Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Thơ Nguyễn Bính viết từ Miền Nam


Trên bước đường lưu lạc giang hồ tứ xứ, nhà thơ “chân quê Bắc bộ” Nguyễn Bính (1918–1966) đã “trôi dạt” xuống Miền Trung, vào tận Sài Gòn và rồi đến vùng sông nước Lục tỉnh. Từ đó, thi đàn nước Việt có thêm một “Nguyễn Bính Miền Nam” bên cạnh một Nguyễn Bính cúa làng quê Miền Bắc.

Đầu tiên, Nguyễn Bính tỏ ý muốn đến Huế để tìm đề tài sáng tác. Gia đình ông không được khá giả cho lắm nên đã bán một số vật dụng, trong đó có một chiếc máy ảnh, để Nguyễn Bính dùng làm… “lộ phí giang hồ”.

 

Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính (1918–1966)

 

Đến Huế, Nguyễn Bính gửi thơ về Hà Nội đăng báo, trong số đó có những bài “Xuân Tha Hương”“Oan Nghiệt”… Trong thời gian ở Huế, Nguyễn Bính đã làm một số thơ tuyệt hay, sau này tập hợp lại trong tập “Mười Hai Bến Nước”.

Nhân ngày Tết, Nguyễn Bính viết bài “Xuân Tha Hương” gửi cho người chị họ tên Trúc với những vần thơ thấm đẫm nỗi lòng của kẻ xa quê:

 

“Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Ôi, chị một em, em một chị

Trời làm xa cách mấy con sông

Em đi trăng gió đời sương gió

Chị ở vuông tròn phận lãnh cung

Chén rượu tha hương, giời: đắng lắm

Trăm hờn nghìn giận một mùa đông

Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống

Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng!...”

 

Qua bài “Màu Tím Huế” người yêu của Nguyễn Bính không còn là hình ảnh chất phác, mộc mạc của một cô gái quê Miền Bắc. Thay vào đó là hình ảnh nên thơ màu tím hữu tình của đất Thần Kinh:

 

“Thôi thế là em cách biệt rồi!

Đường đi mỗi bước lại xa xôi

Tim tím rừng chiều, tim tím núi

Tim tím chiều hôm, tim tím mai

 

“Ban chiều tim tím nhớ mong nhau

Đêm tối kìa em tím rất nhiều

Anh cúi xuống hôn màu tím giấy

Thư về em, tím nét thương đau…

 

“Mai mốt rồi đây lầm cát bụi

Anh lại đường xa trải kiếp người

Tim tím rừng chiều, tim tím núi

Chiều hôm nhiều tím thế em ơi!

 

Tem bưu chính phát hành nhân Kỷ niệm 100 năm Nguyễn Bính

 

Vào đến Sài Gòn, Nguyễn Bính có dịp được chiêm ngưỡng “Hòn ngọc Viễn đông”. Trong thời gian này ông đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang… thậm chí có lúc ông cư ngụ ngay trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài như “Hành Phương Nam”, “Tặng Kiên Giang”, “Từ Độ Về Đây”…

Khi còn ở Hà Nội, Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm và Trần Huyền Trân. Thâm Tâm, nhà thơ bậc thầy về thể loại hành, vào năm 1940 có sáng tác một bài hành nổi tiếng là bài “Tống Biệt Hành”.

Thâm Tâm còn sáng tác thêm một số bài hành nữa cũng rất hay như “Can Trường Hành”, “Vọng Nhân Hành” vào năm 1944. Có lẽ điều này đã kích thích Nguyễn Bính thử sức với một thể thơ không quen thuộc lắm với ông chăng?

“Hành Phương Nam” là một bài thơ dài, làm nhân dịp Tết xa nhà, vời lời đề tặng “Gửi Văn Viễn” được mở đầu như sau:

 

“Đôi ta lưu lạc phương Nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Mà ta với người buồn vậy thay

 

“Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may…

 

Bài thơ “Hành Phương Nam” được viết tại Ða Kao năm 1943. “Hành” là đi, bài thơ nói về chuyến đi vào Nam nhưng “hành” cũng là một thể thơ nói cái chí khí, cái ước nguyện lớn lao, chứa đựng nỗi niềm u uất, cảm khái của người viết.

Trong “Hành Phương Nam” Nguyễn Bính không còn là thi sĩ nữa, ông là tráng sĩ, lời thơ là tiếng lòng bi phẫn thoát ra từ một kiếp người:

 

“Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Ðã dấy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười

Dằn chén hất mạnh đầu cỏ dại

Hát rằng phương Nam ta với ngươi

Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…”

 

Nguyễn Bính (hoạ sĩ Tạ Tỵ vẽ) - Hành Phương Nam

 

Một bài thơ khác của Nguyễn Bình cũng thuộc loại “hành”, cũng viết ở Sài Gòn: “Ái Khanh Hành”. Bài thơ lại mang một sắc thái mới lạ pha lẫn chút âm hưởng của dòng thơ tự do qua lối gieo vần lạ lẫm:

 

“Chao ơi!

Em ngon như rau cải

Em ngọt như rau ngót

Em giòn như cùi dừa

Em hiền như nước mưa

Em nhổ nước bọt xuống mặt biển

Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ!’

 

Vẫn là đề tài tình yêu, vẫn có mô-típ cũ em là “hoàng hậu” và anh là “vua” kết thành vợ chồng. Hai chữ “ái khanh” cũng rất cũ, song cũng có hơi hướng cải lương của Nam bộ. Nhưng giọng điệu của bài thơ viết theo lối hành này thì lại rất lạ, như kiểu nói của người Nam bộ thẳng băng, dứt khoát.

Nhưng đặc biệt nhất trong bài là đoạn so sánh người yêu viết rất khác, khác đến sửng sốt, so với thơ Nguyễn Bính chúng ta đã quen và cách nói kiểu này chỉ có ở thơ ông khi ông đã vào Nam.

Giọng thơ của ông đã hào sảng hẳn lên cả khi nói về tình yêu, chứ không còn nỉ non, than vãn não nùng như ngày nào. Nguyễn Bính lưu lạc vào Nam đã tự phát hiện lại chính mình và cho người đọc phát hiện mới về mình.

Trong bài “Lá Thư Về Bắc” gửi cho người anh họ, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Bính đã nhắc lại buổi Nam Chinh của mình:

 

“Lẻ loi thân nhạn sang Nam ấy

Biết có làm nên công cán gì?”

 

Đến khi tới Sài Gòn, ông thấy mình như con chim non:

 

“Bơ vơ trong xứ người xa lạ

Rộn những phồn hoa, em chạnh buồn”

 

Nhưng Sài Gòn và đất Phương Nam đã cho ông một tin tưởng, một hy vọng, điều rất khó thấy trong thơ ông trước đó.

 

“Rồi men tráng lệ kinh thành ấy

Từ đấy in thêm bóng một người

Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng  

Giàu lòng tin tưởng bước tương lai”

 

Bìa tập thơ “Lỡ Bước Sang Ngang”

 

Vào Nam, điều đầu tiên ông thấy là khí hậu, trời đất khác hẳn đất Bắc, ngay cả phong tục cũng khác như trong bài “Xuân Về Nhớ Cố Hương”:

 

“Xuân về chẳng có hoa tươi

Nắng luôn cả sáu tháng trời không mưa

Người ta ăn tết buồn chưa

Rượu bia hoa giấy và dưa đỏ lòng

Ba ngày tết nóng như nung

Hỏi phong vị ấy là phong vị gì?”

 

Bài “Nam Kỳ Cũng Gió Cũng Mưa” viết tại Sài Gòn năm 1943 khiến người yêu thơ hiểu rõ hơn về thời tiết trong Nam:

 

“Nam Kỳ cũng gió cũng mưa

Đêm đêm đắp đổi cũng vừa chăn bông

Mình đi trăm núi ngàn sông

Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam

Những ai đón bạc, đưa vàng:

Những ai đan áo ngự hàn ngày xưa

Những ai mảnh quạt đề thơ

Những ai? Ai đó? Bây giờ những ai?”

 

Dần dần ông nhập cuộc vào đời sống Sài Gòn. Từ một người yêu xóm đạo ở Lan Chi Viên, Nguyễn Bính đã khóc trước ảnh Chúa và tiếng chuông nhà thờ để rồi trong cơn tuyệt vọng người yêu phải lên xe hoa. Ông đã nghĩ tới một Chúa khác của lòng mình hòng bấu víu, nương tựa trong bài thơ “Chuông Ngọ”:

 

“Cái hôm hắn bước lên xe cưới

Khóc lả người đi, Chúa biết không?

Chúng con ngoại đạo và ngoan đạo

Vẫn biết và tin có “Chúa lòng”

 

Từ Jesus Christ của Thiên Chúa giáo, nhà thơ đã tạo ra một “Chúa lòng” của Ái Tình mà tất thảy những người yêu nhau đều là những tín đồ ngoan đạo của vị Chúa này. Và trước “Chúa lòng” đôi người yêu dẫu bị xa nhau nhưng vẫn thuộc về nhau.

 

Bà Nguyễn Hồng Châu bên bàn thờ và di ảnh chồng, thi sĩ Nguyễn Bính

 

Xuống đến Nam Kỳ Lục tỉnh, nhà thơ Nguyễn Bính đã dán thơ trước cửa túp lều của mình ở Rạch Giá năm 1947. Những vần thơ khí phách, bất cần đời:

 

“Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”

 

(Từ độ về đây)

 

Tiến thêm một bước nữa là những bài thơ viết ở Ðồng Tháp Mười trong những ngày đầu kháng chiến mà Nguyễn Bính đã dừng chân lưu lạc giang hồ để tham gia. Thơ Nguyễn Bính lúc này khác hẳn lối thơ ngày trước của ông ở lối ngắt câu, ngắt đoạn, ở nhịp thơ tự do.

 

“Bông súng ngoài đồng

Bầm gan tím mặt

Nước phèn chua chát

Lắng nỗi đau thương

Đốc binh Kiều, Thiên hộ Dương

Bóng cờ khởi nghĩa mờ trong gió sương…”

 

(Đồng Tháp Mười, 1949)

 

Bài thơ “Cửu Long Giang” xuất hiện lần đầu năm 1950, hồi đó nhà thơ Nguyễn Bính đang là cán bộ tuyên truyền Khu 8. Bài thơ đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của các chiến sĩ sau này trở thành bài hát “Tiểu đoàn 307”, được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc.

 

“Ai đã từng qua Cửu Long Giang

Cửu Long Giang sông trào nước xoáy

Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn

Tiếng Tiểu đoàn Ba trăm lẻ bảy

Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy

Cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng

Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi…

Đoàn quân lẻ bảy

Kể từ hôm ấy

Đánh đâu được đấy

Oai hùng biết mấy…”

 

Thì ra Nguyễn Bính không chỉ là nhà thơ của tình quê, hồn quê. Ông không chỉ ngồi tương tư cô hàng xóm, nhớ cô lái đò, khóc hồn trinh nữ… Ông còn thực sự là một nhà thơ chiến sĩ, xuất hiện kịp thời, có hiệu quả nhất!

Người ta còn nhớ, Thủ tướng chính phủ "Nam Kỳ Tự Trị" Nguyễn Văn Thinh có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính "dinh tê" theo chính phủ sẽ được thưởng 1.000 đồng Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được hưởng như thế. Và đây là câu trả lời dứt khoát:

 

“Mình không bỏ Sở sang Tề

Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi”  

 

Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết trở lại Miền Bắc để chấm dứt quãng thời gian Xuôi Nam. Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca.

Nguyễn Bính mất năm 1996 tại quê hương Nam Định. Đó là vào ngày cuối cùng của năm Ất Tỵ, ngày 20/1/1966.

 

Mộ nhà thơ Nguyễn Bính tại quê nhà

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts