Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Khôn chết… Dại chết… Biết sống

Hành khách đang xếp một hàng dài trước quầy làm thủ tục lên máy bay. Một chị ăn mặc lịch sự cũng đang xếp hàng nhưng ở tận đuôi, không biết chừng nào mới đến lượt mình. Chị nghĩ ra một kế rất “khôn” nên thực hiện ngay.

Chị tiến lên nhóm người ở gần quầy, chọn một hành khách lớn tuổi và có vẻ quê mùa để bắt chuyện. Hai người nói chuyện có vẻ tâm đắc khiến những người khác trong hàng cứ tưởng là mẹ con. Và thế là chị có một chỗ gần quầy làm thủ tục, tiết kiệm được nhiều thời gian chờ đợi.

Chị tâm đắc với “sáng kiến” của mình… Chị nghĩ, sống ở thời buổi này phải khôn mới được… chứ cứ an phận sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Lát sau có một ông đứng tuổi xếp sau chị mấy người tiến đến chỗ hai người. Ông nhẹ nhàng nói:

“Nếu cô đã nói hết chuyện với bà đây thì cô nên về lại chỗ mình xếp hàng. Chen vào hàng như cô khiến những người biết chuyện “khôn lỏi” của cô như tôi đây rất lấy làm khó chịu. Ở đời cần sự công bằng chứ không sẽ loạn!”

Hóa ra cái khôn của cô gái chỉ là… “khôn lỏi”. Cô chỉ khôn theo suy nghĩ của một người chỉ nghĩ đến bản thân mình nhưng lại “phớt lờ” những người xung quanh.

Khoa học đã chứng minh “chỉ số thông minh” (IQ: Intelligence Quotient) quyết định mức khôn ngoan của con người, tuy nhiên, IQ không phân biệt sự thông minh đó là khôn ngoan hay khôn lỏi.

IQ chỉ có thể xác định nức độ thông minh theo bậc thang từ cao nhất là trên 160 điểm dành cho các “thiên tài” và thấp nhất, từ 1-70, dành cho những người đần độn. Mức độ IQ trung bình của chúng ta là khoảng từ 85 đến 115.


Tục ngữ có câu “khôn sống, mống chết” nhưng chưa chắc… khôn là sống mà dại là chết. Thế cho nên, đã từ lâu lắm rồi, Trang Tử mới phải thốt lên: “Khôn chết, dại chết… biết sống”.

Khôn như cái khôn của cô gái xếp hàng rồi cũng dẫn đến thất bại khi có người chỉ ra đó chỉ là sự “khôn lỏi”. Còn cái vế thứ hai về “dại” chắc không cần phải nhiều lời bàn cãi. Xin kể lại truyện của Trang Tử cùng các học trò trên đường ngao du thiên hạ.

Thấy một cây thật to, tiều phu đứng ngay bên cạnh mà không đốn nên các đệ tử hỏi nguyên do vì sao. Trang Tử đáp: “Vì nó không dùng đặng nó chỗ nào hết. Cây nầy vì bất tài mà đặng sống lâu”.

Trang Tử ghé vào nhà người quen, chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt gà. Người nhà hỏi: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?” Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy”.

Học trò thắc mắc và thưa với sư phụ: “Hôm trước cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn con gà vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí làm sao?”

Trang Tử cười nói: “Tài và bất tài, cũng đều như nhau… nên không thể tránh khỏi lụy thân... Chỉ có kẻ nào biết... là sống mà thôi...”
  

  Trang Tử gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn

Biết lúc cần tỏ ra khôn ngoan nhưng cũng biết lúc đóng vai dại dột nghĩa là biết đắn đo giữa “thời” và “thế”. Khi hiểu được thời thế tức là đã sống vậy!

Ấy vậy mà biết được chữ “Thời” đâu phải dễ vì “thái quá” là dở, mà “bất cập” cũng không phải là hay. Phần đông người ta chỉ “biết tiến, mà không biết thối; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết buông bỏ...”.

***

Già nửa đời người mới ngộ ra Khôn chết, Dại chết… chỉ Biết mới sống. Nhưng thôi, thà biết trễ còn hơn chẳng biết!

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts