Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Viết về Huế

Trước hết, xin phải thú nhận, một chàng “Bắc kỳ” như tôi mà viết về Huế thì làm sao sánh kịp những nhà văn như Nhã Ca trong “Giải khăn sô cho Huế” hay “Cổng trường vôi tím”. Hình như phải uống nước sông Hương, phải thấy được núi Ngự, ngày ngày đi qua cầu Trường Tiền và chịu ăn ớt thật cay mới có thể lột tả hết những gì… rất Huế.

Tôi đến Huế khá nhiều lần trong những dịp khác nhau. Lần đầu tiên có mặt tại Huế là năm 1969, khi mới tốt nghiệp Thủ Đức. Đó không phải là lần ra “Vùng I Chiến thuật” như bạn đọc cứ tưởng đeo lon Chuẩn úy rồi lại chọn đơn vị ngoài đó.

Tôi ra Huế lần đầu trong đời chỉ vì có bà xã người “gốc” Huế [*]. Phải dùng chữ “gốc” vì bà xã cũng xa Huế từ ngày tốt nghiệp trường Cán sự Điều dưỡng. Thế là nhân dịp có những ngày phép mãn khóa, tôi đi ngay ra Huế để biết về quê vợ còn bà xã thì đã xa Huế lâu rồi nên không muốn mang tiếng là… mất gốc.

Hình chụp tại quê vợ

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống phi trường Phú Bài là bầu không khí trầm lắng ở Huế, khác hẳn Sài Gòn lúc nào cũng sôi động. Từ phi trường chúng tôi phải vượt cầu Đông Ba để về quê vợ, làng Thế Lại Thượng, nằm dọc theo nhánh của sông Hương. Làng rất gần chợ Đông Ba. Làng và phố chỉ cách một cây cầu, nhưng có sự cách biệt rõ ràng giữa vùng quê với phố thị.

Người làng Thế Lại Thượng vẫn tự hào có những người con “nổi tiếng” như Ngô Kha. Tôi để chữ “nổi tiếng” trong ngoặc kép vì về trường hợp Ngô Kha đã có những ý kiến trái ngược về con người của anh. Phía thân Cộng sản, xem Ngô Kha là liệt sĩ, hết lời tung hô. Phía bên quốc gia kết án Ngô Kha thân Cộng nên hết lời phê phán.  

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên của Trường Đại học sư phạm Huế, Ngô Kha làm giáo sư dạy Văn tại các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo. Anh hoạt động hăng hái trong phong trào đấu tranh đô thị, có ảnh hưởng sâu đậm trong thanh niên, sinh viên, học sinh Huế những năm 1960 - 1970, từng bị bắt giam, lần đầu vào năm 1961, bị đày ra Phú Quốc.

Ngô Kha là bạn thân với Trịnh Công Sơn và cũng là em rể của người nhạc sĩ nổi tiếng một thời của miền Nam. Đến ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị nhà cầm quyền bắt và thủ tiêu. Anh được Nhà nước Việt Nam công nhận liệt sĩ vào cuối năm 1981. Hiện này tại Huế có cả tên đường Ngô Kha lẫn Trịnh Công Sơn.

 Ông ngoại lần đầu tiên gặp cháu

Trở lại với lần đầu tiên về quê vợ ở làng Thế Lại Thượng. Huế lúc đó đã qua mùa lụt nhưng đường vào làng vẫn còn lầy lội. Trẻ con trong làng gọi nhau ra xem những người khách lạ, chúng xí xô những câu gì đó mà quả thật tôi không thể nào hiểu được! Tiếng Huế, giọng Huế và cả ngôn từ người Huế dùng hàng ngày sẽ là một bí ẩn đối với những người phương xa.

Có nhà ngôn ngữ học người Nhật nói vui là tiếng Huế có âm hưởng của tiếng Nhật. Chả là ông nghe được mẩu đối thoại của 2 người trên sân ga Huế: “Mi đi mô? / Tau đi ga ni / Ga ni ga chi? / Ga ni đi mô?...”

Có những từ ngữ đặc sệt chất Huế mà chỉ những người ở Huế mới có thể dùng được. Nhà văn Nhã Ca trong truyện “Con Bần” cho người đọc thấy một loạt những từ “rặt” Huế:  

"Bần. Bần. Cái con quỷ sứ đâu rồi, há, con tinh le le đi đâu rồi!"

Nghe tiếng bà chủ, con Bần lật đật chạy vô.

"Mi làm cái chi mà áo quần tóc tai... Mi chui ở bụi mô ra rứa há con yêu bánh nậm... Mi đã cơm nước cho cậu chưa, cái mặt rượng cả ngày, thấy cái mặt là muốn đạp cho một cái rồi. Cậu mô?"

"Dạ cậu ngủ."

"Ngủ thì cũng thức cậu dậy biểu cậu ăn. Con ni vô hậu tế đợi rứa."

Ngày xưa, một số gia đình người Bắc di cư vào Nam vẫn còn giữ lối xưng hô gọi bố là “cậu” và mẹ là “mợ” trong khi người Huế lại gọi bố là “chú” và mẹ là “mạ”. Như đã nói, bà xã tôi người Huế, nhưng lại là “Huế-mất-gốc” nên phải đợi cho đến khi về Huế mới thực sự tìm hiểu được một số tiếng Huế. Chẳng hạn như “chộ” là nhìn thấy; “ốt dột” là mắc cở; “nghể” là dòm, ngó

Tôi còn nhớ mãi một hôm Minh, cậu em vợ, nói nhỏ với tôi: “Anh có muốn đi “nghể” không hè?”. Tính hiếu kỳ khiến tôi gật đầu nhưng không biết “nghể” là cái chi mô. Hai anh em ngồi trên xe Honda SS50, ra gần đến cầu Trường Tiền thì thấy “một đàn bướn trắng” tan học về… Những chiếc áo dài tung theo gió từ sông Hương thổi lên, các cô nữ sinh nói cười trên những chiếc xe đạp…

Minh giải thích với tôi: “Nghể” là dòm đó anh…”. Quả đúng là tâm trạng của các anh si tình, mà trong truyện “Liêu trai Huế” Nhã Ca đã sửa lại thành:

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế dê chi cho khổ đời...!"


Mãi đến sau này tôi mới khám phá trong số các tà áo trắng tan học về trên cầu Trường Tiền, Minh có “chấm” một cô nhà ở gần cầu Đông Ba. Cô nữ sinh này có tên Diệu Hồng và sau đó trở thành “em dâu” của chúng tôi trước khi Minh vào Thủ Đức.

Ở quân trường Minh có biệt danh “Minh Trung Liên” chỉ vì giọng nói liến thoắng như súng trung liên, đã thế lại còn có giọng Huế nên bạn bè chỉ nghe trung liên nổ mà chẳng hiểu gì. Ra trường Minh chọn Sư đoàn 1 cho gần nhà, trấn giữ đồn Bastogne trong “Mùa hè đỏ lửa” 1972.

Minh đã gửi vợ con về “chạy giặc” tại Sài Gòn với gia đình tôi năm đó. Chỉ ít lâu sau, Hồng nhận được điện tín báo tin Minh đã “ra đi” tại tiền đồn Bastogne, điều đáng buồn hơn nữa, bức điện tín đến trước bức thư Minh gửi cho Hồng: “Em phải cám ơn VC vì nhờ đó em mới có dịp biết đến Sài Gòn”.

Trần Quốc Minh – Lê Thị Diệu Hồng là điển hình của chuyện tình thời ly loạn. Thật buồn vì nửa đường gãy ghánh nhưng cũng thật đẹp như trong tiểu thuyết ta thường đọc trong truyện của các nhà văn vào thập niên 70, nói lên hai sắc thái đặc thù của tình yêu và chiến tranh.

Đẹp hơn nữa, Diệu Hồng ở vậy nuôi con khi tuổi xuân còn đang độ. Bây giờ thì Hồng đã là bà nội kiêm bà ngoại, vui vầy bên các cháu. Tôi hoàn toàn không có ý ca tụng người Huế mà chỉ xin trích ra đây hai câu của nhà thơ Thu Bồn:

“Con sông dùng giằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

Sông Hương ngoài vẻ đẹp thơ mộng còn tạo cho người dân xứ Huế một nét “rất sâu”, từ lối sống bình dị đến cách suy nghĩ thâm trầm trong lòng người Huế. Tôi nghĩ chính dòng Hương Giang “dùng giằng không chảy” đã tạo ra một nền nếp gia phong cổ kính mà người vùng khác ít có cuộc sống hướng về nội tâm như vậy.

Tôi cũng không tin vào những chuyện dị đoan nhưng có gì đó trong bức hình cuối cùng còn giữ lại của Minh chụp tại phi trường Phú Bài khi đưa tiễn chúng tôi trong một chuyến về thăm quê ngoại. Trong tấm hình kỷ niệm của Minh với các cháu, phía góc trái, nếu chú ý sẽ thấy chữ “Đi”. Phải chăng đây là điềm báo ít lâu sau Minh vĩnh viễn “ra đi”!

Sau biến cố 1975, gia đình Hồng về sinh sống tại Sài Gòn, các em Hồng lần lượt vượt biên, được tàu Tây Đức vớt và định cư tại Đức. Sau đó, bố mẹ Hồng cũng được bảo lãnh sang ở với các con. Tôi còn nhớ, hành trang đi Đức của mẹ Hồng còn có cả thuốc cẩm lệ và trầu cau, bà sợ sang bên ấy thèm những thứ đã một đời gắn bó với mình.

Hồng và 2 con ở lại Sài Gòn trong một ngôi nhà khá lớn, nằm gần góc đường Hai Bà Trưng và Lý Chính Thắng. Tất cả yêu thương Hồng đều dành cho con và để đền đáp lại, hai đứa đều thành đạt và có gia đình riêng. Hồng sống với con trai lớn tên Thông và mỗi khi gia đình có chuyện quan trọng đều nhờ “ông anh rể” đứng ra giải quyết, kể cả việc chủ hôn cho con trai.

Năm 2008 chúng tôi lại về Huế và “không hẹn mà gặp” vợ chồng cháu Thông cũng từ Sài Gòn ra Huế thăm mộ ba Minh mới xây lại. Người Huế rất trọng việc xây mộ cho những người đã khuất. Có lẽ vì cố đô Huế có rất nhiều lăng mộ của các vua chúa triều Nguyễn nên người Huế luôn giữ truyền thống xây dựng và trùng tu lăng mộ của những người thân trong gia đình.

Gia đình bên vợ tôi có người chị lớn được coi như “người gác đền” của cả dòng họ. Chị Tư ngày xưa là giáo viên và anh Thọ, chồng chị, là giáo sư trường Quốc Học, cả hai là “đầu mối” quan trọng trong việc chăm sóc mộ phần của hai bên nội ngoại vì con cháu vào Sài Gòn lập nghiệp gần hết.

Gia đình anh Thọ - chị Tư có 7 người con nhưng hết 6 người đã vào Sài Gòn lập nghiệp từ đầu thập niên 80. Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng đắn cho con cái có cơ hội tiến thân. Thật tình mà nói, Huế với nếp sống trầm trầm chỉ thích hợp cho những người lớn tuổi, lớp trẻ ngược lại cần có một môi trường thích hợp hơn để bước vào đời. Ít ra thì Sài Gòn cũng là nơi có đủ điều kiện để những người trẻ tiến thân.

Quây quần bên các cháu nhân ngày Tết tại Sài Gòn

Với khả năng tài chính hạn chế trong chuỗi ngày điêu linh, chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện ăn ở cho những cháu đi “tiên phong” trong cuộc… “Nam tiến”. Chỉ chừng một năm sau các cháu không những đã có thể tự lo cho mình mà còn dìu dắt lớp em tiếp tục… “tiến về Sài Gòn”.

Phải chăng đó cũng là truyền thống của người dân xứ Huế “đất cầy lên sỏi đá” nhưng luôn biết cách đùm bọc lẫn nhau để vượt qua mọi thử thách. Xứ Huế vốn nổi tiếng là “đất học” nên những bác sĩ, kỹ sư như đám cháu tôi ngày nay đều đã là những người có vai vế trong xã hội và có thể ổn định cuộc sống.

Hằng năm cứ vào dịp Tết các cháu đều thu xếp để về thăm nơi chôn nhau cắt rún, sống lại thời thơ ấu bên bố mẹ già và hưởng một cái Tết gia đình đầm ấm. Tôi nghĩ anh Thọ - chị Tư đã phải hy sinh rất nhiều về mặt tình cảm trong những ngày con cái ở xa. Sự hy sinh đó được đền bù bằng vài ngày Tết bên đông đủ con, cháu. Được như vậy chắc cũng là quá đủ.

Đại gia đình anh Thọ - chị Tư (Ảnh trên FB Trần Gia Quốc Việt)

Tôi đến Huế rất nhiều lần, mỗi lần đi đều có mục đích khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau. Trước 1975, đa số các chuyến về Huế đều bay bằng phi cơ của Air Vietnam nhưng có lần được tin ông ngoại các cháu mất tôi xin được chỗ trên “Air Khaki” của quân lực VNCH để ra Huế cho kịp đám ma.

Kể từ khi Sài Gòn thất thủ, phương tiện chính là phi cơ của Vietnam Airlines nhưng cũng có một lần tôi ra Huế bằng đường bộ khi đi cùng đoàn sinh viên Mỹ rong ruổi từ Nam ra Bắc. Chuyến đi thật thú vị vì có dịp ghé nhiều nơi để tận mắt thấy được đời sống của người dân tại các địa phương mà đoàn có dịp ghé qua.

Khi còn viết cho báo Vietnam Investment Review, tôi đến Huế để viết một phóng sự về Festival năm 2000. Tại Festival có sự góp mặt của nhiều quốc gia để giới thiệu về văn hóa tại Thành Nội, ngoài ra còn có những hoạt động văn hóa khác diễn ra tại nhiều địa điểm trong thành phố, chẳng hạn như núa rối nước, làng thư pháp, công viên tượng bên bờ sông Hương…

Công viên các tượng đài bên cầu Trường Tiền (chụp năm 2000)

Festival Huế 2000 còn có ngày khai mạc “Chợ quê ngày hội” ở xã Thủy Thanh, cách Huế khoảng 8km. Đây không phải là chương trình chính của Festival nhưng người làm báo luôn tìm đến các “góc khuất” để tìm hiểu. Anh Thọ cũng chiều ý, lấy Honda dẫn tôi đến một địa danh chỉ vì đã từng nghe câu ca dao người Huế thường nhắc đến:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui...”

Tại xã Thủy Thanh có “cầu ngói Thanh Toàn”, một chiếc cầu nhỏ hình vòng cung, bắc qua một con mương. Theo sách vở, đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Ở Hội An có Chùa Cầu to hơn nhiều, được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17, nhưng Cầu ngói Thanh Toàn ở Huế là công trình hoàn toàn do người Việt xây dựng. 

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng cách đây hơn 2 thế kỷ theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài chưa đầy 20m, rộng khoảng 5m, thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để khách bộ hành ngồi nghỉ. Trên cầu có mái che được lợp ngói lưu ly nên mới có tên “cầu ngói”.

Vào thế kỷ 16, trong số những di dân từ Thanh Hoá theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây tạo nên 12 họ khai canh của làng Thanh Toàn cho nên mới có câu “Ai về cầu ngói Thanh toàn…”

Cầu được xây dựng vào năm 1776, do một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong trần cho bà là “Dực Bảo Trung Hưng Linh phò” và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.

Cầu ngói Thanh Toàn (chụp năm 2000)

Chuyến về Huế năm 2006 là một chuyến về quê ăn giỗ kết hợp với một chương trình du lịch “hoành tráng” lên đến 8 người, gồm con cháu, dâu rể hội tụ từ nhiều nơi trên thế giới: Mỹ, Úc và dĩ nhiên là cả Việt Nam.

Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của chúng tôi là anh Thọ. Nói cho vui vậy thôi chứ những hướng dẫn viên “chuyên nghiệp” chỉ là học trò của anh về mặt kiến thức về đất Thần Kinh. Nói không ngoa, giáo sư Thọ là một “Nhà-Huế-Học-thầm-lặng”, không phô trương nhưng bất cứ những gì thắc mắc về Huế anh đều có thể trả lời ngay hoặc cùng lắm là xem lại sách vở. Tôi thật sự biết nhiều về Huế, cả xưa lẫn nay, qua những lần hai anh em trò chuyện.      

Anh Thọ, hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ”

Chúng tôi đi khắp Đại Nội, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Bảo Quốc… đến những lăng tẩm của các vua chúa thời Nguyễn ngày xưa như Khải Định, Minh Mạng, Gia Long, Đồng Khánh…Tuy nhiên, đối với các thành viên trẻ, ẩm thực Huế lại là điều hấp dẫn vì vừa được tìm hiếu lại vừa được… no bụng. Chẳng khác nào “vừa được ăn, được nói lại vừa được gói mang về”.  

Ngoài món “bún bò Huế” hay còn được gọi là “bún bò giò heo” đã từng nổi tiếng trên cả nước, Huế còn có những món độc đáo như chè. Khi nói đến chè, người ta liên tưởng đến vị ngọt nhưng ở Huế có món “Chè bột lọc bọc thịt quay”. Như vậy là có một lại chè vừa ngọt, vừa mặn, hai hương vị tưởng chừng như đối nghịch nhau nhưng có thử mới biết. Ăn thấy lạ miệng nhưng nhiều người khó tính lại chê: “Chè gì mà lại có cả thịt!” . Nhân tâm tùy… mạng mỡ là vậy.

Xin có ít dòng về bánh khoái ở Huế. Đây là một loại giống như bánh xèo ở miền Nam nhưng nhỏ hơn và đổ dầy hơn. Điểm đặc biệt của bánh khoái là nước chấm. Bánh xèo có nước chấm là nước mắm hoặc mắm nêm nhưng bánh khoái lại dùng… nước lèo.

Nước lèo dùng nguyên liệu chính là gan heo, thịt nạc băm nhuyễn thêm vào đó là mè rang, đậu phụng giã nhỏ và nước tương đậu nành. Thành phẩm là một loại nước sền sệt, vị bùi bùi khi chan vào miếng bánh vàng rụm khiến ta có cảm giác “khoái” khẩu.

Người lớn tuổi, sành ăn lại có một cách giải thích khác về cái tên bánh “khoái”: ngày xa xưa để có được miếng bánh khoái người ta phải dùng củi, gặp củi ướt trong những tháng mưa dầm thì gian bếp mù mịt khói. Vì thế có tên bánh “khói” nhưng khổ nỗi người Huế phát âm “khói” thành “khoái” nên sau này người ta chỉ biết thưởng thức bánh khoái chứ không hề biết đến cái tên “bánh khói”!

Riêng tôi lại thích món “tré” Huế. Đây chỉ là một món “ăn chơi” nhắm với bia hoặc rượu cũng tựa như món nem. Khác với nem chỉ toàn thịt sống được để lên men, tré là hỗn hợp của da heo ram trước cộng với tai heo, trộn đều với tỏi, riềng, mè, thính, muối, đường, gói chặt bằng lá ổi và phía ngoài cùng là những khúc rạ được bó ở hai đầu.

Tré cũng cần thời gian để “chín”… Miếng tré cho vào miệng nhẩn nha sẽ cảm nhận được vị béo bùi của mè, vị mặn mà lẫn ngọt ngào của gia vị. Lại thêm độ dòn sừn sựt của thịt đầu heo, vị nồng đặc trưng của riềng, mùi thơm của thính, của lá ổi khiến người thưởng thức một lần sẽ không bao giờ quên.

Biết sở thích của tôi nên chị Tư mỗi dịp có ai vào Sài Gòn thế nào cũng gửi vào chục tré. Chị đâu biết giờ này tôi đã lớn tuổi, răng cỏ cái còn cái mất, nên không cảm thấy ngon khi nhai những miếng da heo, tai heo như ngày nào!

Tré Huế (hình Internet)

Quá nhiều chuyện để viết về Huế! Nhưng thôi cũng đành chấm dứt tại đây với một bức hình trong số hàng trăm hình ảnh của Huế mà tôi đã thu vào ống kính. Hình được chụp từ chùa Thiên Mụ, nhìn xuống giòng Hương Giang và xa xa là dãy núi Ngự Bình. Tất cả đều đượm… chất Huế:

Sông Hương, núi Ngự nhìn từ chùa Thiên Mụ (2006)

***

Chú thích:

[*] Đọc “Saigon Stories” tại

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 


Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

4 nhận xét:

  1. Tất cả các món ăn Huế và Đà Nẵng thì bà già này trong một lần đến Huế và Hội An đã đi ăn cho bằng được rồi, răng cỏ còn tốt lắm nên măm rất ngon lành.. :)

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã có dự định viết về Huế từ lậu nhưng chưa có thời gian. Bài viết này xuất hiện "sớm" cũng là vì yêu cầu của một số ban hữu, trong đó có M.!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những di tích bị tàn phai theo năm tháng, làm đau lòng người hoài cổ và bảo tồn di tích lịch sử, trong đó có bà già này.. rất buồn thiu khi vào viếng khu lăng tẩm của các phi tần, mặc dù giữa trưa rất sợ ai đó quanh quẩn quanh lăng, nhưng vẫn vào và chụp cho bằng được mấy tấm hình..
      http://ttm0123a.blogspot.com/2014/03/chi-khiem-uong.html

      Trước khi viết về Huế tập 2 thì anh cố gắng về Huế một lần, nhớ rủ chị đi cùng và nếu được cho Bà già này cùng một số bạn hữu đi cùng. Vì M chỉ ghé Huế có một ngày mà thôi.

      Xóa
  3. Dù chỉ là rể Huế nhưng kiến thức về xứ Huế rất phong phú

    Trả lờiXóa

Popular posts