuối năm 2019 và đến cuối năm 2021 một biến thể mới của Corona mang tên Omicron, nâng con số tử vong toàn cầu vượt ngưỡng 5 triệu sinh mạng.

Những ca Omicron đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi vào cuối tháng 11/2021 và hiện là mối đe dọa toàn cầu. Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Biden, tiên đoán biến thể này sẽ đạt đến đỉnh điểm của mối nguy hại vào cuối tháng 1/2022 tại Hoa Kỳ. 

(Tham khảo thêm bài viết “Delta, Omicron… và tiếp theo là gì đây?” tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/12/delta-omicron-va-tiep-theo-la-gi-ay.html)

Vaccine là đề tài luôn đi kèm với Covid-19 vì cho đến nay nhân loại chỉ trông chờ vào việc tiêm chủng để phòng chống cơn đại dịch quái ác này. Cuối năm 2021, con số người trưởng thành được tiêm chủng tăng cao và người ta đang thực hiện việc tiêm chủng với trẻ con từ 5 tuổi trở lên.

Cuộc chiến với “kẻ thù dấu mặt” vẫn diễn ra hàng ngày trên khắp hành tinh mà vẫn chưa thấy bóng của “điểm dừng”. Trong khi chờ đợi một kết cuộc cuối cùng, người ta chỉ biết cầu nguyện. Riêng đối với người Việt, hy vọng 2022 sẽ là năm con virus Corona sẽ bị con cọp Nhâm Dần... nhai ngấu nghiến.


Tranh vui – “Bữa tiệc ly” 2020 trở thành “Tiệc cách ly” 2021 (hình trên Fb Antonio Giorgio)


Tại Việt Nam, vụ “lùm xùm” của Công ty Việt Á về bộ test kit Covid-19 vào cuối năm 2021 khiến cộng đồng mạng phải quan tâm. Sản phẩm của Việt Á không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận nhưng lại được cơ quan chức năng trong nước chấp nhận khiến bộ test này trở thành “độc quyền” và “giá được thổi” lên rất cao.

Hầu hết các tỉnh thành đều là “khách hàng” thông qua các cuộc đấu thầu “có lại quả”, đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng với giá bán được thổi tới 470.000 đồng/kit qua việc nâng khống giá thiết bị và chi phí nguyên vật liệu sản xuất. Trong khi đó người sử dụng bị “móc túi” và thậm chí còn trở thành “nạn nhân” về vấn đề sức khỏe.


Bộ Test Kit của Công ty Việt Á


Thiên tai thường đi kèm với dịch họa và năm 2021 cũng không phải là ngoại lệ, các trận bão lụt, lốc xoáy, lở đất không ngừng xảy ra trên khắp hành tinh. Tháng 2/2021, tiểu bang Texas đã hứng chịu cơn cuồng nộ của thiên nhiên với tuyết giá, mưa đá ảnh hưởng đến việc cung cấp điện nước cho hàng triệu người trong đó có hơn 200 người thiệt mạng. 

(Tham khảo thêm bài viết “Chuyện "Điên Nặng" ở Texas: Vì Đâu Nên Nỗi?” tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/02/chuyen-ien-nang-o-texas-vi-au-nen-noi.html)

Đáng kể nhất vào tháng 8/2021 một trận động đất 7,2 độ Richter đã xảy ra tại phía Tây Nam Haiti tiếp theo sau là cơn lũ quét khiến hơn 2.200 người bị thương và thiệt mạng.

Tại Việt Nam, cơn bão số 9 trong năm 2021, với tên quốc tế là Rai, đã đi vào Biển Đông ngày 17/12, vị trí tâm bão nằm vào phía Đông Bắc đảo Palawan (Philippines) với sức gió cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Cơn bão Rai được coi là mạnh nhất trong năm 2021 nhưng may mắn bão đã suy yếu dần khi tiến vào đất liền tại khu vực Miền Trung.


Cơn bão Ida tại New Orleans


Tình hình chính trị tại Mỹ trở nên rối ren vào ngày 6/1/2021, một đám đông ủng hộ Donal Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã tràn ngập Điện Capitol để phản đối các dân biểu đã thông qua việc thừa nhận kết quả thắng cử của Joe Biden. Năm người thiệt mạng và Trump đã bị “buộc tội” (impeach) và sau đó được tha bổng, hơn 600 người bạo động đã bị xét xử.


Người biểu tình tấn côg Điện Capitol ngày 6/1/2021


Tổng thống Joe Biden chính thức nhậm chức ngày 20/01/2021, đây là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Một trong những quyết định đầu tiên của Biden là nước Mỹ sẽ quay trở lại với Hiệp ước tiết giảm hiệu ứng khí nhà kính nhằm góp phần thay đổi khí hậu toàn cầu. Hiệp ước này đã được gần 200 quốc gia ủng hộ từ năm 2015 nhưng chính phủ tiền nhiệm của ông Donald Trump đã quyết định rút lui.


Hoa Kỳ tái tham gia Hiệp ước ngăn chặn sự thay đổi khí hậu


Cuộc chiến tại Afghanistan là hậu quả của cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/09/2001. Đây là cuốc chiến lâu dài nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ, kéo dài suốt hai thập kỷ trong suốt 4 nhiệm kỳ của tổng thống với hàng ngàn quân nhân tử vong và tốn kém khoảng hai ngàn tỷ đô la ($2 trillion).

Đêm 30/8/2021, chuyến bay cuối cùng của chiếc vận tải cơ quân sự C-17 đã cất cánh rời sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Điều này đồng nghĩa với việc rút quân kết thúc sớm hơn một ngày so với thời hạn ngày 31/8 mà Tổng thống Joe Biden đặt ra để chấm dứt chiến tranh tại đây.


Binh lính Mỹ lên máy bay rời thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 30/08/2021


Trên chính trường thế giới, năm 2021 cũng là năm có nhiều biến động. Ngày 1/2/2021 bà Aung San Suu Kyi của Myanmar đã bị lực lượng đảo chính lật đổ. Tháng 4/2021, ông Raul Castro chấm dứt thời kỳ cầm quyền tại Cuba, ông là em trai của Fidel Castro. Tại Đức, ngày 2/12/2021, bà Angela Merkel cũng giã từ chính trường với chức vụ Thủ tướng Đức, đảm nhiệm từ năm 2005 đến năm 2021.

Hoàng tế Philip, phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong suốt 73 năm đã qua đời ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi [3]. Tướng bốn sao, Colin Powell, người da màu đầu tiên giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã qua đời ngày 18/10/2021 vì những biến chứng Covid, hưởng thọ 84 tuổi. 

(Tham khảo thêm bài viết “Vĩnh biệt Hoàng tế Philip” tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/04/vinh-biet-hoang-te-philip.html)

Trên lãnh vực thể thao, 2021 là năm cũng gặp không ít những biến cố. Summer Olympics Tokyo 2020 đã bị dời sang năm 2021 trong tình hình Covid-19. Các cuộc tranh tài vẫn được diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8/2021 tại Tokyo, Nhật Bản, mặc dù không có sự hiện diện của khán giả. 

(Tham khảo thêm bài viết “2020 Tokyo Olympics: Những khoảnh khắc đáng nhớ” tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/08/2020-tokyo-olympics-nhung-khoanh-khac.html)

Mặt khác, Thế vận hội Mùa đông 2022 từ ngày 4 đến ngày 20/02/2022 sẽ có nguy cơ bị một số quốc gia Phương Tây “tẩy chay ngoại giao”. Đây là một hình thức phản đối “mềm”, nghĩa là không cử các quan chức chính phủ đến dự Olympic Bắc Kinh, nhưng vẫn để cho các vận động viên thể thao đến thi đấu.

“Tẩy chay ngoại giao” khác với hình thức tẩy chay hoàn toàn, tức là cấm toàn bộ việc tham gia của các lực sĩ. Điều này đã từng xẩy ra với hai kỳ Thế Vận Hội Mùa Hè Moscow năm 1980 bị Mỹ tẩy chay, và Los Angeles năm 1984, do Liên Xô trả đũa.


Beijing 2022 có nguy cơ bị tẩy chay ngoại giao


Về túc cầu, 3 năm sau ngày đăng quang Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2018 (AFF Cup), ngày 26/12/2021 đội tuyển Việt Nam đã sớm dừng bước ở bán kết từ hai lượt trận gặp đối thủ Thái Lan. Hai đội bóng vào chung kết giải năm 2021 là Thái Lan và Indonesia.

Tiếp đến là chuyện “trong nhà” của Facebook. Trong năm 2021, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang cố gắng ngăn ngừa những điều mà họ gọi là “thông tin không đúng sự thật” và hạn chế “những tuyên bố mang tính cách thù hận”. Mark Zuckerberg, Giám đốc Điều hành Facebook, công bố tên mới “Công ty Meta”, ngày 28/10/2021:

“Meta đang giúp xây dựng metaverse, một nơi mà chúng ta sẽ giải trí và kết nối trong không gian 3D. Chào mừng đến với chương tiếp theo của kết nối xã hội. Tên của các ứng dụng mà chúng tôi xây dựng — Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp — sẽ được giữ nguyên”.


Mark Zuckerberg - Người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Meta


Cũng chuyện mạng xã hội nhưng tại Việt Nam. Năm 2021 bỗng dưng xuất hiện một nhân vật nữ đã làm mưa làm gió suốt 9 tháng cuối năm. Bà livestream hầu như hàng ngày để chửi rủa những người không cùng ý với mình. Đối tượng để công kích thuộc rất nhiều thành phần trong xã hội, từ lương y, nghệ sĩ đến nhà báo, luật sư...

Vẫn biết mọi người đều bình đẳng trên mạng xã hội nhưng hình thức diễn đạt bằng những ngôn từ chợ búa, vô học thức khiến người nghe phải nhăn mày, khó chịu. Đó là chưa nói đến tầm ảnh hưởng đến lớp trẻ khi nghe và bắt chước làm theo, nói theo những điều học được trên mạng!

Sự xuất hiện của nhân vật này đã khiến cho xã hội Việt Nam bị phân hóa giữa hai thái cực tương phản nhau, ngay cả trong cùng một gia đình cũng có thể có phe “pro” và “con” chứ chưa nói gì đến ngoài xã hội. Nhiều người coi đây là “quốc nạn” khi đất nước phải đương đầu với hiện tượng này trong năm 2021! 

(Tham khảo thêm bài viết “Tức cảnh… làm thơ!” tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/05/tuc-canh-lam-tho.html)


Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt” - CEO Phương Hằng


Khi nhìn về 2022, người ta không thể không hy vọng một điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong tương lai về những chuyến bay vũ trụ! Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng lên không gian 2 sứ mạng thám hiểm trong đó có 4 người không phải là phi hành gia. Tháng 9/2021 những “du khách không gian” này đã bay theo quỹ đạo của trái đất trong một chuyến đi kéo dài 3 ngày!

Một tháng sau đó, công ty Blue Origin của cựu Giám đốc Điều hành Amazon, Jeff Bezos, đã phóng lên không gian 4 nhân vật cũng không phải là phi hành gia, trong đó có William Shatner (90 tuổi), diễn viên bộ phim mà trước 1975 trẻ con Miền Nam thường gọi là “Tai Lừa” (Star Trek) chiếu trên TV của quân đội Mỹ tại Việt Nam!


Phim “Star Trek” (Lỗ tai lừa)


Bất kể những chuyện “buồn nhiều hơn vui” trong năm 2021, chúng ta hãy nhìn về tương lai sáng sủa hơn của những năm kế tiếp với hy vọng những điều tốt đẹp hơn.

Ngày hôm qua chỉ là cảnh mộng, và ngày mai chỉ là một giấc mơ. Nhưng ngày hôm nay sống tốt sẽ khiến mỗi ngày qua là giấc mơ hạnh phúc, và mỗi ngày mai là giấc mơ của hy vọng.

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts