Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

“Tam thập lục kế” (3): Mỹ nhân kế


Từ ngàn xưa, và chắc chắn cũng là… ngàn sau, giai nhân trở thành một hình ảnh đẹp luôn được nhắc đến trong văn chương, thi phú. Nhà thơ trữ tình Nguyễn Bính đã không tiếc lời ca ngợi:

“Nàng đẹp, đẹp từ hai khoé mắt,
Làm mờ những ánh ngọc trân châu
Làm phai ánh nước hồ thu thắm,
Làm nhạt bao nhiêu ánh nhiệm màu.”

Không đơn giản chỉ là sắc đẹp của nhi nữ thường tình, người xưa còn đưa phụ nữ vào một trong số “Tam thập lục kế”, cụ thể là kế sách thứ 30, có tên “Mỹ nhân kế”. Tuy là phái yếu, không thể đánh giặc bằng gươm đao, súng đạn nhưng mỹ nhân vẫn thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười làm có thể làm “khuynh thành, khuynh quốc” hay nói nôm na là “nghiêng thành trì, đổ nước non”.

Người ta đã từng nhìn nhận rằng Thượng Đế sinh ra những người đàn ông “bách chiến bách thắng” nhưng cũng lại sinh ra người đàn bà để khống chế họ! Cũng cùng ý đó, có người lại nhận xét một cách dí dỏm: “Đạn đại bác cũng thua đạn thịt, báng súng không địch được gối bông”!

Anh hùng và mỹ nhân là hai thế lực có thể đối đầu nhau quyết liệt, không khoan nhượng… nhưng cũng có khi họ lại hòa đồng với nhau để tạo thành đôi trai tài - gái sắc. Anh hùng vốn háo sắc và ngược lại, nếu không háo sắc thì không phải là… anh hùng!

Độc tài như Hitler ngày nào vốn tôn thờ chủ nghĩa độc thân nhưng vẫn kín đáo… có người đẹp kề bên! Thế mới có chuyện “chăn gối” biến thành “chiến trường”, phấn son thay gươm giáo, nụ cười thay cung tên. Tất cả những điều trái ngược đó được gói gọn trong một nghệ thuật xử thế: Mỹ nhân kế.

Sử sách Trung Hoa thường nhắc đến “tứ đại mỹ nhân”: Tây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân và Dương Quý phi. Sắc đẹp của họ thường được mô tả là “Trầm ngư” (cá phải chìm sâu dưới nước); “Lạc nhạn” (chim nhạn sa xuống đất); “Bế nguyệt” (mặt trăng phải giấu mình) và “Tu hoa” (hoa phải xấu hổ).

Tứ đại mỹ nhân

Nếu Tây Thi có nét đẹp làm cá phải lặn, Vương Chiêu Quân khiến chim nhạn mãi ngắm nhìn quên bay nên rơi rớt, Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải khép, núp vào mây thì Dương Quý Phi mỗi khi ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn!

Tây Thi làm nghề dệt vải tại Trữ La thôn, nàng gặp gỡ và yêu mến một đại thần nước Việt là Phạm Lãi. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh bại và bắt làm con tin, Phạm Lãi đã dùng kế mỹ nhân để giúp Việt vương.

Tây Thi được chọn là một trong các mỹ nhân tiến cho Ngô vương, và nàng đã khiến Ngô vương say đắm đền độ thả Việt vương về. Việt vương về sau gầy dựng binh lực, đánh bại Ngô vương. Tây Thi – Pham Lãi tở thành một giai thoại nổi tiếng trong lịch sử thời Xuân Thu.

Tây Thi

“Chiêu Quân cống Hồ” lại là một câu chuyện dã sử. Vương Chiêu Quân được nhà Hán tuyển mộ để “làm quà” cho bộ lạc Hung Nô, ngày nay là Mông Cổ. Đó cũng là Mỹ nhân kế, dùng sắc đẹp để mua một thời kỳ hòa bình trong suốt 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô. 

Đời nhà Trần nước ta cũng dùng “Mỹ nhân kế” để mở mang bờ cõi. Huyền Trân công chúa, con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Một  năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung… đem về lại cố hương. 
 
Vương Chiêu Quân

Điêu Thuyền là một nhân vật dân gian có thật và được hình tượng hóa một cách hoàn thiện bởi La Quán Trung trong bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”. Triều đình Đông Hán bị suy thoái do sự chuyên quyền của Đổng Trác, một người hung bạo, phá hoại cương thường, bị người đương thời gọi là Quốc tặc.

Tư đồ Vương Doãn áp dụng “Liên hoàn kế” (kế thứ 35) và “Mỹ nhân kế” (thứ 30), dùng Điêu Thuyền khiến Đổng Trác và con nuôi là Lữ Bố đều mê mẩn. Vương Doãn ra kế gả Điêu Tuyền cho Đổng Trác, sau đó lại “chọc quê” Lữ Bố, khiến Bố đang tâm muốn giết Trác để giành lại Điêu Thuyền. Cuối cùng, Đổng Trác bị Lữ Bố giết hại.

Điêu Thuyền

Một cuộc chiến khác cũng xảy ra giữa Đường Huyền Tông và con trai Lý Mạo mà “ngòi nổ” là mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn. Nhà vua đem lòng mê mẩn vì sắc đẹp của con dâu và chiếm đoạt nàng, phong làm Dương Quý phi. Câu chuyện cho thấy sắc đẹp của mỹ nhân khiến nhà vua quên hẳn tình phụ tử.

Dương Quý Phi

Qua những câu chuyện của “tứ đại nỹ nhân” trong lịch sử đã qua nói lên sức mạnh “vô song” của những người đẹp. Điều này vẫn đúng cho đến thời nay. “Mỹ nhân kế” đã bị triệt để lợi dụng để làm bước thang leo lên những điểm cao của danh vọng, tiền tài trong nhiều trường hợp.

Không cứ gì người Phương Đông cho rằng sắc đẹp của mỹ nhân là một thứ vũ khí lợi hại, người Phương Tây cũng quan niệm “Sắc đẹp là sức mạnh, nụ cười là lưỡi gươm của nó”.


Có những đức ông chồng nhẫn nhục mang sừng trên đầu để được “vinh thân phì da” nhờ sắc đẹp của vợ. Có những người cha sang trọng hẳn lên nhờ con gái, có những người anh em được “nở mày, nở mặt” nhờ em hay chị gái lót đường.

Trong xã hội thực dụng như ngày nay, “Mỹ nhân kế” đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong xử thế hàng ngày. Đã có rất nhiều phụ nữ, tuy bất tài nhưng nhờ nhan sắc bù lại nên có thể chiếm một địa vị cao. Phải nhìn nhận một điều, lỗi một phần ở nơi các xếp đàn ông có tính háo sắc!

Để nói về nhan sắc, người ta thường so sánh sắc đẹp như một tấm hộ chiếu (passport), nhưng kỳ thật không phải vậy, nó chỉ là phần chiếu khán (visa), mà visa hết hạn rất nhanh.

“It has been said that a pretty face is a passport. But it's not, it's a visa, and it runs out fast”.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts