Thời quân ngũ của tôi chỉ gắn bó với một đơn vị duy nhất là Trường Sinh ngữ Quân đội (Armed Forces Language School – AFLS), kể từ đầu năm 1969 cho đến ngày Sài Gòn thất thủ 30/4/1975.
Sau khi tốt
nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, khoá 4/68, tôi được tuyển thắng về Trường Sinh
ngữ Quân đội cùng với 5 bạn đồng khoá. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là 2 lần đi tu
nghiệp tại Hoa Kỳ.
Đó là các khoá Căn bản Giảng viên Anh ngữ (English Language Instructor, Basic Course), năm 1971, kéo dài 6 tháng, tại Căn cứ Lackland, San Antonio, Texas. Tiếp theo là khoá Tu nghiệp Giảng viên Anh ngữ (English Language Instructor, Refresher Course), năm 1973, cũng tại trường cũ.
Mục tiêu
chính của AFLS là huấn luyện Anh ngữ căn bản cho các khoá sinh thuộc mọi binh
chủng, trong đó chủ yếu là Không quân, bao gồm những sinh viên sĩ quan phi hành
và hạ sĩ quan hoạt động trong các lãnh vực yểm trợ như radar, không ảnh, cơ
khí…
Binh chủng Không quân cũng có trung tâm huấn luyện Anh ngữ riêng của mình nhưng trước nhu cầu “Việt Nam Hoá ChiếnTranh” ngày càng cấp bách nên phải mở rộng các cơ sở đào tạo. Trách nhiệm đó được giao cho Trường Sinh ngữ Quân đội qua việc mở thêm nhiều chi nhánh đào tạo.
Ngoài trụ sở chính tại trại Trần Hưng Đạo, Bộ Tổng tham mưu, dạy Anh văn cho sĩ quan bộ binh và hạ sĩ quan thông dịch viên, trường còn có chi nhánh Đồng Khánh trong Chợ Lớn dành cho hạ sĩ quan & binh sĩ Không quân, chi nhánh Nguyễn Văn Tráng (quận 1) cho sinh viên sĩ quan Không quân, cùng với chi nhánh Royal của Hải quân.
Biến cố đau thương nhất trong lịch sử của trường là tại Chi nhánh số 29 Đồng Khánh (Chợ Lớn): vụ VC đặt chất nổ vào chiều ngày 7/8/1969 khiến 28 giảng viên, 12 học-viên và hơn 60 thường dân đi ngang khu vực bị thương vong…
Trường đã phải
chuyển chi nhánh Đồng Khánh về Tent City trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất
để các khoá sinh tiếp tục việc học. Thật đáng tiếc khi chi nhánh trong Chợ Lớn
chỉ mới được khai giảng hơn một năm thì đã bị đặt chất nổ phá hoại!
Quan trọng hơn cả là khu Koelper Complex, tại số 8, đường Nguyễn Văn Tráng, trước đó đã từng là trụ sở một cơ-quan của MACV, được chọn là địa điểm chủ yếu để đào tạo Anh ngữ căn bản cho các học viên Không quân phục vụ trong ngành phi hành.
Chi nhánh này còn có tên Nguyễn Văn Tráng được chính thức khai giảng ngày 23/12/1968 với 80 phòng học và phòng Lab (thính thị). Các học viên học tại Chi nhánh Đồng Khánh đã được chuyển về đây sau vụ nổ.
Cũng trong
tháng 12/1968 trường cũng nhận thêm trách nhiệm đào tạo Anh ngữ cho các học
viên thuộc binh chủng Hải quân tại Chi nhánh Royal. Đây là một cao ốc 8 tầng,
trước đây có tên Khách sạn Hoàng Gia (Royal Hotel), nằm gần cuối đại lộ Phan
Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), Dakao.
Chi nhánh Royal chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/1969. Vấn đề đáng lo ngại cũng vẫn là an ninh của địa điểm đào tạo này. Giống như Chi nhánh Đồng Khánh, Royal nằm trong khu vực dân cư nên rất dễ là mục tiêu của việc đánh bom khủng bố.
Building cao 8 tầng này nằm gần với cầu Phan Thanh Giản dẫn đến Xa lộ Biên Hoà với mật độ lưu thông tấp nập của xe cộ. Công việc canh gác chủ yếu do các khoá sinh Hải Quân tự đảm nhiệm, vào giờ tan học mới có sự tăng cường của Quân cảnh Hải quân Việt Nam.
Cơ quan Quân sự Mỹ cũng gửi thêm vài lính canh nhưng chỉ hoạt động trong phạm vi nội bộ toà nhà, trong khi các giảng viên người Mỹ thuộc Không quân hằng ngày đi dậy vẫn phải kè kè khẩu AR15 để phòng khi có biến!
Để có thể
xác định được trình độ ngoại ngữ của khoá sinh sau thời gian học tập, cuối khoá
có những bài test được gọi là ECL (English Comprehensive Level) gồm 120 câu hỏi
trắc nghiệm gồm phần “written” và "oral" mà câu trả lời chỉ cần
chọn a, b, c hoặc d.
Những bài thi này do Viện Ngữ học Quốc phòng Hoa Kỷ (Defense Language Institute) soạn thảo và được chấm bằng máy. Những người đạt được số điểm ấn định cho ngành nghề đã chọn sẽ được đưa vào danh sách những khoá sinh chờ được đi du học để tiếp tục chương trình huấn luyện chuyên môn tại Hoa Kỳ.
Thường thì những học viên chọn ngành phi hành có thể qua khỏi ECL Test một cách tương đối dễ dàng với tỷ lệ từ 65 đến 70% nhưng những khoá sinh khác như cơ khí, radar… sẽ gặp nhiều trở ngại, số người đậu chỉ chiếm khoảng 35 đến 40%. Dĩ nhiên người rớt có thể học tiếp hoặc bị Sĩ quan Liên lạc gửi trả về đơn vị gốc.
Một kỷ lục đáng ghi nhận là kể từ khi được thành lập cho đến tháng 4/1975 trường đã đào tạo Anh văn cho một số lượng hơn 10.000 quân nhân thuộc cả ba binh chủng Hải-Lục-Không quân. Cũng vì thế Cơ quan Quân sự Hoa Kỳ đã đề nghị Văn phòng Tuỳ viên Quân sự tại Việt Nam trao tặng huy chương cho những thành tựu đã đạt được.
* Trên trang
“Đọc Giải Trí & Kiến Thức & Lịch
Sử” xuất hiện video “Trường Sinh Ngữ
Quân Đội VNCH” trong đó có đoạn trích từ bài viết “Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội”. Các bạn có thể xem video này
theo đường link:
https://www.youtube.com/watch?v=8Le4i8jIgEw
* Tham khảo
thêm:
- Bài viết “Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội”:
https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../hoi-uc-ve-truong-sinh...
- Bài viết “Buồn vui dưới mái trường Sinh ngữ Quân đội”:
https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../buon-vui-duoi-mai...
- Bài viết “Du học… Lắc Lư”:
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/du-hoc-lac-lu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét