Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

“Tam thập lục kế” (2): Tẩu vi thượng sách


Kế rút lui, hay nói theo một số người là “tẩu vi thượng sách”, là kế cuối cùng trong “Tam thập lục kế” (1). Có người thắc mắc tại sao lại nói đến kế cuối cùng trước khi bàn về những phương kế khác?

Thứ nhất, đây là kế đã được mệnh danh là “thượng sách” trong 36 kế cho nên cần phải bàn đến nó trước. Chuyện Xưa cũng như Nay đã chứng minh, sự lợi hại của kế sách này vượt trội hơn hẳn 35 kế còn lại nên nó xứng đáng để được nói trước.

Thứ nhì, người đời cứ nghĩ nếu rút lui có nghĩa là thất bại. Ít ai hiểu “tìm đường chuồn” lại có những triển vọng sáng sủa trong tương lai. Như vậy, nói một cách khác, lùi một bước để tiến xa hơn. Ta lấy Ngũ Tử Tư làm ví dụ để biện minh cho lập luận này.

Ngũ Tử Tư có người cha bị Sở Vương giết hại, ông một thân một mình phải tìm đường “chuồn” sang nước Ngô với muôn vàn cay đắng, khổ cực. Tại đây, ông được Ngô Vương tin dùng và quay trở về nước Sở, diệt được Sở Vương, trả được thù cha. Như vậy, há chẳng là một “tẩu kế” thượng sách?

Chuyện xưa, tích cũ có rất nhiều cách rút lui. Chuồn nhiều nhất chắc là Lưu Bang, người đã thoát khỏi Bạch Đăng Thành, Hồng Môn Yến nhờ kế của Trương Lương. Trương Lương cũng là “vua chuồn” nên hiến cho người khác kinh nghiệm rút lui của mình.

Bản thân Trương Lương đã lánh họa, thoát thân bằng cách bỏ lên núi tầm sư, học đạo. Cũng chính Trương Lương đã bày cho Hàn Tín qui Hán để đánh Sở trong cuộc chiến “Hán-Sở tranh hùng”. Đó là những cuộc trốn chạy của các võ quan hầu tìm cách gầy dựng lại một cuộc chiến mới.

Thời Xuân Thu, Trùng Nhĩ chạy ra khỏi nước, còn Đường Minh Hoàng lánh nạn ở Tứ Xuyên. Tuy nhiên, có lẽ người “chạy” nhiều nhất là đại gian hùng Tào Tháo. Khởi đầu, Thừa tướng giết hụt Đổng Trác nên phải chuồn, sau đó suốt một đời Tào Tháo lúc nào cũng “hớt hơ hớt hải” khiến “tướng lùn” Trương Tùng tuy khen ngợi mà thành mắng mỏ:

“… Đánh Lã Bố ở Bộc Dương, đánh Trương Tú ở Uyển Thành, đụng Chu Du ở Xích Bích, gặp Quan Vũ ở Hoa Dung, cắt râu vứt áo ở Đồng Quan, cướp thuyền tránh tên ở Vị Thủy… Thế cũng là vô địch trong thiên hạ đấy!”

***

Các bậc anh hùng đều không ít thì nhiều sử dụng “Tam thập lục kế” nhưng cuối cùng “kế rút lui” vẫn là số một chứ không phải là số 36. Chẳng thế mà người ta nhận xét: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!).

Lưu Bang và cả Ngũ Tử Tư đã dụng kế thứ 21 trong 36 chước có tên là “Ve sầu lột xác” để cao bay xa chạy. Khổng Minh cũng đã từng lui binh khi áp dụng kế thứ 19, “Phô trương thanh thế”. Trong lịch sử, để thoát khỏi sự khống chế của Tần Thủy Hoàng, Tử Phúc đã dùng kế thứ 7, “Từ không thành có”, dẫn người ra nước ngoài tỵ nạn.

***

Trở về với Việt Nam năm 1975. Tại Miền Nam, một cụm từ người ta thường nhắc đến vào thời điểm này là “Di tản Chiến thuật” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đó là một hình thức rút lui trong binh pháp nhưng đem lại kết quả “thảm hại” là ngày 30/4/1975.

Trước đó, Quân lực VNCH đòi hỏi kinh phí hoạt động lên tới gần 3 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Khi Mỹ tìm cách rút khỏi Miền Nam, họ giảm viện trợ xuống còn 1,1 tỷ đôla vào năm 1974, nền kinh tế-chính trị lâm vào cuộc khủng hoảng.

Tháng 3/1975, sau khi Phước Long và Ban Mê Thuột thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh “tái phối trí”. Đó là một cách rút lui vì bỏ Quân Đoàn 1 và 2 tại Miền Trung, dồn toàn quân về Vùng 3 và 4 để củng cố lực lượng.

Cuộc rút quân tái phối trí dẫn đến thất bại. Hạ tuần tháng 4/1975, ông Thiệu từ chức, các tướng tá tháo chạy, và trong vòng 55 ngày, quân đội VNCH tan rã, chủ yếu vì suy sụp tinh thần và thiếu lãnh đạo.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng trước bản đồ thế giới

Trường hợp “tháo chạy” của VNCH, nếu phân tích một cách cặn kẽ, chỉ là một “con chốt” trong bàn cờ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Những cuộc “đi đêm” của Henry Kissinger, đặc sứ của Tổng thống Nixon, với Bắc Kinh từ năm 1973 đã dẫn đến Hiệp định Paris. Cuối cùng là cuộc “rút quân” của quân đội Mỹ.

Hoa Kỳ chủ trương “tháo chạy” khỏi Miền Nam, cái mà họ gọi là “ra đi trong danh dự”, thực chất chỉ là một đối sách với phong trào phản chiến ngày một gia tăng trong nội bộ nước Mỹ. Trong bối cảnh đó, Miền Nam chỉ là “một con chốt” trên bàn cờ. Người đánh cờ sẵn sàng “thí chốt” bất cứ lúc nào!

Xét cho cùng, cuộc tháo chạy mang lại nhiều hệ lụy đến các bên liên quan. Với VNCH, đó là “người thua cuộc”, với Hoa Kỳ đó là một trang sử mới cho nước Mỹ trên bàn cờ thế giới. Vậy thì, đối với Miền Nam, “tháo chạy” là “hạ sách” nhưng đối với Hoa Kỳ, đó lại là… thượng sách (2).

Hiệp định Paris (1973) dọn đường rút lui cho Hoa Kỳ

“Tẩu vi thượng sách” luôn có hai mặt của vấn đề, tốt cho phía này nhưng lại xấu cho phía kia. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, điều rõ ràng là… không ai là có thể thắng hoài hay bại mãi.

“Chạy” cũng có nhiều cách. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy... Điển hình là cuộc trốn chạy, bỏ nước ra đi, được gọi là “vượt biên” sau ngày 30/4/1975 của người Miền Nam.

"Tẩu kế" cũng chưa chắc là “chạy mất hút” mà có khi “chạy” chỉ là cách để quay trờ lại. Trường hợp cụ thể là những người đã “vượt biên”, họ quay trở lại Việt Nam vì còn thân nhân, bà con và nhất là còn quê hương, nơi họ đã ra chào đời.

“Thuyền nhân” trong một chuyến “Vượt biên”

Ngày nay lại có một hình thức chạy mới của “Tẩu vi thượng sách”: các tham quan tìm cách chạy ra nước ngoài sau khi đã bòn rút của dân trong nước. Theo họ, đây là kế bôn tẩu… đúng lúc nhất!

***

Chú thích:

(1) Tham khảo danh sách “Tam thập lục kế” tại:

(2) Tham khảo tài liệu lịch sử về VNCH, bài phỏng vấn của báo “Der Spiegel” với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts