Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Miền Tây và những cây cầu tình nghĩa

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành vào năm 2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Cầu Cần Thơ

 

Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25/9/2004. Ban đầu, cầu dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 14/12/2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26/9/2007, nên ngày khánh thành cầu Cần Thơ được dời đến ngày 24/4/2010.

 

Cầu Cần Thơ vào thời điểm bị sập 26.9.2007

 

Tổng mức đầu tư cho cầu Cần Thơ là 4.832 tỷ đồng (khoảng 342,6 triệu USD vào thời điểm 2001) bằng nguồn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (chiếm khoảng 15%).

Cầu Cần Thơ là loại cầu “dây văng” với tổng chiều dài 2.750m, chiều rộng23,1m, cao 175,3m, nhịp chính 550m và khoảng tĩnh không 39 mét. Tổng thầu là Tập đoàn Taisei, Kajima, Nippon Steel của Nhật Bản.

 

Cận cảnh vụ tai nạn sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ

 

Tiếp đến là cầu Cao Lãnh, cũng là cây cầu “dây văng” được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.  Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 800m về phía hạ lưu sông Tiền và cách cầu Mỹ Thuận 35km về phía thượng lưu. Cầu dài 2000m với bề ngang 24m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ.

Với chiều cao trụ tháp bêtông cao 123m và nhịp chính dài 350m, vận tốc cho phép 80 km/h. Hai trụ tháp chữ H của cầu Cao Lãnh tượng trưng cho sự kết nối giữa hai nước Việt Nam và Úc khi xây cầu.

Điều đặc biệt là cầu này do Úc tài trợ không hoàn lại với khoản đầu tư 340 triệu USD (tương đương với 7.500 tỉ đồng). Cầu được khởi công xây dựng từ ngày 19/10/2013 và thông xe vào ngày 27/5/2018.

 

Cầu Cao Lãnh

 

Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu, thay thế cụm phà này kể từ khi cầu đi vào hoạt động vào ngày 19/5/2019.

Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu và bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài và lớn thứ hai, chỉ sau cầu Cần Thơ.

Ngày 10/9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng cầu trong một buổi lễ tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Liên danh Dasan Consultants Co. Ltd., Kunhwa Consulting and Engineering Co. Ltd và Pyunghwa Engineering Consultants Ltd. đến từ Hàn Quốc.

Nhà thầu xây dựng chính là Liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co. Ltd cùng với phía Việt Nam, Công ty Cienco 1, là nhà thầu phụ. Tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Vàm Cống dài tổng cộng 2,97km, phần bắc qua sông dài 870m trong đó nhịp chính gồm 73 đốt dầm bằng thép có tổng chiều dài 450m, dài nhất trong số các cầu có nhịp thép ở miền Nam.

Cầu dẫn phía Đồng Tháp có chiều dài 1.099,7m; cầu dẫn phía Cần Thơ có chiều dài 999,7m. Mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn có quy mô 24,5m gồm: bốn làn xe cơ giới rộng 14m, hai làn xe thô sơ rộng 6m, dải phân cách rộng 1,5m, lan can rộng 1 m và dải an toàn rộng 2m.

 

Cầu Vàm Cống

 

Khi còn viết cho tờ Vietnam Investment Review năm 1999, tôi đã có một cơ hội đặc biệt đến cầu Mỹ Thuận trong giai đoạn “đổ mẻ bêtông cuối cùng” trên mặt cầu!

Số là một người bạn ngày xưa cũng dậy tại trường Sinh ngữ Quân đội sau này ra mở công ty với danh nghĩa “nhà thầu phụ” hỗ trợ “nhà thầu chính” Baulderѕtone Hornibrook, một công ty của Úc trong dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận do chính phủ Australia tài trợ.

Anh Hà Kim Vọng rủ tôi xuống Miền Tây thăm địa bàn hoạt động của công ty anh trong dự án Cầu Mỹ Thuận nhân buổi “đổ mẻ bêtông cuối cùng” trước khi hoàn tất cây cầu mong ước của người Miền Tây, không phải dùng “bắc” (phà) để vượt qua sông Tiền như trước đây.

 

Với Hồ Kim Vọng và nhà thầu người Úc tại cầu Mỹ Thuận

 

Đây là cây cầu “dây văng” đầu tiên do nước Úc xây tặng cho dân miền Tây, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long trên Quốc lộ 1. Cầu Mỹ Thuận nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam.

Theo chương trình AusAid của Chính phủ Úc, dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90,86 triệu đô la Úc, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%.

 

Cầu Mỹ Thuận nhìn tử xa... trông rất giống West Gate Bridge, Australia

 

Cầu có tổng chiều dài 1.535m, phần dẫn lên cầu dài 875m. Tải trọng thiết kế dựa theo tiêu chuẩn AUSROADS-92 của Úc, có so sánh và theo tiêu chuẩn 22 TCN 18-79 của Việt Nam với độ dốc 5%, có 4 làn xe cơ giới, 2 lề bộ hành tổng cộng rộng 23m.

 

Cầu Mỹ Thuận trong ngày khánh thành

 

Cầu Mỹ Thuận được thông xe ngày 21/5/2000 thì 23 năm sau chếc cầu Mỹ Thuận 2 ra đời. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.003 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cầu được chính thức triển khai thi công vào ngày 19/8/2020.

Trước đó, phần đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang đã được khởi công vào ngày 27/2/2020. Cầu được hợp long vào ngày 14/10/2023. Dự án đã hoàn thành, chính thức thông xe vào ngày 24/12/2023 cùng với đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

 

Cầu Mỹ Thuận 2 trong giai đoạn thi công, tháng 10 năm 2023

 

Mỹ Thuận 2 có đường dẫn 4 làn xe với điểm dừng khẩn cấp, cầu chính: 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Chiều dài toàn tuyến 6,61km, tốc độ giới hạn trên đường dẫn: Tối đa 90 km/h, tối thiểu: 60 km/h trong khi trên cầu chính chỉ còn tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h.

 

Cầu Mỹ Thuận 2

 

Người dân Miền Tây vốn được thiên nhiên ưu đãi với hai dòng Sông Tiền và Sông Hậu với những cảnh quan thơ mộng hai bên bờ. Giao thông ngày xưa chủ yếu dựa và ghe, thuyền với những bến phà được gọi là “bắc” ở hai bờ…

Muốn về đến Sài Gòn phải qua “bắc” thuờng bị ùn tắc bởi lượng xe cộ quá nhiều và cách giải quyết thiết thực nhất là phải có những cây cầu để tiết kiệm thời gian chờ đợi tại các bến phà.

Việc xây cầu rất tốn kém về phía Việt Nam… nhưng cũng may mắn là có sự tài trợ “tình nghĩa” của các nước bạn bè. Cụ thể là nước Úc, Nhật và Đại Hàn đã góp một phần không nhỏ trong việc hình thành một số cầu vượt Sông Tiền và Sông Hậu như đã nói ở trên.

Mỗi lần qua lại những chiếc cầu đó người dân bình thường ít ai nghĩ đến sự giúp đỡ về tiền của cũng như công sức từ những quốc gia “hảo tâm” đã đóng góp vào hệ thống cầu đường tại vùng sông nước Miền Tây ngày nay!

Chợt nhớ đến một câu ca dao ngày xưa là tâm sự của một cô gái qua cầu… đó là cái tình thật đơn sơ, mộc mạc nhưng lại tràn đầy tình cảm mà ta ít thấy ngày nay:

“Qua cầu ngả nón trông cầu

Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”

 

***

 

* Tham khảo thêm photo album “Mỹ Thuận Bridge” trên Flickr tại: https://www.flickr.com/.../7215761412890.../with/2649449386/

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts