Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

Cặp bài trùng Ba Giai - Tú Xuất


Vào cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, miền Bắc nổi lên môt cặp bài trùng Ba Giai - Tú Xuất. Họ được những người hâm mộ văn chương-thơ phú đất Hà Thành yêu mến vì những câu chuyện tiếu lâm vừa ý nhị lại vừa châm biếm.

 

Tranh minh họa về Ba Giai - Tú Xuất của Nguyễn Quang Toàn

 

Ba Giai là một danh sĩ nổi tiếng, được biết nhiều bởi tài làm văn thơ hài hước nhắm vào các đối tượng chính là quan lại tham nhũng và các trọc phú sống giữa những kẻ bần hàn, khố rách áo ôm.

Tú Xuất tên thật là Nguyễn Đình Xuất, người gốc Hà Tây. Ông là con trai của cụ Nguyễn Đình Lập, từng làm tới Đốc học ở Hà Nội. Ngày nay, con cháu dòng họ Nguyễn Đình ở làng Chuông vẫn lưu lại mộ phần, hương khói, thờ cúng cụ Lập.

Cả hai ông đã tạo nên một giai thoại Ba Giai - Tú Xuất, mà người đương thời thường ca tụng “thứ nhất Ba Giai, thứ hai Tú Xuất”. Cả hai ông đều là những người thông minh, tr thức nhưng số phận khiến họ thất bại trong khoa cử, từ đó sinh ra tính hay bông đùa, trêu cợt, đặc biệt là đả kích vào những thói hư, tật xấu và những tiêu cực của xã hội.

Người biên soạn truyện Ba Giai - Tú Xuất đầu tiên là nhà văn Nguyễn Nam Thông, căn cứ vào bản in năm 1934 do Tân Dân Thư Quán xuất bản tại Hà Nội. Qua văn bản của ông, chúng ta thấy rõ công sức của người biên soạn khi sắp xếp các truyện theo ý đồ riêng. Cụ Nguyễn Nam Thông đã gần như viết lại các chuyện kể dân gian bằng ngôn ngữ đương thời, gần gũi với các nhân vật.

Năm 1937, Nguyễn Nam Thông làm chủ bút tờ Đông Tây Tiểu Thuyết và thường viết tiểu thuyết lịch sử. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm: “Ba Giai” (NXB Tân Dân, Hà Nội, 1931); “Tú Xuất” (NXB Tân Dân, Hà Nội, 1930); “Đàn bà dễ có mấy tay” (Tân Dân Thư Quán Hải Phòng, 1930); “Thằng ăn mày giàu nhất tham nhất thế giới” (Tân Dân Thư Quán, Hà Nội, 1930)… 

 

Tác phẩm “Ba Giai - Tú Xuất”

 

Nhà nghiên cứu Vũ Văn Luân là người đã dày công sưu tập được bản in viết về Ba Giai - Tú Xuất từ Thư viện ở Paris. Ông Luân cho biết:

“Đối chiếu tộc phả dòng họ Nguyễn ở Hồ Khẩu cho thấy, ông Ba Giai là con trai thứ 3 của cụ Nguyễn Đình Báu nên người ta thường gọi là Ba Giai. Ngày nay, con cháu nhiều đời sau của cụ Ba Giai vẫn đang sinh sống tại phường Bưởi, quận Tây Hồ. Như vậy, đây là một nhân vật có thật, sinh sống vào những năm thuộc thập niên 50 của thế kỷ XIX”.

 

Ông Vũ Văn Luân, nguyên là thầy giáo dạy văn đã nghiên cứu về nhân vật Ba Giai-Tú Xuất

 

“Ba Giai - Tú Xuất” đã vượt qua sự đào thải của thời gian, không đơn thuần là những truyện cười, giải buồn… mà hơn hết, nó là một tác phẩm văn học theo trào lưu hiện thực, phê phán xã hội nhiễu nhương ở đô thị đương thời.

Chẳng hạn như truyện “Gặp cô hàng mắm tôm chợ Đồng Xuân” xem ra thật… ý nhị! Sài Gòn có chợ Bến Thành trong khi ở Hà Nội có chợ Đồng xuân… cả hai chợ vốn dĩ là nơi người bán hàng thường thể hiện những “kỹ sảo” trong việc buôn bán.

Truyện bắt đầu khi Ba Giai khăn áo chỉnh tề ra Hà Nội. Ông vào trọ ở một nhà hàng cơm, trong lúc chuyện trò, bà chủ nhà trọ cho biết:

- Chẳng giấu gì ông, lẽ ra tôi còn bán hàng ở chợ Ðồng Xuân nữa, nhưng không thể nào chịu được mấy con ả cực kỳ đanh đá chua ngoa, mỗi đứa một phách, nhất là cô ả hàng mắm tôm.

Ba Giai ra vẻ anh hùng đáp:

- Có gì mà phải sợ, nó đã chua ngoa đanh đá, thì mình phải có cách trị nó, bà hiền quá chứ vào tay tôi thì…

Bà chủ quán nguýt một cái rồi trả lời:

- Thôi, ông ơi, tôi cũng van ông thôi, du côn ở đây còn kiêng mặt bọn chúng, chứ người như ông, chúng nó coi ra gì.

- Bà nói thế, nếu tôi trị được chúng nó thì bà mất gì đây?

- Trị chúng nó à? Ông mà trị được thì tôi cho không ông hẳn một phòng để ở, nuôi luôn cơm rượu mãn đời, không bao giờ lấy tiền.

- Bà nói chơi hay nói thật?

- Tôi nói thật đấy. Nếu không tin tôi thề có trời đất quỷ thần chứng giám.

- Thôi, thế thì được, sáng mai, bà sẽ xem tôi sẽ vào cuộc ngay.

Ngày mai, vào lúc gần trưa, Ba Giai cởi trần, chỉ mặc một cái quần “vận”, không giây lưng, hay dải rút, rồi gài mấy đồng tiền kẽm bên lưng quần, ra đi.

Tới ngoài đường, Ba Giai nhặt một miếng lá chuối bên đường, phủi sạch đất bụi, rồi tới chỗ cô hàng bán mắm tôm ở cửa nam.

- Cô bán cho hai đồng mắm tôm !

Cô hàng bảo:

- Lấy cái gì mà đựng?

Ba Giai chìa miếng lá chuối ra:

- Cô đổ vào đây, tôi đùm lại tạm vậy.

Cô hàng sơ ý, lại cũng rắn mặt, nên chẳng ngần ngại liền múc ngay mắm tôm đổ vào miếng lá chuối được đặt giữa lòng hai bàn tay ông khách. Xong, ông khách bảo:

- Phiền cô lấy hộ tiền, tôi dắt nơi cạp quần đây này.

Cô hàng tưởng ông khách quê mùa chất phác, không dè vừa đưa tay vào cạp quần lấy tiền, Ba Giai thót bụng lại, tức thì chiếc quần tụt xuống ngay. Ba Giai la ầm ĩ:

- Chết chửa, sao giữa thanh thiên bạch nhật, cô lại cởi quần tôi ra thế này, “của” tôi cũng như “của” người khác, có gì lạ đâu?

Cô hàng mắm tôm xấu hổ đỏ mặt, vội kéo quần Ba Giai lên. Ba Giai lại thót bụng, quần lại tụt xuống, ông lại kêu lên:

- Cô làm gì thế này? Tôi đã bảo “của” tôi cũng như “của” người khác, chẳng có gì lạ mà!

Cứ như thế đến mấy lần, sau cô ta phải đổ mắm tôm trở lại, rồi chạy đi lấy nước rửa tay cho Ba Giai để ông tự vặn lấy quần lại, rồi cầm tiền ra đi.

Lúc ấy, các bạn hàng và người mua bán bu lại xem đông, làm cô hàng mắm càng ngượng ngùng, xấu hổ thêm. Sau đó, cô phải nghỉ luôn cả mấy ngày, từ đó cũng bỏ bớt tính chua ngoa, đanh đá.

Trưa hôm ấy về, bà chủ hàng cơm nghe người thuật lại, liền thết Ba Giai một bữa cơm thật no say!

 ***

Tú Xuất cũng thâm thúy không “kém cạnh” Ba Giai. Ông lên án xã hội xưa với những con người chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân với những thói xấu điển hình đã được phô bày.

Khi ông vào nghỉ tại một quán trọ ở bên đường cái quan, ở đó, đã có anh chàng bán mèo đến trước, ngồi chễm chệ trên giường, bên cạnh để đầy lồng nhốt đầy mèo. Tú Xuất đành ngồi giường dưới.

Chủ quán thấy vậy đề nghị với anh buôn mèo cho Tú Xuất nằm giường trên kẻo bất tiện nhưng người buôn mèo không chịu, lý sự rằng “Tôi tưởng cái phép ở hàng quán, ai đến trước thì ngồi trên, ai đến sau ngồi dưới, tôi đã ngồi đây thì cứ ở đây”.

Tú Xuất nghe nói thế, bèn bảo là không phải tranh cãi nữa. Ðến đêm, thừa lúc người bán mèo ngủ say, Tú Xuất lẻn dậy, khẽ tháo mấy cái que cài miệng lồng. Bao nhiêu mèo đều chui ra hết, con nào con nấy, tự do đi lại, leo trèo khắp nơi, kêu rầm rĩ.

Người buôn mèo giật mình thức dậy, vội vã gọi nhà hàng giúp bắt mèo. Lúc đèn thắp sáng rồi, người buôn mèo thấy con ở mặt đất, con ở giường trên, con giường dưới, có con leo tận xà nhà!

Tú Xuất ở giường dưới, lúc đó thấy động, cũng thức dậy, trỏ tay vào lũ mèo, nói: “Giống mèo cũng khôn ngoan và lý sự lắm đấy! Chà, con nào ra trước thì được ngồi trên cao, con nào ra sau thì phải ngồi dưới thấp”.

Người buôn mèo biết là Tú Xuất nói kháy mình, nhưng không dám nói gì, vì còn phải lo tìm bắt lại lũ mèo vừa thoát. Thế là Tú Xuất đã dạy cho anh chàng buôn mèo kia một bài học về đối nhân, xử thế.

 

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đình tại làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội)

 

Cặp bài trùng Ba Giai - Tú Xuất bỡn cợt không chừa một ai, từ quan tổng đốc, tri phủ, tri huyện, chánh tổng, hào lý ở địa phương đến những người buôn bán ở chợ tỉnh chợ quê. Hễ cứ thấy họ nghênh ngang cậy tiền, cậy quyền thế để ức hiếp kẻ khác yếu hơn mình, ngứa mắt là hai ông chọc ghẹo gây cười để làm nhục họ cho bõ ghét.

Không rõ Ba Giai gặp và kết bạn với Tú Xuất như thế nào và vào lúc nào. Theo tài liệu của ông Lữ Huy Nguyên kể lại trong bản kể về truyện Ba Giai Tú Xuất của mình thì hai ông thường gặp gỡ rủ nhau chơi bời vào thời gian giữa hai lần quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội (1872 và 1882).

Lúc đó Ba Giai đang theo học cụ cử Tiến Song Ngô Văn Dạng ở trường Đại Tập Kim Cổ gần ngôi nhà số 7 phố Hàng Bè, nơi thân mẫu của giáo sư buôn bán ở đó. Có lẽ cùng từ quan hệ học hành thi cử mà hai ông kết thân với nhau.

Người miền Bắc có một câu ca dao về Ba Giai để nói lên tầm ảnh hưởng của ông trong cuộc sống hằng ngày:

“Hễ ai mà nói dối ai,

Thì mồng một Tết, Ba Giai đến nhà!”

 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts