Ngay trong bản thân từ ngữ “mưu kế” cũng đã nói lên phần
nào ý nghĩa tiêu cực của hành động. Mưu kế thường được hiểu theo ý xấu vì chỉ
nghĩ đến bản thân mình, lợi cho mình, bất kể đến những hậu quả gây ra cho những
người khác. Một trong những âm mưu đó là chuyện “qua cầu, rút ván” mà ngày nay
rất nhiều kẻ đã áp dụng.
Người xưa gọi kế đó là “Quá kiều trừu bản” với nghĩa nôm na
là qua cầu rồi phá cầu, hay qua sông chặt cầu. Ngày nay, đó là những kẻ đã
thành đạt, muốn hưởng riêng thành quả của mình. Họ không nghĩ tới, thậm chí còn
“hất cẳng”, những chiến hữu, đồng chí đã từng đồng cam cộng khổ với mình.
Hạng người đó là những nhân vật “công đã thành, danh đã
toại”, sống trong vinh quang nhưng lại tìm cách triệt hạ những người đã góp phần
tạo dựng hào quang đó. Họ chính là những kẻ “vong ân, bội nghĩa”. Xét cho cùng,
những người thân tín, ân nhân trong những ngày “nằm gai nếm mật” sẽ trở thành cái
gai trước mắt vì họ đã biết rất rõ về mình.
***
Lưu Bang lúc hàn vi còn đi ăn cắp gà, một tỳ vết xấu xa. Đến
khi nên tạo dựng cơ nghiệp sẵn sàng chém đầu một loạt những tay chân thân tín
như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố… bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái. Những người
này chỉ có mỗi một tội: “biết quá nhiều”! Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì
chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng tu tiên học đạo.
Phạm Lãi đã có một nhận xét về Việt vương Câu Tiễn: “Con người này cổ dài, mõn nhọn, có thể cùng
chung hoạn nạn mà lại không thể chung ngọt bùi”. Nhận xét này quả là sâu sắc.
Đến lúc diệt Ngô thành công, Phạm Lãi lặng lẽ từ quan bỏ trốn, thay đổi họ tên.
Ông lênh đênh khắp nơi và kết quả là được sống ung dung,
hưởng thọ đến già. Bạn bè của ông đa số vì còn ham phú quý nên không tránh khỏi
việc bị Câu Tiễn nghi kỵ và đã trở thành những “cô hồn” vì bị thác oan bởi kẻ “qua
cầu, rút ván”.
***
Nguyên do thầm kín của những kẻ “qua cầu, rút ván” nằm ở những
điều Sợ và Không Sợ. Họ sợ nghe lại chuyện cũ, sợ gặp lại người xưa và sợ cái
dĩ vãng xấu xa của mình. Họ không sợ vì hiện tại đã được hào quang che phủ nên
hành động một cách độc đoán, sắt máu và tàn nhẫn.
Ngày nay, ta gọi đó là những cuộc thanh trừng, thanh lọc…
để đi đến một cuộc… “thanh lý” nội bộ. Ngay cả đến những cá nhân thành đạt cũng
triệt để áp dụng kế “qua cầu, rút ván” để trừ khử những bạn bè ngày xưa chỉ vì…
họ biết quá nhiều điều xấu về bản thân mình.
Xưa và Nay đều có những điều vẫn gặp nhau. Thời gian không
còn là vấn đề vì thời thế bao giờ cũng vậy!
***
“Qua cầu, rút ván” là kế thứ 27 trong 36 kế của người xưa,
hay còn gọi là “tam thập lục kế”. Chúng tôi sẽ có những bài viết bàn về các mưu
kế này khi có dịp thuận tiện:
1. Dấu trời qua biển
2. Một tên hai đích
3. Mượn dao giết người
4. Lấy kẻ nghỉ ngơi đánh người mệt mỏi
5. Mượn lửa cướp của
6. Giương đông kích tây
7. Từ không thành có
8. Ngầm vượt bến Trần Thương
9. Chỉ chó mắng mèo
10. Mượn xác hoàn hồn
11. Thuận tay đắt bò
12. Biết rõ cố làm ngơ
13. Điệu hổ ly sơn
14. Muốn bắt thì hãy thả
15. Rút củi đáy nồi
16. Đi trước một bước
17. Động cỏ làm rắn sợ
18. Rơi xuống giếng còn ném đá
19. Phô trương thanh thế
20. Khách biến thành chủ
21. Ve sầu lột xác
22. Bỏ thây gieo vạ
23. Giết gà răn khỉ
24. Trộm rồng thay phượng
25. Bắt giặc phải bắt tướng
26. Đóng vai lợn ăn thịt hổ
27. Qua cầu rút ván
28. Mận chết thay đào
29. Bỏ cục đất cất thoi vàng
30. Mỹ nhân kế
31. Kế kích tướng
32. Không thành kế
33. Kế phản gián
34. Khổ nhục kế
35. Liên hoàn kế
36. Kế rút lui
***
Cảm ơn Chính đã tải bài dẫn giải "Qua Cầu Rút Ván" vào blog "chinhhoiuc" < vừa dễ tìm vừa tiện thể đọc lại một hai bài mở rộng kiến thức phổ thông trong các mục khác. Các dẫn chứng trong bài "Qua Cầu Rụt Ván" tôi vẫn nhớ nội dung nhưng hầu như quên mất thời điểm và tên các nhân vật chủ chốt. Thêm thích thú là nhờ có 2 chi tiết này.
Trả lờiXóa