Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

“Biết tao là ai không?”

Nhà văn quá cố Bùi Bảo Trúc (1944-2016) kể lại một câu chuyện vui với tựa đề “Để trả lời cho một câu hỏi Biết tao là ai không?”. Đây là một chuyện “thật mà như đùa” ở Hoa Kỳ, nơi mà sự giao tế trong sinh hoạt hàng ngày được đánh giá thuộc hạng nhất nhì trên thế giới.

Nhà văn Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

“Mấy hôm trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California , tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.

“Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.

“Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.

“Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần : “Cô biết tôi là ai không ?” (Do you know who I am?).

“Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.

“Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”

“Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười.

“Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu : “Đ.M. mày” (F…k you).

“Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này : “I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too”. (Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được)

(hết trích)

“Thư gửi bạn ta – Chuyện thật mà như đùa”

Bùi Bảo Trúc kể lại câu chuyện thuộc loại “cười ra nước mắt” như trên khi nhớ lại hơn 35 năm về trước ông cũng đã từng bị một người gây sự với một câu hỏi vừa có tính cách thách thức, lại vừa đe dọa: “Biết tao là ai không?”.

Khi đó, thật tình ông chẳng biết người cà khịa với mình là ai. Hắn ta không phải là một tài tử điện ảnh nổi tiếng đến độ quen mặt, cũng không phải là một chính trị gia xuất hiện hàng ngày trên báo chí đến độ ông phải phải biết.

Mãi sau này ông mới khám phá hắn chỉ là đàn em của một quan chức lớn và thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng. Đó chính là ảo tưởng, hay nói khác đi, là sự hoang tưởng của một người về quyền lực mà mình thực sự không có.

Ngày nay, hiện tượng này ở Việt Nam ngày càng phổ biến khi mà quyền lực lên ngôi, nó chi phối mọi sinh hoạt thường ngày. Quyền lực còn được hiểu là sức mạnh cơ bắp của những thế lực anh chị trong “thế giới ngầm”. Đó là một hình thức mới của công lý, nó “thế thiên hành đạo” mà không cần đến sự hiện diện của pháp luật.

Có những nhóm Mafia hợp tác công khai với các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự. Họ đã biến thành một cặp bài trùng ăn ý một cách “kỳ lạ”, tựa như nước với lửa vốn xưa nay là khắc tinh của nhau!

Đó là bài bản của sách lược “dĩ độc trị độc”, một chiến lược từ ngàn xưa đã bị đánh giá là hạ sách. Phàm một chính sách bá đạo sẽ không chóng thì chầy đi đến con đường diệt vong.

“Mày có biết tao là ai không?” sẽ ngày càng trở thành một câu hỏi phổ biến trong xã hội hiện tại. Bất kể người hỏi là một nhân vật thực sự có quyền thế hay chỉ là những kẻ… “dựa hơi”.

Chân dung quyền lực

Mahatma Gandhi đã từng nói:

“Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu sẽ nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sự trừng phạt”.

(Power is of two kinds. One is obtained by the fear of punishment and the other by acts of love. Power based on love is a thousand times more effective and permanent then the one derived from fear of punishment).

***.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts