“Thẳng thắn, kiệm lời, mộc mạc và cương
trực... là ấn tượng mà Phan Thúy Hà - cây bút “phi hư cấu” rất đáng đọc trong 5
năm trở lại đây với 5 cuốn sách ít nhiều gây xôn xao…”
(Tuổi Trẻ Cuối
Tuần)
Bốn năm sau biến cố lịch sử ngày 30/4/1975, Phan Thuý Hà mới ra chào đời. Cha cô là một người lính của đoàn quân giải phóng từ Miền Bắc nhưng lúc sinh thời hầu như ông rất ít khi kể lại với con gái, sinh ra và lớn lên trong hòa bình.
Vậy thì, điều gì đã thôi thúc cô viết cuốn sách đầu tay về thân phận người lính mang tựa đề “Đừng Kể Tên Tôi” trong cuộc chiến vừa qua. Đó là câu chuyện của 21 con người, 21 số phận với những câu chuyện do chính họ kể lại.
Một trong những
nhân vật này đã nói với nhà văn thuộc thế hệ cuối 7x một cách mộc mạc: "Xin đừng kể tên tôi, vì so với đồng đội
mười tám, hai mươi, mình được sống đến hôm nay, có con cháu vậy là may mắn rồi".
Đó là chuyện của người lính năm nào, lúc trái gió giở trời anh lên cơn động kinh, hô "xung phong" và chạy khắp làng khiến người nhà đuổi theo mệt nhoài. Điều bất hạnh là con trai anh cũng phát bệnh giống bố.
“Anh không biết mình đã làm những gì khi lên cơn. Nhìn vết thương ở thái dương giật giật là tim tôi đập loạn không biết chuyện gì sắp xảy ra. Anh hô xung phong chạy ra ngoài ngõ mẹ con chạy theo sau còn người làng nhìn theo cười như cảnh trong một bộ phim.”
(Trích lời kể của vợ ông Bùi Thanh Lương - Tiểu ban trinh sát trung đoàn 38, sư đoàn 2)
Chuyện những
cô gái trở thành vợ lính khi bước vào tuổi 20, ngày nhớ đêm mong chồng trở về từ
cuộc chiến. Thế mà ở tiền tuyến, có những người lính trẻ không chết vì bom đạn,
họ chết vì đói, vì bệnh sốt rét, kể cả bị thú dữ ăn thịt.
Dù xuất xứ từ Miền Nam hay Miền Bắc, họ tham dự vào cuộc chiến trong hoàn cảnh khác nhau. Có người tự nguyện bước vào chiến tranh với một lý tưởng, cũng có người bị buộc phải tham gia một cách miễn cưỡng.
Với vũ khí trong tay, họ sẽ giết người hoặc bị người giết. Họ cảm nhận đầy đủ như nhau nỗi bi thương mà người lính phải đối mặt. Tại chiến trường, mạng sống con người thật mong manh trước bom đạn.
“Tôi” trong “Đừng Kể Tên Tôi” có thể là những người lính ra đi từ Miền Bắc. Ở phần đất ấy, người dân chỉ nhìn nhận chiến tranh qua tiếng gầm của máy bay Mỹ, tiếng bom, tiếng người bị thương kêu khóc hay tiếng kẻ sống gào thét trước cái chết của người thân.
Người đó có thể là Lượng, người Cẩm Xuyên, đang làm công nhân lâm trường thì được gọi đi nhập ngũ. Phan Thuý Hà viết:
“… Khung huấn luyện mười lăm ngày… Thử tưởng tượng xem, với mười lăm ngày bạn học được gì ? Thằng Ánh còn chưa biết cách cầm súng… Lệnh khẩn trương vào Quảng Trị bổ sung quân. Chiều ngày 12 tháng 4 năm 1972 chúng tôi lên đường… Năm giờ chiều chúng tôi được lệnh tối nay qua sông Thạch Hãn.
“Báo cáo thủ trưởng em không biết bơi ”. Thủ trưởng rút súng ra. “ Đây là mệnh lệnh chiến đấu. Đồng chí không biết bơi có tổ ba người kéo đồng chí sang ”. Thổi phồng túi phao bơi, cho ba lô và quân tư trang vào buộc chặt. Bám lấy phao bơi. Bám lấy đồng đội.
“Ra tới giữa dòng. Nước lớn. Bèo tây từng đám dày. Sông thì rộng. Bên kia sông, pháo và súng đại liên dội tới. Tôi chấp chới. Vẫy vùng. Tiếng kêu cứu thất thanh của Lượng. Những cái đầu nhấp nhô. Tôi sang được bờ bên kia. Xác Lượng trôi về Cửa Việt…”.
(hết trích)
Chân dung những
người lính Miền Nam đa dạng, phong phú từng chi tiết với vô vàn những sự thật
chiến tranh cùng sự thật tàn nhẫn của thời hậu chiến. Họ nhìn cuộc chiến qua
đôi mắt của chính mình, biết rõ chiến tranh qua chính thân phận chính mình ngay
trên vùng đất mà họ sinh sống.
Khi không thể trốn lính, họ phải ra chiến trường, và với thân phận của kẻ thua trận, họ phải trả giá thay cho những người đã đào thoát thành công. Cụ thể là một hạ sĩ, đã giải ngũ từ năm 1973 vì bị cụt một chân nhưng sau 1975 anh vẫn phải đi cải tạo, vì những lý do chẳng ai giải thích. Phan Thuý Hà viết theo lời của người con:
“… Lớn lên, em thấy hai hàm răng của ba chỉ còn bốn chiếc. Ba giải thích do ăn uống bị thiếu chất, răng rụng gần hết sau những năm đi học tập... Ba mất quyền công dân từ khi giải phóng cho tới năm 2013. Năm 2013 ba bị bệnh nặng, tình trạng như sắp ra đi, em đi làm thủ tục cấp chứng minh thư cho ba.
“Em muốn trước khi chết ba em là một công dân như bao người. Em nói với người ta: Cấp cho ba con giấy khai sinh để làm thủ tục khai tử. Người nhận lời giúp đỡ nói: “Ừ, ông ấy thì làm được gì nữa mà không cấp!”.
(hết trích)
Năm 1973, bên sông Thạch Hãn - Quảng Trị, người lính nhảy dù mười tám tuổi bị một viên đạn trổ từ sau lưng ra trước bụng, làm thủng bọng đái và đường tiểu. Vết thương quá rộng, phải chờ thịt mọc thêm ra mới phẫu thuật.
Tháng 4/1975, anh thương binh hai mươi tuổi vất vả tìm đường về lại quê hương Bến Tre, vui mừng nghĩ rồi sẽ chữa lành vết thương và sống đời dân sự. Vài lần sau đó, anh dành dụm tiền lên Sài Gòn tìm thầy, nhưng các bác sĩ Sài Gòn đã đi hết cả. Anh quay về, chấp nhận sống tiếp quãng đời dài còn lại với bịch nước tiểu đeo bên người.
Anh dựng một cái chòi ngoài đồng ruộng để sống bằng nghề nuôi vịt. Hai mươi bảy tuổi, mẹ cưới cho anh cô gái chăm chỉ khỏe mạnh ở cùng ấp. Cô chỉ biết về người chồng tương lai là anh ấy đẹp trai và rất hiền.
Ngày đầu tiên làm vợ, cô kinh hãi nhìn thấy cả đống dây nhợ chằng chịt quanh bụng chồng bên cạnh bịch nước tiểu. Và họ không thể sinh hoạt vợ chồng như mọi đôi lứa. Cô giấu sự thật, nói với người thân rằng họ không con vì anh bị… vô sinh.
Cha mẹ cô là Phật tử, mỗi ngày đều tụng kinh, cầu Đức Phật phù hộ cho con rể chữa lành bệnh. Cô sống đời người vợ đã được ba mươi sáu năm, còn chồng cô chịu đựng tình trạng ấy đã bốn mươi sáu năm…
Mỗi người kể
đều có tên họ thật, quê quán thật, địa chỉ thật và quá trình thật tác giả tìm đến
với các chứng nhân của cuộc chiến. Đến cuốn “Tôi
Là Con Gái Của Cha Tôi”, cách viết này càng được Phan Thúy Hà phát huy tối
đa.
Cô đã bỏ tiền túi của mình vào miền Trung, miền Nam, tìm mọi cách liên hệ gặp gỡ với những người lính “bên thua cuộc”, gợi chuyện họ, lắng nghe họ, hiểu họ, và chuyển tải những điều đó lên trang sách thực như vốn có.
Phan Thuý Hà là con của một người lính Bắc nhưng trong cuối sách cũng có thể là con của một người lính Miền Nam, đó là Quỳnh Anh, ba cô là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi học tập cải tạo sau 1975.
Cả hai cô gái đều yêu thương và tự hào về cha/ba mình. Những người lính ở chế độ phía Nam sau 1975 thảy đều bị nghi kị, bị phân biệt và cuộc đời họ đều phải vất vả, khổ cực. Phan Thúy Hà đã đến với họ như những người thân của cha mình, cô viết:
“Con gái của cha đã đi gặp các chú các bác, con thấy được hình bóng cha, con như đang trò chuyện với linh hồn cha”. Và như vậy, từ cuốn trước đến cuốn sau, cô đã viết nên một cuốn sử chiến tranh bằng những phận người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến từ cả hai bên mà hợp chung lại là phận người Việt đau thương.
Phan Thúy Hà đã tự mình gánh lấy vai trò “người viết sử” đặc biệt này. Đang là một biên tập viên văn học ở Nhà xuất bản Phụ nữ, ở tuổi ngoài ba mươi… cô xin nghỉ việc về nhà và bắt đầu hành trình từ Bắc vào Nam để tìm hiểu, ghi chép và viết về số phận những người lính ở cả hai bên chiến tuyến thời hậu chiến.
Viết xong cô xin giấy phép xuất bản rồi tự bỏ tiền in, tự phát hành vì muốn những cuốn sách mình tâm huyết làm ra đến được những người cần đọc. Hai cuốn sách cô viết khó định danh thể loại. Chỉ biết cô đã viết như một kiểu chép sử, tôn trọng tối đa sự thật từ những người trong cuộc kể lại.
Đôi khi cô mới bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình… nhưng chúng cũng chỉ là những nét gợi ý để độc giả tự tìm câu trả lời cho mình qua những gì được cô nghe và ghi lại.
Viết văn “phi hư cấu” (non-fiction) đòi hỏi người
viết nhiều thời gian “đi” và “thấy” hơn văn “hư cấu” (fiction).
Phan Thuý Hà viết tiếp "Những Trích Đoạn Của Các Anh" (2021, gồm 12 “trích đoạn”), trong đó có những trích đoạn rất thật về "đánh Mỹ", có những trích đoạn đau đớn ở Củ Chi, ở Quảng Trị.
Phan Thúy Hà không phải đang viết mà là… đang giữ máy quay phim giữa hai làn đạn, ghi lại một cách chân thực nhất sự khốc liệt của chiến tranh. Những câu chuyện trong sách, dù viết về bộ đội miền Bắc hay những người lính miền Nam, đều không phải từ góc độ “địch-ta” mà từ thân phận con người.
“Bác là một lính cối. Bị điếc đã hai chục năm. Mất thính lực hoàn toàn chứ không phải một phần. Nói chuyện với bác bằng cách viết ra giấy. Bác cầm cuốn sổ lên đọc câu hỏi, thả cuốn sổ xuống bàn, bắt đầu trả lời.
“Trong phòng khách chỉ có mình và bác. Một người chỉ nói. Một người chỉ viết. Giống như câm và điếc đang nói chuyện với nhau. Bác hay khóc. Trong một buổi chiều nói chuyện mà bác khóc ba lần. Khóc xong bác lại xin lỗi.”
("Những Trích Đoạn Của Các Anh")
Trích đoạn của cựu chiến binh Nguyễn Quý Hải, sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1970, lính xe tăng, từng tham gia liền hai trận đánh chiếm Đông Hà sáng ngày 9/4/1972:
“… Xe đi đầu bị trúng đạn, bốc cháy. Hai người trong xe nhảy ra. Mai - pháo thủ số 1, quần áo bắt lửa, nằm lăn lộn trên đất, lửa không tắt. Lửa cháy hết quần áo, cháy đến da thịt. Mai nằm bất động.
“Xe thứ hai lùi lại. Do trưởng xe không có quan sát phía sau để chỉ huy lái xe, nên xe đã trèo lên một bên xích xe thứ ba, bị lật nghiêng 90 độ, một bên xích chổng lên trời. Chiếc xe bên trái tôi bị trúng đạn. Xe bốc cháy, lửa cháy dữ dội, không nhìn thấy ai nhảy ra…
“Chiếc xe nằm gần cao điểm 30 quân đội Sài Gòn chốt giữ. Ngày hôm sau vào lấy xác các anh, nhưng đến nơi bị chó trên chốt sủa và pháo sáng bắn lên, phải lui ra. Đến lần thứ ba mới lấy được. Các anh cháy thành than, căn cứ từng đụn than trong xe mà bốc vào 4 cái bi đông đựng nước của xe mang đi chôn…”.
(hết trích)
Tiếp theo, Phan Thuý Hà cho ra đời cuốn “Gia Đình” dựa vào bối cảnh lịch sử của cuộc “Cải cách ruộng đất” vào những năm 1953–1956 nhằm phân chia lại ruộng đất nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc, phản động như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với Pháp.
Trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Karl Marx đã tuyên bố: "Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc". Dựa theo mô hình "thổ địa cải cách" của Trung Quốc năm 1946–1949, cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc.
Trong giai đoạn đầu, cuộc cải cách thu được kết quả tốt, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần của quân dân, khiến họ phấn chấn và tích cực chi viện cho kháng chiến chống Pháp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn sau, từ giữa 1955, do vội vã nhân rộng cải cách tới nhiều địa phương, trong khi trình độ dân trí lại thấp đã khiến việc thi hành bị mất kiểm soát, gây ra nhiều phương hại và tổn thất.
Nhất là trong việc nông dân quá khích ở các địa phương đã lạm dụng việc xét xử địa chủ để trả thù cá nhân, thậm chí xảy ra việc dân chúng vu oan và tấn công cả những đảng viên, cán bộ chính quyền.
Đến đầu năm 1956, cải cách bị đình chỉ, và suốt 1 năm sau đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch “nhận khuyết điểm và sửa sai”, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.
Tất cả các nhân chứng trong cuốn sách “Gia Đình” của Phan Thuý Hà đều mang một “chấn thương tinh thần không thể chữa lành”:
“Mười lăm tuổi, tôi là đứa trẻ sợ hãi. Đêm, bị nhốt trong chuồng trâu. Chân giẫm lên phân. Các thanh chắn chuồng trâu thưa, có thể chui ra ngoài nhưng tôi không dám. Quá nửa đêm, dân quân không canh nữa, tôi vẫn sợ. Tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ năm mười lăm tuổi. Nay tám mươi hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình. Cầm bút lên tôi lại run…”
(Lời của nhân chứng Trần Lệ)
Trong “Lời cuối sách” Phan Thuý Hà cho biết, cũng giống như những tác phẩm trước, các nhân vật trong “Gia Đình” đều là người thật, tên của nhân vật cũng là tên thật, câu chuyện của họ trong tác phẩm là sự thật trong ký ức của họ.
Như vậy, ở đây, tác giả không hư cấu mà chỉ viết lại lời kể từ điểm nhìn của nhân chứng. Thuý Hà cho biết, có câu chuyện trong tuyển tập này, tuy chỉ dài hai trang nhưng cô phải đi gặp tới bốn người, lắng nghe họ để ráp nối các sự kiện và dựng lại cho câu chuyện được đầy đủ.
Xem ra, tác phẩm “Gia Đình” còn là một công trình khảo sát xã hội. Không phải là khảo sát ở quy mô lớn, mà là khảo sát số phận những con người cụ thể. Phải chăng đó là một dạng thức nghiên cứu về “chấn thương tinh thần” của những con người nhỏ bé, đứng bên lề dòng thác khốc liệt của lịch sử, số phận bị quyết định bởi sự lựa chọn lịch sử của những “nhân vật lớn”.Cách viết của Thuý Hà khi xây dựng tác phẩm này giống như hái một nắm lá về sắc thuốc: cho lá thuốc vào nồi ấm đất, đun sôi để tạo ra nước cốt. Người sắc thuốc không tự tay tạo ra thuốc, không tác động vào nguyên liệu bằng kỹ thuật tinh xảo. Họ chỉ tạo điều kiện để thuốc tự ra đời.
Nói như vậy không có nghĩa “Gia Đình” không phải là một sáng tạo văn học… ngược lại, đó là một cách viết độc đáo. Tác giả sử dụng giọng văn triệt tiêu mọi cảm xúc chủ quan của chính mình.
Trong “Gia Đình”, chúng ta không thấy hình ảnh tác giả hiện lên trong câu chuyện, dù đó là cảm xúc hay quan điểm là của cô, mà chỉ có nhân vật người thật đang kể lại những chấn thương tinh thần của họ.
Cách viết của “Gia Đình”, do đó, làm cho giá trị của nó không dừng lại ở địa hạt văn chương, nói đúng hơn, nó không phải là văn chương theo cách hiểu truyền thống. Không biết thể loại của tác phẩm là gì, chỉ biết rằng, đó là một tác phẩm để chúng ta nhận thức về lịch sử một cách khách quan.
Phan Thúy Hà còn cuốn “Qua Khỏi Dốc Là Nhà” (NXB Kim Đồng, 2018) cũng thuộc dòng “phi hư cấu” mà gần như là “tự truyện”, lại bị “chìm” so với những cuốn trước, mặc dù có người rành về văn chương cho rằng, cuốn này về một số mặt còn hay hơn những cuốn trước!
Có thể xem “Qua Khỏi Dốc Là Nhà” chính là “chân dung tự họa”, không chỉ của bản thân và gia đình Phan Thúy Hà mà của cả một làng quê đúng là “vùng sâu vùng xa”, trong đó có xóm Trùa, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Năm anh chị em lớn lên trong thời bao cấp, thiếu thốn đủ thứ sau chiến tranh. Cuốn sách gồm toàn những chuyện rất bình thường, thậm chí là nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như chuyện hai chị em tranh nhau ngủ với bà, nỗi đau khi người bạn phải bỏ học, tình cảnh mẹ con đi bán nón, bán chè suốt buổi không ai mua, chuyện nữ sinh “tuổi mới lớn” bỡ ngỡ trước dấu hiệu giới tính…Cả đến chuyện con chó mực nhà chị Vân cũng làm bạn đọc thổn thức: khi gia đình chị dời vô Nam sinh sống, nhà dỡ rồi, nó vẫn về nằm trên nền đất cũ, chỉ khi sinh con, nó mới đến “tạm trú” bên thềm nhà Phan Thúy Hà; sau đó mất tích, ai ngờ nó ra nằm trên mảnh ruộng cũ nhà chị Vân cho đến chết!
Nhà Hà có con bê, do vô ý để nó bị cảm, bụng trướng mà tưởng nó ăn no, “suốt đêm bò mẹ rống lên cầu người cứu con mà không ai biết”; khi nó chết, Huân (em trai Phan Thúy Hà) “ôm bê khóc nức nở… Người ta đến nhà làm thịt con bê. Huân bỏ học, ngồi ở thềm cửa khóc bê hời hời…”.
Câu chuyện dân xóm Trùa lần đầu tiên được ăn mì tôm như là truyện cổ tích: “Một gói mì tôm, bà và 5 đứa cháu chia nhau. Còn bốn gói bà vùi trong thóc khỏi chuột gặm… Một đêm… mở mắt thấy bà đang mở cánh cửa sập. Bà bảo nghe loạt xoạt, đoán có chuột mò mì tôm…”.
Một hôm, Hà thấy bà bẻ nửa gói mì, còn nửa kia bà gói lại và nói “Bà thấy nhọc trong người…”. Thế là bà cháu nhen lửa để bà bồi dưỡng mì tôm. “Thìa cuối cùng, bà nhường cho mình. Ăn xong, hai bà cháu cười tươi. Bà lên giường ngủ ngon…”.
Lại nữa: “Cô giáo ốm, cả lớp góp tiền mua mì tôm tới thăm. Cô bảo lớp trưởng bóc hết ra mời các bạn. Mình đến lớp đem theo gói bột nêm bóc ra từ bao mì… Từng đứa xòe bàn tay ra chia đều liếm láp…”. Đọc chuyện thật mà như… bịa, thấy tội tội thương cảm một thời bao cấp… mà cũng ấm áp tình người.Dân xóm Trùa cũng có gia đình vô Nam, gặp điều kiện sinh sống dễ dàng, trở nên sung túc hơn. “Dốc quê nhà bây giờ cũng đã khác… Xe chở đất đi đắp đường…”. Cuộc sống khởi sắc, Phan Thúy Hà đậu một lúc 3 trường đại học, em trai được chọn Trường năng khiếu cấp Bộ ở Vinh…
“Qua Khỏi Dốc Là Nhà” là một câu chuyện với những tình tiết rất thật được diễn tả bởi ngòi bút Phan Thuý Hà qua đề tài “chuyện hàng ngày của người con gái nông thôn”. Người đọc hầu như đã bị “thôi miên” vì… “lối văn viết… như không viết gì”!
Người đọc ngưỡng mộ cô, không phải vì đã viết rất xuất sắc về cuộc cải cách ruộng đất như trong cuốn “Gia Đình”, không phải là di họa của hậu chiến tranh như “Đừng Kể Tên Tôi”, “Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi” hay "Những Trích Đoạn Của Các Anh".
Vì thế, những cuốn sách “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đánh giá cao. Người đọc hiểu thêm cái giá của chiến tranh cũng như cuộc sống của một thời bao cấp!
Phan Thuý Hà đã từng viết:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét