Cái số của tôi
không có duyên với “học trò”. Hiểu chính xác là “học trò” theo nghĩa những cô cậu
học sinh cắp sách đến trường để sau này ra đời làm ông nọ, bà kia. Tôi chưa từng
có những học trò như thế!
Năm 1968 tôi bị động viên vào Khóa 4/68 Thủ Đức. Đến gần ngày mãn khóa, trường Sinh ngữ Quân đội lên tận quân trường để tuyển giảng viên về dậy Anh ngữ cho các quân nhân chuẩn bị lên đường sang Hoa Kỳ du học về chuyên môn. Rất may, khóa tôi có 6 người được tuyển về trường.
Qua một thời gian
ngắn được đào tạo “tại chỗ” với chương trình PST (Pre-Service Training) chúng
tôi bắt đầu được đứng lớp. “Học trò” ở trường không phải là những cô cậu mặc đồng
phục học sinh mà là những quân nhân khoác áo lính thuộc đủ binh chủng Hải-Lục-Không
quân.
Mỗi lớp chỉ có trên dưới 10 học viên, có nhiều “học trò” đeo lon cấp tá trong khi “thầy” chỉ là anh Chuẩn úy non choẹt mới ra trường. Cũng may, trong môi trường quân đội lon lá dùng để chỉ huy trên chiến trường nhưng khi vào lớp học Anh văn mọi cấp bậc đều… tạm quên.
Tài liệu giảng dậy
là bộ sách American Language Course (ALC), gồm 8 cuốn được đánh số từ 1100-1400
cho khóa căn bản và 2100-2400 cao cấp hơn vì dành cho việc đào tạo tiếng Anh
chuyên ngành. Giảng viên thường nói với nhau, “sợ nhất là dạy những lớp căn bản” vì trình độ của học viên rất
khác nhau. Chúng tôi gọi đó là những lớp phải… “đẩy xe bò”.
Năm 1971 tôi du học
Hoa Kỳ để được đào tạo khóa Giảng viên Anh ngữ Căn bản kéo dài 6 tháng rồi năm
1973 lại trở về trường cũ tại Lackland, San Antonio, Texas, để tiếp tục học
thêm khóa tu nghiệp giảng viên. Về nước để kịp đón “Ngày Giải Phóng”,
30/4/1975!
Sau khi đi học tập
về tôi làm đủ thứ nghề. Từ anh “lao động
phổ thông” cho một hợp tác xã xây dựng, cho đến anh trông hàng ngoài chợ
Bình Tây cho bà chị họ rồi lại là anh đi bỏ mối lò dầu hôi cho các chợ khắp Sài
Gòn.
Cũng may, đến khi có chuyện “vượt biên” tôi lại nhẩy lên chức “thầy”, lén lút dạy Anh văn cho những người ôm mộng đến xứ sở tự do. “Ông thầy” dạy đủ các tài liệu, từ American Streamline, English 900 đến bộ English For Today tới 6 cuốn!
Đã bảo là cái số không có “học trò” theo nghĩa bình thường nên tôi cũng có những học trò các lớp đêm tại các trường ở Sài Gòn do Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật, một tổ chức hợp pháp của nhà nước được thành lập trong tiến trình “Đổi Mới”. Thì cũng mang danh “thầy’ như ai!
Rồi lại là “thầy” của sinh viên và khách nước ngoài, không phải dạy Anh văn, mà là thuyết trình về văn hóa Việt! Có một công ty du lịch mỗi lần khách đến muốn tìm hiểu về Việt Nam lại mời ngay “ông thầy tay ngang” đến nói chuyện!
Các sinh viên Mỹ,
Áo, Singapore đến Sài Gòn để tìm hiểu về Việt Nam nên Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn tổ chức các buổi giảng về Việt Nam do “thầy” Chính đứng ra đảm
trách. Thì cũng là “thầy” như ai vậy!
Bước đường “làm thầy”
của tôi thật gian nan nhưng cũng nhiều kỷ niệm khó quên nên kể ra đây để các bạn
thấy:
“Có nhiều loại thầy chứ không chỉ là thầy giáo, cô giáo tại các trường phổ thông ngày hai buổi đứng lớp!”
Nếu có được gọi là “thầy giáo” thì bây giờ tôi cũng đã “tháo giầy” để về hưu. Không biết “thầy” như tôi có được “hưởng ké” Ngày Nhà Giáo 20/11, cái ngày mà bây giờ cả nước vinh danh Thầy Cô như hiện nay không nhỉ?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét