Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Lấy của ban ngày!


Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942), hiệu là Ôn Như, hoạt động trong nhiều  lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là nhà giáo, nhà sưu tầm văn học dân gian, nhà nghiên cứu văn học, nhà hoạt động văn hóa. Ông đã từng làm Đốc học tỉnh Hà Đông, Hội trưởng Hội Ái hữu các nhà giáo, Phó hội trưỏng Hội Phật giáo Hà Nội.

Sách ông viết gồm đủ các loại như biên soạn, khảo cứu. Các tác phẩm phải kể đến “Nhi đồng lạc viên”, “Phổ thông độc bản”, “Giáo khoa văn học Việt Nam”, “Đông Tây ngụ ngôn”, “Nam thi hợp tuyển”, “Tục ngữ phong dao”, “Truyện cổ nước Nam”, “Thơ Nôm và hát nói”, “Đào nương ca”...

Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là bộ sách “Cổ học tinh hoa” soạn chung với Từ An Trần Lê Nhân (1877-1975). Tác phẩm gồm 2 quyển, trong đó có 250 mẩu chuyện ngắn, các tác giả đã đem đến cho người đọc cách nhìn về cuộc sống và con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi, từng lúc.


Có thể nói, đó là cuốn sách “dạy làm người”, là cái “túi khôn” rất cần thiết không chỉ cho xã hội lúc bấy giờ mà cho cả hôm nay và mãi về sau. Trong phần “Tiểu tự” đầu cuốn sách, tác giả viết:

“Có mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất.

“Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được.

“Vả chăng… ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là "bác cổ thông kim" được!

(hết trích)

Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến chuyện “Lấy của ban ngày” do Nguyễn Văn Ngọc – Trần Lê Nhân biện soạn trong “Cổ học tinh hoa”. Chuyện như sau:

“Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng:

“Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được.”

“Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

“Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại”.

“Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng:

“Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!”

(hết trích)

Lời bàn của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – Từ An Trần Lê Nhân:

“Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác”.


Lời bàn của người thời nay:

Bỏ qua những yếu tố chính trị hiện tại, chúng ta chỉ bàn đến yếu tố xã hội đương thời. Quả là một thời buổi nhiễu nhương khi mọi người luôn luôn chỉ mang trong đầu óc cái tư tưởng… “Lấy của ban ngày”!

Ngày nay, đất nước này được coi như “cái chợ”, nơi mà từ những kẻ cắp nuôi thân đến quan chức nắm quyền sinh sát nuôi gia đình, dòng họ của mình đều chung một mục đích… lấy của giữa ban ngày!  

“Chuyện xưa -  Chuyện nay” sao lại giống nhau đến thế!

“Cổ học – Tân học” gặp nhau ở chỗ phải trừng trị những kẻ đại gian, đại ác, cũng không loại trừ cả những quân trộm cướp vặt.

Có như thế mới tạo dựng một xã hội mới đáng sống. Nếu không, cái chợ đời này sẽ đi đến chỗ diệt vong!

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts