Sáu Lèo lại nghĩ, tháng bảy “lịch âm” là tháng của thế giới
thần bí, tháng của những người đã khuất nơi cõi âm. Dù họ có là ai khi sống đến
lúc chết cũng chỉ là những “cô hồn” lang thang, vất vưởng trong 49 ngày chờ
“passport” để lên thiên đàng hay xuống địa ngục.
Thế cho nên mới có tục “cúng cô hồn” cho những người chuẩn
bị “ăn cháo lú” trước một chuyến đi quan trọng cho tương lai người chết. Năm
nào cũng vậy, Sáu Lèo dù chỉ là anh bán vé số dạo nhưng không quên “cúng cô hồn”,
gọi là an ủi cho những người đã khuất.
Nhân vật hư cấu Sáu Lèo
Nhà giàu thì họ cúng gà luộc, bánh kẹo, trái cây kèm theo
một xấp tiền lẻ để cô hồn vừa “dằn bụng”, vừa có tiền xài trong suốt 49 ngày chờ
phán xét. Cúng xong thì đã có “cô hồn sống” đứng chầu chực để tranh cướp.
Cả người lớn lẫn trẻ con nghèo đói trong xóm sẵn sàng làm
nhiệm vụ “ship hàng”, xông vào xí phần để
đưa xuống… âm phủ. Gia chủ cũng khôn lắm, họ cắt người “bảo vệ” đồ cúng. Đến
màn “cướp cháo” thì chủ nhà giữ lại con gà luộc, còn kỳ dư dành cho các “cô hồn
sống”.
Sáu Lèo thuộc giai cấp nghèo nhưng cũng cúng cô hồn. Đồ
cúng chỉ vỏn vẹn có vài cái kẹo “thèo lèo, cứt chuột”, vài miếng khoai, miếng sắn
kèm theo một cây nhang để mời hồn về nhận. Cúng xong cả người âm lẫn người
dương chẳng ai thèm nhận. Tiếc của nên bưng vào nhà cho các con nhấm nháp!
Tuy vậy, Sáu Lèo vẫn tin tưởng vào việc cùng cô hồn. Làm
người phải ăn ở “có trước, có sau”. Sáu
Lèo nghĩ thật đơn giản: “có thờ có
thiêng, có kiêng có lành”. Với lại tiền bỏ ra mua đồ cúng cũng chỉ có giá
trị bằng vài tờ vé số mời chào khách mua hàng ngày.
Bán vé số dạo nên Sáu Lèo biết nhiều chuyện xảy ra trên lộ
trình mưu sinh. Có những gia đình cúng rất “hoành tráng”, ngoài đồ ăn thức uống
còn có những “hiện vật bằng hàng mã” gửi xuống âm phủ cho người chết dùng.
Thôi thì từ nhà lầu, xe hơi như khi còn sống… tới điện
thoại iPhone, Samsung, Nokia để nếu cần thì… gọi về dương thế. Không biết có ai
gọi điện về nhắn gửi thêm wifi và cái sạc pin? Không biết đã có cuộc gọi nào nhắc
gửi xe hơi mà không có xăng thì làm sao chạy được?
Lại có người dương trần gửi cả hình nhân mỹ nữ để người
chết hú hí nơi cõi chết. Chắc họ biết tính hảo ngọt của người đã khuất nên cũng
chiều như… chiều vong. Lại cũng có hàng xấp đô la âm phủ để người chết tiêu xài
thoải mái, không phải bận tâm bòn rút như ngày còn sống trên dương thế!
Sáu Lèo nghĩ, tiền mua đồ cúng là tiền thật ấy thế mà lại
dùng để mua hàng mã. Cúng xong rồi đốt, cũng tựa như các công tử ngày xưa đốt
tiền thay đèn để tìm khăn mù-soa cho người đẹp.
Vốn sinh ra đã là “phó thường dân” nên Sáu Lèo rất an phận,
không hề đua đòi “phú quý sinh lễ nghĩa”
hay “trưởng giả học làm sang”. Mà chẳng
biết có “sang” hay không, hay chỉ là cái thói đua nhau làm những chuyện “ruồi
bu” nhân dịp cúng cô hồn!
Sáu Lèo tự an ủi:
“Con vua thì lại
làm vua,
Con sãi ở chùa lại
quét lá đa.
Bao giờ dân nổi can
qua,
Con vua thất thế lại
ra quét chùa”
Sáu Lèo lại nghĩ, thời nay làm gì có vua mà chỉ có một
trong hai loại người: quan quyền và dân đen. Đến khi thất thế thì bọn quan quyền
nào phải “quét chùa” vì chúng đã biến khỏi cái đất nước này.
Trò chơi “ô ăn quan” (2) của trẻ con coi vậy cũng thâm
thúy lắm vì thường kết thúc khi ông quan ở hai đầu không còn và khi đó bọn trẻ
nói: “Hết quan, hoàn dân”! Thế là
xong một ván.
Sáu Lèo tự an ủi mình, thời nay thì “hết quan sẽ về bằng chiếc… quan tài” để trở thành “cô hồn” vất vưởng
nơi cõi âm. Thế nên mới có thơ rằng:
“Sinh ra vốn dĩ là
dân
Phấn đấu dần dần
cũng được thành quan
Hết quan rồi lại
hoàn dân
Hoàn dân rồi lại dần
dần… vào quan”.
***
Chú thích:
(2) Tham khảo thêm về trò chơi “Ô ăn quan” trên Wikipedia:
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94_%C4%83n_quan.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét