Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Viết tiếp về ông bạn già

(Tiếp theo “Ôi… cái văn chương”)

Tôi đọc 5 tập sách đánh máy, một đống bản thảo viết tay trên vở học trò, cộng thêm cuốn băng ghi âm những sáng tác của ông bạn già… Ông phải ghi lại những gì ông viết vào điện thoại vì bản thảo của ông đã lên đến vài ngàn trang giấy viết tay.

Tôi gợi ý sao ông không mở một account trên Facebook để có một cầu nối với con cháu và bạn bè? Ông bạn già thật tình nhìn nhận là mình đã “lạc hậu”, chẳng biết một tí gì về IT và giờ thì đã quá muộn để bắt đầu học…

Bản thảo ghi âm cũng có cái hay của nó. Giống như ta nghe “đọc truyện trong đêm” và nhất là lại được nghe chính giọng của tác giả. Nhưng cũng có cái phiền là khi muốn bình luận về những gì ông bạn già viết thì phải “mổ băng”… Theo thuật ngữ của các nhà báo, “mổ băng” có nghĩa là nghe lại từng đoạn ghi âm rồi đánh lại trên máy vi tính. Công việc có phần nhiêu khê hơn thủ thuật “copy and paste” trên máy vi tính mà ta hay dùng ngày nay.

Năm tập bản thảo đánh máy của ông bạn già

Sáng tác của ông bạn già và cũng là sui gia của tôi gồm hai mảng chính: cả văn lẫn thơ. Nghe và đọc văn của ông khiến tôi nghĩ đến Lê Xuyên của ngày nào. Lê Xuyên, theo một số nhà phê bình văn học, là một trong tứ đại văn hào của miền sông nước Nam bộ, ba người khi là Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Hồ Hữu Tường.

Khác với Lê Xuyên, ông lấy bút hiệu rất chân chất: Xóm Bến! Văn của ông không pha chút sex như Lê Xuyên trong “Chú Tư Cầu”, không nang tính cách của vùng Đông Nam Bộ như trong “Đò dọc” của Bình Nguyên Lộc mà cũng chẳng nghiêng về sưu tầm khảo cứu như Sơn Nam hay Hồ Hữu Tường.

Văn của ông Xóm Bến “rặc” chất Nam bộ với những… “mèn ơi, chịu hông, trớt quớt, biết chết liền, ngồi chò hỏ, ôm xà nẹo, rành sáu câu, lăng xăng như gà mắc đẻ, chắc như ba bó bỏ vô một giạ…”. Ngay cả thơ cũng… “y chang” như hơi thở chân chất của vùng sông nước Cửu Long:

“A! Lão làm vườn, viết được thơ?!
Quanh năm, cầm cuốc với cầm gờ
Tay kéo tay dằm, tay xới đất
Tay nào cầm viết, để làm thơ?...”
(Trích từ bài thơ “Tơ tầm nghiệp dĩ” 
trong tập “Ta bước vào ta – Tuổi bảy mươi”)

Cũng trong tập thơ vừa dẫn, ta bắt gặp lối “hành thơ” của ông đồ Trần Tế Xương của miền đồng bằng Bắc bộ “quanh năm buôn bán ở ven sông…” nhưng thơ của ông Xóm Bến lại rặc chất Nam bộ. Chẳng hạn như bài “Lẩn thẩn”:

“Rủ rỉ, rù rì ta với ta
Cãi cọ, dang ca một mình hà
Lẩm bẩn, lầm bầm người đâu tá?
Mình nói mình nghe… ta với ta.

Lẩn thẩn, lần thân với tuổi già
Con cháu chung nhà, như ở xa
Quẩn quanh lên xuống thang lầu vắng
Lủi củi, lui cui quạnh quẽ nhà.

Sân trước tiêu điều, dăm chậu cảnh
Hè sau lặng lẽ có ai mà
Chỉ muốn có người cùng chia sẻ
Cảm thông chia sẻ lúc tuổi già”

Bản thảo viết tay của ông bạn già

Viết riêng cho tôi, ông tâm sự:

“Ai biểu ta là sui gia
Mà lại còn là đồng tuế
Ngẫm lại…
Cổ lai nhân thế
Chẳng đã bảo rằng:
Sui gia ngày càng gần..
Họ hàng rồi sẽ rời xa…”

Thơ riêng cho tội

Tôi chợt nghĩ đến hiện tượng “một ngôi sao đang lên và sắp xuống”.

Xóm Bến tựa như một ánh sao lẻ loi xuất hiện một cách leo lét trên bầu trời đêm của văn học. Ánh sao đó mờ nhạt nhưng nếu có dịp đến gần ta bỗng thấy nó lóe lên một thứ ánh sáng cô đơn để rồi sau đó chợt tắt giữa muôn vàn vì sao trên trời.

Tôi nói như vậy không phải vì tác giả là ông bạn “đồng tuế” hay vì là “sui gia” với tôi. Tôi chỉ đơn giản chợt phát hiện ở ông một tâm hồn thơ văn bình dân nhưng giàu cảm xúc. Một tiếng nói cô đơn giữa một rừng người. Chỉ đơn giản vậy thôi!

***

* Hẹn các bạn một dịp khác sẽ tiếp tục viết về ông bạn già của tôi.


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts