Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

“Người Mỹ trầm lặng”… đại náo Sài Gòn

Ngày 17/2/2001, trang VN Express đưa tin về việc chính thức khởi quay phim “Người Mỹ trầm lặng” tại Sài Gòn nằm trong kế hoạch 3 tháng tại 4 thành phố ở Việt Nam, bao gồm TP HCM, Hội An, Phát Diệm và Hà Nội:

“Bước qua nhà sách Xuân Thu, đi ngang chung cư Eden, bạn có thể thấy sự khác lạ đã bắt đầu: một bảng hiệu đề chữ Café de Paris, địa chỉ 183 rue Catinat, tiếp đó là văn phòng luật sư Avocat, nhà hàng mang biển Restaurant de L'Opera. Băng qua quảng trường trước nhà hát thành phố, đổ dốc theo con đường một chiều là hiệu thời trang Bijiouterie Palace Garnie... và kết thúc là cửa hàng Pharmacie Centrale ở địa chỉ 153 rue Catinat.

“Vâng, đó chính là những bối cảnh trong Người Mỹ trầm lặng, được dựng lại để kể cho chúng ta nghe câu chuyện giữa hai người đàn ông và một người đàn bà, trong sự tranh chấp tình yêu đau đớn. Đằng sau câu chuyện là một tấn trò lịch sử khốc liệt, diễn ra giữa các thế lực chính trị vào đầu thập niên 50 tại Sài Gòn…”

(hết trích)

Sau một thời gian kéo dài về việc cấp phép, Ủy ban Nhân dân TP. HCM cuối cùng đã ký quyết định cho phép quay phim "Người Mỹ trầm lặng" tại quảng trường Nhà hát Thành phố với những yêu cầu chặt chẽ đối với đoàn làm phim của đạo diễn người Úc, Phillip Noyce.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trước nhất việc quay phim phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự xã hội, phòng chống cháy nổ. Ủy ban cũng cho phép hạn chế lưu thông trên các tuyến đường khu vực quay phim là Nhà hát Thành phố.

Đoàn làm phim sẽ không được quay vào chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng như không quay vào ban đêm từ 18h đến 6h sáng. Kỹ xảo điện ảnh gây cháy nổ và lật xe phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh trong khu vực quay phim.

Quả là một sự tình cờ, lúc đoàn làm phim của đạo diễn Phillip Noyce có mặt tại Sái Gòn năm 2001, tôi đã có dịp chứng kiến những cảnh đổ nát được tái hiện trong phim tại khu vực Nhà hát Thánh phố, Khách sạn Continental, đường Catinat…

 

Một trong 6 tấm hình tôi đã chụp được trong những cảnh dàn dựng chiến tranh tại Sài Gòn

 

Dù khi đó đang là nhà báo Vietnam Investment Review nhưng vì là báo kinh tế-đầu tư nên 6 tấm hình tôi chụp được không sử dụng trên báo mà chỉ giữ làm “tư liệu riêng”. Cho đến nay (hơn 20 năm sau) mới được xuất hiện trên mạng xã hội... Quả là một chuyện hi hữu! 


Trong cảnh tái dựng, người ta thấy cả xe cứu thương và những chiếc xe đạp...

 

Một chiếc xe hơi cũng bị... khủng bố

 

Một góc của Nhà hát Thành phố trong phim

 

Đạo cụ nằm ngổn ngang trước những diễn viên và đoàn lám phim

 

Toàn cảnh Nhà hát Thành phố trong phim

 

Trở lại với chuyện làm phim “Người Mỹ trầm lặng” tại Sài Gòn, một trong những cảnh đều tiên là Thomas Fowler (nhà báo người Anh do diễn viên gạo cội Michael Caine thủ vai chính) gặp gỡ Alden Pyle (một bác sỹ người Mỹ do Brendan Fraser đóng) tại tiền sảnh Khách sạn Continental.

 

Michael Caine & Đỗ Thị Hải Yến trong “Người Mỹ Trầm Lặng”

 

Trong bộ veston sang trọng với mái tóc cắt tỉa khéo léo, cặp kính trắng nhã nhặn, Pyle bắt tay làm quen cùng Fowler, một nhà báo chuyên viết về chiến trường Đông Dương, đang ngồi uống nước tại tiền sảnh của khách sạn Continental Palace.

Pyle là một bác sĩ nhãn khoa, sang Việt Nam với mục đích "làm từ thiện" cho nông dân nghèo. Ấn tượng trước một “người Mỹ trầm lặng”, tốt bụng và dễ mến, Fowler giới thiệu Phượng (diễn viên Đỗ Thị Hải Yến), người yêu của ông cho Pyle. Điều Fowler không ngờ là Pyle cũng say mê Phượng ngay từ lần gặp đầu tiên.

Pyle tin rằng sự có mặt của mình tại Sài Gòn là một cơ hội lịch sử và anh càm thấy mình hoàn toàn “vô tội” dù là một nhân viên bí mật của CIA Mỹ, anh tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, cái xứ Đông Dương sẽ sung sướng và Phượng, người tình của Fowler sau đó lại ngã vào tay anh chắc sẽ hạnh phúc!

 

Brendan Fraser & Đỗ Thị Hải Yến trong phim

 

Chiến sự tại Miền Mam vẫn diễn biến ngày một phức tạp. Viên tướng Trình Minh Thế (do diễn viên Ngô Quang Hải thủ vai) bất ngờ hùng hồn tuyên bố chống lại cả Pháp lẫn Việt Minh. Bóng dáng của một thế lực mới xuất hiện đâu đó trong phim.

Fowler nhận thấy Pyle thường lai vãng xung quanh đám biểu tình, tỏ ra có “thiện cảm” với tướng Thế. Nhưng phải đợi đến khi cả hai lọt vào ổ phục kích trên đường về Sài Gòn, “người Mỹ trầm lặng” Pyle bỗng chốc trở thành một kẻ xông xáo như một chiến binh được đào tạo bài bản trong chiến tranh trong khi Fowler chỉ là một phóng viên chiến trường bình thường!

Fowler vẫn tiếp tục công việc của một phóng viên với những thử thách khắc nghiệt. Ông đã từng lọt vào kho hàng của một nhà buôn Hoa kiều có quan hệ mật thiết với tướng Thế, tại đây họ phát hiện ra nhiều thùng hàng chất nổ… nhập từ Mỹ.

Cuối cùng một sự thật đã được phơi bầy: Pyle là một nhân viên CIA, phục vụ trong Cục Tình báo của Mỹ. Fowler nhận ra những âm mưu chiến tranh và tiên đoán được đoạn sau của cuộc chiến Đông Dương: Mỹ sẽ hất cẳng Pháp và trực tiếp can dự vào Việt Nam.

Cũng cần nói qua về dàn diễn viên của “Người Mỹ trầm lặng”. Trước tiên phải nói đến Michael Caine trong vai Thomas Fowler. Qua phim này, ông được một đề cử Oscar Nam chính xuất sắc, làm giàu thêm bảng thành tích của một diễn viên huyền thoại.

Trước đó, Caine đã giành được 5 đề cử Oscar, hai lần đoạt giải hạng mục Nam phụ Xuất sắc. Cho đến nay, Michael Caine đã xuất hiện trong hơn 125 bộ phim và được coi là một biểu tượng của điện ảnh Anh. Như ta thường nói “Gừng càng già càng cay” là vậy đó!

Tiếp đến là Brendan Fraser trong vai “một người Mỹ trầm lặng” Alden Pyle. Trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21, Brendan Fraser từng rất nổi tiếng với hàng loạt vai chính đáng nhớ trong nhiều bộ phim thành công khác.

Tuy nhiên, có một giai đoạn Fraser đột nhiên mất hút khỏi các bộ phim lớn và những sự kiện công chúng. Phải đến đầu năm 2018, nam diễn viên mới tiết lộ lý do sốc đằng sau sự vắng bóng của mình: anh từng bị Philip Berk – cựu chủ tịch Hiệp hội Báo chí Nước ngoài của Hollywood (HFPA) – người tổ chức Giải Quả Cầu Vàng… xâm hại tình dục.

Nữ diễn viên người Việt, Đỗ Thị Hải Yến, trong vai Phượng, đã vượt qua hơn 2.000 ứng viên để có được vai nữ chính trong “Người Mỹ trầm lặng”. Đạo diễn Phillip Noyce đã chọn Yến vì cô là người thuần Việt, bám sát với nhân vật trong nguyên tác.

 

Đỗ Thị Hải Yến vượt qua hơn 2.000 ứng viên để được vào vai Phượng

 

Sau vai diễn trong “Người Mỹ trầm lặng”, Đỗ Thị Hải Yến không tiếp tục dấn thân vào điện ảnh Hollywood mà chủ yếu tìm kiếm cơ hội trong các phim Việt được đánh giá cao và đi nhiều liên hoan phim quốc tế như “Chuyện của Pao” (2005), “Chơi vơi” (2008), “Cánh đồng bất tận” (2010)...

Cũng cần phải hắc đến Ngô Quang Hải, bạn diễn và sau này cũng là bạn trai của Đỗ Thị Hải Yến trong phim. Hải thủ vai tướng Trình Minh Thế, một sĩ quan bù nhìn do người Mỹ dựng lên, hòng làm rối ren thêm tình hình tại Việt Nam. Ngô Quang Hải được đánh giá là tròn vai, thể hiện được rõ bản chất nhân vật.

 

Ngô Quang Hải và Đỗ Thị Hải Yến từng là cặp đôi đẹp của điện ảnh Việt

 

Cuối cùng, xin có đôi dòng về Graham Greene (1904- 1991), tiểu thuyết gia người Anh và cũng là tác giả của “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng, xuất bản năm 1955).

Ông đã từng đến Việt Nam (đặc biệt là Sài Gòn) với những cái tên quen thuộc được nhắc tới trong truyện như Rue Catinat, Majestic Hotel, Hotel Continental và ngay cả Chợ Lớn với sòng bạc Đại Thế Giới.

Có thể khẳng định, với “The Quiet American” không ai có thể đưa được câu chuyện về cuộc chiến thấm đẫm nước mắt ở Đông Dương vào tiểu thuyết tạo nên sự ảnh hưởng mang tính vấn đề như Greene.

Đọc truyện, độc giả được sống trong “câu chuyện tình tay ba” nảy nở trong thời kỳ hỗn loạn ở Việt Nam vào những năm 1950. Có người còn “nhân cách hóa” mối tình tay ba tựa như giữa “cô gái” Việt và hai “chàng trai” Pháp và Mỹ.

 

Chân dung Graham Greene (1904- 1991)

 

Ờ đoạn kết của “The Quiet American”, Graham Greene viết về mối tình này qua tâm sự của cô gái Việt mang tên Phượng:

“Tôi nhớ tới cái ngày đầu tiên mà Pyle, ngồi cạnh tôi ở khách sạn Continental, đã chăm chăm nhìn sang hiệu sữa bên kia đường. Từ khi hắn chết, tất cả mọi việc đều dễ dàng thuận lợi cho tôi, nhưng tôi vẫn tha thiết mong có một người tôi có thể tâm sự cho biết những nỗi nuối tiếc của tôi…”

 

Người Mỹ trầm lặng với mối tình tay ba

 

“The Quiet Amencan” đã khiến Graham Greene được coi là một trong những nhà báo viết về chiến tranh Việt Nam hay nhất. Tuy nhiên, ông lại là người trầm lặng với cuộc sống riêng tư… rối như tơ vò. Ông tự nhận mình là "một người chồng tồi và người yêu không chung thủy", đó là chưa kể đến thú đam mê rượu chè.

Đời của ông thường ngao du đến nhiều quốc gia, từ Châu Phi, Châu Mỹ đến Châu Á… nên người ta nghĩ rằng ông là “nhân viên mật vụ Anh”, được biết đến qua tổ chức MI6, tương tự như CIA của Mỹ.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, Graham Greene đã xuất bản gần 100 cuốn sách, nhiều vở kịch, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình phim và kịch bản.

 

Sách và Poster “Người Mỹ Trầm Lặng”

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts