Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Nhặt sạn trong sách

Trong thời điêu linh chúng ta thường quen với việc nhặt sạn trong gạo trước khi bỏ vào nồi nấu. Một thời khó khăn đã qua tưởng chừng như sẽ không bao giờ lập lại. Ấy thế mà giờ đây lại phải “nhặt sạn trong sách”, mà sách lại là sách dậy học sinh lớp một, những trẻ “ngây thơ chưa từng vướng bụi trần”!

Trước khi ngồi kiên nhẫn “nhặt sạn” trong cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt 1” do nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. HCM ấn hành, chúng ta xác định như trên bìa sách đã in: “Tổng chủ biên kiêm Chủ biên” Nguyễn Minh Thuyết với sự cộng tác của Hoàng Hòa Bình, Nguyễn Thị Ly Kha và Lê Hữu Tỉnh”.


Tiếng Việt (tập một)


Ông Nguyễn Minh Thuyết trước đây đã từng là Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thiếu nhi Nhi đồng của Quốc hội, nay về hưu và trên cuốn sách đã dẫn, nhiệm vụ chính của ông là… “Tổng chủ biên kiêm Chủ biên”.


Trang Facebook của ông Nguyễn Minh Thuyết

 

Hàng triệu học sinh Lớp 1 sẽ học cuốn sách do một “Tổng chủ biên kiêm Chủ biên” mà theo thông tin của cộng đồng mạng, hiện có cháu nội học tại Singapore “một năm về trước” và hiện nay đã… “tới một vùng đất mới”!


Trên trang FB của ông Nguyễn Minh Thuyết một năm vế trước

 

Theo báo “lề phải” Vietnamnet, ông Thuyết giải thích phần lớn những bài tập đọc cho học sinh Lớp 1 là những bài được viết lại, hay còn được gọi là “phỏng theo”, những nhân vật nổi tiếng thế giới như các nhà văn chuyên viết về ngụ ngôn như Aesop (Hy Lạp), La Fontaine (Pháp) hay nhà văn người Nga Lev Tolstoy.

Chẳng hạn như bài “Ve và gà” là phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine. Người soạn sách phải đổi “kiến” thành “gà” vì học sinh chưa học vần “iên”! Lý do này có thể tạm chấp nhận về kỹ thuật soạn sách nhưng nếu xét về thực tế mất đi hẳn ý nghĩa ngụ ngôn về tính chăm chỉ của kiến so với gà!

Câu chuyện trong sách giáo khoa về ve và gà bỗng trở thành nhạt nhẽo, không có tác dụng chuyển tải một thông điệp về tính cần cù, chịu khó của loài kiến. Ấy là chưa kể làm gì có chuyện ve lại đi xin gà giúp đỡ khi mùa mưa bão đến. Có chăng là gà ăn thịt ve như một món sâu bọ khoái khẩu!


Chuyện Ve và Gà “phỏng” theo “Ve và Kiến” của La Fontaine chỉ vì học sinh... chưa học vần 'iên'!

 

Sách giáo khoa có mục đích dạy trẻ trên cả nước chứ đâu phải chỉ áp dụng tại một địa phương nào đó. Trong sách thay vì viết “không” thì lại viết “chả”, thay vì viết “nhai” thì viết thành “nhá”, “gà con” lại viết thành “gà nhép”, “gà nhí”…

Người Bắc gọi cái giỏ đi chợ là “cái làn”. Thế cho nên mới có chuyện tiếu lâm nói lái “bốn cái làn” nhưng ông Thuyết khẳng định “không có trang nào trong sách có nội dung như vậy”. Số là trong một bài dạy về chữ số có câu chuyện về “chữ số 4” nên người viết ghi lại chuyện “bốn cái làn” để bạn đọc tham khảo về “nghệ thuật” nói lái của người Việt.


“Bốn cái làn”... ông Thuyết khẳng định “không có trang nào trong sách có nội dung như vậy”


Trong chuyện quạ và chó ngay cả phụ huynh cũng cảm thấy khó hiểu vì nhiều tiếng “lạ”. Xin trích dẫn nguyên văn, riêng phần từ ngữ “lạ” người viết để trong ngoặc kép:

“Quạ “đỗ” ở “mỏm đá”, nó ngậm “khổ mỡ” to. Chó nghĩ kế “cuỗm khổ mỡ”. Nó giả vờ:

- A, ca sĩ quạ! Quạ mà ca thì mê li lắm.

Quạ há to mỏ:

- “Quà, quà…”

Thế là… “bộp”, “khổ mỡ” của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó “tợp” mỡ tha đi.

(hết trích)

Đoạn văn trên chỉ có 52 chữ nhưng lại có đến hơn 10 từ ngữ “lạ tai” khiến ngay cả người lớn khi đọc cũng phải nhíu mày suy nghĩ. Mà cũng lạ, quạ ăn một cục mỡ khiến chó phải thèm thuồng, đến nỗi phải lập mưu chiếm đoạt!


Chuyện quạ và chó dùng toàn những từ ngữ cá biệt vùng miền khiến người đọc là phụ huynh cũng chẳng hiểu chứ nói gì đến các cháu học sinh!

 

Sách giáo khoa ngoài việc dạy trẻ những vần mới nhưng cũng cần phải chú trọng đến việc nêu những tấm gương “người tốt, việc tốt” chứ đâu có như chuyện hai con ngựa tía và ngựa ô.

Ngựa ô thì làm việc siêng năng còn ngựa tía thì luôn tìm cách trốn việc. Rốt cuộc ngựa ô thấy hành động lười biếng của ngựa tía là… “Có lí lắm”! Hóa ra ý nghĩa của bài tập đọc là… cần phải trốn việc cho khỏe thân!


Chuyện hai con ngựa: cần phải trốn việc cho khỏe thân


Nói tóm lại, quyển sách giáo khoa “Tiếng Việt 1”, bộ Cánh Diều, cần phải được thu hồi vì có quá nhiều khuyết điểm, đó là chưa nói đến việc ảnh hưởng của nó sẽ gây hậu quả tai hại đến đầu óc non trẻ của hàng triệu con cháu chúng ta.


Chuyện “Cua, cò và đàn cá”


Chuyện “Thỏ thua rùa”


“Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hoá tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ”.


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts